Các nhà dân chủ VN trước “nút thắt” đại hội đảng XI (phần 2)
Khánh An, phóng viên đài RFA
2010-01-30
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Vietnam-authorities-suppress-democracy-advocates-in-preparation-of-the-eleventh-party-convention-%20part2-kan-01302010164002.html
Tại Việt Nam thời gian gần đây, các nhà hoạt động dân chủ đang gặp rất nhiều khó khăn trước những phương thức đối phó của chính quyền.
Những phương thức đó có làm nản lòng những người bất đồng chính kiến? Riêng đối với các nhà đấu tranh dân chủ, họ có thay đổi cách thức đấu tranh trong tương lai hay không?
Mời quý vị theo dõi tiếp trong bài viết sau.
Bình chân như vại
Đối với các nhà hoạt động dân chủ trong nước, những bản án nặng nề dành cho các nhà bất đồng chính kiến vừa qua cũng có những ảnh hưởng nhất định trong việc “răn đe” và làm chùn bước một số người dân đang có ý định tham gia vào các phong trào đòi dân chủ, nhân quyền.
Nhà hoạt động dân chủ Lê Thanh Tùng, từng là một cựu chiến binh ở Cambodia, nhận xét:
“Nó có ảnh hưởng một chút. Ảnh hưởng ở đây không phải là mức án mà ở chỗ anh em dân chủ đầu hàng như Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung là những người rất giỏi, luật sư giỏi, thạc sĩ giỏi, bao nhiêu niềm tin, hy vọng anh em đặt vào đó thế mà cuối cùng các vị đầu hàng.
Cái đấy là nó ảnh hưởng cho những anh chị em dân chủ chuẩn bị tham gia và những người dân Việt Nam yêu thích tự do, không thích chế độ Cộng Sản thì làm họ chùn bước. Nhưng đối với những anh chị em dân chủ chúng tôi đã từng dấn thân thì không có gì ngăn cản, không có gì làm chúng tôi lùi bước cả. Xét xử Trần Huỳnh Duy Thức 16 năm, chứ đến 26 năm chúng tôi cũng không sợ, chúng tôi vẫn bình chân như vại.”
Cũng giữ một cái nhìn lạc quan tương tự, kỹ sư Đỗ Nam Hải cho biết:
“Tôi cho rằng trong suốt bao nhiêu năm qua, họ đã gia tăng đàn áp, gia tăng bỏ tù những người Việt Nam yêu nước nhưng họ đã thất bại, đang thất bại và sẽ tiếp tục thất bại. Nhân dân Việt Nam đã vượt qua nỗi sợ và trong một ngày không xa họ sẽ đứng lên. Cả dân tộc sẽ đứng lên, cả một sự kết hợp giữa đồng bào trong nước và ngoài nước đứng lên để giành lại nền tự do, dân chủ chân chính cho dân tộc Việt Nam.”
Mâu thuẫn nội bộ Đảng
Theo nhận xét chung của nhiều nhà đấu tranh dân chủ trong nước, các phiên tòa xét xử những người bất đồng chính kiến gần đây có thể là các biểu hiện bên ngoài của những vấn đề mâu thuẫn trong nội bộ Đảng Cộng Sản Việt Nam. Nhà báo Nguyễn Khắc Toàn nhận xét:
Nhà cầm quyền Hà Nội luôn luôn mở những cuộc trấn áp trước các kỳ đại hội Đảng của họ. Điều này cũng vừa là trấn áp quần chúng nhân dân trong xã hội, trong nước.
Đồng thời, họ cũng gửi thông điệp những người nào có tư tưởng cấp tiến, muốn cởi mở, muốn dân chủ hóa đất nước ở ngay trong nội bộ đảng Cộng Sản cũng phải nhìn thấy những gương này mà chùn bước, chùn ý chí, lo ngại, không dám tiếp tục con đường tư tưởng cấp tiến, con đường canh tân, dân chủ hóa của mình từ trong nội bộ đảng.
Ngay cả vụ Đồng Chiêm cũng thế. Không phải là ngẫu nhiên đâu. Tất cả đều có những tính toán của họ. Theo ý kiến của tôi, phe bảo thủ và cứng rắn trong đảng, mà phần lớn lãnh đạo ở miền Bắc, họ muốn cảnh cáo phe cấp tiến ở miền Nam đang có những nỗ lực muốn cải thiện quan hệ ngoại giao, cải thiện hình ảnh của Việt Nam đối với quốc tế như việc ông Nguyễn Minh Triết đến Vatican, đến Mỹ, ông Nguyễn Tấn Dũng đến châu Âu.
Với một chiến dịch có tính chất thiếu nhất quán như vậy, nó phản ảnh sự mâu thuẫn trong nội bộ. Đó là ý thứ nhất.
Ý thứ hai đó là hiện nay phong trào đấu tranh dân chủ trong nước vẫn tiếp tục rộ lên ở khắp nơi. Trong một phản ứng để bảo vệ chính thể, bảo vệ chế độ này, họ thấy rằng những cái đó đang đe dọa đến sự ổn định của nền độc tài. Vì thế, họ phải có những quyết định ra tay trấn áp để đẩy lùi phong trào này đi xuống.”
Ngộ nhận, thiếu kinh nghiệm
Tuy nhiên, cũng từ phiên tòa xét xử 4 nhà bất đồng chính kiến lại cho thấy sự tồn tại một số điểm khác biệt trong nhận định tình hình của các nhà hoạt động dân chủ trong nước.
Nhà hoạt động dân chủ Lê Thanh Tùng cho rằng bốn vị hoạt động dân chủ vừa bị xét xử là Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Thăng Long có một sự ngộ nhận trong việc đánh giá tình hình thực tế tại Việt Nam. Ông nói:
“Các vị này thiếu kinh nghiệm thực tiễn. Đặc biệt sau cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược vào năm 2007 của giới sinh viên, các vị lại ngộ nhận là khoảng 2 - 3 năm nữa thì Cộng Sản Việt Nam sụp đổ. Theo như suy luận của tôi thì 4 vị kể trên cho rằng khoảng 60 – 70% nhân dân Việt Nam đã ý thức được thế nào là tự do, dân chủ, nhân quyền, thế nào là quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận.
Ngược lại, theo kinh nghiệm của tôi từ những năm tháng còn ở Cambodia, tôi lại cho rằng sự bức xúc của nhân dân Việt Nam đối với chế độ này khoảng 80% nhưng độc tài Cộng Sản Việt Nam vẫn điều hành được. Còn về những người hiểu được thế nào là tự do, dân chủ, nhân quyền, tự do báo chí, tự do ngôn luận, nhà nước pháp quyền và nhà nước đảng quyền v.v… thì không quá 10% dân số Việt Nam.
Các vị này ngộ nhận rằng muốn thắng lợi nhanh chóng thì phải thành lập tổ chức đảng phái nhưng họ không hiểu rằng đảng phái là cái cớ để lãnh đạo độc tôn cộng sản bắt bớ và đàn áp. Họ không hiểu là đảng phái chỉ dành cho cuộc đấu tranh bạo động, mà ở thời điểm lịch sử này dùng bạo lực để giải phóng dân tộc thì không còn phù hợp nữa.”
Phương thức đấu tranh mới
Chính từ việc nhận định lại tình hình, nhiều nhà hoạt động dân chủ trong nước cho rằng cần phải thay đổi và tìm ra những cách thức hoạt động mới thích hợp với thực tế Việt Nam hiện nay.
Nhà đấu tranh dân chủ Lê Thanh Tùng vẫn trung thành với phương thức tuyên truyền, vận động. Ông nói:
“Đi tuyên truyền, đi phát báo thật nhiều như chúng tôi đi vận động. Cơ bản nhất bây giờ phải là nâng cao ý thức về dân chủ cho người Việt Nam. Người Việt Nam 90% không hiểu thế nào là tự do, dân chủ, nhân quyền, thế nào là nhà nước pháp quyền, nhà nước đảng quyền. Họ không hề biết.
Ngày xưa họ ăn củ chuối, họ bị bóp nghẹt thở. Ngày nay họ đã có cơm ăn và họ được nới rộng ra, dễ thở hơn cho nên họ chỉ cần yên tĩnh thế này để làm ăn thôi. Họ không quan tâm gì đến vấn đề chính trị, vấn đề dân chủ nhân quyền là như thế nào.”
Riêng nhà báo Nguyễn Khắc Toàn, cách thức đấu tranh tốt nhất hiện nay, theo ông, là tranh thủ thế hợp pháp quốc tế để đưa phong trào đi lên. Ông nói:
“Theo tôi, chắc chắn là sẽ phải thay đổi. Ví dụ như những việc đi treo biểu ngữ, rải truyền đơn như ông Nguyễn Xuân Nghĩa đã chỉ đạo làm thì số anh chị em trong nước cũng phải rút kinh nghiệm, phải ngừng những việc công khai, lộ liễu để tránh bị tổn thất lực lượng.
Còn đối với nhóm hoạt động đảng phái, tổ chức như anh Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định, Lê Thăng Long v.v… thì sau khi có vụ xử án này, anh chị em đấu tranh trong nước cũng đã rút ra bài học là chớ nên tổ chức, nhen nhúm những hình thức mà người ta có thể gán buộc cho mình là đảng phái hoạt động và người ta sẵn sàng gán ghép cho mình những tội danh như âm mưu hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân để mà đàn áp và trừng trị mình không thương tiếc.
Qua việc này, chắc chắn anh chị em sẽ phải rút ra những bài học để tìm mọi cách đưa phong trào dân chủ đi lên, tranh thủ những thế hợp pháp, nhân quyền có tính phổ quát đã được nhân loại công nhận để mà đẩy mạnh cuộc đấu tranh dân chủ thêm những thành công to lớn hơn nữa trong năm nay và những năm tiếp theo.”
Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.
No comments:
Post a Comment