Sunday, December 27, 2009

VIỆT NAM MUA VŨ KHÍ là "BÌNH THƯỜNG"

Việt Nam mua vũ khí là ‘bình thường’
Thực hiện: Ðinh Quang Anh Thái
Saturday, December 26, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=106061&z=196

Tuần qua, bộ trưởng quốc phòng Việt Nam là Tướng Phùng Quang Thanh đến thăm nước Mỹ bàn luận về vấn đề gia tăng mối quan hệ quân sự giữa đôi bên; ngoài ra Hà Nội cũng tìm cách mua võ khí của Liên Bang Nga và của Pháp. Lý do nào khiến Hà Nội dồn dập mua võ khí của nhiều nước khác nhau như vậy, Người Việt nêu vấn đề này với Tiến Sĩ Nguyễn Văn Huy trong cuộc phỏng vấn sau đây. Tiến Sĩ Huy chuyên về Ðông Phương học và Dân Tộc học, hiện sống tại Paris; ông cũng bỏ nhiều thì giờ nghiên cứu về quốc phòng của nhà nước Cộng Sản Việt Nam.

- ÐQAThái: Tiến sĩ nhận định ra sao về những tin tức cho thấy Hà Nội đang tìm cách gia tăng sức mạnh quân sự của Việt Nam?
- T.S. Nguyễn Văn Huy: Gần đây Hà Nội công bố “bạch Thư” cho thấy sẽ gia tăng ngân sách quốc phòng, đồng thời đặt mua một số vũ khí chiến lược quan trọng của Nga. Nhìn một cách tổng quát, đây là một vấn đề bình thường vì kho vũ khí của Việt Nam đã lỗi thời rồi. Chúng ta nên nhớ rằng khi Cộng Sản Liên Xô sụp đổ năm 1991, kho vũ khí Việt Nam lệ thuộc vào Nga và cho đến nay đã hơn 18 năm, số vũ khí đó không được tân trang. Hiện nay Việt Nam đặt mua một số vũ khí chiến lược, đồng thời trang bị một số vũ khí hiện đại để hiện đại hóa quân đội. Tôi nghĩ đây là một sự chuyển hóa bình thường mà thôi. Sở dĩ chúng ta quan tâm tới vấn đề này vì thấy Trung Quốc đang dùng sức mạnh quân sự đe dọa vùng biển Ðông và có ý muốn chiếm thêm một số đảo của Việt Nam ở Trường Sa. Người ta chú ý tới vấn đề này hơn nữa vì gần đây quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong vấn đề hợp tác trên biển và nhất là Hoa Kỳ đề nghị có những hợp tác tích cực hơn về vấn đề tập trận chung ở vùng biển Ðông. Nhưng tôi nghĩ sự trang bị và mua một số vũ khí chỉ là một tiến trình bình thường của một quân đội mà kho vũ khí đã quá cũ kỹ. Ngoài ra, nếu Việt Nam đặt mua một số dụng cụ chiến lược chẳng hạn như tàu ngầm và tàu chiến lớn thì đây là chuyện bình thường, vì tất cả các quốc gia Ðông Nam Á đều đã có tàu ngầm, đã có những tàu chiến lớn; cho nên Việt Nam mua một số vũ khí là để bắt kịp đà tiến hóa chung, nói thẳng ra đó là cuộc chạy đua vũ trang của toàn vùng Ðông Nam Á.

- ÐQAThái: Theo tiến sĩ thì không phải vì nhà nước Hà Nội lo sợ trước sự đe dọa của Cộng Sản Trung Quốc tại biển Ðông?
- T.S. Nguyễn Văn Huy: Việt Nam mua một số dụng cụ, vũ khí chiến lược quan trọng chỉ nhằm cản ngăn hoặc là răn đe chứ không nhằm chuẩn bị cho tình huống chiến tranh. Nếu Trung Quốc quyết tâm đánh Việt Nam thì Việt Nam cũng khó sử dụng những vũ khí này. Vì nếu mua tàu ngầm thì Việt Nam chưa có khả năng phối hợp tác chiến giữa tàu ngầm, tàu chiến với không quân, bộ binh. Tôi nghĩ rằng nếu xảy ra chiến tranh thì 5 năm nữa Việt Nam mới chuẩn bị đủ khả năng để tự đối phó lấy. Chúng ta thấy trong đợt mua này có rất nhiều máy bay phản lực rất mới của Nga loại Sukhoi 27, Sukhoi 30, là những loại mới nhất nhưng phi công Việc Nam chưa được huấn luyện kỹ càng, thời giờ tập dượt cũng chưa nhiều, thành ra kinh nghiệm chiến đấu trên không chưa có. Thành ra tôi nghĩ rằng đợt mua vũ khí này là để cản ngăn Trung Quốc đừng có làm quá mà thôi, cứ thật sự tôi nghĩ rằng khả năng chiến đấu của Việt Nam trên biển và trên không hiện nay còn rất yếu.

- ÐQAThái: Mối quan hệ giữa Pháp và Việt Nam bây giờ ra sao về phương diện quân sự, thưa tiến sĩ
- T.S. Nguyễn Văn Huy: Pháp ngày nay là một quốc gia bình thường nhưng đặc điểm của Pháp là các hệ thống nghiên cứu về truyền tin, tức là hệ thống rada phát hiện những máy bay và tàu của địch rất tối tân. Họ có một số vũ khí rất là tinh vi, những giàn phóng hỏa tiễn chống tàu ngầm hoặc là chống các tàu chiến rất là hữu hiệu. Tôi nghĩ rằng Việt Nam rất quan tâm đến vấn đề này và Pháp cũng sẵn sàng muốn bán cho Việt Nam một số vũ khí đồng thời đào tạo chuyên viên Việt Nam.
Quan hệ giữa Việt Nam với Pháp có từ lâu và Pháp lúc nào cũng muốn giữ quan hệ này vì sự hiện diện của Pháp tại Ðông Nam Á không có ở đâu hết chỉ có ở Việt Nam thôi. Cambodia thì cũng không phải là một đối tượng lớn chính của Pháp, trong khi Việt Nam mới là chính, thành ra nếu Việt Nam có một thái độ dứt khoát đối với Trung Quốc và có một thái độ rõ ràng thì Pháp sẵn sàng giúp Việt Nam. Thứ nhất là vì quan hệ lịch sử, ngoài ra, nếu Pháp thành công trong việc giúp Việt Nam thì hình ảnh của nước Pháp đối với các quốc gia Ðông Nam Á khác cũng sáng sủa hơn. Thứ hai, nếu giúp Việt Nam thành công thì Pháp sẽ có mối quan hệ tốt đối với các quốc gia Ðông Nam Á khác, nhất là việc bán vũ khí mà Pháp hiện nay rất cần, vì đây là một nguồn ngoại tệ mà Pháp không thể cạnh tranh được với Hoa Kỳ và Nga. Và cuối cùng là nếu trong tương lai xẩy ra xung đột mà hệ thống vũ khí của Pháp thành công trong việc giúp Việt nam hạ được đối thủ thì tôi nghĩ uy tín của Pháp sẽ lên rất cao và qua đó họ có thể bán một số vũ khí lớn cho các quốc gia khác, vì Pháp đang nhắm nhiều vào thị trường Nam Dương, Singapore và Mã Lai hơn là nhắm vào Việt Nam.

- ÐQAThái: Hà Nội muốn mua một loạt võ khí của Liên Bang Nga, của Mỹ và của nước Pháp; về phương diện kỹ thuật thì tất cả các loại võ khí được sản xuất từ nhiều quốc gia khác nhau thì Hà Nội làm sao có thể khế hợp được những loại võ khí và những loại dụng cụ thay thế khác nhau như vậy?
- T.S. Nguyễn Văn Huy: Thưa anh đúng, nhưng chúng ta đã biết rằng Ấn Ðộ là quốc gia thứ hai mua vũ khí của Nga - chỉ sau Trung Quốc; Ấn Ðộ có cái hay là họ biết tập trung vào sản xuất những phụ tùng dùng cho các vũ khí chiến lược của Nga và họ bán lại những phụ tùng đó cho các quốc gia mua vũ khí của Nga. Và Việt Nam với Ấn Ðộ từ lâu đã có một quan hệ, chính những chuyên viên Ấn Ðộ qua Việt Nam giúp đào tạo và huấn luyện chuyên viên của Việt Nam để sử dụng và bảo trì tân trang một số vũ khí của Nga.
Vấn đề đáng quan tâm là làm sao sử dụng được những vũ khí của Mỹ vì hệ thống vũ khí của Mỹ hoàn toàn khác với Nga; ngoài ra, Việt Nam vẫn nhìn người Mỹ, người Pháp như là những đối thủ trước kia. Còn với Ấn Ðộ thì chưa bao giờ có hành vi gây hấn với Việt Nam thành ra quan hệ đó rất là khác biệt. Nếu Ấn Ðộ đào tạo và huấn luyện cho chuyên viên Việt Nam thì dễ dàng hơn.

- ÐQAThái: Như vậy là Hà Nội ngày càng muốn thắt chặt mối quan hệ quân sự với các cường quốc Hoa Kỳ, Pháp và Liên Bang Nga, thưa tiến sĩ?
- T.S. Nguyễn Văn Huy: Vâng, tôi nghĩ Việt Nam đang cố gắng sáp gần với phương Tây hơn là với Trung Quốc. Phương Tây trong đó có Nga vì Nga vẫn là một quốc gia Châu Âu chứ không phải là một quốc gia Ðông Nam Á. Nếu Việt Nam có những quan hệ thật sự với những quốc gia phương Tây tức là Hoa Kỳ, Pháp và nói chung là Liên Hiệp Châu Âu thì đó là một điều rất mừng, vì nhờ sự chuyển hướng này các chuyên viên của Mỹ, của Châu Âu hoặc là của Nga họ sẽ tận tình giúp Việt Nam hơn.

- ÐQAThái: Cám ơn tiến sĩ đã trả lời phỏng vấn của Người Việt.

Có Nên Sợ Trung Quốc Không?
Wednesday, December 23, 2009




No comments:

Post a Comment