Bài Khai Bút 2010 Khóc Cho Quê Hương:
Có Án Tử Hình Không ?
Nguyễn Duy Thành
Thứ Bảy, ngày 2 tháng 1 năm 2010
http://www.vietvungvinh.com/Portal.asp?goto=VietNam/2010/20100102_04.htm
Chuyện công lý lắng đọng một thời gian. Nay dư luận truyền thông lại nổi sóng tranh luận nhiều chiều. Trường hợp của cựu Trung tá QĐND Trần Anh Kim đã được rõ ràng qua công luận bởi phiên tòa đã kết thúc. Tuy nhiên, điểm sôi bỏng đang gây nhiều chú ý nhất, tạo nhiều tranh cãi nhất trên các diễn đàn vẫn là phiên tòa sắp tới tại Sài Gòn, đối với 4 nhà đấu tranh dân chủ là: Lê Công Định. Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Thăng Long cùng một số nhân vật can dự vào vụ việc.
Mặc dầu đã có các Luật sư tại quốc nội lý giải rành mạch một số vấn đề, đồng thời một số cựu Luật sư tại hải ngoại cũng đã phân tích rõ ràng. Nhưng xét chung, tất cả đều kết luận rằng: Kết án các nhà đấu tranh này là vi phạm Hiến pháp.
Do đó, trong hiểu biết hạn hẹp của người viết bài này đã từng có hoàn cảnh giống như 4 vị sắp ra Tòa nói trên, nghĩa là từng bị chuyển đổi tội danh, từng nhận cáo trạng, từng đứng trước vành móng ngựa, từng thụ án, chỉ khác thời điểm là 1981, và nay là 2010. Tuy nhiên, qua theo dõi kỹ càng thì 2 Điều 79 và 88 cũng như trình tự pháp lý đối với người bị bắt, và cách thức làm việc của các cơ quan thụ lý vụ án vẫn không thay đổi. Bởi vậy, xin lấy Điều Luật cũng như thực tế của nhà tù để giải thích môt số điểm căn bản, nhằm giúp mọi người thông hiểu, nhất là các nhà đấu tranh dân chủ có thêm kinh nghiệm để đề phòng cũng như né tránh được hậu quả, hầu giữ được tính mạng và an toàn cho tổ chức đấu tranh.
Trước hết, đa số câu hỏi trên truyền thông tranh luận rằng. Tại sao trường hợp của ông Trần Anh Kim bị đưa ra xét xử riêng rẽ tại tỉnh nhà của ông là Thái Bình, mà không xử chung với 4 nhà dân chủ nói trên tại Sài Gòn?
1) Muốn tường tận điểm này, đầu tiên cần phải tham khảo thật kỹ bản Cáo Trạng số: 09/ VKSTC-V2 của 4 vị nói trên. Cáo Trạng này được soạn thảo tại Hà Nội ngày 23 tháng 11 năm 2009, do TUQ. Viện Trưởng Kiểm Sát Viên Nguyễn Hồng Vinh ký tên và đóng dấu. Cáo Trạng dài gần 15 trang này được gởi đính kèm theo Hồ sơ vụ án, gồm có16 tập được đánh dấu theo độ dày từ trang 01 đến trang thứ 4.396 tờ. Có 4 nơi nhận hồ sơ này là: 1) TAND TPHCM (tức Sài Gòn). 2) VKSND TP HCM. 3) Cơ Quan ANĐT Bộ Công An. 4) Bị Can.
Đây là điểm khá lạ lùng mà người viết đã từng trải qua nhưng vẫn không hiểu! Là Cáo Trạng và bộ hồ sơ này cần được bảo mật và gởi đến các cơ quan pháp lý liên quan, mỗi khi phiên tòa chưa khai mở nhưng tại sao đã phát tán rộng rãi trên Internet, mà nguyên tắc phần lớn Bị can chỉ được nhận và đọc trong thời gian chưa đầy 24 tiếng đồng hồ, nghĩa là Bị can sẽ không được giữ Cáo Trạng ngủ qua đêm tại phòng biệt giam?
Riêng về trường hợp của ông Trần Anh Kim thì trong suốt nội dung Cáo Trạng, sự liên quan của ông không được nhắc đến nhiều, ngoại trừ trong phần Kết Luận tại trang số 10, Bản Cáo Trạng chỉ ghi ngắn gọn như sau:
Đối với Trần Anh Kim có hành vi tham gia tổ chức phản động có tên Đảng Dân Chủ Việt Nam với vai trò Phó Tổng Thư Ký, đã bị cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Thái Bình khởi tố điều tra về tội Hoạt Động Nhằm Lật Đổ Chính Quyền Nhân Dân theo điều 79 Bộ luật Hình sự, do đó cơ quan an ninh điều tra không xem xét xử lý Trần Anh Kim trong vụ án này (Trích nguyên văn)
2 ) Có thể suy luận rằng, việc đưa ông Trần Anh Kim về tỉnh nhà Thái Bình để xét xử là điểm chủ yếu, mà giới cầm quyền Hà Nội muốn dằn mặt những thành phần phản kháng chế độ có nhân thân như ông Kim, nghĩa là thành phần kỳ cựu thuộc Quân Đội-Cán Bộ-Công Chức có tư tưởng phản đảng, mà đa số thành phần này đang ở ở miền Bắc, nơi mà đảng CSVN đang lo sợ họ vùng lên. Vì thế, (dùng) ông Trần Anh Kim trong phiên tòa Điển hình nhằm cảnh cáo răn đe các mầm mống đối kháng còn lại, và Thái Bình là nơi tốt nhất. Vì tại Hà Nội sẽ gây ra nhiều sự ồn ào, nhất là mặt truyền thông quốc tế. Xa hơn nữa, bắt ông Kim để trước mắt hù dọa trấn áp Khối 8406 mà ông đang là thành viên chủ chốt.
Tại sao 4 Nhà đấu tranh dân chủ sắp ra tòa tại Sài Gòn bị chuyển đổi tội danh???
Không có gì để tranh luận làm mất hòa khí đấu tranh. Theo kinh nghiệm tù tội của cá nhân, thì phần lớn người vi phạm điều 88 là một mình. Nhưng nếu có thêm người tham gia trong vụ án thì tự nó chuyển qua Điều 79 tức là đã có Tổ Chức, và khung Hình phạt sẽ nặng hơn.
Ví dụ: Nếu Ls Lê Công Định đơn thân viết bài như ông từng viết trước đây, rồi gởi lên internet kêu gọi nhà nước cải cách, và hành động này đã làm cho giới cầm quyền lo sợ và bắt ông, như thế họ sẽ xử ông theo điều 88, tức: Tuyền Truyền Chống Phá Nhà Nước. Nhưng mỗi khi ông Định đã qua Thái Lan họp hành, có người móc nối ông, có ý định soạn thảo tân Hiến pháp..vv. Như vậy đã có tổ chức hẳn hoi thì tầm quan trọng của vụ án đã vượt ra ngoài khuôn khổ của điều 88.
Nhưng tại sao lúc đầu nhà nước buộc ông tội này?
Đây là điểm chính yếu mà các nhà đấu tranh dân chủ nên để ý. Vì (có thể) nói, tin tình báo hay cơ quan an ninh khi bắt ông đang trong dạng Gà mờ, nghĩa là chỉ đọc lệnh bắt đại loại.. theo nhận định.. Nhưng qua quá trình thẩm cung thì mọi chuyện tự nó lòi ra, và tự nó cấu thành có quan hệ và móc nối với 3 người còn lại. Do đó, cơ quan thụ lý hồ sơ căn cứ vào Bộ Luật đã quy định mà chuyển qua một tội danh khác. Lấy ví dụ như trường hợp người viết bài này là lúc đầu cũng bị bắt theo Biên Bản là điều 79. Nhưng trong quá trình thẩm cung không tìm ra đồng phạm, nên phần Kết cung phải chuyển qua Điều 88, và tuyên phạt với bản án lút cán của Điều Luật này.
Điểm gì giống và khác nhau giữa Dư Luận và Cáo Trạng. Liệu có án Tử Hình không?
Lâu nay toàn bộ Truyền thông chủ yếu tập trung bình luận vào hai nhà đấu tranh dân chủ, nhất là ông Lê Công Định rồi đến ông Nguyễn Tiến Trung. Vì cho rằng 2 ông là người cầm đầu tổ chức, và nhiều suy đoán cùng lo ngại là sẽ có án tử hình đến với một trong hai người này. Nhưng suy luận trên đã hoàn toàn trái ngược, nếu không muốn nói là sai hoàn toàn khi đọc được bản Cáo Trạng đang phổ biến trên internet.
1) Bởi, bản Cáo trạng dài 14 trang rưỡi trong 15 trang, thì phần Luận Tội chiếm mất 8 trang. Nhưng trường hợp của ông Trần Huỳnh Duy Thức đã chiếm hơn 4 trang. Đặc biệt toàn bộ văn phong cay cú, ngôn từ bóp cổ thì Viện Kiểm Sát đều đặt hết ở phần ông Thức, và cuối cùng phần Kết Luận là quan trọng nhất của Cáo Trạng được trích nguyên văn như sau:
Trần Huỳnh Duy Thức là đối tượng chủ mưu cầm đầu tổ chức có tên gọi Nhóm Nghiên Cứu Chấn và chịu trách nhiệm thành lập tổ chức có tên gọi Đảng Xã Hội Việt Nam, để tập hợp lực lượng cho Đảng Dân Chủ Việt Nam (ngưng trích)
Chứng tỏ ông Thức là người cầm đầu vụ án như Cáo Trạng đã kết luận.
2) Trường hợp ông Nguyễn Tiến Trung tuy trong phần Luận Tội có hành văn nhẹ nhàng hơn. Nhưng cũng bị phần Kết Luận của Cáo Trạng cho là chủ mưu cầm đầu, nguyên văn trong phần Kết Luận của Cáo Trạng được trích như sau:
Nguyễn Tiến Trung là đối tượng chủ mưu, cầm đầu tổ chức có tên gọi Tập Hợp Thanh Niên Dân Chủ..Nghĩa là Cáo Trạng cũng kết luận ông Trung là người cầm đầu tổ chức.
3) Trường hợp ông Lê Công Định thì hoàn toàn trái ngược với dư luận. Vì phần Kết Luận của Cáo Trạng chỉ cho rằng ông Định chỉ là người tham gia, mà nguyên văn được trích như dưới đây:Lê Công Định là đối tượng tham gia hoạt động tích cực trong tổ chức phản động có tên gọi Đảng Dân Chủ Việt Nam.. ..
Tức chỉ là tham gia. Đặc biệt so với 3 ông Thức- Trung và Long thì ông Định có thời gian tham gia và hoạt động ngắn nhất.
4) Trường hợp ông Lê Thăng Long cũng tương tự như ông Định, nhưng có khác là tự ông tách riêng thành lập một tổ chức khác, mà hình thức theo Cáo Trạng tường thuật thì trở lại dạng ban đầu là Chấn hay Dùng Đoài Đánh Đoài, rất khó hiểu vì như huyền thoại hay coi bói mà Cáo Trạng cũng không giải thích. Hơn nữa, người viết cũng không cao tay ấn để lý giải về lãnh vực này.
Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là tuy ông Định và ông Long trong phần kết luận của cáo trạng chỉ cho là đối tượng tham gia. Nhưng trong phần quyết định truy tố thì ông Định cùng bị xử khoản 1 của Điều 79 với hai ông Thức và Trung. Riêng trường hợp ông Long thì xử theo khoản 2 của điều 79.
Chiếu theo bản Cáo Trạng đang được phổ biến trên internet. Qua các phần: Luận tội, Quyết định, Kết luận và Sơ khai lý lịch, thì chứng tỏ rằng những Bản án đối với 4 nhà đấu tranh dân chủ đã được sắp xếp từ Bộ Chính Trị, chứ không phải do Tòa án Sài Gòn quyết định. Và sự sắp xếp này lộ rõ ý đồ chính trị không chỉ nhằm trấn áp dằn mặt phong trào phản kháng, mà có thể còn liên hệ đến vấn đề quốc tế trong mặt Nhân quyền và Ngoại giao nếu Hà Nội bị sức ép của dư luận. Bởi, trường hợp của ông Định thì được người Mỹ chú ý, vậy mức án cao hay thấp mà CSVN dành cho ông để sau này kỳ kèo ăn xin, nếu chính phủ Mỹ quan tâm đến ông. Còn ông Nguyễn Tiến Trung thì được Pháp và khối Liên Âu quan tâm, nhưng bị quy kết vào tội cầm đầu chủ mưu thì mức án cao bao nhiêu? Và các quốc gia muốn quan tâm đến số phận của ông, thì giao kèo mặc cả như thế nào để có lợi cho CSVN? Đây không phải là suy luận mà là thực tế thuộc đường lối ngoại giao của giới cầm quyền Hà nội trước đây, vẫn thường lấy các tù nhân lương tâm để làm trò chơi chính trị. Muốn thấy rõ được trò chơi này thì hãy nhìn qua Campuchia, một số người đấu tranh từ Trung Quốc trốn qua xin tỵ nạn. Nhưng vì muốn ký kết trên 10 hợp đồng trị giá trên 1 Tỷ mỹ kim. Nhà nước Campuchia sẵn sàng giao trả số người này cho Trung Quốc, mà lẽ ra hoàn cảnh của họ xét theo Công ước tỵ nạn 1951, và Nghị định thư năm 1967 là đầy đủ tư cách tỵ nạn chính trị dưới sự bảo trợ của Cao ủy tỵ nạn Liên Hiệp Quốc. Hoặc như quốc gia Lào có quyền từ chối 4.000 người Hmong không đội trời chung với cộng sản. Nhưng Lào vẫn chấp nhận thả Cọp về rừng trong đó có sự dàn xếp để Tướng VàngPao từ Mỹ về, mà chỉ mới cách đây vài năm ông Tướng này bị ra tòa, vì tội mua bán vũ khí để chuẩn bị lật đổ chính phủ Lào. Tại sao ông VàngPao được tha bổng, điều kiện gì???. Tất cả chỉ là trò chơi chính trị.
Nhưng trường hợp của ông Thức thì khá đáng quan ngại vì thuộc thành phần thảo dân không ai biết đến! Cho nên, trò chơi giết người để rung cây nhát khỉ mà cộng sản Việt Nam ngang nhiên sử dụng để trấn áp giới trí thức Việt Nam, thì biết đâu sẽ có bản án dựa cột! Tuy nhiên, chỉ số này rất thấp, có khi là không có. Vì xét qua nhiều yếu tố căn bản toát ra từ nội dung của Bản Cáo Trạng, thì tính bạo động hay tầm mức gây nguy hại cao cho chế độ vẫn không thấy xuất hiện. Nhưng rất khó để tiên đoán! Vì quá khứ của công cuộc đấu tranh đã chứng minh. Ngay từ năm 1975 ở các vụ án chính trị như Nhà thờ Vinh Sơn tại Sài Gòn, cho đến nhiều phong trào phản kháng tại Huế 1978-1981 của các Giáo sư như: Nguyễn Văn Nhuận, Tống Châu Khang, Phạm Lự, và hàng trăm người khác đều nhận Cáo Trạng buộc tội cầm đầu chủ mưu, tương tự như trường hợp của ông Thức. Và lẽ ra bản án chết sẽ không nên có với họ, nhưng tất cả phải ăn bữa ăn cuối cùng và dựa cột trong trò chơi giết người để dọa người của Việt Cộng.
Cho nên trong hoàn cảnh đấu tranh với một chính thể độc tài như CSVN, thì việc hoạt động bí mật là một điều hết sức cần thiết. Bài học vỡ lòng này không ai dạy cho các nhà đấu tranh dân chủ bằng chính đối thủ của mình.
Chúc 4 nhà đấu tranh dân chủ may mắn và kính chào Bạn đọc.
NGUYỄN DUY THÀNH.
No comments:
Post a Comment