Saturday, January 23, 2010

CẢI CÁCH GIÁO DỤC TẠI TRUNG QUỐC

Cải cách giáo dục tại Trung Quốc
Theo báo The Economist, 23-1-2003
Minh Đức
Friday, December 11, 2009
http://minhduc7.blogspot.com/2009/12/cai-cach-giao-duc-tai-trung-quoc.html
Nền giáo dục tại Trung Quốc đang được nâng cấp để khuyến khích óc sáng tạo. Liệu điều này có làm tăng thêm óc phản kháng chính quyền?

Qua hàng ngàn năm, học sinh mọi lứa tuổi ở Trung Quốc vẫn phải chịu khổ ải bởi cách học đơn điệu, thuộc lòng. Thầy cô giáo làm óc sáng tạo học sinh còi cọc bằng cách nhồi nhét các sự kiện phải nhớ, phụ huynh ép buộc con em học luyện thi hàng giờ dài đến mụ mẫm cả người. Nhưng năm vừa qua, chính quyền đã bắt đầu thí nghiệm phương pháp giảng dạy mới sẽ đem lại cuộc cách mạng trong các lớp học ở Trung Quốc. Mục đích của cuộc cải cách là làm cho giáo dục thêm hứng thú, thêm hữu dụng, và trên hết là khuyến khích học sinh tự suy nghĩ.

Lý do đưa đến sự cải cách giáo dục này là nhận thức rất trễ tràng rằng hệ thống giáo dục tại Trung Quốc thất bại trong việc đào tạo ra những con người có đầu óc cải cách, sáng tạo. Thêm vào đó, học sinh không hài lòng với cách giảng dạy cũ. Trong một thăm dò ý kiến của Bộ Giáo Dục cách đây năm năm, 80% học sinh không thích trường học. Tỉ lệ học sinh bỏ học tăng ở nông thôn - một phần vì lý do kinh tế, nhưng cũng do cái không khí vô bổ trong các lớp ho.c. Sức ép của thi cử dẫn đến nhiều vụ tự tử. Theo một cuộc thăm dò năm ngoái, 50% số học sinh các năm cuối trung học và năm đầu đại học đã từng nghĩ đến việc tự tử.

Các quốc gia khác ở Đông Á, như Nhật, Nam Hàn và Đài Loan cũng gặp những vấn đề tương tự. Nhưng còn có lý do sâu xa hơn đưa đến việc cải cách giáo dục tại Trung Quốc. Phương pháp giáo dục tại Trung Quốc từ trước đến nay phục vụ cho chính trị nhằm vào việc đào tạo mẫu người vâng lời chính quyền một cách mù quáng. Khi khuyến khích học sinh đặt câu hỏi với thầy cô giáo nhiều hơn và xem thầy cô giáo bình đẳng hơn (hiện nay, văn học chính thức của chính quyền cũng nói về việc cư xử "dân chủ" hơn trong lớp học), Trung Quốc có thể dẫn đến mối quan hệ mới giữa người cai trị và người bị trị.

Vấn đề ở đây là làm sao cho cuộc cải cách có hiệu quả. Chính quyền đã vạch ra mục tiêu lớn lao nhưng lại chỉ có phương tiên it' ỏi để bảo đảm cho 10 triệu giáo viên tiểu học, trung học có được kiến thức và quyết tâm thay đổi thói quen giảng dạy mà họ đã theo cả đời. Cuộc cải cách đã bắt đầu vào tháng 9 năm 2001 với 420 ngàn học sinh tiểu và trung học cấp 1 (toàn quốc có tổng cộng hơn 215 triệu học sinh), tại 38 thí điểm rải rác trên toàn quốc. Vào tháng 9 năm nay, số học sinh tham dự trong cuộc cải cách sẽ là 9 triệu mốt, tại 572 thí điểm. Con số này sẽ nhân lên gấp đôi năm tới. Lúc đầu Bộ Giáo Dục đã có ý định thực hiệu cuộc cải cách trên toàn quốc vào năm 2010. Nhưng theo ông Liu Jian của cơ quan Soạn Sách Giáo Khoa và Chương Trình Học toàn quốc thuộc Bộ Giáo Dục thì các chủ nhân của các xí nghiệp thuộc nhiều lãnh vực khác nhau muốn việc cải cách giáo dục tiến hành nhanh hơn. Vì thế, mục tiêu bây giờ là năm 2005. Vào năm 2004, các cuộc thí nghiệm cải cách sẽ được làm ở toàn bộ cấp trung ho.c.

Một số cải cách sẽ nhắm vào làm cho sách giáo khoa sống động hơn. Thí dụ, ở cấp tiểu học, việc giảng dạy sẽ chú trọng đến bài tập thực tiễn hơn là học thuộc lòng công thức. Sách giáo khoa Anh Văn sẽ khuyến khích học sinh thực tập về đàm thoại hơn là chỉ học thuộc lòng chữ và câu. (Tại Trung Quốc, học sinh đạt được điểm cao về Anh Văn thường ít nói được tiếng Anh) Theo tài liệu của Bộ Giáo Dục, giáo viên rồi đây sẽ sử dụng sách giáo khoa như là hướng dẫn để làm các bài tập có tính sáng tạo hơn là coi những điều viết trong sách là "thiêng liêng" phải học cho thuộc từng câu từng chữ. Tất cả những sự thay đổi này cần đến tiền bạc.

Ông Liu, viên chức của Bộ Giáo Dục, ước lượng rằng việc huấn luyện cho giáo viên phương pháp giảng dạy mới cần đến 1 tỉ rưỡi đô la. Số tiền này sẽ không được Bộ đài thọ mà sẽ lấy từ ngân sách giáo dục của địa phương. Nhưng ngân sách giáo dục ở địa phương hiện nay cũng đã thiếu thốn lắm rồi, nhất là ở nông thôn, có nơi giáo viên không được trả lương trong nhiều tháng vì chính quyền cấp thành phố không có đủ tiền cho các trường ở nông thôn. Một đại biểu giáo viên trung học đến từ Nội Mông tên là Kong Xiangwei than phiền với các bạn đồng sự tại Bắc Kinh là: "Chúng tôi không có tiền. Chúng tôi tốn kém nhiều để đến tham dự buổi hội nghị này, nhưng khi trở về chúng tôi không được bồi hoàn chi phí".

Ngoài ra còn có thêm vấn đề là làm sao thuyết phục các bậc phụ huynh là phương pháp giảng dạy mới sẽ có lợi cho con cái họ. Nếu lối tuyển sinh đại học và trung học cấp 2 không thay đổi mà vẫn đánh giá học sinh theo khả năng học thuộc lòng thì các bậc cha mẹ cũng vẫn sẽ bắt con phải học theo lối cũ. Tại trường tiểu học Guangming tại Bắc Kinh, một trường thí điểm cho cải cách giáo dục, học sinh được yêu cầu nộp ý kiến về cách giảng dạy của giáo viên mỗi học kỳ hai lần. Ông Lu Jie trong ban điều hành trường nói: "Các em học sinh nói là muốn trường dạy khó hơn, nhưng đó là vì bố mẹ các em bảo các em nói như vậy". Một số bậc phụ huynh khác thì không được nhã nhặn như vâ.y. Ông Kong, một giáo viên ở Nội Mông nói một số phụ huynh rút con em ra khỏi các trường thí điểm để cho học chỗ khác.

Mặc dù phần lớn trường học tại Trung Quốc là trường công, nhưng trên thực tế, các trường này chẳng khác gì trường tư - học phí (được gọi một cách bóng bẩy là tiền biếu cho trường) được định theo giá thị trường. Trường nào có tiếng là có nhiều học sinh thi đậu vào đại học thì được nhiều người muốn vào học. Vì hiện tượng này mà có thể sinh ra tình trạng các trường chỉ giả bộ nói là áp dụng phương pháp mới nhưng trên thực tế vẫn dạy học sinh theo lối cũ cốt để học sinh thi đậu tuyển sinh vào đại học. Các viên chức Bộ Giáo Dục cũng lo ngại các cấp chính quyền địa phương vì muốn bảo vệ lợi nhuận cho cơ sở xuất bản sách giáo khoa sẽ không cho giáo viên được quyền tự do lựa chọn sách giáo khoa (giáo viên được tự do lựa chọn sách giáo khoa cũng nằm trong chương trình cải cách) . Ông Liu nói: "Có khả năng là đến năm 2005, mọi giáo viên sẽ dùng tài liệu giảng dạy mới, nhưng tình trạng hiện nay thì vẫn còn chưa đáp được yêu cầu."

Ông Liu nói, kế hoạch dài hạn sẽ là sẽ thay đổi cách tuyển sinh đại học để đánh giá học sinh trên thành tích trong thời gian học ở trung học hơn là chỉ qua cuộc tuyển sinh toàn quốc. Ông phỏng đoán có lẽ điều đó sẽ xảy ra vào 2007, khi mà lớp học sinh được giáo dục bằng phương pháp mới ở trung học sẽ lên đại ho.c. Nhưng vấn đề là làm sao đánh giá thành tích ở trung học một cách chính xác trong tình trạng tham nhũng lan tràn như hiện nay. Trong một nước mà bằng cấp, chứng chỉ giả là chuyện phổ biến thì giá trị của kỳ tuyển sinh đại học xem ra sẽ không được coi trọng cho lắm. Ông Liu tiếp: "Việc thay đổi trong chương trình học sẽ tạo ra phong khí mới trong lớp học, làm cho lớp học trở nên cởi mở hơn, khoa học hơn và dân chủ hơn".



No comments:

Post a Comment