Sunday, January 24, 2010

BẢN ÁN MỘT CHẾ ĐỘ

Bản án một chế độ
Nguyễn Văn Lục
24-01-2010
http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=7105
Bản án tù dành cho bốn người trẻ tuổi ngày 20/01/2010 thật ra là bản án dành cho một chế độ, chế độ độc tài cộng sản Việt Nam. Kết án bốn tù nhân lương tâm là tự kết án chính họ.
Đối với người trong nước, nếu có một cuộc thăm dò dư luận thì chắn hẳn 10 người hết chín bất mãn chế độ.

Những người trẻ ấy có tội tình gì? Ngoài cái hăng say của tuổi trẻ, nhiệt thành với đất nước, muốn cho đất nước khá hơn. Cụ thể là muốn “rửa mặt” cho chế độ cộng sản có tính dân chủ hơn, theo kịp bước tiến của thời đại.
Niềm tin của họ đã bị nhà nước phản bội.Người viết xác tín rằng sau này lịch sử sẽ ghi dấu tên họ. Họ bước vào lịch sử đấu tranh cho tự do, dân chủ bằng chính cuộc đời họ.

Nếu dư luận là thước đo trình độ ý thức dân chủ một nước thì những bản án này là một thất bại của chính quyền cộng sản.
Thất bại về mặt pháp lý, về mặt chính trị, về dư luận quốc tế và về niềm tin của dân chúng.
Bản án này chắc hẳn đã không phải là quyết định từ mấy ông chánh án, công tố viện “bù nhìn” mà từ bộ chính trị. Bởi vì tòa án chỉ là công cụ của chế độ như Quốc Hội, công an, cảnh sát, báo chí, v.v...
Nó chẳng khác gì các vụ Bát Nhã, Đồng Chiêm cũng đều do lệnh từ trên xuống. Ai trong số 15 lãnh đạo ở Trung Ương đã cương quyết dùng biện pháp trừng trị bốn trí thức này? Họ là những ai?
Không ai biết chắc chắn rằng trong “bóng tối Ba Đình” ai là người đưa ra quyết định chung thẩm số phận của bốn bị can?
Nhưng đã rõ một điều là bốn bị can đã phải trả giá cho những quyết định tồi tệ ấy.
Ở Việt nam, mọi quyết định lớn nhỏ, dù nhỏ như một cây kim thì số phận đều nằm trong tay ở 15 cái đầu mà không có đầu ấy. Vì thế nhiều khi khôn cũng chết, dại cũng chết, chỉ giả vờ chết là sống.

Phần giới báo chí, tôi đã rà xét kỹ càng một số báo trong nước. Hầu hết đều không chính thức loan tin tức về vụ xử bốn người bất đồng chính kiến này. Phần đông họ chọn thái độ im lặng. Đặc biệt là Vietnam.net và tuanviet nam.net
Im lặng trong trường hợp này được coi là gián tiếp đứng về phía các bị can như Nguyễn Tiến Trung, Lê Công Định, Lê Thăng Long và Trần Đình Duy Thức.

Tổ chức Ân xá Quốc Tế thông qua bà Britis Edman, Thụy Điển đã nói rằng: Phiên tòa là một trò nhạo báng công lý. Những bản án và kết tội đều đã định trước, ai cũng thấy rõ điều đó. Theo ông Bùi Tín ở Pháp thì Đây là phiên tòa mà chính tòa án là người đã phạm pháp, bởi vì luật sư không được quyền bào chữa trước tòa. Giáo sư Carl Thayer, Úc Đại lợi nói không khác gì bà Britis Edman và gọi “Phiên tòa này là một trò đùa.”
Và trên tờ Người Việt online đã tóm tắt lại ý của giáo sư Carl Thayer cho rằng, “Cả hệ thống truyền thông VN đã ‘xét xử’ và ‘kết án’ những người này từ mấy tháng nay rồi.”

Nhưng có lẽ câu nói cay đắng và phũ phàng đập vào mặt chế độ nhất vẫn là lời than của mẹ Nguyễn Tiến Trung trả lời BBC, ngày 21/01/2010, “Sống ở VN đành chấp nhận thôi ...Đối với pháp luật Việt Nam, những ai sống ở Việt Nam thì phải chấp nhận như vây thôi, dù muốn dù không."

Theo BBC thì dư luận quốc tế qua đại sứ Anh, Mark Kent cho hay ông Thứ trưởng ngoại giao Ivan Lewis đã bày tỏ quan ngại sâu sắc là vụ xử là, “Một quảng bá không hay cho Việt Nam và sẽ chỉ làm tổn hại thanh danh của Việt Nam trước cộng đồng Quốc tế.”

Nếu còn có những ai trước đây còn chút hoài vọng vào chính quyền cộng sản thì chẳng còn có lời khuyên nào tốt hơn lời khuyên sau đây, Xin đừng bao giờ chăn gối với cộng sản. Biết bao nhiêu người đã khờ dại “đã chăn gối” như thế và nay đã sáng mắt, sáng lòng!

Tên và danh sách họ càng ngày càng dài:

Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Hữu Đang, Trần Dần, Dương Quỳnh Hoa, Trần Độ, Trương Như Tảng, Trần Quang Cơ, Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan, Hà Sĩ Phu, Dương Thu Hương, Bùi Tín, Đào Hiếu..(...) trí thức thiên tả như Nguyễn Ngọc Giao và đám bạn bè bên Pháp, bên Mỹ … Hằng trăm, hằng ngàn người trẻ trong nước và hằng trăm ngàn người hiện nay phải tạm nín thở qua sông.

Trò hề trong vụ án “lật đổ chính quyền” mà tang chứng, vật chứng được chưng ra chỉ là cái bàn máy computer và con chuột và những trao đổi trên mạng. Trong số đó, có người chưa hề biết mặt nhau.
Hóa ra một cái bàn máy computer cũng có cơ may lật đổ một chính quyền?

Họ không có súng ống, một con dao găm dùng để ám sát lãnh đạo như Nguyễn Minh Triết hay Nguyễn Tấn Dũng cũng không tìm thấy. Một vụ án với những cáo buộc khôi hài làm tôi nhớ đến vụ án xử các thiền sư Tuệ Sĩ Và Lê MạnhThát.
Người viết nhớ lại trên lầu ba nơi phòng làm việc của thày Lê Mạnh Thát, vào một buổi xế trưa. Hai người chúng tôi ngồi đàm đạo, uống nước trà và ăn mứt gừng (một món nhâm nhi sở thích của thày Lê Mạnh Thát) đến quên cả giờ dạy lúc 3 giờ rưỡi chiều.
Người viết hỏi thày Lê Mạnh Thát, “Thầy cho biết vụ ra tòa, rồi lãnh án tử hình, sự thật như thế nào? Thầy thật sự muốm lật đổ chính quyền lúc bấy giờ chăng?”
- Thật chứ, có võ trang hẳn hoi.
- Thế thày có bao nhiêu người?‒ Độ chừng 30 người?
- Họ có biết xử dụng vũ khí không?
- Đương nhiên, có người là cựu quân nhân.
- Thế còn phần thầy, thầy có súng không và có biết bắn không?
- Ờ súng thì không có, với lại từ trước đến giờ có cầm cây súng bao giờ đâu?
- Không biết bắn súng làm sao dám lật đổ chính quyền?
- Dám chứ và tôi là người lãnh đạo mà.
- Thế còn tiền đâu, có được ngoại quốc tài trợ không? Nghe nói ni sư Trí Hải là thủ quỹ?
- Làm gì có ngoại quốc nào đâu. Tiền cũng chẳng có. Gọi thủ quỹ cho oai vậy thôi chứ có đồng xu teeng nào đâu.
- Kể thầy cũng liều thật. Thế bây giờ ông có còn nỗi sợ gì không?
- Sợ thì có sợ, nhưng đã có chứng chỉ án tử hình trong người thì còn có cái để sợ nữa.
Dù sao vụ án Tuệ Sĩ, Lê Mạnh Thát còn có vật chứng và có chủ mưu rõ ràng. Nhưng bản án tử hình cuối cùng cũng có chút “hề” trong đó.
Cho nên, người viết nghĩ rằng, họ xử những kẻ vô tội thì là một cách họ đang xử chính họ.

Ngôi sao cộng sản đang lu mờ trên bầu trời Việt Nam và qua vụ án này, ngôi sao ấy sẽ có dấu hiệu tắt sớm chăng?

Đất nước này đang gặp những rắc rối không lối thoát như đi trong đêm tối. Không phải không có ánh sáng, nhưng bởi vì nó được lãnh đạo bởi những kẻ đui mù và ngu dại.
Đất nước này, qua vụ án “lật đổ chính quyền” cho thấy không cần những tên lành đạo đó nữa mà cần những nhân chứng.


Giới thiệu sách
Tin Nhà vừa nhận được các sách báo sau đây. Xin giới thiệu cùng độc giả DCVOnline. net

- Tập san Y sĩ, số 184, đặc biệt ghi nhớ lại những kỷ niệm thời trẻ của sinh viên y khoa với tập san Tình Thương. Báo Tình Thương được xuất bản vào khoảng năm 1963... Các sinh viên y khoa thời đó nay đã tốt nghiệp và hành nghề như Liza Lê Thành Ý, Trần Mộng Lâm, Lê Văn Châu, Thân Trọng An, Phạm Đình Vy, Ngô Thế Vinh, Kathy Bùi Thế Khải, Vũ Thiện Đạm, Trần Xuân Ninh, Nguyễn Thanh Bình, Nguyễn Đạo Đại, Đặng Vũ Vương, Đỗ Hữu Tước, Đặng Ngọc Cương, Nguyễn Lương Tuyền, Trần Xuân Dũng nay có dịp ngồi ôn lại những kỷ niệm thời trai trẻ và cũng là dịp để tưởng niệm những người đã không còn nữa Nguyễn Vĩnh Đức, Nghiêm Sỹ Tuấn, Bùi Thế Hoành, Lê Sỹ Quang, Hoàng Thiện Căn, Nghiêu Đề và các giáo sư Phạm Biểu Tâm, Ngô Gia Hy, Trần Văn Bảng, Nguyễn Hữu.

- Tuyển Tập Thơ Nguyễn Hải Bình, Một thoáng phù vân. Xin cám ơn tác giả Nguyễn Hải Bình và trân trọng giới thiệu với độc giả Tuyển Tập Thơ.

- Tuyển Tập truyện ngắn và thơ của Khánh Giao, 2009, tức Phùng Văn Hạnh. Khi có dịp, Tin Nhà sẽ xin giới thiệu nội dung cuốn sách. Trân trọng cám ơn tác xin giới thiêu với độc giả DCVOnline.net


© DCVOnline


‘Sống ở VN đành chấp nhận vậy thôi’ (BBC)




No comments:

Post a Comment