Bài phỏng vấn liên hệ đến việc Tổng giám mục Hà Nội xin từ chức
Trà Mi
01/12/2009
http://www.voanews.com/vietnamese/2009-12-01-voa33.cfm
Những ngày gần đây, dư luận quan tâm về các tin tức liên quan đến Năm Thánh 2010 tại Việt Nam không thể không chú ý đến hai sự kiện: quyết định từ chức của Tổng Giám mục Hà Nội Ngô Quang Kiệt và việc Giáo hội Việt Nam tiếp tục yêu cầu chính quyền giao trả lại đất đai bị trưng thu. Trà Mi có thêm chi tiết sau đây.
Tranh chấp đất đai vẫn là một trong những yếu tố chính trong các căng thẳng giữa Giáo hội Công giáo Việt Nam với chính quyền những năm gần đây. Điển hình như vụ Tòa Khâm Sứ và giáo xứ Thái Hà. Kết quả là một số giáo dân bị đưa ra tòa. Không ít linh mục bị truyền thông nhà nước lên án vì đã có thái độ ủng hộ các buổi cầu nguyện tập thể đòi công lý của giáo dân. Trong số này có người đứng đầu Giáo phận Hà Nội, Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt.
Những tuần nay, thông tin về việc Đức Tổng Giám mục Hà Nội đệ đơn lên Tòa Thánh Vatican xin từ chức vì lý do sức khỏe đang gây xôn xao cộng đồng giáo dân trong và ngoài nước. Sự việc này được dư luận khắp nơi chú ý không chỉ vì là người đứng đầu Tổng Giáo phận Hà Nội, một trong bốn giáo sĩ cao cấp nhất trong Giáo hội Công giáo Việt Nam ngày nay, một vị chủ chăn được nhiều người kính mến, mà còn bởi do quyết định từ chức của ông diễn ra sau khi chính quyền Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội đã nhiều lần lên tiếng muốn thuyên chuyển ông ra khỏi giáo phận sau khi ông mạnh dạn lên tiếng đòi hỏi công lý và bảo vệ nguyện vọng của giáo dân.
Hội đồng Giám mục Việt Nam phản ứng như thế nào trước tin này? Ban Việt Ngữ VOA liên lạc với Chủ tịch Hội đồng Giám mục Nguyễn Văn Nhơn để hỏi thăm. Ông dè dặt phát biểu:
“Về phía Hội đồng Giám mục thì chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi vẫn có những việc chung và có những việc có tính cách riêng. Khi đó là một việc riêng của mỗi giám mục thì Hội đồng Giám mục phải tôn trọng cái riêng tư đó, và khi chính các giám mục đó người ta cũng đã có tiếng nói thì coi như đó là câu trả lời rồi. Chúng tôi không thể trả lời dùm được.”
Đáp câu hỏi liệu quyết định từ chức được Tổng Giám mục Hà Nội đưa ra sau những vụ căng thẳng đất đai giữa Giáo hội với nhà nước phải chăng có liên hệ tới những áp lực từ phía chính quyền? Người đứng đầu Hội đồng Giám mục Việt Nam từ chối không đưa ra câu trả lời. Thay vào đó, một lần nữa ông khẳng định quan điểm của Hội đồng Giám mục về những lời yêu cầu trước đây của chính quyền đối với Hội đồng liên quan việc thuyên chuyển Tổng Giám mục Kiệt ra khỏi giáo phận Hà Nội:
“Những vấn đề đó thì chúng tôi cũng không biết phải trả lời như thế nào vì cũng chỉ là suy luận thôi, còn vấn đề bên trong thật sự phải là chính Đức Tổng mới là người cho biết được thôi. Về chuyện tương quan giữa chính quyền Hà Nội với Đức Tổng thì chúng tôi trong một lần họp trước kia đã có câu trả lời là chúng tôi cũng không thấy có lý do gì để có thể bắt buộc phải có sự thuyên chuyển như vậy.”
Trong khi việc Đức Tổng Giám mục Kiệt đệ đơn lên Vatican xin từ chức được đăng tải trên nhiều trang mạng thế giới thì chính cơ quan ngôn luận chính thức của Tòa Thánh Vatican, tức Radio Vatican, tới nay chưa hề loan báo tin này. Trưởng Ban Việt ngữ đài phát thanh Vatican, linh mục Trần Đức Anh, cho biết:
“Không thấy một thông cáo nào của Vatican về vấn đề đó hết. (Chúng tôi) không có loan một chữ, một câu nào về chuyện này. Bây giờ trên thế giới có 4400 giám mục, vị nào từ chức đâu có nói cho mình. Chỉ khi nào Đức Giáo hoàng chính thức nhận đơn từ chức thì lúc đó họ mới nói.”
Vẫn theo lời Trưởng Ban Việt ngữ đài Radio Vatican, trong lúc này chưa nghe thông báo chính thức của Tòa thánh có thể hiểu là đơn xin từ chức của Đức Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt chưa được Vatican chấp nhận:
“Chưa chấp nhận, vì nếu chấp nhận họ thông báo liền.”
Người đặc trách Á Châu sự vụ tại Bộ Truyền giáo ở Vatican, Đức ông Barnabe Nguyễn Văn Phương, cũng xác nhận rằng ông chỉ nghe tin Đức Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt từ chức qua báo chí mà thôi:
“Tôi cũng nhận được những tin tức qua báo chí vậy thôi, tôi cũng không biết gì thêm ngoài lời tuyên bố của Ngài với các linh mục của Ngài là Ngài đệ đơn từ chức.”
Trong khi đó thì mới đây, Hội đồng Giám mục Việt Nam cho biết đang đề nghị nhà nước hoàn trả lại phần đất của Giáo hoàng Học Viện tại Đà Lạt bị tịch thu từ năm 1980 mà hiện chính quyền đang cho thi công công trình Công viên Văn hóa và Đô thị. Giữa lúc các yều cầu hoàn trả tài sản của Giáo hội đối với chính quyền không đạt được kết quả tốt đẹp, liệu yêu cầu này có cơ may mang lại kết quả như ý, hay chỉ làm tăng thêm những căng thẳng vốn chưa có biện pháp hòa giải?
Người đứng đầu Hội đồng Giám mục Việt Nam Nguyễn Văn Nhơn nói rằng:
“Đứng về phía Giáo hội, chúng tôi cũng cố gắng hết sức trong tinh thần đối thoại. Mà có nhiều khi nói đến vấn đề đối thoại thì chắc là phải có thời gian, rồi cũng phải có cơ hội để trao đổi, rồi khi trao đổi thì phải có lắng nghe. Nói có nhiều điều kiện mà bây giờ chúng ta chưa thấy được thì chúng tôi cũng không thể có xác quyết gì được. Chúng tôi chỉ biết rằng những việc gì cần phải làm thì chúng tôi làm, những việc gì đúng thì chúng tôi làm. Còn kết quả thì chắc là khó mà có thể ấn định thời gian được.”
Cách biệt giữa nguyện vọng của Giáo hội và cách giải quyết của chính quyền đã đưa tới nhiều căng thẳng, khiến nhiều người cho rằng mối quan hệ bang giao giữa Việt Nam và Vatican có lẽ chưa có cơ hội sớm hình thành, như nhận xét của người đặc trách Á Châu sự vụ tại Bộ Truyền giáo ở Vatican, Đức ông Nguyễn Văn Phương:
“Theo nhận xét cá nhân thì tôi thấy điều này cũng còn lâu lắm.”
No comments:
Post a Comment