Wednesday, December 30, 2009

TRUNG QUỐC COI THƯỜNG Ý KIẾN CỦA PHƯƠNG TÂY

Ỷ vào sức mạnh kinh tế và ngoại giao của mình, Trung Quốc coi thường ý kiến của phương Tây
RFI
Bài đăng ngày 30/12/2009 - Cập nhật lần cuối ngày 30/12/2009 16:44 TU
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/120/article_6293.asp
Lần đầu tiên, từ hơn 50 năm qua, chính quyền Trung Quốc đã hành quyết một công dân người Anh bất chấp những sự can thiệp của Tây phương và những lời chỉ trích đến từ nước ngoài.

Báo Le Monde nhận định là kể từ nay, chính quyền Bắc Kinh rất ý thức về sức mạnh của mình trên nền kinh tế thế giới. Và hình như không gì có thể làm Trung Quốc thay đổi quan niệm rất đặc biệt của nước này về việc tôn trọng nhân quyền, cho dù nó dẫn đến sự bất bình của cộng đồng quốc tế.
Ngày 25 tháng 12 vừa qua, một trong những nhà đối lập nổi tiếng nhất ở Trung Quốc, ông Lưu Hiểu Ba, đã bị kết án 11 năm tù chỉ vì ông đã thảo ra một bản hiến chương kêu gọi dân chủ hóa đất nước một cách ôn hòa, và cũng chỉ vì ông đã đưa lên Internet những bài viết có nội dung phê bình chế độ.
Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu đã phản ứng mạnh mẽ trước một bản án quá nặng và đã nhiều lần kêu gọi Bắc Kinh tỏ ra khoan hồng đối với nhà đối lập 53 tuổi. Nhiều nhà ngoại giao nước ngoài đã tìm cách đến dự phiên toà đúng hôm bản án được tuyên bố hôm thứ bảy 26 tháng 12. Nhưng họ không được phép dự phiên xử.
Rồi đến vụ công dân Anh, Akmal Shaikh, đã bị hành quyết vì tội buôn ma tuý, bất kể những lời kêu gọi khoan hồng. Sự can thiệp của thủ tướng Anh, Gordon Brown, và của bộ ngoại giao Anh cũng không ăn thua gì cả.
Đến giờ phút chót, tòa án Trung Quốc đã từ chối không chịu để cho Akmal Shaikh trải qua một cuộc khám nghiệm y khoa để xem ông có thật sự bị mắc bệnh tâm thần như lời tuyên bố của gia đình.
Thông tín viên của Le Monde tại Bắc Kinh, Bruno Philip, nhắc lại rằng bối cảnh quốc tế rất đặc biệt của năm 2009 - năm mà con rồng Trung Quốc đã thật sự vươn mình bay cao sau Thế Vận Hội Bắc Kinh năm 2008 – và vai trò ngày càng quan trọng của Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu không phải là những dấu hiệu thuận lợi để cộng đồng quốc tế có thể thuyết phục Bắc Kinh nên tôn trọng nhân quyền.
Hiện nay, trong số các nước lớn trên trái đất, Trung Quốc có lẽ là nước có chế độ hà khắc nhất trong chính sách đàn áp những người đối lập, trong chính sách đối với các dân tộc thiểu số (như Tây Tạng và Duy Ngô Nhĩ) và trong quyết tâm buộc mọi người phải chấp nhận chế độ độc đảng dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Trung Quốc mà nỗi ám ảnh duy nhất là tiếp tục tồn tại.

Thái độ khấu đầu của phương Tây trước các lãnh đạo Trung Quốc
Đối với báo Le Monde, từ Hoa Kỳ đến châu Âu, thái độ khấu đầu của các nước Tây phương trước các lãnh đạo Trung Quốc làm cho chúng ta nghĩ đến nghi thức quỳ lạy ba lần trước Hoàng đế Trung hoa, vì đó không phải là cách xử sự ngang hàng với một quốc gia đang muốn giành lại vị trí của mình trên sân khấu quốc tế.
Tờ Les Echos cũng nhận thấy là Trung Quốc ngày càng công khai khẳng định sức mạnh kinh tế của mình. Nhất là với một tỷ lệ tăng trưởng hơn 8% trong năm 2009 Bắc Kinh nghĩ là đã chứng minh cho cả thế giới thấy tính ưu việt của mô hình kinh tế Trung Quốc.
Cùng lúc sức mạnh kinh tế này đem lại một hào quang mới cho nền ngoại giao Trung Quốc trước sức ép của các cương quốc Tây phương về mặt ý thức hệ. Chính vì vậy mà vừa qua tại Copenhagen Bắc Kinh đã không ngần ngại từ chối mọi nhượng bộ hay thỏa hiệp trong các cuộc thương lượng về khí hậu.
Trên tờ La Croix, bà Valérie Niquet, giám đốc Trung tâm Á châu thuộc Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế IFRI, đưa ra một cái nhìn khác về thái độ cứng rắn của Trung Quốc.
Theo bà Niquet, chính quyền Bắc Kinh quan niệm vai trò của mình trên sân khấu quốc tế trước hết là để phục vụ quyền lợi riêng của Trung Quốc, chứ Bắc Kinh không hề có một cái nhìn tổng quát về những vấn đề đặt ra cho cộng đồng thế giới. Ở trong nước cũng như ở ngoài nước, đảng Cộng sản Trung Quốc từ chối bất cứ một chuyện gì vượt lên trên quyền lực của đảng này.

Trung Quốc lo sợ một sự sụp đổ theo kiểu Liên Xô nếu thiếu cứng rắn
Bà Valérie Niquet cho rằng Trung Quốc đang tự khép lại qua thái độ khẳng định sức mạnh của mình, vì chính quyền Bắc Kinh thật sự đang lo lắng. Lo vì những thành quả kinh tế của Trung Quốc đương nhiên sẽ làm cho người dân trong nước cũng như làm cho cộng đồng quốc tế chờ đợi nhiều ở chính quyền Bắc Kinh.
Hiện nay Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn xuất phát từ những bất bình đẳng giữa thành thị và nông thôn cũng như từ sự chậm trễ trong việc áp dụng một hệ thống bảo hiểm xã hội.
Ở trong nước, đảng Cộng sản Trung Quốc gặp rất nhiều khó khăn để các quyết định của đảng được thi hành, nhất là do tình trạng tham nhũng ngày càng trở nên trầm trọng. Do đó mà đảng này ý thức được sự mong manh của mình trước những chờ đợi của xã hội.
Nói cách khác, theo bà Valérie Niquet, trước những biến chuyển không thể ngăn cản được, chính quyền Trung Quốc chọn giải pháp cứng rắn vì lo sợ sẽ bị sụp đổ như Liên Xô vào thời kỳ perestroika.

Báo chí Trung Quốc và vụ công dân Anh bị xử tử
Vụ xủ tử công dân Anh, Akmal Shaikh, vì tội buôn ma túy, chiếm nhiều hàng tựa lớn trên báo chí Trung Quốc hôm nay. Tờ China Daily đã chạy tựa « Việc hành quyết tên buôn ma tuý người Anh là thích hợp ». Bài báo mở đầu bằng những lời nhận định của một giáo sư luật không được nêu tên : « Bản chất con người là biện hộ cho một tội phạm cùng quê hương với mình hay cùng gia đình với mình. Nhưng một nền tư pháp độc lập phải được tôn trọng trọn vẹn và mọi người phải được xét xử như nhau trước pháp luật ».
Những suy nghĩ của vị giáo sư này tóm tắt đầy đủ cuộc đối thoại giữa hai người điếc, nghĩa là giữa Trung Quốc và phương Tây. Vẫn theo tờ China Daily, bộ ngoại giao Trung Quốc đã yêu cầu Luân Đôn « sửa chữa những sai lầm của mình nếu không thì quan hệ giữa đôi bên sẽ bị xấu đi ».
Lời cảnh báo này mang một ý nghĩa rộng lớn hơn khi China Daily kêu gọi người ngoại quốc nên tôn trọng luật lệ của Trung Quốc và các phương tiện truyền thông Tây phương không nên biến trường hợp Akmal Shaikh thành một vấn đề chính trị.




No comments:

Post a Comment