Wednesday, December 2, 2009

QUÊ HƯƠNG CHƯA PHẢI CHỐN BÌNH AN

Quê hương chưa phải chốn bình an
Mạc Việt Hồng
Đăng ngày 2-11-2009
http://danchimviet.com/articles/1740/1/Que-hng-cha-phi-chn-binh-an/Page1.html

Đọc một mạch hết bài viết của tác giả
Nguyễn Hữu Liêm, tôi tắt máy tính rồi thả bộ trong những con phố nhỏ, tĩnh lặng gần nhà. Trời Vac-sa-va đang vào đông, mưa lất phất, lạnh và tối đen. Cái thời tiết mà người Ba Lan thường ví von là "xấu như đêm tháng 11". Tôi ít khi ra ngoài vào giờ này trừ khi đang có một tâm trạng nào đó.
Bài viết làm tôi xúc động khi nhắc tới những địa danh thân quen của Hà Nội, thành phố gắn bó với tôi từ thời thơ ấu tới tuổi trưởng thành. Hồ Tây, với tôi đầy ắp kỉ niệm. Nơi tôi từng quần áo xộc xệch đi câu tôm cùng đám bạn trai. Lớn chút nữa, chúng tôi trốn học, bơi thuyền, ăn bánh Tôm Hồ Tây, một loại bánh ngon nổi tiếng gắn liền với địa danh này. Và ở nơi đây, còn in dấu những hẹn hò của thuở mới biết yêu…

Mỗi lần trở về Hà Nội, tôi thường về với Hồ Tây, để ôn lại kỉ niệm xưa, gặp lại những người bạn xưa, để vui và buồn...
Nhưng món bánh Tôm Hồ Tây với tôi giờ đây đã không còn là chuyện dễ dàng.
Hình ảnh lần về Việt Nam mới đây hiện lên, day dứt trong tôi. Vâng. Mới đó mà đã hơn nửa năm rồi. Tôi chưa khi nào muốn kể hay viết về nó vì có cái gì đó vẫn cay trong mắt, đắng trong lòng. Giờ đây, bỗng dưng tôi muốn viết ra, như một sự sẻ chia.

***

Mấy năm liền tôi bị từ chối visa. Tại sao thì "chị tự biết" - ông lãnh sự (khóa trước) đã trả lời như vậy. Ông cũng (hào phóng) cho biết thêm là có 8 người Việt ở Ba Lan (phần lớn là các thành viên đã hoặc đang tham gia Đàn Chim Việt) nằm trong một danh sách đen không được phép nhập cảnh Việt Nam! Cuối năm 2007, trong lúc chồng và các con lĩnh giấy miễn thị thực (có giá trị 5 năm) và hồ hởi về Việt Nam ăn Tết thì tôi ở lại Ba Lan một mình.
Không muốn cha mẹ ở Việt Nam phải phiền lòng, tôi loanh quanh nói dối hết bận việc, tới phải trông nhà rồi lý do sức khỏe.v.v. Mọi lý do đều không ổn, khi mẹ tôi bị chẩn đoán ung thư, phải mổ và truyền hóa chất. Tôi đành thú thật rằng "con không về được Việt Nam".
Gia đình fax sang cho tôi hồ sơ bệnh án của mẹ, tôi "ôm" lên Đại sứ quán cùng với lá đơn xin về Việt Nam thăm thân nhân. Tiếp tôi trong phòng lãnh sự, ông lãnh sự (mới) có thái độ khá ôn tồn, giải thích rằng việc cho tôi về nằm ngoài thẩm quyền của Đại sứ quán, ông phải chờ quyết định ở trong nước. Cái duy nhất mà ông có thể giúp tôi là gửi đơn, hồ sơ của tôi về Việt Nam.
Mấy tuần sau, tôi lên vẫn chưa có kết quả. Ông lãnh sự khuyên rằng, nếu người nhà tôi ở Việt Nam làm đơn tới A 18 thì có thể nhanh hơn.
Thế là bố tôi, một ông tiến sĩ Tâm lý học, thông thạo chuyện sách vở hơn là chuyện đời, chẳng đi xin xỏ ai cái gì bao giờ, lọc cọc vác đơn tới A 18. Ông hồ hởi thông báo qua điện thoại: "Họ nhận rồi, vui vẻ lắm, con à"!
Cái "vui vẻ" ở đây có lẽ cũng giống như mấy có tiếp viên hàng không mà anh Liêm mô tả, miệng cười nhưng lông mày thì nhíu lại! Mấy tuần vẫn không có kết quả. Khi thì "chúng cháu chỉ là nhân viên thôi, sếp đi vắng, chưa ký được", lúc thì "trường hợp của chị ấy, phải chuyển lên trên, chúng cháu không giải quyết được".
Gần 2 tháng sau, tôi cũng nhận được visa có giá trị 1 lần và thời hạn 1 tháng. Tôi trở lại nơi chôn rau cắt rốn của mình sau 7 năm!
Thủ tục ở sân bay không có gì đặc biệt, vẫn những gương mặt lành lạnh, ít cười của mấy anh biên phòng mà những người đồng hương của tôi đã nhiều lần phàn nàn khi trở về. Hình như có những "ghi chú" gì đó về tôi trên máy tính của cán bộ biên phòng nên tôi phải chờ đợi hơi lâu so với những hành khách khác, mấy người đứng sau tôi đã nhanh chân chuyển sang cửa bên cạnh. Cuối cùng, quyển hộ chiếu cũng được trả lại, liếc mắt vào màn hình vi tính khi bước ngang qua Cabin của anh biên phòng, tôi thấy ảnh của mình trên màn hình và bên dưới là chữ "ĐƯỢC TIÊP".
Dù sao mình vẫn may hơn mấy người được cấp visa nhưng lại bị từ chối nhập cảnh khi đã về tới Nội Bài hay Tân Sơn Nhất - tôi tự nhủ. ***

Tôi đưa mắt quan sát, không có ai "đón" mình, ngoài vợ chồng cô em gái.
Ngay trong ngày đầu tiên được sống trong không khí đầm ấm gia đình, tôi đã nhận được thông báo, "mấy anh bên an ninh hẹn gặp con". Cứ theo những gì bố tôi nói thì tôi có 2 người "phụ trách", họ còn "khá trẻ" và cũng "dễ chịu, lịch sự".
Qua máy điện thoại của gia đình, họ hẹn vào 8 giờ sáng, vài ngày sau đó tại một địa điểm ngay gần Hồ Tây! Đây là cuộc "nói chuyện", "thăm hỏi", không mang tính làm việc - người "phụ trách" của tôi giải thích. Kể cũng hay hay, lần đầu tiên tôi có một kỉ niệm thuộc loại kém lãng mạn liên quan tới chốn thơ mộng này.
Tôi tới đúng giờ, tòa nhà giống như một nhà nghỉ hay một nhà khách hơn là một công sở. Tôi biết, mình có thể từ chối vì họ cũng không gửi giấy mời hay giấy triệu tập, trong khi tôi lại là người mang hộ chiếu nước ngoài và việc thủ tục để gặp một "người nước ngoài" chắc không đơn giản như vậy. Nhưng tôi vẫn tới vì đã hứa với cha mẹ rằng sẽ không "gây chuyện" khi ở Việt Nam và cũng vì cái máu tò mò nổi lên.
Tiếp tôi là 2 cán bộ của Cục Bảo vệ Chính trị 5. Thái độ của những người "phụ trách" khá nhã nhặn, các câu hỏi về cảm nhận của tôi trước những đổi thay của quê hương ra sao, sức khỏe mẹ tôi thế nào, cuộc sống của người Việt ở Ba Lan, của gia đình tôi và tất nhiên cả những hoạt động của tôi.
Tôi nói với họ rằng, tôi là người hoạt động công khai, tên tuổi rõ ràng, tôi tham gia cái gì, viết gì, phỏng vấn ai, các anh biết cả rồi đó. Họ nói, đã đọc các bài viết của tôi cũng biết tôi tham gia những tổ chức nào nhưng vì công việc... vẫn phải hỏi.v.v.
Cuối buổi là một biên bản dù được giải thích rằng chỉ "mang tính thủ tục". Không cần kiểm tra hộ chiếu, anh cán bộ an ninh nhanh nhẹn ghi tên tôi và ghi luôn ngày tháng năm sinh bên dưới. Tôi bỗng muốn cười lớn, chồng tôi có khi còn quên ngày sinh của vợ, vậy mà mấy anh an ninh lại nhớ! Trước khi về, người "phụ trách" cũng không quên "căn dặn": "Việc chị có được trở lại Việt Nam nữa hay không là hoàn toàn phụ thuộc vào những việc chị làm"!

Lận đận trong việc xin visa cũng như cảm nhận về sự mờ mịt của việc trở lại quê hương làm tôi hiểu được giá trị của hơn 3 tuần lưu trú ở Việt Nam và không bỏ phí nó dù chỉ một giờ, tranh thủ tận hưởng không khí gia đình, thăm lại bạn bè, họ hàng, thầy giáo và lang thang phố phường.
Quê hương đã đổi thay nhiều, từ thành thị tới nông thôn. Nhưng tôi biết, với rất nhiều người, nó chưa phải là chốn bình an.
Từ mảnh đất đang tiến lên chủ nghĩa xã hội này, hàng trăm ngàn cô gái Việt đã và đang từ bỏ sự "bình an" nơi quê nhà để làm dâu xứ người mà phần lớn họ bị mua bán như những món hàng hóa rẻ tiền thông qua một dịch vụ có cái tên mỹ miều là "môi giới hôn nhân". Báo chí đã nhiều lần đưa tin, hàng chục hay cả trăm cô đứng dàn hàng, có khi không mặc quần áo để cho vài chú rể Nam Hàn hoặc Đài Loan lựa chọn.
Hàng ngàn em nhỏ đang khắc khoải trong các nhà thổ ở Campuchia, chưa biết ngày nào trở lại. Mỗi năm, hàng vạn người muốn thoát khỏi cảnh đói nghèo bằng con đường xuất khẩu lao động, nhiều người vay mượn, bán cả nhà cửa để trả tiền cho các công ty môi giới.
Và ở cái chốn có một nền "dân chủ tập trung" được cho là ưu việt gấp vạn lần dân chủ tư bản này, nhiều tù nhân lương tâm còn đang bị giam giữ, những người treo biểu ngữ, viết blog còn bị sách nhiễu, bỏ tù. Hỏi đâu là sự bình yên? Biết bao nhiêu công nhân đang phải sống bằng đồng lương chết đói (1), trong khi lạm phát ngày một gia tăng. Nông dân mất ruộng đất vì những dự án mà phần nhiều là của đám con ông cháu cha.
Hàng trăm câu hỏi còn chưa có lời giải đáp...

Xin chúc mừng Liêm - người tôi chưa gặp mặt dù vẫn trao đổi thư từ qua một group - đã tìm được cảm giác bình an nơi quê nhà.
Với tôi, quê hương vẫn là niềm trăn trở khôn nguôi, một món nợ tinh thần chưa trả.

© www.danchimviet.com 2009

Warsaw, 30/11/2009.
-------------------------------

(1) Xem mức lương tối thiểu quy định cho công nhân tại
đây



No comments:

Post a Comment