Thursday, January 28, 2010

CHÍNH SÁCH THƯƠNG MẠI và TIỀN TỆ của TRUNG QUỐC bị ĐẢ KÍCH tại DAVOS

Chính sách thương mại và tiền tệ của Trung Quốc bị chỉ trích tại diễn đàn Davos
Đức Tâm
Bài đăng ngày 28/01/2010 - Cập nhật lần cuối ngày 28/01/2010 13:21 TU
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/121/article_6651.asp
Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos các quan chức Trung Quốc đã vất vả để trấn an cộng đồng quốc tế rằng việc duy trì đồng nhân dân tệ ở tỷ giá thấp và gói kích cầu của Trung Quốc cũng nhằm giúp phục hồi nền kinh tế thế giới.

Ngay trong những ngày đầu tiên của diễn đàn kinh tế thế giới Davos, Thụy Sĩ, bên cạnh cuộc tranh luận về mức độ can thiệp, điều tiết của nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng, chính sách thương mại và tiền tệ của Trung Quốc cũng trở thành tâm điểm của các chỉ trích.
Các nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo ngân hàng, tài chính nhiều nước bày tỏ lo ngại về khả năng của Trung Quốc kiềm chế hiện tượng nền kinh tế bị hâm nóng, quá tải, do các biện pháp kích thích chạy theo tăng trưởng của Bắc Kinh.
Theo AFP, các quan chức Trung Quốc tại Davos đã khá vất vả để giải thích và trấn an rằng việc duy trì đồng nhân dân tệ ở tỷ giá thấp và gói kích cầu 196,1 tỷ đô la cho năm 2009 không chỉ vì lợi ích quốc gia mà còn giúp phục hồi nền kinh tế thế giới.

Trong bài phát biểu ở ngày đầu tiên tại diễn đàn Davos, tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã không ngần ngại chỉ trích Trung Quốc và nhấn mạnh rằng cán cân thương mại mất cân đối cản trở tiến trình phục hồi kinh tế thế giới. Tỷ giá tiền tệ là vấn đề mấu chốt của tình trạng nói trên.
Ông Sarkozy tố cáo, bất ổn định về tỷ giá và duy trì tỷ giá thấp của một số đồng tiền quốc gia ngăn cản thương mại công bằng và cạnh tranh lành mạnh.

Nhà tỷ phú George Soros cũng ủng hộ lời kêu gọi của châu Âu và Hoa Kỳ đòi Trung Quốc nâng giá đồng nhân dân tệ và theo ông, điều này không chỉ tốt cho Trung Quốc mà còn đối với cả các nền kinh tế khác trên thế giới.
Đồng thời, ông Soros tỏ ý bi quan về khả năng của Bắc Kinh kiểm soát tín dụng và đối phó với nguy cơ kinh tế bị hâm nóng do đầu cơ trong lĩnh vực bất động sản. Theo giới chuyên gia, đây là một trắc nghiệm quan trọng đối với chính phủ Trung Quốc.

Vào lúc nền kinh tế đang bị quá tải, tỷ lệ tăng trưởng trong lĩnh vực địa ốc và đầu tư chứng khoán đã làm dấy lên mối lo ngại về lạm phát. Do vậy, vừa qua, Bắc Kinh đã buộc các ngân hàng giảm khối lượng tín dụng để hạ thấp nhịp độ buôn bán đầu cơ về bất động sản và xe hơi.
Bảo vệ lập trường của Bắc Kinh, phó thống đốc Ngân Hàng Trung Ương, ông Chu Dân, cho rằng việc duy trì đồng nhân dân tệ ổn định trong một thị trường biến động nhanh là điều rất quan trọng, tốt cho Trung Quốc cũng như đối với thế giới.
Theo lập luận của chuyên gia này, thì hạ giá đồng đô la, có nghĩa là Trung Quốc phải tăng giá nhân dân tệ, nhằm khuyến khích thương mại, có thể gây tổn hại cho các đồng tiền của những nước châu Á và đây là nguyên nhân của cuộc khủng hoảng tài chính giữa những năm 90 thế kỷ trước.

Đại diện Ngân Hàng Trung Uơng Trung Quốc nêu lên hiện tượng « carry trade » tức kinh doanh đầu tư chênh lệch lãi suất. Cụ thể là khi đô la bị mất giá, lãi suất thấp, giới kinh doanh tài chính đổ tiền vào các thị trường mới trỗi dậy, nơi có lãi suất cao.
Hiện tượng này vẫn đang diễn ra một cách ồ ạt đối với đồng đô la Mỹ. Ngân hàng Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ đang giữ lãi suất ở mức thấp lịch sử, để tạo đồng đô la rẻ. Theo Bắc Kinh, nếu Washington tăng lãi suất, các nguồn đô la Mỹ sẽ nhanh chóng rút ra khỏi châu Á để quay về thị trường Hoa Kỳ.

Theo một số chuyên gia, cuộc khủng hoảng tài chính tại châu Á năm 1997-1998 đã xẩy ra sau khi có hiện tượng "carry trade," kinh doanh chênh lệch lãi suất đối với đồng yen Nhật Bản.
Phó thống đốc Ngân Hàng Trung Uơng Trung Quốc cảnh báo là tất cả mọi người đều lo ngại đến việc luồng vốn đầu tư chuyển hướng và đây là một rủi ro rất lớn trong năm nay.

Tuy nhiên, lập luận của Trung Quốc khó có sức thuyết phục. Bởi vì nếu Washington tăng lãi suất, thì đồng đô la Mỹ sẽ lên giá. Xuất khẩu của Hoa Kỳ sẽ bị giảm sút và hậu quả là làm tăng thâm hụt cán cân thương mại. Trung Quốc đang có một khoản dự trữ ngoại tệ khổng lồ trong đó đô la chiếm đa số. Bắc Kinh sẽ hưởng lợi nếu đô la tăng giá.

Đây không phải là lần đầu tiên châu Âu, Mỹ và Trung Quốc tranh luận về thâm hụt thương mại và chính sách tỷ giá. Diễn đàn Davos là dịp để phương Tây tiếp tục gây sức ép, đòi Trung Quốc phải hành xử có trách nhiệm với tư cách là một nước lớn, có nền kinh tế đứng hàng thứ ba hoặc thậm chí thứ hai trên thế giới.


No comments:

Post a Comment