Friday, December 4, 2009

VẤN ĐỀ THAY ĐỔI KHÍ HẬU - NHỮNG MỐC THỜI GIAN

Vấn đề thay đổi khí hậu – những mốc thời gian
Joanna McCarthy
Nguồn
A history of climate change
04/12/2009 - 15:43
http://www.bayvut.com.au/tri-th%E1%BB%A9c/v%E1%BA%A5n-%C4%91%E1%BB%81-thay-%C4%91%E1%BB%95i-kh%C3%AD-h%E1%BA%ADu-%E2%80%93-nh%E1%BB%AFng-m%E1%BB%91c-th%E1%BB%9Di-gian
Hiện nay, việc đề cập đến đề tài thay đổi khí hậu đã trở thành một phần không thể thiếu trong các tin tức thời sự. Tuy nhiên, từ khi nào vấn đề này đã được mọi người quan tâm?
Vào những năm cuối thế kỉ XIX, những nhà khoa học lần đầu tiên đã chỉ ra rằng những tác động và khí thải của con người tạo ra hiệu ứng nhà kính có thể gây ảnh hưởng lớn đến khí hậu. Tuy nhiên, theo David Karoly, giáo sư Khí tượng học của Đại học Melbourne, kể từ đó phải cần tới khoảng một thế kỉ nữa mới có sự đồng thuận hoàn toàn về vấn đề này và khiến các nhà lãnh đạo bắt đầu phải chú ý tới nó.
Ông nói: “Vào thập niên 1980 đã có những nghiên cứu khoa học cho thấy sự gia tăng hiệu ứng nhà kính, do khí thải của những loại nhiên liệu hóa thạch bị đốt cháy tạo ra, có nhiều khả năng gây ra sự ấm dần lên của trái đất trong tương lai”.
“Các chính phủ trên toàn thế giới quyết định đã tới lúc thích hợp để thực hiện một phân tích độc lập đối với toàn bộ các nghiên cứu đánh giá về mức ảnh hưởng trong tương lai của khí nhà kính và liệu con người đã phải gánh chịu những hậu quả của biến đổi khí hậu chưa?”
Hội thảo liên chính phủ của Liên Hiệp Quốc về môi trường (IPCC) đã đưa ra bản báo cáo đầu tiên vào năm 1990. Để hưởng ứng bản báo cáo đó, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã tán thành việc bắt đầu những cuộc đàm phán để tiến tới một hiệp ước chung về vấn đề thay đổi khí hậu.

Hiệp ước Rio
Hai năm sau, các nhà lãnh đạo thế giới nhóm họp lại tại một hội nghị cấp cao, ngày nay được biết đến với tên gọi Hội nghị Rio. Ngài Richard Dennis, giám đốc điều hành của Học viện Úc, nói rằng có đến 170 quốc gia đã thống nhất ý kiến tại hội nghị này. Ông cho biết: “Họ đồng ý rằng sự thay đổi khí hậu là có thật và nguyên nhân là do những tác động của con người khi thải khí nhà kính quá mức ra môi trường. Họ cũng thống nhất rằng mọi người cần nói lên hậu quả của việc xả khí CO2 để giúp con người giảm bớt việc sử dụng các loại than đá và dầu. Hơn nữa, theo họ, những quốc gia giàu nên đi đầu bởi vì các nước này đóng vai trò chủ yếu trong việc xả khí nhà kính và họ cũng là những nước có thể thực hiện những nỗ lực mạnh mẽ nhất nhằm giải quyết vấn đề”.
Ba vấn đề đồng thuận cơ bản trên đã đưa tới một nền tảng vững chắc cho Nghị định thư Kyoto và sau đó đã được thực hiện vào năm 1997. Nó cũng dẫn tới điều bổ sung Annex 1, theo đó, những quốc gia công nghiệp hàng đầu sẽ cắt giảm khí thải nhà kính xuống 5% vào năm 2012 so với năm 1990.

Các vấn đề nảy sinh
Theo Nghị định thư Kyoto, những nước đang phát triển bao gồm cả những nước có nền kinh tế phát triển nhanh như Trung Quốc và Ấn Độ, đều được miễn những cam kết phải thực thi được nêu lên trong hiệp ước. Vì thế, hai cường quốc là Mĩ và Úc đã từ chối ký Nghị định thư Kyoto.
Theo ông Kenneth Green, một học giả của Học viện Thương mại Hoa Kì, khuyết điểm cơ bản của Nghị định thư Kyoto là mô hình phân chia các nhóm quốc gia với các nhiệm vụ phải thực hiện riêng, điều mà các nước phát triển không bao giờ có ý định thực hiện. Ngoài ra, điểm chính của Nghị định thư Kyoto là việc cho rằng những nước phát triển sẽ phải chuyển giao một số lượng lớn của cải cho các nước đang phát triển dưới mọi hình thức: miễn nợ, viện trợ hay đầu tư chuyển đổi khoa học kĩ thuật... Rõ ràng là những quốc gia phát triển gần như không có ý định phải làm như vậy bởi nó gây tốn kém thêm cho nền kinh tế, đặc biệt là khi những khoản viện trợ đó lại dành cho những quốc gia đối thủ về mặt kinh tế hay trong vai trò địa-chính trị.
Ông Green khẳng định: “Chúng ta thấy rõ rằng Nghị định thư Kyoto đã có bất đồng, rạn nứt cơ bản nên chỉ có thể hoặc là gạt bỏ đi, hoặc là nó sẽ không bao giờ được thực hiện”.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Richard Denniss của Học viện Úc cho rằng quan điểm của Úc và Mĩ khi không phê chuẩn Nghị định thư Kyoto là không đúng sự thật. Ông nói: “Bởi rõ ràng sự đồng thuận sau Hội nghị Thượng đỉnh Rio đã đưa đến Nghị định thư Kyoto. Với Nghị định thư này, những quốc gia giàu cần phải giữ vị trí tiên phong, bởi vì trong khoảng một thế kỉ trở lại đây, chính các quốc gia này đã xả khí thải nhà kính ra môi trường và giờ đây con người phải chịu hậu quả - sự nóng dần lên của bầu khí quyển. Vì thế, việc cựu Thủ tướng Úc John Howard và cựu Tổng thống Mỹ George Bush lấy lí do rằng Trung Quốc và Ấn Độ không phải thực thi những nhiệm vụ của Nghị định thư Kyoto để không phê chuẩn hiệp ước này quả là lố bịch”.

Những hoài nghi về sự thay đổi khí hậu
Trong các cuộc tranh luận về thay đổi khí hậu, nổi lên những tiếng nói khác của những người hoài nghi cho rằng các hoạt động của con người trên trái đất không phải là lí do khiến khí hậu thay đổi.
Jules Boykoff, một phó giáo sư chính trị học tại Đại học Pacific, cùng với anh trai của mình, Maxwell Boykoff, đã phân tích những bài viết về thay đổi khí hậu trên bốn tờ báo hàng đầu của Mĩ từ năm 1988 đến 2002. Hai ông nhận ra rằng những ý kiến kiểu này đã bóp méo những tranh luận.
Ông nói: “Nếu như nhìn vào câu hỏi liệu có phải con người là nguyên nhân dẫn tới việc thay đổi khí hậu và cho phép cả hai bên, bên đồng ý và bên phản đối cùng một khoảng thời gian để trình bày quan điểm của họ, thì chúng ta đã thiên bị cho những người hoài nghi về việc trái đất ấm lên. Điều này hoàn toàn không phù hợp với phần đông quan điểm của giới khoa học khi cho rằng chính con người là tác nhân gây ra, ở một mức độ nào đó, sự biến đổi khí hậu”.

Lợi ích chung cho mọi người
Cho tới năm 2006, vấn đề thay đổi khí hậu đã được được đa số công chúng nhắc tới.
Bộ phim ‘An Incovenient Truth’ (Một sự thật không dễ chịu) đề cập tới vấn đề thay đổi khí hậu với sự tham gia của cựu Phó Tổng thống Hoa Kì Al Gore đã đạt được doanh số bán vé kỉ lục trong thể loại phim tài liệu khi được trình chiếu ở Mỹ.
Theo lời ông Richard Denniss, nếu như bộ phim này, ở một khía cạnh nào đó, đã đưa vấn đề thay đổi khí hậu vào từng ngõ ngách cuộc sống, vào từng căn nhà của mỗi người thì cũng trong năm đó, một bản báo cáo khác đã giúp đưa vấn đề này vào các cuộc đối thoại và các phòng họp.
Ông nói: “Bản nhận xét Stern là một đóng góp lớn lao cho vấn đề này, bởi nó là một văn bản có thẩm quyền đầu tiên được đánh giá kĩ càng bởi cộng đồng quốc tế và nó chỉ ra rằng cái giá phải trả khi chúng ta thất bại trong việc đối phó với thay đổi khí hậu sẽ lớn hơn rất nhiều chi phí bỏ ra để đối phó với thay đổi khí hậu”.
Năm 2007, IPCC công bố bản báo cáo thứ tư về thay đổi khí hậu toàn cầu. Cũng trong năm này, ông Al Gore giành được giải Nobel về Hòa bình do những đóng góp trong vấn đề đấu tranh chống thay đổi khí hậu.

Những hi vọng ở Copenhagen
Bước sang năm 2009, cả thế giới đều chú ý vào Copenhagen, nơi các nhà lãnh đạo thế giới hi vọng đặt được nền tảng cho một nghị định thư kế tiếp Nghị định thư Kyoto.
Ông Richard Denniss cho biết: “Hi vọng của tôi tại Hội nghị Copenhagen là các nhà lãnh đạo có thể chứng minh được khả năng lãnh đạo của họ, là việc họ gánh lấy trách nhiệm thực thi những hành động khẩn cấp để đối phó với việc thay đổi khí hậu, là việc họ cam kết thực hiện những mục tiêu giảm khí thải nhà kính - điều mà các nhà khoa học cho rằng là việc mà chúng ta cần phải làm”.
“Tuy nhiên, tôi lo sợ là rồi chúng ta sẽ thấy được kết quả chỉ là những gì mà các chính trị gia ngày nay thích làm: kí vào những thỏa ước về các mục tiêu dài hạn, những mục tiêu không ảnh hưởng gì tới sự nghiệp chính trị trong tương lai của họ và rồi từ chối không làm bất cứ điều gì trong thời gian ngắn trước mắt”.

Cần hành động ngay để hạn chế lượng khí thải nhà kính

Dự báo về biến đổi khí hậu





No comments:

Post a Comment