Tuesday, December 29, 2009

VÊ NƯỚC MUA...NHÀ - ĐI MỸ TẬU ... CỬA

Về nước mua... nhà / đi Mỹ tậu... cửa
Nguyễn Thị Lan Anh
29/12/2009
http://www.haingoaiphiemdam.com/the-su-nguoc-xuoi/Ve-nuoc-mua...-nha-/-di-My-tau...-cua.php
Nhiều năm nay cái cảnh Việt kiều về nước mua… nhà khá rộn rịp và mấy năm gần đây có cảnh ngược chiều: nhiều người giàu trong nưóc qua Mỹ tậu … cửa. Chuyện Việt kiều về nước mua nhà đẻ ra bao cảnh vui buồn trái ngang rách nát tâm can người trong cuộc… Và cảnh người trong nước qua Mỹ mua nhà cũng không đơn giản như người ta tưởng.
Cái cảnh bánh ít… bánh quy…khiến nhiều người tưởng là biết rồi khổ lắm nói mãi, nhưng vẫn chưa tìm ra câu trả lời…

Về nước mua nhà
Về mặt lý thuyết, nhà nước Việt Nam đã công nhân hơn ba triệu người Việt ở nước ngoài là ‘máu của máu Việt Nam, thịt của thịt Việt Nam ‘khá lâm li cảm động.’ Nhưng cho phép ‘máu thịt’ nọ trở về Việt Nam mua nhà thì…. Tính sơ sơ từ năm 2005 đến nay, chung quanh chủ đề cho Việt kiều sở hữu nhà ở Việt Nam, các bộ xây dựng, bộ công an, bộ tài nguyên môi trường, bộ kế hoạch đầu tư, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố và cả quốc hội đã ‘vô tình’ làm tan vỡ khá nhiều giấc mơ của những người trong cuộc.
Còn nhớ, trong một phiên họp Quốc hội ngày 24 tháng 10 năm 2005, khi bàn về Luật Nhà ở, đại biểu Phạm Phương Thảo của đoàn thành phố HCM đã nói ‘nếu chúng ta tạo điều kiện cho 100.000 người Việt Nam ở nước ngoài về VN mua nhà. Mỗi căn nhà khoảng 50.000 USD thì chúng ta sẽ có khoảng 5 tỷ đô la rót vào thị trường bất động sản. Rất có lợi trong phát triển nhà ở và các mặt khác’. Nhưng ở thời điểm đó, cũng theo bà Thảo, vì những trói buộc về thủ tục, khiến Sài Gòn, địa phương được tiếng năng động nhất nước, chỉ mới bán được cho Việt kiều có 60 căn nhà. Một chị bạn của kẻ viết bài, đang định cư ở bang New South Wales (Úc), chua chát nhận xét ‘Khi cần kêu gọi đóng góp tiền bạc cứu trợ người ta gọi tụi này là con một mẹ, là khúc ruột tổ quốc…Nhưng đụng chuyện thì lập tức khúc ruột nọ bị săm soi, nghi kỵ không khác khúc ruột.. thừa!
Nói thế e hơi bị… nai vàng ngơ ngác. Vì phàm đã là người Việt, không ít thì nhiều, ai cũng có ‘gien’ xoay trở, tháo vát. Chuyện nhà cửa ở Việt Nam, không cho mua chính thức thì họ huy động bà con giòng họ đứng tên mua giùm, mặc cho chuyện mua giùm này có thể đẻ ra bao cảnh huynh đệ tương tàn, cười ra nước mắt. Như ông Nam Trần ở bang Montana (Mỹ). Bực mình vì lần nào về Việt Nam ở khách sạn cũng bị quấy rầy, mất đồ lặt vặt… ông Trần nhờ bạn chí thân đứng tên mua giùm căn nhà nhỏ trong khu yên tĩnh quận Bình Thạnh giá 50.000 đôla. Đầu năm 2009, bạn gọi sang cho hay nhà thuộc khu vực sắp bị giải tỏa, nên bán ‘chạy giải tỏa’ gấp, nếu không để đến lúc bị giải tỏa, người ta chỉ đền 10.000 đôla là cao. Bán cho ai? Cho…tao! Thăm dò một kênh thông tin khác, ông Nam được biết ‘khu vực đó chả giải tỏa gì hết. Nó lừa mày thì có’.
Chị em cô Sáu Trâm ở bang Utah (Mỹ) lại khác. Họ không mua nhà mà có sẵn nhà ở Sài Gòn rồi nhưng nhờ người cháu coi chừng giùm từ nhiều năm nay. Từ chỗ ‘coi chừng giùm’, anh ta tìm cách nhập hộ khẩu vô đó. ‘Bây giờ, tụi này muốn bán nhà, nó không đồng ý nếu không được chia một phần ba tiền bán nhà. Thưa kiện thì đâu có ở Việt Nam mà theo kiện. Mướn luật sư, họ ‘vẽ’ một chặp cũng gần bằng tiền thằng cháu đòi chia. Mệt mỏi quá!’
Hai cảnh khổ trên, cùng nhiều nỗi niềm khác, đã được đưa ra thảo luận tại phiên họp lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo ‘Luật sửa đổi- bổ sung điều 126 Luật Nhà ở và điều 121 Luật Đất đai’ ngày18/2/2009 của Ủy Ban Kinh tế Quốc hội, và phiên họp Quốc hội vào trung tuần tháng 5 năm 2009, cuối cùng đi tới quyết định ‘đẹp như mơ’: Sớm nhất là từ ngày 1/9 trở đi, bất cứ ai còn giữ quốc tịch Việt Nam, có gốc Việt Nam, đang tạm trú hợp pháp từ ba tháng ở Việt Nam đều có thể mua một căn nhà để ở, thay vì phải thuộc nhóm đối tượng người về đầu tư trực tiếp, người có công với cách mạng, nhà khoa học, nhà văn hóa, người kết hôn với người trong nước, người có kỹ năng đặc biệt… như trước. Khi đã có nhà, họ có quyền tặng, thế chấp, cho thuê, bán đi mua lại nhà khác, ủy quyền coi chừng giùm.
Trong thực tế, tới đầu tháng 8 này, thị trường nhà đất cho Việt kiều chưa có dấu hiệu nóng lên. Các sàn giao dịch bất động sản vẫn ‘điện nước chập chờn’, chưa xuất hiện ‘làn sóng Việt kiều đổ xô về mua hết nhà ngon’ như các thầy bói mù dự báo. Những dự án xây khu đô thị, xây chung cư cao cấp ở các quận 1, quận 3, quận 10, Tân Bình, Thủ Đức, quận 2, quận 9 theo mô hình khu đô thị Phú Mỹ Hưng quận 7 đang hết sức ì ạch. Nhiều sạp bán thuốc lá, vé số, xe ôm dọc đường Trường Sơn, Hoàng Văn Thụ, Hai Bà Trưng, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Kha Vạn Cân chuyên sống bằng nghề cò mua bán, sang nhượng nhà cũng than ‘bảng treo tuần này sang tháng nọ chẳng ma nào tới hỏi’.
Một ‘thầy bói sáng’ là Thứ trưởng Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Trần Nam, từ năm 2008, khi trả lời phỏng vấn báo điện tử Vietnamnet.vn, đã nói ‘số lượng bà con Việt kiều có nhu cầu và đủ điều kiện sở hữu nhà tại Việt Nam không lớn, do vậy dự báo cũng không tác động nhiều tới việc tăng quỹ nhà cho đối tượng này’. Lời ‘thầy bói sáng’ Nam xem ra hơi bị...đúng trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ lâm vào suy thoái khủng hoảng, đẩy gần 10% người dân Mỹ lâm cảnh thất nghiệp. Tiền mua nhà không trả được, nhà bị ngân hàng xiết, công nợ bủa vây.Trong tình cảnh ‘sáng’ như đêm ba mươi đó, hỏi mấy ai hăm hở về Việt Nam mua nhà!
Không hiểu vậy, cô Hồng Đào, có phòng mạch ở quận Thủ Đức, tức tối phân bua với kẻ viết bài ‘em bảo tụi nhỏ bán cái nhà bên đó đi, bỏ rẻ cũng ba trăm ngàn đô, về đây mua nhà một trăm ngàn đô thôi. Còn hai trăm ngàn, đổi ra tiền Việt, gửi ngân hàng lấy lãi ăn ở không đi chơi mà tụi nó không chịu nghe’. Cô bác sĩ này biết đâu, tiểu bang Cali nơi con cô sinh sống, nhà bị ngân hàng phát mãi nhiều, giá chỉ bằng 70%, thậm chí 50% giá gốc, nhưng lượng tiêu thụ vẫn không cao. Mọi thị trường vay vốn, trả nợ, sản xuất, tiêu thụ ở đó đều kẹt cứng. Đám con cô, làm gì không biết tính toán như mẹ, hoặc hơn mẹ. Nhưng họ không giải thích, chắc vì nghĩ mẹ ‘không ở trong chăn nên không biết chăn có rận’, có nói cũng không hiểu.

...đi Mỹ tậu… cửa
Kịch bản ‘Việt kiều ào về nước mua nhà’ còn chưa đâu ra đâu, thì một kịch bản tương tự nhưng theo chiều ngược lại đã âm thầm khởi động từ nhiều tháng qua. Ông Thịnh, Trưởng văn phòng đại diện của công ty P. giải thích ‘đồng tiền nhàn rỗi gửi ngân hàng lời quá ít. Đầu tư vào thị trường chứng khoán, địa ốc thì bấp bênh, phập phù. Dồn lo cho con du học là tốt nhất. Bốn năm đại học nước ngoài, nếu ở trọ sẽ mất khá tiền. Nhân lúc nhà bên đó đang rẻ, mua cho tụi nó ở’. Ngành du lịch Việt Nam đang làm ăn ế ẩm, chớp ngay tâm lý đối tượng này, mau mắn thiết kế những tour đi Mỹ, Úc, Canada vừa du lịch, thăm thân nhân, vừa kết hợp ‘săn’ nhà đẹp, giá rẻ (trên dưới hai ngàn rưởi đô la/người cho một tuần bay dọc bờ đông hoặc bờ tây nước Mỹ). Một trong những công ty du lịch ‘mát tay’ nhất là công ty du lịch Hoàn Mỹ vì thành tích ‘làm mai’ cho ít nhất 20 khách Sài Gòn mua được nhà ở Mỹ.
Nhà ở Mỹ, trong tâm trí người ‘bên này’ đồng nghĩa với …thiên đường hạ giới. Nói của đáng tội, xưa chỉ biết mùi nhà tập thể, nhà ống, nhà ổ chuột, nhà đá nhà đạp (đá hay đạp một cái là...sập), nay thêm được nhà chung cư cao tầng, nhưng về cơ bản, vẫn rất chật chội, thiếu cây xanh, thiếu vệ sinh, thiếu an toàn. Nghe nói nhà ‘bên đó’ rộng trăm mét vuông, nằm giữa hoa lá cỏ cây, có tiện nghi cao cấp…mà rẻ hơn ‘bên đây’, nên nhiều người vẫn hào hứng sang Mỹ ‘săn’ nhà dù biết cúm H1N1 đang hoành hành dữ dội. Bà Đỗ Thị Loan, Tổng thư ký Hiệp hội bất động sản TPHCM (Horea), trong phiên hội thảo ngày 31 tháng 7 vừa qua tại Sài Gòn về đề tài ‘Mua nhà và đầu tư bất động sản tại Mỹ’ do Horea tổ chức, đã thổi bùng giấc mơ nhà Mỹ trong cử tọa hơn bao giờ hết khi kể trong chuyến công tác Mỹ, bà có thăm dự án nhà ở Virginia, Washington DC, thấy những căn biệt thự rất đẹp, có kiến trúc kiểu Ý, Pháp rộng gần 200m2 sàn, giá chỉ 100.000 đôla. Nếu lấy chuẩn nhà cùng cỡ, cùng kiểu ở khu Phú Mỹ Hưng quận 7 để so, thì thấy nhà bên Mỹ rẻ gấp vài lần. Giá bán trung bình một căn nhà, chỉ khoảng 181.000 đôla.
Dịch săn nhà giá rẻ ở Mỹ, cứ thế một đồn mười, mười đồn trăm khiến nhiều người ngỡ rất đơn giản và ngon ăn.Vài bà mau mắn gọi điện ra lệnh ‘Nhà mày bên đây, tao lo. Bây giờ tao mua nhà bên đó, giao mày lo lại. Cần bao nhiêu cứ xuất. Có gì cấn trừ sau’ nghe dễ như mua con cá lá rau! Hỏi họ cấn trừ bằng tiền Việt hay tiền Mỹ trong thời điểm tiền Mỹ quá cao so với tiền Việt hiện nay. Cấn trừ cách nào khi nhà nước không cho bọc theo mình 7,000 đôla một lần xuất ngoại, chuyển ngân chính thức để mua nhà nước ngoài càng không cho. Cấn ‘lậu’ thì dễ nhưng lỡ xui mất hết thì kiện đâu, ai xử? Họ ngồi ngây ra không trả lời được. Người khác, không ngồi ngây thì lại chết đứng như Từ Hải. Đó là anh Tuấn Minh, chủ một cửa hàng chế biến hàng mỹ nghệ ở Bình Dương. Anh này chửi rống thằng em ba ngày ba đêm liền (chắc bên Massachusetts chú em cũng điếc tai) vì tội lúc đầu không đá động gì đến những khoản bảo hiểm, tiền thuê đất, thuế lợi tức, phí bảo trì đồ đạc, vườn tược… chỉ nói có tiền nhà. Chừng xong xuôi mới lòi thêm bao nhiêu khoản chi. Tính sơ sơ, để ‘nuôi’cái xác nhà, mất thêm gần chục ngàn đôla một năm nữa. Hỏi nó, nó bảo ‘lúc đầu giấu không nói vì sợ anh ngán, không chịu mua. Bây giờ anh mua rồi, nói đâu có muộn’.

Bên đây… bên đó... khổ chẳng giống nhau…

Thế mới biết, cùng là khổ vì mua nhà, nhưng ‘bên đây’ và ‘bên đó’ khổ chẳng giống nhau. ‘Bên đó’ về Việt Nam khổ vì luật một đằng, hiểu và vận dụng một nẻo. Còn bên đây sang Mỹ khổ vì sự quá kỹ lưỡng, quá chi li của luật. Lớ ngớ không biết luật tiểu bang, luật liên bang, lại quen xài luật miệng, luật rừng là ‘từ thua tới thua’. Chưa kể chi phí đi lại, tiền thuê tư vấn, thời gian chờ đợi, thương thảo… Cuối cùng, nhà rẻ mấy cũng thành mắc.
Ngồi giữa Sài Gòn những ngày đầu tháng Tám, mưa sập sùi mùi mẫn, nghe ‘nước vỗ long bong dưới mái nhà’, kẻ viết bài sực nhớ ra một điều quan trọng, vội mách nhỏ các vị ‘bên đó’. Các vị còn tính mua nhà Sài Gòn nữa không? Nếu còn thì ngoài việc dọ giá cả, tìm hiểu lai lịch chủ nhà, tiền sử ngôi nhà, xem bản đồ qui hoạch để biết nhà định mua có vướng giải tỏa đền bù không…thì các vị nên kíp tranh thủ lúc đại hồng thủy này, về tận nơi xem ‘căn nhà yêu vấu’ có …chết đuối dưới ba tấc nước chưa. Thực tế từng có khối chung cư hiện đại, biệt thự xinh xắn thuộc khu vực sang trọng, yên tĩnh, mùa khô không sao, nhưng sang mùa mưa thì tường thấm nhà nứt, hầm để xe thành…hồ bơi, hẻm vào nhà thành suối dữ. Chưa kể nước rút đi, để lại rác rến các loại tặng chủ nhà. Chuyện này là thực đấy, không dám đùa đâu! [NTLA]

Nguyễn Thị Lan Anh
Việt Tribune




No comments:

Post a Comment