Monday, January 4, 2010

CHIẾN TRANH DẦU MỎ TRÊN BIỂN ĐÔNG

Chiến tranh dầu mỏ trên biển Đông * Resources Wars(Chapter 5) –
Michael T. Klare - Lê Hoàng chuyển ngữ - Nhóm chuyển ngữ Bauvinal hiệu đính
04/01/10
http://bauvinal.info.free.fr/

Phía cực tây Thái Bình Dương rộng lớn có cái neo thứ ba trong “vùng tam giác chiến lược”. Phía bắc là Đài Loan và TQ, phía đông là quần đảo Philippines, phía nam là Indonesia và Malaysia và phía tây là Việt Nam. Biển Đông là nơi tiếp xúc với các nước năng động và đầy sức mạnh nhất Châu Á. Từ nghìn xưa, tại vùng biển nầy vốn là ngã tư của giao lộ trên biển, được xem là nơi có tài nguyên dầu mỏ và khí đốt thiên nhiên với qui mô lớn đang nằm ngủ. Một vùng biển lớn hơn cả Vịnh Persique hay Caspi nhưng lại có hai điểm tương đồng rất lớn. Một là nằm trong vùng tranh chấp tài nguyên dưới đáy biển, các nước liên quan đều cho nguồn tài nguyên là lợi ích quốc gia nầy mang tầm quan trọng đối với sự sống còn và không từ nan việc sử dụng vũ lực. Sự hối thúc việc tranh chấp quyền chi phối tài nguyên ở biển Đông chính là tốc độ phát triển kinh tế vượt bậc của khu vực Châu Á-TBD. Cho đến khi rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1997-1999, kinh tế của các nước trong vòng đai Châu Á-TBD liên tục tăng trưởng đáng nể, đạt mức trên 10% mỗi năm. Mặc dù cuộc khủng hoảng kinh tế đã làm cho một số nước suy thoái hay giảm tốc nhưng ảnh hưởng của nó tương đối chỉ tác động trong một thời gian ngắn. Thí dụ như TQ và Đài Loan chỉ ở mức giảm tốc chút ít hay bị khựng lại mà thôi. Trước đó, nền kinh tế TQ liên tục tăng trưởng ở mức vượt 11%/năm. Nền kinh tế toàn khu vực đông Á bắt đầu hồi phục ở mức độ cao vào những năm đầu thế kỷ 21, được xem sẽ trở lại vai trò làm sức kéo đầu tàu cho nền kinh tế thế giới .
Song song với tăng trưởng kinh tế ở Châu Á trong suốt mấy chục năm qua là nhu cầu về năng lượng mỗi lúc một mở rộng. Nền kinh tế của 10 quốc gia và khu vực chủ yếu ở Đông Á (Indonesia, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Đài Loan,TQ, Nhật Bản, Philippines, Hồng Kông, Malaysia) tăng trưởng liên tục, ở mức 5.5%/năm trong hầu hết thập niên 90, gấp gần 10 lần tốc độ tăng trưởng của những nơi khác trên thế giới. Tốc độ gia tăng nhu cầu về năng lượng ở Châu Á trong những năm đầu thế kỷ 21 dự kiến có phần chậm lại, nhưng cũng sẽ ở mức tăng 3.7%/năm, vẫn vượt những nước khác trên thế giới. Người ta dự đoán rằng tỷ lệ tiêu thụ năng lượng của Châu Á cho đến năm 2020 sẽ chiếm 34% thế giới, còn lại là Bắc Mỹ 24% Tây Âu là 13%, các nước LX cũ và Đông Âu là 12% (xem bảng 1)

Bảng 1.Ước Tính mức tiêu thụ năng lượng của Châu Á(1990-2020)—đơn vị 100 tỷ BTU
http://bauvinal.info.free.fr/biendong/hinh/chientrandaumobd02.jpg

Sự gia tăng nhu cầu về năng lượng ở Châu Á, đặc biệt là mức tăng gia về dầu mỏ và khí đốt thiên nhiên sẽ rất lớn. Theo dự đoán ở thời điểm hiện nay thì vào năm 2020 mức tiêu thụ năng lượng ở của Châu Á là gần 50% sẽ phải dựa vào dầu mỏ và khí đốt thiên nhiên, đạt mức 33 triệu thùng dầu mỗi ngày( năm 1997 là 19 triệu thùng). Lượng chênh lệch 14 triệu thùng nầy tương đương với số lượng dầu mỏ hiện nay cho Trung Nam Mỹ, Trung Đông và các nước LX cũ cộng lại. Tất nhiên cho đến năm 2010, lượng khí đốt thiên nhiên cần thiết cũng sẽ tăng rất lớn không kém dầu mỏ tiêu thụ.
Đối với các nước Châu Á, việc đảm bảo dầu mỏ và khí đốt thiên nhiên với số lượng lớn như vậy sẽ là một vấn đề nan giải vì bản thân Châu Á không có nguồn tài nguyên phong phú đến như vậy. Dù là có TQ lẫn Indonesia là những nước có trữ lượng trung bình về dầu mỏ và khí đốt thiên nhiên thì không còn nước nào có tài nguyên qui mô lớn như vịnh Persique hay Caspi. Vào thời điểm cuối thập kỷ 1990 lượng dầu mỏ tiêu thụ ở Châu Á là 19 triệu thùng/ngày và sản lượng trong khu vực chỉ có 7 triệu thùng. Chênh lệch nầy sẽ tăng gấp đôi trong năm 2020 và lượng dầu phải nhập khẩu có khả năng lên đến 25 triệu thùng/ngày. Tình hình tiêu thụ khí đốt thiên nhiên cũng sẽ tăng tương ứng, hiện nay thì sản lượng khí đốt và mức tiêu dùng ngang nhau, nhưng sắp tới ngày càng phải dựa vào nguồn khí đốt thiên nhiên nhập khẩu (xem phụ lục 1).
Vấn đề nhu cầu về năng lượng ở Châu Á tăng gấp đôi sẽ gây ảnh hưởng lớn lên biển Đông qua 2 điểm sau. Một là các nước ven biển sẽ tìm cách khai thác tài nguyên đáy biển để giảm thiểu độ dựa vào nhập khẩu năng lượng. Hai là, các nước đông Á khác như Nhật Bản, Hàn Quốc dựa hoàn toàn vào tài nguyên nhập khẩu và việc chuyên chở hầu hết là đi qua vùng biển Đông vì vậy các nước nầy tìm cách ngăn chận mối đe dọa đối với việc cung cấp năng lượng ổn định là điều chắc chắn. Những nhân tố nầy đan xen vào nhau, biến biển Đông là nơi tranh chấp chung quanh vấn đề năng lượng trong khu vực.
Hiện nay cuộc tranh chấp về tài nguyên năng lượng đang dừng lại ở những cuộc đối đầu về vũ lực ở qui mô nhỏ và hầu hết là những cuộc đụng độ của các lực lượng hải quân của các nước chung quanh liên quan đến tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Trường Sa. Các nước đều tìm cách chiếm đóng nhiều đảo nhỏ, rặng đá ngầm chung quanh Trường Sa nhằm mở rộng vùng lãnh hải của mình. Ít nhất là 5 nước-khu vực (Đài Loan, TQ, Philippines, Việt Nam, Malaysia) xây dựng căn cứ quân sự trên các đảo thuộc Trường Sa để đánh đuổi nước khác ra khỏi quần đảo. Tính đến cuối năm 1999 đã có 13 cuộc đụng chạm như vậy xảy ra và có khuynh hướng ngày càng tăng (xem bảng 3).

Bảng 3. Xung đột quân sự trên Biển Đông (1988-1999)
http://bauvinal.info.free.fr/songngu/chientranhdaumobiendong.htm
Nguồn: Cục tình báo Bộ Năng Lượng Hoa Kỳ “Biển Đông” 1/2000 và tin tức của BBC online network

Những cuộc đụng chạm nầy thật đáng lo ngại ở một vài ý nghĩa nhất định. Cho tới nay, các nước đều tránh sử dụng vũ lực ở qui mô lớn nhưng có nhiều dấu hiệu cho thấy tình hình có thể trở nên căng thẳng. Trước tiên là TQ tăng cường thái độ cứng rắn, tạo ra một cuộc chạy đua vũ trang cho các nước chung quanh. Thêm vào đấy là chính phủ Philippines bắt đầu đưa “Hiệp ước phòng thủ hỗ tương” với Hoa Kỳ để loại trừ quân TQ ra khỏi vùng mà Philippines cho là thuộc lãnh thổ của mình. Hơn thế nữa, Nhật bản đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng của mình trong vùng nầy, yêu cầu Hoa Kỳ hỗ trợ về quân sự. Những cuộc đụng độ trên ở quần đảo Trường Sa từ nay về sau có thể có sự can dự của quân đội nhiều nước, trở thành ngòi nổ cho một cuộc tranh chấp qui mô lớn.
Khả năng xảy ra những cuộc tranh chấp không chỉ xảy ra ở biển Đông mà ở Châu Á, những cuộc chiến tranh giữa TQ và Đài Loan, Hàn Quốc và Triều Tiên cũng có thể bùng nổ. Tuy nhiên độ căng thẳng do cuộc chiến tranh lạnh vào thời kì đầu gây ra nay đã có phần giảm bớt (Nam-Bắc Triều Tiên đang tỏ ra muốn thống nhất) nhưng biển Đông thì tranh chấp chung quanh tài nguyên năng lượng đang trở nên nóng hơn và có nhiều dấu hiệu cho thấy sẽ ngày càng căng thẳng.

Địa chính trị học về năng lượng ở Châu Á


Đối với các nhà lãnh đạo ở các nước Châu Á sự tăng gia nhu cẩu năng lượng chắc chắn sẽ trở thành một vấn nạn khó khăn nhất trong vài chục năm tới. Tất nhiên cùng với sự phát triển kinh tế, không ít nước có đủ tài chính để khai thác các nguồn năng lượng mới hay mở rộng nhập khẩu nhưng nguồn nguyên liệu trong nước ngày càng cạn kiệt, những cuộc tranh chấp để đảm bảo nguồn nhập khẩu sẽ gay gắt khi nhu cầu năng lượng gia tăng. Điều nầy sẽ tác động sâu sắc đến tình hình chính trị ở Châu Á tạo ra nhiều đổi thay trong quan hệ song phương giữa các nước cũng như quan hệ quốc tế trên toàn thế giới.
Mối tương quan giữa nhu cầu năng lượng và chính sách đối ngoại giữa hai nước Nhật Bản và Trung Quốc-- là những nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất trong khu vực—sẽ đặc biệt trở nên mạnh mẽ. Cùng nhau hướng đến tăng trưởng kinh tế ở tốc độ cao trong thế kỷ 21 lại càng cần thiết phải đảm bảo năng lượng đòi hỏi. Lượng tiêu thụ năng lượng của TQ từ năm 2000-2020 dự kiến sẽ từ 44 x 1015 BTU lên gấp đôi, đạt mức 97 x 1015 BTU, Nhật Bản sẽ từ 20 X 1015 BTU lên 25 x 1015 Nếu những ước tính nầy chính xác, mức tiêu thụ của TQ và NB sẽ chiếm 1/5 năng lượng tiêu thụ của cả thế giới tương đương với mức tiêu thụ của Tây Châu Âu và Trung Nam Mỹ cộng lại (xem bảng 2).

Bảng 2. Tiêu thụ năng lượng của TQ-NB-HQ (1990-2020)
http://bauvinal.info.free.fr/biendong/hinh/chientrandaumobd04.jpg

Đàm bảo được một nguồn năng lượng to lớn như vậy là vấn đề lớn đối với lãnh đạo TQ lẫn NB. Trước hết, TQ có lợi thế hơn NB nhờ có tài nguyên dầu mỏ và khí đốt thiên nhiên phong phú trong nước. Cho đến năm 1993, TQ là nước xuất khẩu dầu mỏ, và hiện nay vẫn khai thác một lượng lớn ở trong nước, nhưng thế mạnh cơ bản của TQ là tài nguyên than đá dồi dào. Theo tính toán của PB Amoco vào năm 1999, tài nguyên than đá của TQ là 114.5 tỷ tấn chiếm khoảng 12% tài nguyên than đá của toàn thế giới. Chính phủ TQ có chủ trương tăng tỷ lệ tiêu dùng năng lượng bằng than đá, theo Bộ Năng Lượng Hoa Kỳ, tỷ lệ nầy là 74,5% vào năm 1977 sẽ tăng lên 77,4% trong năm 2015.
Việc trọng dụng than đá trong nước là thế mạnh của nền kinh tế TQ, nhưng về lâu dài thì ngược lại, sẽ trở thành một vấn đề lớn. Trước hết việc tiêu dùng số lượng lớn cho các nhà máy phát điện và công nghiệp sẽ gây ra nạn ô nhiễm không khí ở nhiều khu vực tác hại nghiêm trọng lên sức khỏe con người và môi trường, thêm vào đấy là lượng CO2 trong khí thải sẽ làm tăng hiệu ứng nhà kính, dự đoán năm 2020 TQ sẽ tăng lượng khí thải 20% trong khi ở Hoa Kỳ giảm 20%. Vấn đề thực hiện nghị định thư về biến đổi khí hậu của LHQ (kêu gọi các nước trên thế giới hợp tác giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính) sẽ rất khó khăn.
Mức dựa vào than đá sẽ ngăn cản sự phát triển của cơ sở hạ tầng cho giao thông khi số lượng xe hơi và máy bay ở TQ đang bắt đầu tăng cao. Vào thời điểm hiện nay, ở TQ chỉ có 2 chiếc xe/100 người (ở các nước công nghiệp phát triển khoảng 40 chiếc/100 người), số người sở hữu xe ô tô tăng theo tốc độ từ 12-14% /năm, nhưng có thể sẽ lên cao khi tỷ lệ người thu nhập trung lưu tăng nhanh trong những năm tới. Nhu cầu về dầu mỏ của TQ sẽ tăng một cách chắc chắn khi nền công nghiệp phát triển cùng với đà tăng về xăng dầu khi tỷ lệ sở hữu ô tô trong dân lên cao.
Để có thể thỏa mãn nhu cầu về năng lượng đồng thời giản thiểu lượng than đá sử dụng thì cần phải chuyển sang sử dụng khí đốt thiên nhiên và dầu mỏ ngày càng nhiều. Theo bộ Năng lượng Hoa Kỳ, lượng tiêu thụ dầu mỏ ở TQ năm 1997 là 3,8 triệu thùng/ngày sẽ lên đến 9,5 triệu thùng/ngày, tức 2,5 lần hơn vào năm 2020. Lượng khí đốt trong thời kỳ nầy sẽ từ 700 tỷ feet khối lên gấp 12,3 lần hơn, tức 8,600 tỷ feet khối. Liệu sản lượng dầu mỏ và khí đốt trong nước có thể thỏa mãn được nhu cầu nầy hay không là một nghi vấn. Vào thời điểm năm 1997, lượng sản xuất trong nước và lượng tiêu thụ dầu mỏ ở TQ là 3,2 triệu thùng/ngày và 4,4 triệu thùng/ngày, nghĩa là mỗi ngày phải nhập khẩu 1,2 triệu thùng. Chênh lệch nầy sẽ là 5,9 triệu thùng/ngày trong năm 2020. Tương tự, khí đốt thiên nhiên sẽ phải nhập khẩu ngày càng tăng.
Muốn hạn chế đến mức thấp nhất sự lệ thuộc vào dầu mỏ nhập khẩu, TQ phải tính đến việc tăng gia sản xuất dầu thô trong nước, nhưng mặc dù đã nỗ lực rất lớn, chính phủ TQ vẫn không thể nào nâng sản lượng của các giếng dầu hiện có vì trữ lượng của nhiều giếng dầu đã đến mức nghèo nàn. Nhà đương cuộc chính phủ TQ có chủ trương đẩy mạnh việc khai thác vùng trũng Tarim ở phía tây để bổ sung nhưng sản lượng dầu thô ở Tarim thấp hơn mức dự kiến. Việc tăng sản lượng ở các giếng dầu trong đất liền không mấy khả quan vì vậy chính phủ TQ chuyển hướng sang khai thác những giếng dầu ở đáy biển, không muốn lệ thuộc ngày càng lớn vào dầu thô nhập khẩu. Đó là lý do giải thích tại sao TQ rất quan tâm đến tài nguyên năng lượng ở biển Đông (Nam Trung Hoa) và biển phía Đông Trung Hoa (biển Hoàng Hải).
Hiện nay việc khai thác giếng dầu đáy biển của TQ tập trung vào Bột Hải, nằm ven biển phía đông và Châu Giang Hà Khẩu ở gần Ma Cao và Hồng Kông. Chính phủ TQ ngày càng quan tâm đến nguồn tài nguyên tràn trề hi vọng ở vùng vịnh. Năm 1992, chính phủ TQ ra tuyên bố chủ quyền tài nguyên đáy biển ở chung quanh quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa trên biển Đông, cho phép một loạt công ty phương tây quyền khai thác ở vùng biển thuộc Vịnh Bắc bộ của VN. Để bảo vệ lợi ích chiến lược quốc gia mới TQ đã mở rộng sự có mặt của quân đội trong khu vực nầy.
Mặt khác, đối với Nhật Bản là một nước nghèo về tài nguyên trong nước thì việc đảm bảo về năng lượng càng trở nên khó khăn hơn. 65% năng lượng tiêu thụ tại Nhật Bản là dầu mỏ nhập khẩu từ nước ngoài, trữ lượng dầu mỏ nội địa ở Nhật bản gần như số không, chỉ tương đương với 60 triệu thùng, chỉ đủ dùng trong 10 ngày. Than đá và khí đốt thiên nhiên có cao hơn, nhưng 99% lượng tiêu thụ than đá và 97% lượng khí đốt là phải dựa vào nhập khẩu. Một phần điện năng của Nhật bản được cung cấp từ phát điện nguyên tử, thủy điện hoặc than đá nhưng hơn 80% nhu cầu nguyên liệu về năng lượng là than đá, dầu thô, khí đốt thiên nhiên đều phải nhập khẩu để cung ứng.
Để giảm thiểu sự lệ thuộc vào dầu mỏ nhập khẩu, chính phủ Nhật Bản đã đầu tư khá lớn vào năng lượng hạt nhân. Hiện nay có 51 nhà máy phát điện hạt nhân đang được vận hành (một con số lớn thứ ba sau Pháp và Hoa Kỳ) và đang xây thêm 10 nhà máy nữa. Kế hoạch tự cung tự cấp về năng lượng hạt nhân bằng loại lò cao tốc chạy bằng Plutonium đã thất bại cay đắng. Vì thế trong một thời gian dài sắp đến Nhật Bản sẽ phải dựa vào nguồn năng lượng nhập khẩu.
Việc tiếp tục dựa vào nhập khẩu tất nhiên chịu ảnh hưởng của địa chính trị học. 75 % dầu thô Nhật Bản nhập khẩu từ Trung Đông và ngày càng lớn hơn khi nguồn dầu thô của các khu vực khác giảm sút. Hầu hết dầu thô nhập khẩu từ Trung Đông phải đi qua Ấn Độ Dương để vào eo biển Malacca(nằm giữa Indonesia và Malaysia) và chạy dọc theo biển Đông để tiến về Nhật Bản. Biển Đông còn có tuyến đường biển chuyên chở quặng sắt nhập khẩu từ Australia và khí đốt thiên nhiên hóa lỏng của Indonesia. Việc đảm bảo an ninh cho những tàu chuyên dụng qua lại trên những vùng biển nầy về lâu dài vẫn là một hạng mục ưu tiên về chiến lược của nước Nhật.
Nhật Bản và TQ tiêu thụ phần lớn năng lượng ở Châu Á nhưng các quốc gia-khu vực khác cũng sử dụng lượng dầu mỏ và khí đốt thiên nhiên ngày càng lớn. Indonesia, Thái lan, Đài loan, Philippines, Việt Nam, Malaysia cũng như vậy. .Hiện nay cũng có quốc gia có đủ nguồn tài nguyên trong nước đáp ứng nhu cầu của mình (Indonesia là dầu thô, than đá và khí đốt thiên nhiên; VN và Malaysia có tài nguyên dầu mỏ) nhưng từ nay về sau đều phải dựa vào nguồn nhập khẩu. Hơn thế nữa bất cứ nước nào dù là nhập hay xuất khẩu năng lượng thì cũng phải sử dụng vận tải đường biển. Điểm quan trọng nhất là, trừ Hàn Quốc, tất cả các nước-khu vực đều chủ trương quyền khai thác tài nguyên ở trên biển Nam Trung Hoa (biển Đông). Khả năng đối đầu với TQ và lẫn cả với nhau là điều có thể xảy ra.
Hàn Quốc và Đài Loan cũng là những nước nghèo tài nguyên năng lượng như Nhật Bản cho nên đối phó với nhu cầu ngày càng tăng, cũng là một vấn đề rất lớn đối với các nước nầy. Vào thời điểm năm 1999 lượng dầu mỏ tiêu thụ của Đài Loan và Hàn Quốc tổng cộng 2,9 triệu thùng/ngày(tương đương với lượng tiêu thụ của nước Đức) lượng tiêu thụ than đá và khí đốt thiên nhiên cũng lên một con số đáng kể. Từ quan điểm chiến lược, tình hình của Hàn Quốc lẫn Đài Loan rất giống với trường hợp của Nhật Bản. Nghĩa là sự lệ thuộc vào dầu thô từ Trung Đông rất lớn và đều phải đi qua tuyến đường hàng hải trên biển Đông.
Indonesia,Thái Lan, Việt Nam và Malaysia có một vị thế chiến lược hơi khác với các nước trên. Nước nào cũng có nguồn năng lượng ở một qui mô nhất định trong nước, và xuất khẩu một phần sang các nước chung quanh. Tuy nhiên ngoài Indonesia , các nước khác đều nhập ít nhất một phần năng lượng từ nước ngoài, bản than Indonesia có khả năng trở thành nước nhập khẩu dầu thô trong thế kỷ 21. Vì vậy tương tự như Hàn Quốc và Đài Loan, việc bảo vệ an ninh cho tuyến đường vận tải trên biển mang tính chất sống còn, là lợi ích quan trọng của quốc gia. Hơn nữa, hầu hết dầu mỏ và khí đốt thiên nhiên nằm dưới đáy biển—biển đông và khu vực chung quanh—điều đó càng gây lo ngại nhiều hơn trong việc đảm bảo an ninh của vùng biển nầy. Việc khai thác dầu mỏ ở đáy biển và đảm bảo an ninh lãnh hải ngày càng trở nên quan trọng hơn bao giờ.
Tình hình nầy càng trở nên bất ổn khi khu vực đặc quyền kinh tế(EEZ) chồng chéo lên nhau gây tranh chấp chủ quyền lãnh hải phức tạp giữa các nước. Thí dụ giếng dầu và khí đốt thiên nhiên thuộc vùng biển ở Vịnh Thái lan có 4 nước tranh chấp chủ quyền: Campuchia, Thái Lan, Việt Nam và Malaysia; giếng khí đốt thiên nhiên to lớn chung quanh quần đảo Natuna thì 4 nước Indonesia, TQ,VN và Malaysia tranh chấp chủ quyền. Giá trị của những vùng biển nầy càng tăng cao khi nhu cầu về năng lượng gia tăng. Trong tình hình nầy, chắc chắn những cuộc tranh chấp càng gay gắt và nhiều nguy hiểm bùng nổ. Trong số đó, độ nguy hiểm cao hơn cả là tranh chấp tài nguyên ở biển Đông.

Tranh chấp chủ quyền lãnh hải trên biển Đông
---trung tâm là quần đảo Trường Sa---


Từ xưa, biển Đông là con đường huyết mạch của vận tải quốc tế, ngày nay còn mang thêm tầm quan trọng khi vùng nầy được xem là nơi có nhiều tài nguyên, dù vậy đây cũng chỉ là những con số phỏng định vì chưa thực hiện được những cuộc đào thử, không có dữ liệu đầy đủ để kết luận. Bộ Tài Nguyên khoáng sản địa chất TQ báo cáo trữ lượng dầu thô lớn nhất là 130 tỷ thùng. Con số nầy vượt cả trữ lượng của Châu Âu và Trung Nam Mỹ cộng lại. Muốn xác nhận con số phỏng tính nầy phải tổ chức điều tra qui mô mới có thể xác định được. Nhiều nước chung quanh khu vực nầy chủ trương mạnh mẽ chủ quyền vì những khả năng to lớn đó, giữ thái độ sẵn sàng bảo vệ lãnh hải từ nước khác.
Lịch sử về khung pháp lý liên quan đến quyền sở hữu tài nguyên năng lượng dưới biển hiện nay vẫn còn mới mẻ, chưa có nhiều tiền lệ được áp dụng vì vậy đưa đến hệ lụy là cách giải thích theo quan điểm khác nhau rất lớn trong khi thích ứng. Theo Công ước về biển của LHQ (UNCLOS), vùng biển 200 hải lý tính từ bờ được gọi là vùng đặc quyền kinh tế(EEZ) của nước đó, trong trường hợp vùng biển nầy trùng lắp với một nước lân cận thì đường trung tuyến giữa hai nước được phân định là đường biên EEZ của mỗi bên. Nhưng nếu trong vùng biển nầy có nhiều hòn đảo, xảy ra tranh chấp chủ quyền của những hòn đảo nầy thì khả năng đưa đến một cuộc xung đột hay đối đầu là điều có thật.
Đường biên giới các nước ven bờ đan xen chồng chéo với vô số đảo rải rác trên biển như biển Đông là nơi gây nhiều ác mộng trong việc phân định EEZ. Thí dụ VN và TQ xung đột về lãnh hải vùng biển vịnh Bắc Bộ, Philippines và Malaysia cùng đòi chủ quyền ở vùng vịnh đông Borneo, Malaysia và VN cũng tranh chấp lãnh hải trong vịnh Thái Lan. Với bao nhiêu đó cũng đủ gây phức tạp nhưng còn có thêm TQ đòi chủ quyền tất cả quần đảo Trường Sa. TQ đưa đòi hỏi EEZ hầu hết biển Đông, tranh chấp thẳng thằng với nhiều nước đang chiếm giữ một phần quần đảo Trường Sa hay chủ quyền trên vùng biển chung quanh (quần đảo nầy) như Indonesia, Đài loan, Philippines, Brunei, Việt nam và Malaysia.
Có thể nói cuộc tranh chấp về tài nguyên năng lượng trên biển Đông cũng là tranh dành chủ quyền quần đảo Trường Sa. Quần đảo Trường Sa là vùng biển rộng 80,000 dặm vuông với khoảng 400 hòn đảo hay rặng đá ngầm, san hô rải rác, hầu hết là bị chìm trong nước khi thủy triều lên. Số đảo con người có thể sinh sống được rất ít. Quốc gia đưa ra chủ quyền toàn thể hay một phần như Đài Loan, TQ, Philippines, Brunei, VN và Malaysia. Riêng TQ và Đài Loan đòi chủ quyền trọn vẹn với lý do có quan hệ lịch sử lâu đời với những đảo nầy (xem bản đồ).
TQ cho rằng họ đã có chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa (tiếng Hoa gọi là Nam Sa quần đảo) từ đời nhà Đường (năm 618-907) với bằng chứng của nhà đương cụộc Trung Quốc, rằng họ đã có những hoạt động quân sự, vận tải trên quần đảo Trường Sa từ đời nhà Đường tuy nhiên hầu hết các chuyên gia tây phương thì những hoạt động nầy không liên tục, hầu hết là ngư nghiệp trên biển. Dù vậy năm 1992 Ủy ban thường vụ Hội nghị hiệp thương TQ(Quốc Hội) tuyên bố chính thức chủ quyền của TQ trên toàn bộ quần đảo Trường Sa, trong đó luật về vùng biển chung quanh và lãnh hải” cho phép quân đội giải phóng nhân dân (PLA) xuất trận mỗi khi có hành động xâm chiếm hoặc tấn công của nước ngoài.
TQ đã có hàng loạt hành động để biểu thị chủ quyền của mình trên toàn thể quần đảo Trường Sa như xây dựng căn cứ quân sự, hành động diễn tập quân sự trên biển, cấp quyền thăm dò, điều tra và khai thác các giếng dầu thuộc vùng biển chung quanh cho các công ty tập đoàn dầu mỏ quốc tế, thị uy bằng vũ lực (đối với ngư dân VN)…Chính phủ TQ đồng ý thương thảo với các nước chung quanh về tương lai của quần đảo Trường Sa, đồng thời tỏ thái độ tích cực nghiên cứu một kế hoạch cùng khai thác nhưng chủ trương quần đảo trường Sa thuộc chủ quyền của TQ thì không hề thay đổi.
Đối với TQ, các nước khác đã lấy căn cứ diễn biến của lịch sử và UNCLOS để phản biện. Hiện nay, thái độ cương quyết nhất là VN, tương tự như TQ, VN đưa ra những chứng cớ để chứng minh họ đã sở hữu và sử dụng quần đảo Trường Sa từ xa xưa (chủ yếu là tàu đánh cá đã đậu lại ở đây). VN còn là quốc gia đầu tiên cấp phép cho công ty nước ngoài đào các giếng dầu ở đáy biển Đông. Việc cấp phép cho công ty nước ngoài khai thác đã bắt đầu từ thời chính phủ Nam Việt nam(Việt Nam Cộng Hòa). VN đã cho bộ đội đóng giữ 20 hòn đảo, rặng đá ngầm trên quần đảo Trường Sa để củng cố chủ quyền của mình đồng thời duy trì việc khai thác dầu mỏ dưới sức ép của TQ.
Với tư cách là nước Trung Hoa Dân Quốc, Đài Loan đưa ra chủ quyền đối với toàn thể quần đảo Trường Sa, thái độ có mềm dẽo hơn so với TQ nhưng vẫn nói rằng phần lớn biển Đông là thuộc về lãnh thổ của họ dựa trên những chứng cứ lịch sử( nhiều động thái cho thấy TQ và Đài Loan hợp tác với nhau về vấn để Trường Sa vì cùng quan điểm) .
Phillipines nằm ở phía đông quần đảo Trường Sa, chủ trương một phần quần đảo nầy là của họ, gọi là các đảo Kalawan(đất tự do) và đã đặt căn cứ quân sự tại đây. Chính phủ Philippines đã cấp phép cho công ty dầu mỏ nước ngoài khai thác giếng dầu đáy biển ở vị trí giữa đảo Trường Sa và đảo Parawan.
Cuối cùng là Brunei và Malaysia cũng đưa ra chủ trương quyền của mình trên vùng biển phía Nam quần đảo Trường Sa. So với TQ, Đài Loan, Philippines và VN thì vùng biển nầy rất hẹp, có một phần chồng lên nước khác. Vương quốc Brunei là một nước nhỏ, nằm ven bờ biển bắc Borneo đòi vùng EEZ kéo dài thành một vệch trên biển Đông. Malaysia đưa ra yêu sách EEZ trên vùng biển quần đảo Natuna nằm ở cực nam biển đông và vùng vịnh Saba ở phía đông bắc đảo Borneo, đã xây dựng căn cứ quân sự trên một số đảo thuộc Trường Sa.

Xung đột vũ lực thường xảy ra trên biển Đông

Vùng biển gây tranh chấp giữa TQ với các nước
http://bauvinal.info.free.fr/biendong/hinh/chientrandaumobd07.jpg

Các nước có yêu sách về chủ quyền trên các đảo Trường Sa đểu tỏ thái độ muốn né tránh xung đột về quân sự nhưng cũng đã xảy ra nhiều cuộc đụng độ bằng vũ lực chung quanh việc chiếm giữ các đảo hay rặng đá san hô. Phần lớn xung đột vì các tàu đánh cá “xâm phạm lãnh hải” và cũng đã có nhiều cuộc đụng độ nghiêm trọng xảy ra.
Xung đột lớn nhất đầu tiên là bắt đầu từ tháng 3/1988 TQ chiếm đóng 6 hòn đảo trong khu vực VN chủ trương thuộc lãnh thổ của mình. Lực lượng hải quân của hai nước đã giao chiến, trong một thời gian ngắn 3 chiếc tàu của hải quân VN bị bắn chìm, 72 người bị giết hại. Đây là lần đầu tiên TQ sử dụng vũ lực ở quần đảo Trường Sa. Sau đó TQ tiếp tục chiếm đóng các đảo thuộc chủ quyền của VN, và xây dựng căn cứ quân sự theo qui mô nhỏ trên một số đảo. Phần lớn là tập trung vào vùng biển có mỏ khoáng mà nhà đương cuộc TQ đã kí kết hợp đồng thăm dò dầu mỏ cho công ty Creston của Hoa Kỳ vào năm 1992. Những khu mỏ nầy nằm trong EEZ của VN. Mặt khác chính phủ VN cũng đã cấp phép cho công ty Mỹ và Nhật bản quyền khai thác ở khu mỏ dầu bên cạnh. Chính phủ TQ tuyên bố sẽ dùng vũ lực đối với bất cứ nước nào cản trở việc điều tra dầu mỏ của công ty Creston. Chủ tịch tập đoàn Creston, Landoll C. Thompson lúc đó nói rằng” chúng tôi đã được lãnh đạo cấp cao của chính phủ TQ cam kết họ sẽ dùng hải quân bảo vệ triệt để” .
Hiện nay TQ đang cho tàu chiến của Hải Quân thường trú ở khu vực mỏ nầy, tăng cường sự có mặt trên những hòn đảo cướp đoạt được từ VN, uy hiếp rất nhiều lần đến các tàu VN đi vào vùng biển nầy, thí dụ như năm 1994 tàu của VN đi vào vùng biển nầy để tiếp tế cho tàu đang điều tra khoáng sản đã bị tàu chiến của Hải quân TQ đe dọa và cản trở (có người cho rằng VN cử tàu điều tra đến đây là để thăm dò phản ứng của phía TQ).

Sự kiện dãy đá san hô Mischief đã đem lại gì ?

Cho đến năm 1995, những cuộc đụng độ trên biển Đông đều xảy ra giữa TQ và VN. Hầu hết các nhà phân tích phương tây cho rằng chính phủ TQ hạn chế hành động quân sự trên biển Đông, chỉ tấn công vào VN là nước đang ở trong tình trạng bị xã hội quốc tế lúc bấy giờ cô lập, có phương châm tránh xung đột vũ lực với các nước khác. Nhưng vào đầu năm 1995, Philippines biết được TQ đang xây dựng căn cứ giám sát quân sự ở rặng đá ngầm Mischief. Dãy đá san hô Mischief ở vị trí 150 hải lý phía tây đảo Parawan thuộc khu vực EEZ theo chủ trương của Philippines. Dãy đá ngầm Mischief nầy đã nhiều lần xảy ra xung đột của đơn vị hải quân và nguy cơ về ngoại giao giữa hai nước, có khả năng làm thay đổi toàn thể phương thức chiến lược trên biển Đông.
Sự kiện ở dãy san hô Mischief bắt đầu xảy ra vào ngày 8/2/1995 khi Philippines yêu cầu TQ phải rút tàu chiến ra khỏi vùng biển nầy. Phía TQ phủ nhận việc xây dựng căn cứ quân sự, bác bỏ việc rút tàu chiến cho rằng họ chỉ xây dựng trạm tránh bão cho tàu đánh cá. Chính phủ Philippines ngay sau đó đã cử đoàn tàu đến điều tra nhưng đã bị tàu chiến TQ đánh đuổi .
Do không đủ sức mạnh quân sự đánh đuổi lực lượng chiếm đóng của TQ, chính phú Philippines đã phải cầu cứu sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế. Trước hết đối với chính phủ Mỹ, Phillipines yêu cầu hợp tác quân sự để đánh đuổi quân TQ dựa trên Hiệp ước phòng thủ hỗ tương Mỹ-Phi năm 1951. Trước việc nầy, chính phủ Mỹ cho rằng quần đảo Trường Sa nằm ngoài phạm vi áp dụng hiệp ước, không chấp nhận lời yêu cầu của chính phủ Philippines nhưng đáp ứng bằng cách mở rộng huấn luyện và viện trợ quân sự. Hơn thế nữa chính phủ Mỹ gửi công hàm cho chính phủ TQ phản đối việc đưa quân chiếm đóng dãy đá Mischief.
Kế đến, chính phủ Philippines đã yêu cầu Tổ chức ASEAN giúp đỡ về ngoại giao trong việc đòi lại Mischief (nhiều nước ASEAN càng thêm lo ngại trước hành động lấn chiếm của TQ cũng như tranh giành chủ quyền quần đảo Trường Sa). Tại Hội nghị ASEAN ở Brunei vào tháng 7/1995, các nước đồng loạt lên án việc sử dụng vũ lực trên biển Đông, yêu cầu giải quyết vấn đề bằng nỗ lực ngoại giao giữa các nước liên quan.
Trước động thái nầy, TQ cam kết sẽ giải quyết bằng đàm phán với Philippines, không sử dụng vũ lực thêm nữa. Nhưng TQ vẫn nhắc lại chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa, nhất định không trao trả (các đảo mà TQ đã chiếm cứ) cho một nước nào khác dãy đá ngầm Mischief.
Kể từ năm 1995 nhà đương cuộc TQ đã thương thảo nhiều lần với Philippines về việc trao trả dãy đá ngầm Mischief và các đảo thuộc chủ quyền yêu sách giữa hai nước. Ở các cuộc đàm phán nầy hai bên đã tỏ ra có thiện chí, cam kết phương châm giải quyết một cách hòa bình. Nhưng TQ vẫn tiếp tục chiếm đóng Mischief, củng cố và mở rộng căn cứ quân sự vào năm 1988 tiếp tục tăng cường sự có mặt của mình trên những hòn đảo nằm gần Phillipines. Tình hình nầy đã có những cuộc đụng chạm, đưa đến sự kiện tàu tuần duyên của Phillipines đã đánh chìm tàu đánh cá TQ.

Đối phó chiến lược trong tranh chấp ở quần đảo Trường Sa
--TQ không từ nan việc sử dụng vũ lực—

Sự kiện dãy đá ngầm Mischief năm1995 đã buộc các nước chung quanh lẫn những nước có quyền lợi quốc gia liên quan phải xem xét chính sách tiến ra biển Đông của TQ.
Cho đến bây giờ, hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng TQ chỉ hạn chế hành động vũ lực đối với VN và có phương châm giải quyết bằng đàm phán ngoại giao với các nước khác. Chính phủ TQ đã tỏ thái độ họ không bị ràng buộc rằng sẽ không xâm phạm lãnh thổ của một nước ASEAN. Mặc dù TQ tương đối thận trọng trong việc sử dụng vũ lực nhưng vẫn tiếp tục xây dựng căn cứ quân sự trên quần đảo Trường Sa, đưa hải quân vào những vùng mà các nước ASEAN đang đòi chủ quyền. Vẫn tồn tại nhiều nghi ngờ về mục tiêu cuối cùng của TQ trên quần đảo Trường Sa nhưng chẳng ai phủ nhận được rằng sử dụng vũ lực trong khi theo đuổi lợi ích mang tính sống còn là một trong những lựa chọn của TQ.
Cộng với tư thế sẵn sàng sử dụng vũ lực trên biển Đông, TQ đang tăng cường sức mạnh hải quân, khả năng tấn công trên bộ, và sức mạnh tấn công bằng không quân. Trong 12 năm 1985-1997, chi phí quân sự của TQ đã từ 28,2 tỷ USD lên 35,4 tỷ USD, tăng khoảng 30%(tính theo hối suất của USD năm 1997) hầu hết tập trung vào lục quân, lực lượng chủ yếu của PLA nhưng hải và không quân là hai đơn vị “tăng tầm ảnh hưởng” ngoài biên giới TQ cũng được bổ sung đáng kể, trong đó được quan tâm nhất là việc tăng cường khả năng tác chiến liên tục trên biển.
Việc tăng cường sức mạnh chiến đấu của hàng không và trên biển không hàm ý nghĩa là TQ có phương châm sẽ giải quyết ngay bằng quân sự vấn đề Trường Sa. Trên thực tế, nhiều nhà phân tích Châu Á cho rằng, cuối cùng TQ muốn giải quyết vấn đề lãnh thổ bằng thương lượng hòa bình. Nhưng ở thời điểm hiện nay, chưa có bằng chứng nào cho thấy TQ có phương châm rời bỏ chủ quyền đối với toàn thể quần đảo Trường Sa. Như vậy có thể nghĩ đến một kịch bản về những cuộc đụng độ qui mô nhỏ liên tục xảy ra (xem phụ lục 2)phát triển thành cuộc tranh chấp quân sự lâu dài và hơn thế nữa cuộc tranh chấp nầy sẽ đe dọa đến vận tải trên biển Đông có khả năng dẫn đến sự can thiệp quân sự của Nhật Bản và Hoa Kỳ (hoặc NB hay Hoa Kỳ).
Rất khó có thể nhìn sâu vào những ý đồ sử dụng vũ lực của TQ trên biển Đông nhưng có một điều có thể nói được một cách chính xác. Nghĩa là chính phủ TQ tăng cường hải quân về chất, với qui mô biến hạm đội phòng thủ ven bờ sang hạm đội hoạt động ở biển sâu. Hiện nay hải quân của PLA có nhiều tàu chiến nhỏ dùng cho ven bờ và đang mua thêm loại chiến hạm cỡ lớn có trang bị hệ thống tên lửa của phương tây và Nga. Động thái nầy đã đẩy nhanh việc tăng cường sức mạnh hải quân của các nước chung quanh. Các nước ĐNÁ ngày nay đang mở rộng cuộc chạy đua vũ trang cho hải quân một cách sôi nổi (xem phụ lục 3).
Việc tăng cường hải quân của TQ đã bắt đầu từ khi Quân Ủy Trung Ương có quyết định chiến lược chuyển trọng điểm từ cuộc chiến tranh toàn diện với Liên Xô sang những cuộc tranh chấp khu vực vùng phía Đông và phía Nam TQ trong kế hoạch quốc phòng vào giữa thập kỷ 1980 (xem phụ lục 3). Hải quân TQ dưới thời thiếu tướng Lưu Hoa Thanh làm tư lệnh từ năm 1982-1987 đã đưa ra chiến lược “tích cực phòng thủ ngoài biển khơi”. Chiến lược tăng cường năng lực tác chiến chiến đấu liên tục trên hải phận quốc tế, theo tướng Lưu thì chúng ta đang nắm chắc quyền thống trị ở vùng biển trong các quần đảo chung quanh một cách hiệu quả”. Vùng biển chung quanh nầy có nghĩa là biển Đông (Nam Trung Hoa), biển Đông Trung Hoa bao quanh quần đảo Nhật bản, Đài Loan, Philippines, Borneo. Muốn như vậy thì TQ phải thay hàng loạt tàu chiến đã cũ kỹ thời chiến tranh Triều Tiên bằng các loại tàu chiến hiện đại. Nhưng TQ không có kỹ thuật cần thiết để đóng tàu đành phải áp dụng phương thức mua các loại tên lửa, thiết bị điện tử của phương tây trang bị cho tàu chiến đóng trong nước đồng thời yêu cầu Nga cung cấp (bán) các loại tàu chiến. Kể từ năm 1985 Hải quân TQ đã nhập loại tàu chiến hạng 2 mới. Loại tàu hộ tống trang bị tên lửa cấp Chanwei và cấp Loop với hệ thống hàng hải của phương tây. Trên tàu Loop có trang bị tên lửa đối hạm Crotale của Pháp. Để có thể tăng cường hơn nữa khả năng chiến đấu ở vùng biển quốc tế TQ đã mua hai chiếc khu trục hạm Sobrymennui(?) trang bị đầy đủ và đang nghiên cứu mua thêm 2 chiếc nữa của Nga.
Thêm vào đó, TQ còn mua nhiều kiểu tàu đổ bộ cao tốc và hàng loạt tàu chiến chi viện tác chiến. Để bảo vệ các tàu chiến, TQ còn mua hàng chục chiếc máy bay chiến đấu Sukhoi 27 từ Nga và có kế hoạch sản xuất trong nước 100 chiếc khác (đợt mua Sukhoi 27 đầu tiên được bố trí ở đảo Hải Nam nằm ngay trên ven biển Đông). TQ còn yêu cầu Nga và Iran cung cấp kỹ thuật lắp đặt hệ thống bơm dầu trên không, và đang nỗ lực khai thác đóng tàu sân bay chung với Nga.
Những động thái nầy cho dù là một phần cũng đã cho chúng ta không còn nghi ngờ quyết tâm thu hồi sự thống trị đối với Đài Loan, và sẵn sàng sử dụng vũ lực khi cần thiết của chính phủ TQ. Như đã nói ở trên, để tấn công và chiếm đóng Đài Loan cần phải có sức mạnh hải quân và khả năng tấn công trên đất liền, đồng thời ý đồ triển khai sức mạnh quân sự ở vùng biển phía Nam là quá rõ rang khi nhìn vào các bố trí quân đội và những gì mà chính phủ TQ công bố chính thức. Thí dụ như việc bố trí máy bay Sukhoi 27 ở đảo Hải Nam, các hoạt động giám sát quân sự bằng những loại tàu chiến mới ở vùng biển nầy nhằm mục đích tăng cường chủ quyền ở vùng mỏ và quần đảo Trường sa. Dù gì thì gì các nước chung quanh đều cho rằng TQ tăng cường hải quân là nhằm mục đích thống trị về quân sự trên biển Đông vì vậy họ càng tăng cường hải quân của mình.
Vào khoảng 15 năm trước các nước ASEAN không trang bị tàu chiến cỡ lớn nhưng kể từ sau hậu bán thập kỷ 1980 đã bắt đầu đưa tàu chiến hiện đại có khả năng tác chiến trên vùng biển quốc tế với nhiều mục đích khác nhau nhưng rõ ràng là nhắm vào việc phòng thủ EEZ và tuyến đường thông thương trên biển.

Quốc gia đi tiên phong là Malaysia.

Malaysia là một nước giàu tài nguyên với nhân khẩu 24 triệu người, có năng lực và phương tiện để trang bị hải quân hàng đầu ĐNÁ. Vào năm 1995 nước nầy đã nhập từ Italia 4 tàu chiến Corvette có trang bị tên lửa của hãng Fincantieri. Loại tàu nầy vốn đóng cho hải quân Iraq (nhưng đình chỉ vì lệnh cấm vận vũ khí) tải trọng 750 tấn trang bị pháo 76mm và tên lửa đối hạm Automatt đồng thời nhập từ Anh quốc 2 tàu Hộ tống F2000 của hãng Yarow có bổ sung tên lửa và pháo hạm của Châu Âu. Chính phủ Malaysia còn đặt mua thêm 27 chiếc tàu tuần duyên loại Meko1000. Kế hoạch đóng tàu chiến cho hải quân Malaysia hiện nay đang được xúc tiến với qui mô và số lượng lớn nhất khu vực Châu Á.
Thái Lan là nước trang bị tàu sân bay đầu tiên Chakri Naruebet ở ĐNÁ với trọng tải 11,500 tấn do công ty Basan của Tây ban Nha đóng với giá 360 triệu USD, có thể chở 21 máy bay lên thẳng cỡ trung hay 15 chiếc máy bay phản lực đáp thẳng đứng(VTOL). Thái Lan còn mua của Mỹ 2 chiếc tàu hộ tống hạng Knox và 3 chiếc tuần duyên hạng 545 tấn của Australia.
Riêng Indonesia tăng cường sức mạnh hải quân bằng cách thu mua tất cả tàu chiến của hải quân Đông Đức trước đây. Tất cả là 39 chiếc sau khi nước Đức thống nhất vào năm 1991 trong đó có 16 chiếc Corvette, 9 chiếc phá thủy lôi, mìn và 1 chiếc tàu chi viện. Thêm vào đấy, Indonesia còn mua của Hà Lan 6 chiếc hộ tống hạm, và 3 chiếc cùng loại của Nước Anh nhường lại.
Các nước nhỏ khác cũng dành một phần ngân sách để tăng cường hải quân. Với nhân khẩu 3 triệu người như Singapore cũng đã nhập 6 chiếc Corvette có trang bị tên lửa hạng Victory từ Đức và đóng thêm 12 tàu tuần duyên Fireless. Philippines mua 2 chiếc tuần duyên từ căn cứ của nước Anh ở Hồng Kông, Brunei đặt đóng 3 chiếc tàu Corvette có gắn tên lửa của hãng Yarow.
Dù những kế hoạch nầy vẫn còn ở phía trước cho đến khi hoàn thành, nhưng trong vòng 10-15 năm nữa sẽ có khoảng 100 tàu chiến mới được TQ và các nước ĐNÁ đưa vào biển Đông để tăng cường sức mạnh hải quân. Đây là một cuộc chạy đua vũ trang với qui mô chưa từng thấy ở nơi khác trên thế giới. Hơn thế nữa, sự mở rộng sức mạnh của không quân luôn đi kèm với việc tăng tốc trong cuộc chạy đua nầy. Các nước đều nhập các loại máy bay chiến đấu có trang bị tên lửa chống tàu chiến, đối không hiện đại hay các loại máy bay thám thính đường dài. Vì vậy khả năng tác chiến quân sự trên biển cũng như trên không ở vùng biển Đông đang được nâng cao và mở rộng thông qua những kế hoạch tăng cường vũ trang nói trên.

Nhật Bản và Hoa Kỳ--Mục tiêu của tiêu chí mới

Phillipines và các nước chung quanh chịu ảnh hưởng trực tiếp của sự kiện xảy ra ở dãy đá ngầm Mischief nhưng làn sóng nầy đã lan tỏa đến Nhật bản và Hoa Kỳ. Mặc dù không liên quan đến cuộc tranh chấp chủ quyền ở quần đảo Trường Sa nhưng hai nước đều cho rằng sự kiện Mischief là một mối đe dọa đến quyền lợi sống còn của quốc gia. Nghĩa là đe dọa đến việc tự do đi lại của tàu chiến và thương thuyền trên biển Đông. Để đảm bảo lợi ích quốc gia của hai nước Nhật-Mỹ, sức mạnh gây ảnh hưởng và năng lực đối phó khi xảy ra bất thường trên biển Đông là vấn đề quan tâm hàng đầu.
Lợi ích quốc gia của nước Nhật trên biển Đông gắn liền trực tiếp với sự lệ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu.
75% dầu thô nhập khẩu của Nhật Bản đều được vận chuyển từ Vịnh Persique qua ngõ biển Đông, phần lớn than đá và khí đốt thiên nhiên nhập khẩu cũng phải qua con đường nầy, trong trường hợp cần thiết, có thể đi vòng biển Đông—chuyển sang phía tây TBD nhưng sẽ bị chậm muộn gây hỗn loạn cho nền kinh tế Nhật Bản. Vì vậy, chinh phủ Nhật bản ra sức thúc đẩy việc giải quyết vấn đề tranh chấp ở Trường Sa một cách hòa bình đồng thời tăng cường khả năng phòng thủ Sea Lane quan trọng và mang tính sống còn của nước nầy.
Phương châm mới của Nhật bản đã được nêu rõ trong lần đầu tiên trong “Đại Cương về phòng thủ” năm 1996. Đoạn văn cho thấy sự thay đổi trong chính sách đảm bảo an ninh quốc gia sau 20 năm, mặc dù không chỉ đích danh các nước ASEAN hay TQ nhưng nói rằng “ nhiều nước ở Châu Á đang tiến hành việc mở rộng hay hiện đại hóa sức mạnh quân sự” tạo ra mối đe dọa mới đối với lợi ích quốc gia của Nhật Bản. Và để làm dịu mối de dọa nầy Nhật bản phải “nâng cao về chất” lực lượng phòng thủ đặc biết cần thiết phải tăng cường “khả năng phòng thủ” ở chung quanh Nhật Bản.
Nhật bản đã đầu tư khá lớn vào việc tăng cường khả năng giám sát và cảnh báo trên biển và trên không. Về hải quân—tên chính thức là Quân Tự Vệ Trên Biển—đang được tăng cường bằng cách nhập các loại tàu chiến kiểu mới. Thí dụ như hộ tống hạm hạng “Kongo” trang bị hệ thống phòng không IGÍS của Hoa Kỳ hay loại nhỏ hơn như “ Murasame”. Loại tàu đổ bộ cao tốc “Osumi” kiểu mới cũng vừa đóng xong (có sàn đỗ cho máy bay khá rộng nên có người cho răng đây là khuôn mẫu để đóng các loại tàu sân bay sau nầy). Nhật bản còn tăng cường sức phòng thủ trên biển, đặt hàng cho Hoa Kỳ 100 chiếc máy bay thám thính tàu ngầm P3C và loại máy bay tiếp xăng dầu trên không cùng loại. Với kế hoạch nầy Nhật bản có một sức mạnh hải quân đáng nể khả dĩ trong khu vực Châu Á-TBD.
Tương tự như Nhật Bản cũng xem việc đảm bảo an toàn của Sea Lane trên biển Đông là lợi ích quốc gia quan trong mang tính sống còn. Dù lượng dầu thô chuyên chở sang Bắc Mỹ qua tuyên đường biển nầy rất ít nhưng theo hiệp ước an ninh Nhật-Mỹ, Hoa Kỳ có nhiệm vụ phải đảm bảo an ninh cho Nhật Bản. Như đã đề cập ở trên, Hoa Kỳ còn ký hiệp ước hỗ trợ cho quốc phòng Philippines . Thí dụ chính phủ Mỹ không xem quần đảo Trường Sa thuộc lãnh thổ của Philippines đi nữa, nhưng nếu giữa TQ và Phillipnes xảy ra xung đột thì có thể đưa đến tình huống Hoa Kỳ nhảy ra can thiệp. Mặt khác biển Đông còn là con đường đi lại của tàu chiến quân đội Mỹ giữa căn cứ quân sự tại Nhật và Vịnh Persique. Nhà đương cuộc của chính phủ Mỹ đang theo sát để ngăn ngừa chủ nghĩa phiêu lưu mạo hiểm của TQ ở khu vực Châu Á-TBD.
Tuy nhiên sau lưng những lợi ích quốc gia của Mỹ như đã nói, nhà đương cuộc chính phủ Hoa Kỳ tương đối thờ ơ trước tình hình xảy ra nguy cơ trên biển Đông như sự kiện Mischief vì vốn cho rằng hành động quân sự của TQ chỉ hạn chế trong đối phó với VN. Vì vậy sự kiện dãy đá ngầm san hộ Mischief đã gây chấn động cho nước Mỹ, làm cho Hoa Kỳ phải xem lại chính sách của mình ở biển Đông.
Ngày 10/5/1995 chính phủ Mỹ công bố chính thức quan điểm về vấn đề quần đảo Trường Sa, phê phán “hành động đơn phương” liên quan đến quần đảo Trường Sa của bất cứ nước nào và “kịch liệt phản đối việc sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề chủ quyền lãnh thổ”( dù không nêu đích danh TQ nhưng nêu ra ‘hành động đơn phương’ ở đây là nhằm ám chỉ việc chiếm cứ dãy đá ngầm san hô Mischief của TQ). Bản tuyên bố nầy nói “việc duy trì sự đi lại tự do là quyền lợi cơ bản của Hợp chủng Quốc Hoa Kỳ” bày tỏ ý chí sẽ ngăn chận những hành vi cản trở tự do hàng hải trên biển Đông.
Theo thuật ngữ chuyên môn về ngoại giao thì “quyền lợi cơ bản” nêu trong bản tuyên bố nầy đã không đề cập đến biện pháp cụ thể để bảo vệ nhưng vào 5 tuần lễ sau đó Thứ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ Joseph S. Nye đã tuyên bố với phóng viên của Nhật rằng nước Mỹ sắn sàng sử dụng vũ lực để đảm bảo an ninh cho Sea Lane. Nye còn giải thích thêm rằng mối đe dọa đến quyền tự do đi lại trên biển Đông là một sự uy hiếp tuyến vận tải vật tư cơ bản của Mỹ đến các nước đồng minh trong khu vực, như Nhật bản, là “một sự xâm phạm đến lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ”. Trong một tình huống như vậy, quân đội Mỹ chuẩn bị sẽ xuất quân nhằm “duy trì tự do hàng hải” và “bảo vệ” các tàu chiến đi ngang biển Đông.
Trước sức ép nầy, chính phú TQ đã ra tuyên bố là họ không có ý đồ can thiệp vào hải vận quốc tế trên biển Đông vào tháng 5/1995 nhưng điều nầy không xóa tan được sự lo ngại của chính phủ Hoa Kỳ. Nhà đương cuộc trong chính phủ Mỹ liên tục xác nhận “lợi ích cơ bản của nước Mỹ” và cảnh cáo hành động sử dụng vũ lực “đơn phương” của các nước trong cuộc. Nước Mỹ duy trì đội hình bố trí mạnh mẽ của hải quân—lấy cảng Yokosuka làm căn cứ trung tâm của hạm đội 7—liên tục diễn tập quân sự trên biển Đông(xem bảng 4).

Bảng 4. Tàu chiến chủ yếu của hạm đội 7 của Hoa Kỳ
(lược) —(phụ lục 4)
http://bauvinal.info.free.fr/biendong/hinh/chientrandaumobd17.jpg

Thái độ xem trọng vấn đề Trường Sa của Chính phủ Mỹ càng mạnh mẽ hơn từ năm 1999. Tư lệnh hạm đội 7, thiếu tướng Timothy J. Kitting đã tuyên bố trong cuộc họp báo trên tàu sân bay Kitty Hawk rằng “ Con đường biển nầy vô cùng quan trọng đối với chúng tôi.. Hầu hết dầu thô nhập khẩu của Nhật bản đi ngang eo biển Malacca, quay sang hướng trái để hướng tới nước Nhật. Nghĩa là dòng chảy của hàng hóa thông qua vùng biển nầy bị cắt đứt sẽ mang một ý nghĩa vô cùng quan trọng như thế nào đối với Hoa kỳ”. Phát biểu nầy của tướng Kitting nói chung chung như vậy nhưng rõ ràng là nhằm vào TQ. Rằng “Đối với hải quân Mỹ, việc đi lại trên vùng biển quốc tế vô cùng quan trọng. Giả như có một nước nào đó tỏ ra quan tâm mạnh mẽ đến vùng biển đi nữa cũng không thể xâm phạm đến quyèn đi lại trên hải phận quốc tế của chúng ta. Vì vậy chúng ta sẽ trở về bến đậu ở Nhật bản qua con đường trên biển Đông. Biển Đông là vùng biển quốc tế, nước Mỹ sẽ đi ngang qua đó”.
Để có thể đạt được mục đích nầy, nước Mỹ đang củng cố sự có mặt của mình ở biển Đông. Năm 1998, ký với Philippines “hiệp định liên quan đến vị thế viếng thăm của quân đội Mỹ”, cho phép tàu chiến hải quân Mỹ cùng hải quân Phillippines diễn tập chung đồng thời có thể sử dụng căn cứ , bến cảng của Philippines( vì sau khi thượng viện Philippines quyết định chấm dứt hợp đồng cho quân đội Mỹ sử dụng căn cứ hải quân Spick vào năm 1992 thì tàu chiến Mỹ đã không thể vào Philippines). Mặt khác Singapore cũng đã đồng ý cho phép tàu sân bay của Mỹ sử dụng căn cứ hải quân đã được Mỹ đầu tư mở rộng.
Ngoài ra chính phủ Mỹ còn có ý định mở rộng việc hợp tác quân sự với Nhật bản là nước đồng minh chủ yếu của Hoa Kỳ ở Châu Á, có lực lượng hải quân hùng hậu. Từ năm 1995, từ khi xảy ra sự kiện Mischief nhà đương cuộc hai chính phủ Hoa Kỳ-Nhật Bản thường xuyên hội họp định kỳ để xác lập qui chế cơ bản của sự phối hợp hành động quân sự . Những nỗ lực đó được đúc kết trong “Phương hướng hợp tác phòng thủ Nhật-Mỹ”(gọi là Phương Hướng Mới) vào tháng 7/1999 với nội dung tái xác nhận “Phương Hướng” đã có, đồng thời nhấn mạnh đến việc hợp tác trong trường hợp tình hình ở khu vực chung quanh Nhật bản ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh và hòa bình của Nhật bản” tuy “phương Hướng Mới” không nói rõ “tình hình” nghiêm trọng nầy là gì nhưng phía Mỹ yêu cầu Nhật bản mở rộng hợp tác hơn nữa với quân đội Mỹ trong tác chiến quân sự trong khu vực bao gồm “hành động thu thập tình báo, giám sát cảnh báo, vớt phá thủy lôi…”
Nhà đương cuộc chính phủ Hoa Kỳ đặt TQ là đối tượng cho việc mở rộng hợp tác quân sự giữa hai nước Mỹ-Nhật với “Phương Hướng Mới” nói trên nhưng giải thích rằng họ không nhằm đối phó với một tranh chấp đặc thù nào như cuộc tranh chấp ở quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên khi đọc những lời lẽ nầy không thể nói rằng hai chính phủ Mỹ-Nhật đã không có tính toán gì đến TQ và biển Đông. TQ lẫn các nước Đông Á chắc chắn đều cho rằng “Phương Hướng Mới” nầy là bước chuẩn bị cho hành động quân sự chung để đối phó với những cuộc xung đột trong khu vực Châu Á-TBD.

Tranh chấp tài nguyên ở Châu Á—nhiều kịch bản đan xen


Đông Á và ĐNÁ là những khu vực dễ xảy ra xung đột vũ lực tranh giành sở hữu và cung cấp tài nguyên như dầu mỏ và khí đốt thiên nhiên ngoài vấn đề biển Đông.
Thí dụ sự căng thẳng về vấn đề chủ quyền quần đảo Điếu Ngư(Senkaku) giữa Nhật Bản và TQ có nguy cơ bùng nổ, nhiều cuộc đụng chạm nhỏ đã liên tục xảy ra trên biển lẫn trên không trong nhiều năm liền về các đảo không người hay quần đảo san hô, đảo nhỏ nằm rải rác trên vùng biến phía Đông Trung Hoa (tương tự như quần đảo Trường Sa, việc tranh chấp chủ quyền cũng bắt nguồn từ mỏ dầu và khí đốt phong phú đang nằm dưới vùng biển nầy).Chung quanh vùng biển quần đảo Natuna nơi có trữ lượng khí đốt qui mô cũng có khả năng gây tranh chấp giữa Indonesia với các nước láng giềng.
Nhưng nơi có nhiều khả năng đưa đến đánh nhau theo qui mô lớn vẫn là biển Đông, một nơi tập trung khởi nguồn cho sự dành giật tài nguyên thiên nhiên. Dầu mỏ, khí đốt thiên nhiên đã được xác nhận và nhiều cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đan xen, nước nào cũng muốn dành phần sở hữu lớn nhất ở những khu mỏ nầy, tỏ thái độ không từ nan việc sử dụng vũ lực để nhảy vào. Các nước đều tăng cường khả năng chiến đấu hàng không, trên biển một cách tích cực. Các nước lớn hàng đầu về quân sự trên thế giới, có thái độ chứng tỏ sẽ dùng biện pháp quân sự--Mỹ, TQ, NB—đều cho rằng vùng biển nầy mang ý nghĩa sống còn đối với lợi ích quốc gia, có thái độ sẵn sàng dùng biện pháp quân sự để bảo vệ khi cần thiết vì vậy biển Đông cũng mang một nguy cơ gây xung đột quân sự theo qui mô lớn, nguy hiểm không kém gì vịnh Persique hay biển Caspi.
Nếu như xung đột như vậy xảy ra thì cuộc tranh chấp trên biển để giành chủ quyền một phần của quần đảo Trường Sa là khả năng lớn nhất.
Một kịch bản có thể nghĩ được là TQ tấn công vào tàu chiến của Philippines khi chúng đến gần với những hòn đảo nhỏ hay rặng đá ngầm Mischief mà Philippines tuyên bố có chủ quyền và để trả thù, không quân của Philippines ném bom vào căn cứ quân sự của TQ trên đảo nầy và phía TQ đối phó bằng cách phóng tên lửa và ném bom vào những căn cứ quân sự của Philippines. Trước nguy cơ nầy phía Mỹ cử tàu sân bay đến để giữ “quyền tự do trên biển” và đe dọa TQ nhưng phía TQ không chịu rút lui, tiếp tục ngăn cản hạm đội của Mỹ, có khả năng hải quân hai bên sẽ giao chiến, phát triển thành cuộc chiến tranh Trung-Mỹ. Và từ đây, thông qua nhiều bước, có nguy cơ phát triển thành một cuộc tranh chấp qui mô lớn.
Kịch bản tranh chấp trên biển Đông với nhiều mạo hiểm chắc chắn sẽ không dừng lại ở đây(phụ lục 5). Thí dụ tình hình căng thẳng giữa Nhật bản và TQ có khả năng hải quân TQ phong tỏa các tàu chở dầu thô của Nhật bản đi lại trên biển. Trong trường hợp đó các tàu chiến của hải quân Nhật bản và Hoa Kỳ sẽ phải nhảy vào để xua đuổi(hay tấn công). Những cuộc tranh chấp giữa các nước chung quanh ở eo biển Malacca—tuyến đường vận tải dầu mỏ quan trọng nối liền Ấn Độ Dương và biển Đông—cũng có khả năng Mỹ hay Nhật bản nhảy vào can thiệp. Những kịch bản(và nhiều kịch bản khác) đều xoay quanh lợi ích chiến lược quốc gia lẫn lợi ích quốc gia về kinh tế, không thể thiếu hụt năng lượng càng làm cho nguy cơ tranh chấp ngày càng mở rộng biên độ một cách nguy hiểm (xem phụ lục 6).

---------------------------------------------------------------

Chương 5. “Resources Wars” của Micheal T. Klare, dịch theo phiên bản tiếng Nhật “Sekai Shigen Senso” tháng 1/2002
Phụ lục(1)
"Rừng vàng biển bạc" dưới nanh vuốt khủng bố của những đoàn "tàu" lạ” Hồng Lê Thọ
http://bauvinal.info.free.fr/binhluan/rungvangbienbac.htm
Phụ lục(2)
“Những phát triển kỹ thuật quân sự của hải quân TQ” trong “Xung đột trên biển Đông không còn là nguy cơ tiềm ẩn”
http://bauvinal.info.free.fr/linking/ebookbiendong.htm
(Phụ lục 3)
“Kịch bản giải quyết vấn đề Trường Sa của Trung Quốc” Urano Tatsuo
http://bauvinal.info.free.fr/songngu/kichbangiaiquyet.htm
(Phụ lục 4)
“Hạm đội 7 của quân đội Hoa Kỳ”
http://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BB%87_th%E1%BA%A5t_H%E1%BA%A1m_%C4%91%E1%BB%99i_Hoa_K%E1%BB%B3
(Phụ lục 5)
“Cần làm gì trước hành động hăm he khủng bố của Trung Quốc” Hồng Lê Thọ
http://bauvinal.info.free.fr/binhluan/canlamgi.htm
(Phụ lục 6)
“Viện trợ ODA của Nhật Bản tại Việt Nam”
http://www.vn.emb-japan.go.jp/html/voda_jp.html
Và trong tình hình kinh tế suy thoái nghiệm trọng trên thế giới, ảnh hưởng đến Nhật bản không nhỏ nhưng vốn cho vay ODA của chính phủ Nhật bản vẫn không giảm như các bài viết dưới đây cho thấy tầm quan trọng của VN trong chiến lược của Nhật Bản
http://vietbao.vn/Kinh-te/Von-ODA-Nhat-Ban-cho-Viet-Nam-Moi-ngay-mot-tang/45258015/87/
http://en.infotv.vn/ngan-hang-tai-chinh/tin-tuc/39090-ky-hiep-dinh-vay-oda-nhat-ban-tri-gia-119791-ty-yen

Nhóm chuyển ngữ Bauvinal chú thích
Copyright © 2009 by Bauxite Việt Nam International
http://bauvinal.info.free.fr http://bauxitevietnam.free.fr



No comments:

Post a Comment