Thursday, December 24, 2009

NHỮNG THAY ĐỔI ĐÁNG CHÚ Ý TRONG GIỚI TRÍ THỨC KHUYNH TẢ

Những thay đổi đáng chú ý trong giới trí thức khuynh tả
Nguyễn Hưng Quốc
23/12/2009
http://www.voanews.com/vietnamese/2009-12-23-voa53.cfm

Trong bài “
Nguyễn Minh Triết bị mang lên đoạn đầu đài YouTube (15/12/2009), tôi có kể lại nhận xét của một người bạn của tôi, vốn du học ở ngoại quốc từ trước 1975 và một thời gian dài mang tư tưởng khuynh tả, về Nguyễn Minh Triết cũng như giới lãnh đạo Việt Nam hiện nay nói chung: “Chẳng hiểu tại sao bây giờ họ lại ăn nói ngu xuẩn quá vậy?”
Nhận xét ấy ám ảnh tôi khá lâu. Ám ảnh về hai chuyện: Thứ nhất, chữ “ngu xuẩn”, và thứ hai, về bạn tôi.

Những người chống cộng, nhất là những người chống cộng xuất phát từ những thù hận hay đố kỵ cá nhân chứ không dựa trên quan điểm hay lập trường nào nhất định, vẫn thường hay chửi tất cả kẻ thù của họ là ngu xuẩn. Chửi tất. Không cần chứng cứ gì cả. Cứ chửi cho sướng miệng và cho bõ ghét. Chửi, do đó, hầu hết là chửi đổng.
Những lời chửi bới ấy có thể phản ánh một nét tâm lý đáng kể trong xã hội. Nhưng chúng lại có rất ít sức thuyết phục.

Cũng không thuyết phục mấy những tiếng chửi ít nhiều hả hê của đông đảo dân chúng miền Nam khi chứng kiến và chịu đựng những chính sách kinh tế dở hơi của chính quyền Việt Nam sau năm 1975. Cái tôi gọi là “tiếng chửi ít nhiều hả hê” ấy thể hiện rõ nhất qua các truyện tiếu lâm được lưu truyền rất rộng rãi ở Việt Nam những năm đầu tiên sau thống nhất.

Một trong những câu chuyện tiêu biểu nhất là:
Một hôm, có một người đàn ông đến cổng dinh thự Lê Duẩn, tự giới thiệu là bạn học cũ của Lê Duẩn và xin gặp Lê Duẩn. Lính canh vào báo với Lê Duẩn. Lê Duẩn quát lên ngay: “Bắt thằng đó nhốt đi!” Một cán bộ cao cấp ngồi cạnh đó, can: “Sao vậy, đồng chí? Có gì thì cứ mời người ta vào xem sao đã?” Lê Duẩn quát: “Nó là gián điệp đó!” Viên cán bộ ngạc nhiên: “Chưa gặp người ta, sao đồng chí biết họ là gián điệp?” Lê Duẩn giải thích: “Không phải gián điệp thì là gì nữa? Cả đời tôi có đi học bao giờ đâu mà có bạn học?”

Những chuyện tiếu lâm như thế, một mặt, có thể xuất phát từ mặc cảm của người thua trận; mặt khác, có thể phản ánh nhận định chung trước những chính sách không thể được xem là khôn ngoan của chính quyền sau năm 1975.
Những chính sách ấy, một mặt, đánh sập nền kinh tế vốn èo uột và què quặt trong cả nước sau một cuộc chiến tranh dài đằng đẵng; mặt khác, làm mất hẳn niềm tin của dân chúng, nhất là dân chúng ở phía Nam đối với chính quyền mới, từ đó, dẫn đến phong trào vượt biên ồ ạt của cả hàng triệu người, trong đó, có vô số người bị chết giữa biển cả hay bị hải tặc cướp bóc và hãm hiếp một cách dã man.

Người ta có thể giải thích những chính sách thiếu khôn ngoan ấy bằng nhiều cách khác nhau. Bằng mặc cảm tự tôn của những người chiến thắng. Bằng sự cuồng tín đối với lý thuyết xã hội chủ nghĩa. Bằng việc thiếu kinh nghiệm quản lý kinh tế, v.v…Chứ công bằng mà nói, bất kể các chuyện tiếu lâm phổ biến từ Nam ra Bắc, ít người thành thực nghĩ giới lãnh đạo Việt Nam thời ấy là ngu xuẩn.

Không những không xem họ ngu xuẩn, nhiều người, trong đó có không ít giới trí thức, còn phục họ nữa là khác. Phục kiến thức của họ: Không thể hoài nghi được, thế hệ lãnh đạo đầu tiên của đảng Cộng sản, từ Hồ Chí Minh đến Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, Lê Duẩn, v.v… vốn là những trí thức uyên bác trên nhiều mặt. Phục chiến lược và chiến thuật của họ trong việc thâu tóm quyền hành và duy trì quyền hành từ năm 1945 về sau. Phục cách thức tuyên truyền của họ, suốt mấy chục năm, lừa gạt được gần như cả thế giới để mọi người tin tưởng vào chính nghĩa họ đang theo đuổi và vào sự hiện hữu độc lập của cái gọi là Mặt trận Giải phòng miền Nam. Phục những kế hoạch phục binh của họ sau Hiệp định Genève và những trò gián điệp họ cài vào hệ thống quyền lực ở miền Nam. Ngay chiến thắng giòn giã của họ trong hai trận chiến chống lại Pol Pot và Trung Quốc trong năm 1978 và 1979 cũng khiến nhiều người khâm phục.
Không đồng ý, vẫn khâm phục. Không thích, vẫn khâm phục.

Phục, hơn nữa, sợ, nên nhiều trí thức nhận cái phần ngu về cho mình. Khoảng cuối thập niên 1970 và đầu thập niên 1980, trước phong trào vượt biên ào ạt, nhiều trí thức ở lại Việt Nam tự nhận họ là những tín đồ của chủ nghĩa 3N: Ngu, Nghèo và Nhát. Nhát vì sợ những nguy hiểm trên con đường vượt biên. Nghèo vì không đủ tiền, đủ vàng để vượt biên. Nhưng còn Ngu? Ngu vì bị lừa. Nhiều người bày tỏ cảm giác bị lừa của mình qua câu thơ:
Ở xa, anh tưởng Thuý Kiều
Đến gần lại hóa người yêu Chí Phèo
.

Nói một cách tóm tắt, trí thức, nhất là giới trí thức ít nhiều có thiện chí hợp tác với chính quyền để làm một cái gì đó có lợi cho đất nước sau chiến tranh, có thể bất đồng với giới lãnh đạo Việt Nam về nhiều chuyện liên quan đến chính sách nhưng thường không lên tiếng phê phán họ là ngu xuẩn.

Trong đám trí thức ấy, chắc chắn có bạn tôi.

Là một trong những thanh niên thuộc loại may mắn nhất ở miền Nam trước năm 1975, anh đi du học sớm. Ra nước ngoài, về chính trị, tình cảm của anh nghiêng hẳn về miền Bắc. Biến cố tháng Tư 1975 bị gia đình anh ở Sài Gòn xem như một tai hoạ, với anh lại là một niềm vui. Bất chấp những phản đối từ gia đình, anh hết lòng ủng hộ chính quyền mới ở Việt Nam với tất cả nhiệt tình và ngưỡng mộ.

Ai nói về chuyện vượt biển, anh cũng đều gạt đi. Ai than thở về sự vất vả trong đời sống sau 75, anh cũng đều gạt đi. Lúc nào anh cũng chầm chập bênh vực chính quyền. Anh nêu nhiều lý do để biện hộ cho những khó khăn và lạc hậu của Việt Nam. Anh tin tưởng một ngày nào đó những khó khăn và lạc hậu ấy sẽ được khắc phục và vượt qua. Anh quan niệm vai trò chính của trí thức, nhất là trí thức hải ngoại, không phải là lên án hay phê phán chế độ trong nước, mà là giúp đỡ Việt Nam phát triển qua các dự án nghiên cứu có tầm quốc tế mà họ làm trung gian.
Tôi phải thành thật ghi nhận điều này nữa: Có một thời gian, những trí thức như anh không phải ít. Trong đó, tôi biết, có cả những người từng bị cảo tạo và từng đi vượt biên.

Thế nhưng, gần đây, theo tôi, có sự thay đổi khá lớn ở những người ấy, ở những trí thức rất nhiều nhiệt tình và thiện chí ấy.
Trên blog hay trên các bài viết của họ, đây đó, càng ngày càng xuất hiện nhiều những ý kiến phản đối nhà cầm quyền, càng ngày càng nhiều những chữ như “hèn” và “ngu” khi nhắc đến nhà cầm quyền.
Trong những lúc tán gẫu, gần đây, mỗi lần nhắc đến chính quyền Việt Nam, cái câu tôi thường nghe nhiều nhất từ họ là: “Không hiểu tại sao bây giờ họ lại ngu đến vậy?”
Tôi hiểu tại sao họ nghĩ và nói như vậy.

Không gọi là ngu thì gọi là gì cái việc Bộ Công Thương giao hẳn trang mạng của Bộ mình cho Trung Quốc để họ mặc sức tuyên truyền chống phá lại Việt Nam?
Không gọi ngu thì gọi là gì cái việc báo điện tử của đảng Cộng sản loan tin và ca ngợi việc hải quân Trung Quốc diễn tập ở biển Đông vốn đang là vùng tranh chấp giữa hai nước?
Không gọi ngu thì gọi là gì cái việc giao cho Trung Quốc quyền tự tung tự tác trong việc khai thác bauxite ở Tây nguyên, nơi được giới quân sự xem như một vị trí chiến lược của Việt Nam, “ai chiếm được Tây nguyên thì coi như làm chủ cả Việt Nam và Đông Dương”?
Không gọi ngu thì gọi là gì cái việc không những im thin thít trước những sự gây hấn trắng trợn của Trung Quốc mà còn ra tay trấn áp những thanh niên trí thức yêu nước đòi xuống đường lên án thái độ bá quyền của Trung Quốc?

Ở đây, cũng cần nói ngay, chả ai muốn có chiến tranh với Trung Quốc. Nhưng có vô số cách để tránh chiến tranh. Có nhiều cách vừa tránh được chiến tranh vừa bảo vệ được quyền lợi chính đáng và nhất là thể diện của dân tộc. Cách tránh chiến tranh tồi tệ và ngu xuẩn nhất là đầu hàng ngay từ đầu để giặc muốn làm gì thì làm. Tồi tệ và ngu xuẩn hơn nữa là để cho dân chúng thấy là mình hèn và chẳng quan tâm gì đến chủ quyền của đất nước cả.

Tuy nhiên, theo tôi, chuyện đáng nói không phải là chuyện chính quyền ngu hay khôn. Chuyện đáng nói nhất là ở chỗ này: giới lãnh đạo không giữ được sự tin tưởng và ngưỡng mộ từ ngay những người từng tin tưởng và ngưỡng mộ họ.

Bất cứ thứ quyền lực chính trị hiện đại nào cũng được xây dựng trên cơ sở của hai huyền thoại chính: huyền thoại về lòng yêu nước và huyền thoại về tài năng của những người lãnh đạo.
Quan sát thái độ của đông đảo trí thức khuynh tả ở hải ngoại, tôi có cảm tưởng cả hai huyền thoại ấy đều sụp đổ.

Sau sự sụp đổ ấy là gì?

Thú thực, tôi không biết. Bạn đọc thử nghĩ xem.



No comments:

Post a Comment