Saturday, December 5, 2009

ĐỪNG ĐỂ TRE TÀN RỒI MĂNG MỚI MỌC ...

Đừng để tre tàn rồi măng mới mọc …
Yên Hà
1.12.2009
http://phusaonline.free.fr/XaHoi/2009/21_dung-de.htm
Bạn có bao giờ nếm được “hương vị” xa quê hương chưa ? nếu có, thì chắc các bạn cũng đang có một chút đồng cảm với tôi rồi đó. Mỗi khi đi học về, tôi thường ngâm nga hát bài :
Quê hương là gì hở mẹ
Mà cô giáo dạy phải yêu
Quê hương là gì hở mẹ
Ai đi xa cũng nhớ nhiều

Thời trung học cũng như thời sinh viên, tôi chỉ biết hát cho vui. Nhưng đến bây giờ xa quê hương vài năm, mỗi khi có dịp hát lại bài đó, tôi mới thật sự rung cảm. Tôi biết rằng tôi đã thưởng thức được từng lời của bài hát đó, tôi đang thật sự tiếp xúc với nét đẹp của quê hương :
Quê hương là vàng hoa bí
Là hồng tím giậu mồng tơi
Là đỏ đôi bờ dâm bụt
Màu hoa sen trắng tinh khôi
Càng hát tôi càng cảm thấy thấm thía, mỗi con người ai cũng có một nơi để sinh ra, gọi là nơi “chôn nhau cắt rốn”, dù bạn có đi tận phương trời nào đi nữa, cũng không tránh khỏi mình là người Việt Nam da vàng. Tôi thấy tôi rất may mắn là con người Việt Nam, một giống nòi với sự cần cù chịu thương chịu khó. Và khi có điều kiện đi ra nước ngòai, tôi càng nhận rõ hơn đức tính cao quý đó của người Việt Nam. Càng nhớ về quê hương thì càng có nhiều trăn trở và muốn đóng góp một phần gì nhỏ nhoi cho đất nước, cho những tình hình hiện tại của quê hương.

Thời sinh viên, tôi có cơ hội chơi với rất nhiều sinh viên. “Bạn tôi sáng đạp xe 20 cây số” hoặc là “thằng làm quán cơm, tối về một gói mì tôm” …chỉ với những câu hát như vậy thôi, cũng gợi lên cho chúng ta thấy sinh viên Việt Nam phải chịu khó như thế nào, sự thật thì các bạn tôi còn cực khổ nhiều hơn như vậy nữa. Có những bạn đang học trong ngành báo chí, các bạn học với tất cả tấm lòng, với một bầu nhiệt huyết của sinh viên, các bạn chỉ biết học và theo thời khóa của trường Đại học thôi, các bạn chưa để tâm đến sau khi tốt nghiệp mình sẽ làm gì, mà có để tâm đi nữa cũng không giải quyết được gì, vì lo cơm ngày 2 bữa và đến trường học là đủ rồi. Ở phương Tây thì khác, họ vừa học vừa làm và có nhiều thời gian để chơi thể thao nữa. Họ có những buổi thảo luận, bình luận, họ có thể nói ra bất cứ những ý tưởng mới nào mà họ có trong lòng. Đặc tính này tôi thấy sinh viên Việt Nam mình hơi thiếu. Nhiều khi nói ra nhưng trong lòng có một chút sợ sệt gì đó, cái sợ sệt vô hình có thể được hình thành từ ba mẹ gia đình hoặc từ xã hội. Cái sợ sệt sẽ xúc phạm đến Ông bà cha mẹ, sợ sệt hơn là có thể đụng chạm đến tình hình chính trị, tình hình trong nước. Họ rất dè dặt nói ra cảm nghĩ của mình, rồi khi lớn lên tốt nghiệp ra trường, họ lại càng dè dặt hơn nữa. Họ chỉ muốn làm sao được yên, có công việc ổn định, sợ làm mất lòng xếp và phấn đấu để được vào Đảng. Qua một thời gian nhìn về vấn đề đó, tôi thấy các bạn trong lĩnh vực báo chí ở nước ta phải họat động trong một khuôn khổ rất nhỏ hẹp đã được định sẵn. Một trong những lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu trên thế giới, nhưng đối với nước ta thì khác. Báo chí trong nước là một trong những lĩnh vực bị chèn ép nhiều nhất và không được tự do. Như thế thì đâu còn gọi là “tự do báo chí, tự do ngôn luận”, cái quyền cơ bản nhất mà mỗi người “là được mở miệng” là không thể có. Cho nên quê hương tươi đẹp bây giờ chỉ còn trong thi ca, trong hòai niệm của mỗi con người mà thôi.

Thời sinh viên chúng tôi nhìn cuộc đời bằng con mắt màu xanh, đầy tin tưởng và hy vọng. Tôi cũng đã trải qua thời sinh viên như các bạn, luôn mang trong mình một hòai bão sẽ có một tương lai sáng đẹp, sẽ cố gắng hết sức mình phụng sự cho đất nước. Không biết các bạn có để một chút thời gian để suy nghĩ lại khi nghĩ tới những Học viện ở Việt Nam đã tự giải thể để nói lên tiếng nói bất bình của mình, những hành động như vậy cũng giống như những Chu Văn An đã từ chối tất cả để về quê dạy học. Những người như giáo sư Nguyễn Quang A, ban đầu cũng có trong mình những hòai bảo thật mạnh mẽ đó chứ : “một trái tim nóng và một cái đầu lạnh” – giống như một biểu ngữ dành cho các đòan viên các sinh viên khi mới vào trường. Nhưng đến khi có khả năng để đóng góp những phát minh của mình cho đất nước rồi thì mới vỡ lẽ ra, mức độ phát triển của mình trên đất nước của chính mình chỉ tới mức đó thôi, không được lớn hơn nữa.
Nếu lớn hơn thì sẽ bị ghép vào tội là chống lại đất nước, chống lại chế độ, là làm chính trị. Một câu nói muôn thủơ cũ rích để đưa những người có những cái nhìn sáng tạo, có những tiến bộ vượt bậc vào cõi chết. Thử hỏi như vậy thì làm sao một đất nước tiến bộ cho được, con người còn không được tự do, thì làm gì nghĩ đến chuyện lên cung trăng hay khám phá những hành tinh xa xôi. Tôi rất tâm đắc với câu nói của giáo sư Nguyễn Quang A rằng “…không ai có thể cho phép đời sống sẽ được phát triển đến đâu. Thực chất với Quyết định này, cho phép tức là cấm, và vùng cấm rộng gấp ngàn lần vùng được phép…”. Còn nữa và còn bao nhiêu vị giáo sư nữa dám mạnh dạn nói lên tiếng nói của mình cho đàn hậu thế.

Bây giờ tôi cũng là sinh viên, nhưng tâm trạng bây giờ rất khác với tâm trạng sinh viên của tôi ngày xưa. Mặc dù ở trên xứ Người, nhưng tôi cảm thấy được bình an trong lòng hơn, vì tôi có thể nói ra những cái tôi muốn, nỗi sợ hãi trong lòng tôi đang được chuyển hóa dần dần. Tôi cảm thấy đó là may mắn cho tôi, cho gia đình tôi và đặc biệt là cho những thế hệ con cháu của tôi. Bởi vì khi sợ hãi thì con người ta sẽ không dám làm gì hết, không thể phát huy được khả năng gì của mình. Có những buổi ngồi trong lớp, thầy cô kêu gọi phát biểu. Mặc dù tôi có nhiều ý kiến để chia sẻ, nhưng trong lòng tôi chợt nổi lên một nỗi sợ hãi vô hình nào đó. May thay có một người bạn người Tiệp Khắc ngồi kế bên, hình như bạn hiểu được tâm trạng của tôi nên bạn nói “ bạn nói đi, ở đây không có Việt cộng đâu mà sợ”. Hay quá, chỉ có một câu nói ngắn gọn như vậy thôi, mà làm cho tôi tan đi những sợ hãi truyền kiếp trong lòng. Tôi mở lòng ra và chia sẻ được những ý tưởng của tôi với lớp, ai cũng vỗ tay khen ngợi. Tôi không biết những chia sẻ của tôi đúng hay sai, nhưng chia sẻ cũng chỉ là chia sẻ thôi, nên ai cũng có quyền để được nói.

Những câu hát như “Nếu là người tôi sẽ chết cho quê hương” đã bị chìm vào quên lãng trong tình hình đất nước hiện nay. Không phải con người Việt Nam đã quên trách nhiệm của mình với quê hương, mà chính vì đường lối hiện tại đã không đáp ứng được khả năng phát triển của con người, kiềm hãm sự phát triển một cách bình thường của con người. Hầu như tất cả đều bị chi phối bởi Đảng, từ giáo dục, y tế, báo chí, tôn giáo, đường xá, điện lực, ngân hàng… Ở Tây phương, những Học viện được họat động một cách độc lập, và họ đã có rất nhiều đóng góp cho đất nước của họ. Một xã hội hiện đại và phát triển nhanh chóng trong thời đại công nghệ thông tin ngày nay mà có những rào cản trí tuệ như vậy thì không thể nào chấp nhận được. Theo tôi thấy, tất cả chúng ta đều là con người, Đảng và Nhà nước là do dân bầu ra chứ không phải là những người điều khiển nhân dân, đặc biệt là điều khiển trí tuệ con người, điều khiển sự tiến bộ theo từng giai đọan của đất nước. Đảng chỉ là một thành phần nhỏ của đất nước Việt Nam thôi, chứ không thể nào đại diện cho tòan thể dân tộc Việt Nam được. Dân tộc Việt Nam rất oai hùng, dầu chịu nghèo nàn cực khổ, nhưng không thể nào chịu sự đô hộ cai trị áp bức. Người dân Việt Nam sẽ một ngày nào đó sẽ đứng lên để nói lên tiếng nói dân tộc của mình. Nếu nhà nước Việt Nam chúng ta không chịu thay đổi, không chấp nhận là đường lối của mình quá lạc hậu và yếu ớt so với thời đại hiện nay, thì quý vị đang đứng về phía chống lại nhân dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam và chống lại thế giới tiến bộ.

Thời gian vừa qua, tôi cũng theo dõi tin tức ở Việt Nam như những vụ Luật sư Lê Công Định, vụ đàn áp tu sĩ ở Bát Nhã, vụ giáo xứ Thái Hà, vụ bắt bớ những luật sư có cái nhìn tiến bộ … làm cho tôi thật sự xấu hổ.

Không có một đất nước nào bị đồng hóa hình ảnh của Đảng và hình ảnh của một dân tộc như đất nước Việt Nam ta. Khi bạn bè tôi nghe đến tên Việt Nam thì họ nói ngay đến “ ồ, một đất nước Cộng sản ”. Nhưng khi họ nghe nói đến một đất nước phát triển như Thụy sĩ, Mỹ, Pháp, Đức,… thì họ không cần gán ghép cho đất nước đó một Đảng phái nào hết. Tôi không quan tâm nhiều đến chính trị, tôi không biết đường lối hiện tại của Việt Nam chúng ta có đi đúng theo con đường mà Bác Hồ đã vạch hay không, hay chỉ dựa vào Bác Hồ, dựa vào danh từ Xã hội chủ nghĩa bên ngòai để che lấp bên trong là một đường lối của sự nịnh bợ, của sự hối lộ, của sự thóai hóa, cậy quyền cậy chức … và kết quả là người dân chịu thiệt thòi. Tôi nói như vậy không phải là chỉ trích mà để cho các bạn thấy là, cả một dân tộc không thể nào đồng hóa với một Đảng được. Cho nên thật nghiệt ngã, khi những con người Việt Nam thấy đường lối lãnh đạo của Đảng và nhà nước không phù hợp với thời đại ngày nay, thì họ lại không dám lên tiếng, không dám nói lên tiếng nói xây dựng quê hương mình.
Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ
sẽ không lớn nỗi thành người


Mỗi khi tôi có dịp đọc những tin tức từ quê hương, tôi thật sự đau lòng. Quần đảo Hòang sa Trường Sa ngày xưa mà các chiến sĩ đã trồng rau muống trên đó bây giờ đã vào tay của người khác. Tôi không biết tại sao nhà nước ta không dồn năng lượng để “đàn áp” những tình hình trắng trợn xâm phạm đất nước, “cắt thịt đất nước Việt Nam như vậy “, mà lại thẳng tay “đàn áp” chính người dân trong nước của mình, những Thầy cô tu tập hiền lành, “đàn áp” những người chỉ muốn trở thành người lương thiện. Những hành động “ ném đá dấy tay” như vậy không phải là những người Việt chân chính, đó là những người không quân tử. Người việt chân chính là những người “nghèo cho sạch rách cho thơm”.

Vài ngày trước ở Đức cũng như trên thế giới, người ta đã tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm ngày bức tường Berlin sụp đổ. Tôi thấy ở Đức chỉ có một bức tường thôi, còn ở Việt Nam ta hiện nay thì có vô số bức tường. Đáng sợ hơn là những bức tường này vô hình và có thể ngăn cản bất cứ sự phát triển nào, vì nó vô hình và đã đạt đến mức tuyệt hảo nên người ta rất khó mà phá sụp được nó. Và cũng không có một cái bằng chứng cụ thể nào để cho thế giới tiến bộ thấy được để giúp đỡ cho người dân Việt Nam vô tội. Tất cả người dân trong nước đều ý thức được rằng họ có thể bị bắt bất cứ lúc nào, điều đó chứng tỏ đất nước chúng ta giống như là một nhà tù giam lỏng vậy.

Một may mắn là tôi có cơ hội đi du học ở nước ngòai, có cơ hội nhìn đất nước từ bên ngòai vào. Tôi chỉ muốn đóng góp cái nhìn của mình cho đất nước và con người Việt Nam thôi-những con người vốn dĩ hiền lành. Thế giới đang đổi thay từng ngày từng giờ, thì đất nước Việt Nam cũng phải đổi thay cái nhìn, đường lối của mình để đi cùng với thế giới. Công việc đóng góp và xây dựng đất nước là của con người Việt Nam và của dân tộc Việt Nam, đừng để tre tàn rồi măng mới mọc là hơi trễ.

Yên Hà


No comments:

Post a Comment