Friday, December 4, 2009

XÂY DỰNG HỒ SƠ PHÁP LÝ về CHỦ QUYỀN HOÀNG SA - TRƯỜNG SA

CHUẨN BỊ HỒ SƠ "HOÀNG SA - TRƯỜNG SA" ĐƯA RA PHÁP ĐÌNH QUỐC TẾ
XÂY DỰNG HỒ SƠ PHÁP LÝ VỀ CHỦ QUYỀN CỦA VIỆT NAM
ĐỐI VỚI HAI QUẦN ĐẢO HOÀNG SA VÀ TRƯỜNG SA

04-12-2009
http://nguyenxuandien.blogspot.com/2009/12/ho-so-phap-ly-chu-quyen-cua-viet-nam-oi.html
Sáng nay, 04.12.2009, tại UB Biên giới quốc gia, 58 Nguyễn Du Hà Nội, Trung tâm Luật Biển và Hàng hải quốc tế (Khoa Luật, ĐH Quốc gia Hà Nội) tổ chức hội thảo khoa học: “Xây dựng hồ sơ pháp lý về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”. Đây là một hội thảo quy mô hẹp, với sự tham gia của 20 khách mời đến từ Đại học Quốc gia, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Bộ Ngoại giao, Bộ Công An, Bộ Quốc phòng. Ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm UB Biên giới quốc gia và PGS.TS Nguyễn Bá Diến, GĐ Trung tâm chủ trì hội thảo.

Phát biểu khai mạc, PGS. TS Nguyễn Bá Diến nêu rõ trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông ngày càng diễn biến phức tạp đòi hỏi phải xây dựng một hồ sơ pháp lý về chủ quyền của Việt Nam đối với đối với biển đảo nói chung, đối với Hoàng Sa và Trường Sa nói riêng. Ban tổ chức hội thảo đề nghị các nhà khoa học nêu ý kiến về nội dung cũng như cách thức tiến hành xây dựng hồ sơ này.

Các nhà khoa học và các đại biểu đã phát biểu phân tích tình hình các diễn biến tại Biển Đông, khẳng định tính cấp bách và đóng góp các ý kiến về việc xây dựng hồ sơ pháp lý này, như một bộ hồ sơ gốc, phục vụ đa mục đích nhằm đấu tranh bảo vệ chủ quyền và tiến tới việc trình lên các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp quốc tế có chức năng xét xử như: Tòa án công lý quốc tế, Tòa án quốc tế về luật biển, Trọng tài quốc tế.

Đề cập đến sưu tập tư liệu cho hồ sơ, các nhà khoa học đặc biệt nhấn mạnh đến giá trị của các tài liệu cổ bằng nhiều ngôn ngữ về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa, hiện đang được lưu trữ trong các tàng thư trong nước và ở nước ngoài. Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng mong muốn các cơ quan lưu trữ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa trong việc tiếp cận các tài liệu.

Một số ý kiến phát biểu nêu vấn đề cần tranh thủ và tập hợp mọi ý kiến của các học giả nước ngoài và các học giả trong nước (kể cả các học giả tự do) để hệ thống hóa các tài liệu khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa.

Hội thảo diễn ra với tinh thần thẳng thắn, khoa học và cởi mở. Hy vọng hồ sơ pháp lý về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được tiến hành thuận lợi, và đảm bảo tính khách quan, khoa học và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của một hồ sơ quốc tế.

Nguyễn Xuân Diện



No comments:

Post a Comment