Monday, December 21, 2009
VIỆT NAM SẮP NHẬP KHẨU THAN ĐÁ
Nhập than
Ngày 21.12.2009 Giờ 07:45
http://www.sgtt.com.vn/Detail23.aspx?ColumnId=23&newsid=60923&fld=HTMG/2009/1220/60923
SGTT - Sau nhiều năm ra sức đẩy mạnh xuất khẩu than với quy mô hàng chục triệu tấn/năm, vừa qua, tập đoàn Than – khoáng sản Việt Nam (TKV) đã quyết định thành lập tổ công tác về nhập khẩu than để tìm kiếm đối tác, xây dựng các phương án nhập than. TKV cũng mới soạn thảo xong đề án thành lập một ban chỉ đạo nhập khẩu than cho tổng sơ đồ phát triển điện lực Việt Nam.
Chuyện phải nhập than, ngay từ khi được lãnh đạo TKV công bố, đã khiến nhiều người phải ngỡ ngàng vì vẫn tưởng rằng, nước ta còn rất giàu vàng đen. Nhưng nay, chuyện nhập than đã là thực tế. Từ năm 2012 trở đi, hàng năm Việt Nam sẽ phải nhập than với số lượng rất lớn và với giá chắc chắn đắt hơn rất nhiều so với giá than đang được xuất khẩu.
Cái khó của kẻ đến sau
Theo đề án nhập than do TKV lập, nhu cầu tiêu thụ than chỉ riêng cho sản xuất điện theo quy hoạch điện VI là vô cùng lớn mà ngành than không còn khả năng đáp ứng đủ. Theo bảng cân đối cung cầu, đến năm 2012, than cho các dự án (nhiệt điện chạy than) đã xác nhận của TKV sẽ bị thiếu 8,2 triệu tấn; năm 2015 sẽ thiếu 12,8 triệu tấn. Số than thiếu này, đương nhiên phải nhập khẩu, nếu không hàng chục nhà máy nhiệt điện chạy than sẽ đắp chiếu. Nhưng không chỉ các nhà máy điện than thiếu than mà nhiều ngành khác cũng thiếu. TKV tính rằng việc nhập than phải thực hiện từ năm 2012, tăng dần đến 28 triệu tấn vào năm 2015, 66 triệu tấn vào năm 2020 và 126 triệu tấn vào năm 2025.
Nhưng nhập than có dễ không? Chính TKV cũng cho rằng không dễ. Bởi từ 2012 trở đi, tức từ thời điểm Việt Nam phải nhập than, TKV thừa nhận rằng than năng lượng sẽ trở nên khan hiếm. Thị phần nhập khẩu than năng lượng của các cường quốc xuất khẩu than như Úc, Indonesia chủ yếu đã do Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… nắm giữ nên Việt Nam sẽ rất khó đàm phán mua được than với số lượng lớn. “Việc xác định thời hạn hợp đồng dài hạn, cơ chế tính giá than theo thị trường, sự biến động của chi phí vận chuyển… là những khó khăn lớn khi tiến hành nhập khẩu than”, TKV nhận định.
Đáng lo hơn là cuộc cạnh tranh để nhập khẩu than ngày càng gay gắt. Chỉ xét ở châu Á, nhiều quốc gia đã lên kế hoạch lớn phát triển các nhà máy nhiệt điện chạy than nên nhu cầu nhập khẩu than rất lớn. Ví dụ như Trung Quốc đã tăng quy mô phát điện bằng nguồn điện than lên 249.000MW giai đoạn 2008 – 2020; Ấn Độ nâng lên 77.000MW từ năm 2008 – 2017. Việt Nam tăng 116.000MW đến năm 2025. Các nhà hoạch định chính sách nhiều nước đã sớm thấy sự khan hiếm về than nên đã tranh thủ đàm phán, ký kết mua than dài hạn từ các nước giàu tài nguyên vàng đen. Đã sớm có làn sóng đầu tư của Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Ấn Độ… vào các mỏ than của Úc, Indonesia, Nam Phi. Nhưng Việt Nam, đã không biết tiết kiệm tài nguyên, nay mới chuẩn bị gia nhập thị trường nhập khẩu thì những khó khăn để ký được các hợp đồng mua than dài hạn là vô cùng khó.
Theo một số chuyên gia thì để có thể nhập khẩu than ổn định và lâu dài, Việt Nam cần chọn phương thức mua mỏ (mua quyền khai thác) hoặc đầu tư, mua cổ phần mỏ than ở các nước. TKV cho rằng, đây là hình thức đầu tư mới với ngành than – khoáng sản nhưng cơ sở pháp lý, các văn bản hướng dẫn thực thi luật Đầu tư nước ngoài còn thiếu nên chưa có cơ sở để triển khai.
Một thách thức lớn nữa cho việc nhập than chính là các cảng biển, hệ thống kho bãi chứa và phân phối than nhập khẩu về cũng chưa sẵn sàng (trong khi Trung Quốc đã xây dựng được những mỏ than nhân tạo lớn để chứa than nhập khẩu từ Việt Nam sang). Người ta tính rằng, để phục vụ cho nhu cầu nhập than cho các nhà máy điện ở Việt Nam với số lượng đã dự kiến thì cần có cảng biển có khả năng cho tàu có kích cỡ Cape Sire (mớn nước sâu trên 20m) hoặc tối thiểu là cỡ tàu Panama max (trọng tải 70.000 tấn, mớn nước sâu trên 15m) đi vào được. Nhưng hiện nay, như ở các tỉnh phía Nam, chưa có cảng nào có khả năng tiếp nhận tàu đến cỡ Panama max. Chỉ có khu vực Sơn Dương/Vũng Áng hay Vân Phong là có mức nước sâu tự nhiên để tiếp nhận tàu trọng tải trên 100.000 DWT nhưng vấn đề là hiện nay còn chưa có cảng nước sâu nào được xây dựng.
Cái giá của việc xuất khẩu ồ ạt
Với những khó khăn lớn như vậy thì nếu không sớm có sự chuẩn bị, chắc chắn việc nhập khẩu than có muốn thực hiện sẽ rất khó khăn. Cho nên, TKV đã đưa ra đề án thành lập ban chỉ đạo nhập khẩu than cho riêng tổng sơ đồ phát triển điện VI (còn nhập than để luyện thép, thuỷ tinh, sản xuất hoá chất… thì chưa biết). Thành phần ban chỉ đạo dự kiến đề xuất gồm một Phó thủ tướng làm trưởng ban, phó trưởng ban là bộ trưởng bộ Công thương, các thành viên khác là thứ trưởng hoặc cấp tương đương ở một số bộ, ngành liên quan. Ban này sẽ chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc nhập than; trực tiếp quyết định hoặc đề xuất với Thủ tướng về cơ chế, chính sách nhập khẩu than…
Chắc rằng, ban chỉ đạo về nhập khẩu than sẽ sớm được chính thức thành lập theo đề nghị của TKV. Nhưng với sự tham gia muộn màng vào đội ngũ các nước nhập khẩu, có thể hình dung việc nhập khẩu than từ năm 2012 là không hề dễ dàng. Và nếu than không nhập về kịp thời, đầy đủ, liệu sẽ có bao nhiêu nhà máy điện, nhà máy thép, nhà máy sản xuất kính… phải ngưng hoạt động?
Như vậy, đến lúc này có thể khẳng định, cái giá phải trả cho việc xuất khẩu than ồ ạt trong nhiều năm qua (hiện nay và năm 2010, 2011 còn tiếp diễn) là quá đắt. Nhưng cho đến hết năm 2009, TKV dự kiến cả năm vẫn xuất khẩu được độ 22,5 triệu tấn than. TKV cho rằng do tổng sản lượng than khai thác cả năm đạt khoảng 40 triệu tấn, tiêu dùng trong nước hết 19,5 triệu tấn, nên các doanh nghiệp mỏ phải tìm cách xuất khẩu phần còn lại đề bù cho việc bán than trong nước với giá thấp hơn giá xuất khẩu. Theo TKV, một khi giá than còn chậm “thị trường hoá” thì ngành than sẽ còn khó khăn về tài chính để đầu tư, thăm dò, khai thác mỏ… và như thế, “sự thiếu hụt than sẽ càng trở nên trầm trọng hơn”. Chính vì đến năm 2009, thậm chí sang năm 2010, 2011 TKV vẫn tích cực xuất khẩu than nên việc phải nhập than càng đến nhanh, cho dù sắp tới có thể phải khai thác một số mỏ hầm lò của bể than đồng bằng sông Hồng (được cho là có trữ lượng đến 210 tỉ tấn) ở khu vực Bình Minh – Khoái Châu (Hưng Yên) và Tiền Hải (Thái Bình).
Xin trích lại một đoạn trong một bài viết về vấn đề này của tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn, giám đốc công ty Năng lượng sông Hồng, một công ty thành viên của TKV: “Nếu trong vòng 13 năm qua, thay vì tích cực xuất khẩu than, TKV đẩy mạnh đầu tư theo chiều sâu, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và chỉ tập trung tiềm lực đầu tư cho ngành than (thay vì đầu tư vào các lĩnh vực khác mà không có hiệu quả), thì nguy cơ phải nhập khẩu than của Việt Nam đã có thể được đẩy lùi hàng chục năm”.
Mạnh Quân
No comments:
Post a Comment