Monday, December 21, 2009

NHÀ BÁO VIỆT NAM NĂM 2009

Nhà Báo Việt Nam Ở Năm 2009
Nguyễn Quang Duy
Tháng Mười Hai 21, 2009
http://baotoquoc.com/2009/12/21/nha-bao-vi%e1%bb%87t-nam-%e1%bb%9f-nam-2009/
Sáng 1/1/2009, giới truyền thông đồng loạt đưa tin tổng biên tập hai báo Thanh Niên và Tuổi Trẻ vưà mất việc. Hai người này đã lên tiếng chỉ trích việc bắt giữ hai phóng viên tường thuật vụ tham nhũng PMU18, nên không còn được đảng tin dùng. Tổng biên tập của hai báo Doanh nhân Sài Gòn và Pháp luật đồng thời nhận quyết định nghỉ hưu.
Việc thay đổi nhân sự chẳng qua chỉ là một phần của “cuộc đấu tranh chống âm mưu, hoạt động diễn biến hoà bình trên lĩnh vực tư tưởng, văn hoá” do đảng Cộng sản phát động. Nhà báo
Thiện Ý Tống Văn Công, cho biết “Năm 2008, báo chí Việt Nam vốn ngoan ngoãn với chức năng công cụ, đã bị trừng phạt nặng nề: 6 cơ quan báo chí bị cảnh cáo, 252 trường hợp bị khiển trách, 15 nhà báo bị thu thẻ hành nghề, trong đó có 2 Tổng Biên tập, 4 phó Tổng Biên tập, 6 nhà báo bị khởi tố, 2 nhà báo vào tù”.

Nghị quyết số 16-NQ/TW, ngày 1/8/2007 do chính Nông Đức Mạnh ký liên quan đến công tác báo chí cho biết: “Một số cơ quan báo chí thiếu nhạy bén chính trị, chưa làm rõ chức năng tư tưởng, văn hóa, có biểu hiện xa rời sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, xa rời tôn chỉ, mục đích, thông tin không trung thực, thiếu chính xác”.

Chỉ thị số 34-CT/TW do Ban Chấp hành trung ương ban hành ngày 19/6/2009, nêu rõ trên lĩnh vực báo chí, xuất bản tình hình như sau: “Các thế lực thù địch thâm nhập, lợi dụng một số cơ quan báo chí, xuất bản và một số nhà báo bằng thủ đoạn nham hiểm, như: chú trọng đào tạo, lôi kéo, “chuyển hoá tư tưởng” một số phóng viên. Thông qua “hợp tác, giúp đỡ” về đào tạo và tiếp cận những nhà báo trẻ có tư tưởng tự do, phóng khoáng, dễ giao lưu; từ đó lôi kéo họ làm báo theo kiểu “tự do” của phương Tây. Thời gian qua, có một số lãnh đạo và báo chí, phóng viên đã bộc lộ tư tưởng báo chí đối lập với Đảng, quá nhấn mạnh vai trò “phản biện” và lạm dụng “quyền lực xã hội” để đưa các bài viết công kích sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước”.

Để kiểm soát báo chí chặt chẽ hơn, một dự luật báo chí được đem ra thảo luận tại Quốc hội. Điều 12 Dự Luật quy định báo chí không được: 1. Tuyên truyền chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. 2. Tuyên truyền, kích động chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước, kích động bạo lực, truyền bá tư tưởng phản động, … 3. Tiết lộ bí mật Đảng, Nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà pháp luật quy định. 4. Thông tin sai sự thật, xuyên tạc lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, vĩ nhân, anh hùng dân tộc; vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

Nghị Quyết, Chỉ Thị, Dự Luật chưa đủ báo đảng còn công khai kết án báo tư tưởng có đối lập. Báo Quân đội Nhân dân, ngày 11/10/2009, cho đăng bài xã luận nhan đề “
Báo chí với sự nghiệp phò chính, trừ tà”, đã nhấn mạnh: “Một số báo mặc dù có số lượng phát hành tương đối lớn, nhưng lại không thực sự “vào cuộc” trong đấu tranh. …Tự do báo chí không có nghĩa là tự do đảo lộn “chính”, “tà”. Muốn “phò chính” thì phải “trừ tà”, muốn “trừ tà” thì phải “phò chính”. Mọi sự lẫn lộn trong vấn đề “chính”, “tà” đều không đúng với bản chất và vai trò của báo chí nước ta trong tình hình mới, không thể chấp nhận được”. Bài xã luận cho thấy chính tà – xấu tốt ngày nay không còn dựa trên cái thước đo do đảng Cộng sản đặt ra.

Giai phẩm Xuân Kỷ Sửu 2009 báo Du Lịch với nhiều bài viết nhấn mạnh, Ải Nam Quan, Hoàng Sa, Trường Sa là phần không thể tách khỏi chủ quyền của Việt Nam. Trong bài “Tản mạn cho đảo xa”, tác giả Trung Bảo viết: “…Dẫu rằng vì nhiều lý do, những lần xuống đường đó không được báo chí trong nước thông tin rộng rãi. Dẫu rằng những tấm lòng yêu nước trong sáng, sự hiên ngang khí phách kia không được ca ngợi công khai… nhưng người ta sẽ phải nhớ rằng tấm lòng nhiệt thành với đất nước của thanh niên, trí thức sẽ không bao giờ thay đổi… Nếu có ‘kẻ xấu’ nào đó ‘kích động’ người ta đi biểu tình vì yêu nước, ta nên tôn trọng những ‘kẻ xấu’ này. Ngược lại, khi ‘người tốt’ tìm cách ngăn cản sự biểu lộ đầy phẫn uất một cách chính đáng của người dân vì chứng kiến đất mẹ bị xâm phạm, thì hẳn những kẻ vẫn mạo xưng ‘người tốt’ này cần phải được xem lại”.
Vì đi ngược với đường lối của đảng Cộng sản, báo Du lịch đã bị trừng phạt nặng nề. Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính Trị, đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin – Truyền thông đã chính thức phê phán và kết án: phó Tổng Biên tập báo Du Lịch Ông Nguyễn Trung Dân, bị cách chức, thu thẻ nhà báo và tờ báo bị đóng cửa 3 tháng. Báo đã đóng cửa từ 14/4/2009, đến nay không hiểu vì sao vẫn chưa họat động lại. Không biết cuộc sống nhân viên Báo Du Lịch trong năm qua đã chật vật thế nào, cũng chỉ vì có hành động cổ vũ tinh thần yêu tổ quốc Việt Nam.

Hai ngày sau khi quyết định tạm đình bản tờ Du Lịch được công bố, ngày 16 tháng 4, tờ Tuổi Trẻ lại đột ngột ngừng đăng lọat bài về hiện tượng công nhân Trung Quốc tràn ngập công trường bauxite Tân Rai và Khí Điện Đạm Cà Mau, với lý do phóng viên “viết bài không kịp”. Một lý do không chính đáng để dư luận cho rằng đảng đã xuống tay.

Trường hợp báo điện tử của đảng Cộng sản Việt Nam thì ngược lại. Báo này đã đăng nguyên văn một bài của báo Hoàn Cầu, Phượng Hoàng, Trung Quốc, về một cuộc tập trận của Hải quân Trung Quốc ở Biển Đông. Bài viết đề cao quân đội Trung Quốc trong “sứ mệnh bảo vệ lợi ích quốc gia” và “hy vọng các binh sĩ
tập luyện để bảo vệ tốt biên cương trên biển phía Nam Tổ quốc”. Tổng biên tập tờ báo, ông Đào Duy Quát, đã bị thông tin độc lập kịch liệt phê phán là gián tiếp tuyên truyền cho lập trường ngang ngược của Trung Quốc coi một vùng biển của Việt Nam là của mình. Ông Quát ngụy biện lỗi từ người đánh máy quên đánh hai chữ “ngang ngược”. Ban Tuyên giáo phải buộc lòng ra quyết định “kỷ luật khiển trách” và phạt ông Quát 30 triệu đồng Việt Nam.

Cũng trên báo điện tử đảng Cộng Sản, ngày10/10/2009, mục ‘Nhân tố mới’ của phần ‘Thi đua yêu nước’ có bài viết ca ngợi ông Lương Ngọc Anh, Giám đốc Công ty Phát triển Công nghệ (CFTD) như một ‘doanh nhân thành đạt’. Trong khi ấy báo The Age của Úc tố cáo công ty Securency trả cho ông Anh hàng chục triệu đô la để đút lót cho các quan chức chính phủ Việt Nam. Công ty Securency hiện đang bị cảnh sát liên bang Úc điều tra. Bài viết trên báo đảng bị thông tin độc lập vạch trần và lên án cố tình lừa bịp dư luận xã hội vì vụ tham nhũng liên quan đến cấp lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam. Bài viết được âm thầm lấy xuống không một lời giải thích.

Thông tấn xã Việt Nam cũng mắc phải lỗi lầm nghiêm trọng khi tường thuật sự kiện 25 ngư dân Việt Nam được Trung Quốc trả tự do. Cơ quan này đưa tin xác nhận đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa – đang bị Trung Quốc chiếm đóng và dùng làm nơi giam giữ 25 ngư dân Việt Nam – là lãnh thổ Trung Quốc. Sai lầm này được phát giác và thông tin rộng rãi trên các diễn đàn tự do. Bản tin được âm thầm sửa lại cũng không một lời giải thích.

Ngày 15/8/2009, hai phóng viên của Báo Tuổi Trẻ, Phan Sông Ngân và Võ Hồng Quỳnh, đã bị rút thẻ nhà báo vì đưa tin sai “Nguyễn Ðức Chi dùng 700 ngàn Mỹ kim bôi trơn cho dự án Rusalka”. Tin tức do Bộ Công an cung cấp. Tuy nhiên cho tới khi ra tòa, bên công tố chỉ có đủ bằng chứng để buộc Nguyễn Đức Chi tội “làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”, và bị tòa kết án 18 tháng tù. Phó Văn Phòng Tỉnh Ủy Khánh Hòa tiết lộ “…vụ án xảy ra trong thời điểm chuẩn bị Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 15, nên đã tạo dư luận xấu, gây sự hoang mang, hoài nghi…, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh mệnh chính trị của không ít cán bộ, trong đó có cán bộ chủ chốt của tỉnh”. Hai nhà báo nêu trên đã tự đập nồi cơm vì dựa theo những tin tức từ Bộ Công an và thiếu thông tin về nội tình chính trị đảng.

Dần dần nhà báo Việt Nam sẽ bị tước quyền đưa tin về cán bộ đảng tham nhũng có liên quan đến nước ngoài. Trong vụ các viên chức Viện Tư vấn Thái Bình Dương (PCI) của Nhật Bản hối lộ quan chức Việt Nam,
ông Hồ Xuân Sơn Thứ trưởng ngoại giao của Việt Nam đã công khai phát biểu: “Việt Nam đã đề nghị phía Nhật Bản trong khi vụ việc đang được điều tra, chưa có kết luận cuối cùng thì các cơ quan truyền thông đại chúng của hai nước đều không nên đưa tin”. Vụ công ty Securency và Lương Ngọc Anh báo chí trong nước hầu như đứng ngoài cuộc không dám đưa tin. Trong khi đó, Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền cho rằng: “… có thể theo nước ngoài, người ta nói căn cứ đó là đủ, đó là phạm tội nhưng theo quy định pháp luật của Việt Nam như vậy chưa chắc đã phạm tội vì chưa đủ chứng cứ”.

Cuối tháng 10, báo Điện Tử Tia Sáng Online bị xóa bỏ tên miền khi đăng bài viết “Giáo dục, xin cho tôi nói thẳng” của Giáo sư Hòang Tụy. Trong bài viết, giáo sư Hòang Tụy đề cập đến ba điều: (1) Giáo dục sa sút không phải vì thiếu tiền mà vì quản lý kém; (2) cần cải cách có hệ thống chứ không phải đổi mới vụn vặt và (3) Giáo dục không phải là phòng thí nghiệm. Dường như báo chí Việt Nam mất cả quyền đưa tin về khủng hoảng giáo dục.

Trên là một vài điển hình ít nhiều liên quan đến chính trị. Vừa rồi 17/11/2009
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội đã cho rằng: “Một số thông tin trên báo chí như: nước tương có chất gây ung thư, bồn đựng nước gây ung thư, ăn bưởi gây ung thư vú, rau xanh siêu tăng trưởng, trứng gà Trung Quốc, giá gạo tăng, giá xăng dầu tăng, tình hình lạm phát trong nước…cũng được chỉ ra, làm tác động tới tâm lý xã hội, làm ảnh hưởng tới sản xuất của nông dân và việc kinh doanh của các doanh nghiệp”. Không thấy có đại biểu nhân dân nào đặt ngược vấn đề. Như thế việc đưa những tin “xấu” bên trên cũng có thể bị xem là tiếp tay cho diễn biến hoà bình nhằm lật đổ quyền lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam.

Bộ Trưởng Lê Doãn Hợp, người đã rất nổi tiếng khi ví báo chí chỉ nên bám sát “lề phải”. Theo ông: “… Quy chế quản lý báo chí chính là để chúng ta tự do hơn, lâu nay chúng ta quản lý theo mệnh lệnh. Chúng ta hoàn toàn có tự do nếu đi đúng lề đường bên phải, và chúng tôi cố gắng làm cho các đồng chí lề đường đó…”. Nếu nghe theo ông các báo đều thành báo Nhân Dân. Báo Nhân là tiếng nói chính thức cuả đảng Cộng sản Việt Nam. Báo Nhân Dân là báo nhân dân không đọc.

Có lề phải ắt có lề trái. Nhiều trí thức, văn nghệ sĩ, nhà báo, thanh niên, sinh viên đã hình thành một hệ thống thông tin độc lập. Họ tự lập các trang thông tin điện tử cá nhân trên internet (blog) để chia sẻ thông tin và suy tư với nhau. Tạm xem những người này như các nhà báo tự do. Hệ thống thông tin này nhanh chóng, trung thực, khách quan, toàn diện và tự do, nên càng ngày càng nhiều người tích cực tham dự, càng ngày càng ảnh hưởng sâu rộng trong quần chúng Việt Nam. Hệ thống này vưà cạnh tranh vưà bổ sung cho các báo chấp nhận diễn biến hoà bình. Nhưng lại rất khắc khe với báo đảng, như trường hợp vạch trần sự thật báo đảng Cộng sản và Thông tấn xã Viêt Nam nêu bên trên.

Luật sư Lê Trần Luật chỉ thấy một lực lượng truyền thông dân chủ, bao gồm các nhà báo tự do, các điện báo độc lập trong và ngoài nước, các hãng thông tin quốc tế và các “nhà báo có thẻ” nhưng trung thực và khách quan. Lực lượng này lấy sự công khai và trung thực làm công cụ đấu tranh cho tự do và dân chủ. Để chống lại chế độ độc tài lấy sự dối trá và bưng bít làm phương tiện tồn tại. Cuộc chiến truyền thông sẽ ngày càng quyết liệt hơn, gay gắt hơn, và chỉ khép lại, khi báo chí và truyền thông của nhà nước thay đổi để không còn là công cụ một chiều của đảng Cộng sản Việt Nam.

Cuộc đấu tranh này thách thức quyền lực của đảng Cộng sản nên cũng gặp phải những trấn áp từ phía cầm quyền. Năm nay có nhà báo Phạm Đoan Trang bi tạm giam. Blogger Người Buôn Gió – Bùi Thanh Hiếu, blogger Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh cũng bị bắt giam. Nhà báo Huy Đức – blogger Osin, phải chấm dứt hợp đồng với báo Sài Gòn Tiếp Thị vì bài trên blog của ông “không cùng quan điểm” với tờ báo.

Đạo diễn Trần Uy, Phó trưởng Ban Thời sự Đài truyền hình Việt Nam, bị điều tra vì nghi ngờ đã dàn dựng vụ 4 nhà dân chủ “thú tội” tạo cơ hội họ sử dụng truyền hình tuyên truyền về dân chủ, đa nguyên đa đảng, về đảng Dân chủ Việt Nam đến hàng chục triệu người Việt Nam trong, ngoài nước và dư luận quốc tế, gây bất lợi cho chính sách đối ngoại của Việt Nam. Trong 4 nhà dân chủ có luật sư Lê công Định có nhiều bài viết trên các báo trong và ngoài nước. Ba ông Trần kim Anh, Trần Hùynh Duy Thức và Nguyễn tiến Trung cũng có nhiều bài viết trên các diễn đàn tự do.

Một danh sách trên 30 các nhà báo, nhà văn, nhà thơ hiện đang bị đảng Cộng sản cầm tù vì đã viết bài cổ vũ cho dân chủ tự do. Để ngăn chăn sự phát triển của truyền thông tự do đảng Cộng sản còn sử dụng các biện pháp như tịch thu máy điện toán, đe dọa các bogger và gia đình, xây dựng tường lửa, … thậm chí xâm nhập phá họai các mạng tự do. Bởi thế mặc dù có trên 709 cơ quan báo chí, 67 đài phát thanh, truyền hình, 25 báo điện tử, 160 trang báo điện tử … thế mà nhiều năm nay Việt Nam vẫn bị các tổ chức quốc tế, như tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới, Ủy ban Bảo vệ các Nhà báo, Hội Văn Bút, Quan sát Nhân quyền, Ân xá Quốc tế đã …, xếp cuối bảng về tự do báo chí.

Hạ viện Hoa Kỳ đã qua thông qua Nghị quyết 672 phản đối việc Việt Nam bỏ tù các blogger và nhiều nhà hoạt động dân chủ bày tỏ quan điểm ôn hòa trên internet, cũng như dựng tường lửa chặn các trang thúc đẩy dân chủ và nhân quyền. Nghị quyết 672 kêu gọi Việt Nam trả tự do cho các blogger và tôn trọng tự do internet.

Nghị quyết Quốc hội Âu châu ngày 26/11/2009 về tình trạng nhân quyền của Lào và Việt Nam cũng “Cấp thiết đề nghị Chính quyền nên dừng lại tất cả những hình thức đàn áp những người đã thực thi quyền tự do ngôn luận, tự do tín tưởng hay tín ngưỡng vào tôn giáo họ và tự do hội họp, theo đúng tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế và Hiến Pháp Việt Nam; …”

Để sửa soạn cho Đại Hôi lần thứ 11 đảng Cộng sản đang thẳng tay trấn áp cả truyền thông đảng lẫn truyền thông tự do. Hai năm 2008 và 2009 là những năm đại hạn của nền báo chí Việt Nam. Việc trấn áp tạo ra một nhu cầu tìm hiểu hành vi của đảng Cộng sản Việt Nam với nhiều bài viết, tham khảo được phổ biến trên các diễn đàn tự do.

Về chế độ kiểm duyệt tại Việt Nam, vừa rồi nhà phê bình văn học
Nguyễn Hưng Quốc cho đăng lại một chương trong tác phẩm Văn học Việt Nam dưới chế độ cộng sản 1945-1990. Ông Quốc lập luận rằng: “Theo dõi tất cả những vụ án văn nghệ dưới chế độ cộng sản, người ta luôn luôn bắt gặp một thủ phạm duy nhất: Đảng. Luôn luôn là Đảng. Không phải Ban Tuyên huấn thì là Ban Văn hoá Văn nghệ Trung ương của Đảng. Không có ai khác. Người tự nhận nắm vai trò lãnh đạo văn nghệ cũng đồng thời là người thực hiện việc kiểm duyệt văn nghệ”.

Ông Quốc đã lưu ý độc giả bài viết dừng lại ở thời điểm 1990. Ở cuối năm 2009, thủ phạm vẫn còn đó, những vụ án thì không còn ở phạm vi cá nhân. Theo Nghị Quyết 16-NQ/TW, Chỉ thị số 34-CT/TW và thực tế xảy ra, những vụ án ngày nay ở tầm mức lãnh đạo báo chí và báo chí. Vượt đến tầm mức thông tin tự do và quan hệ quốc tế và vượt ngoài tầm kiểm soát của đảng Cộng Sản Việt Nam.

Cuối bài ông Quốc chỉ rõ “Còn một cấp kiểm duyệt khác nữa, kín đáo hơn nhưng cũng không kém phần khắc nghiệt. Đó là cái ý thức lúc nào cũng nơm nớp, thấp thỏm, lo âu của người viết”. Ý thức này càng ngày càng ít đi ở người viết.

Ngược lại đảng Cộng sản đã phải dùng đến Nghị Quyết 16-NQ/TW, đến Chỉ thị số 34-CT/TW, đến hành động trấn áp báo chí … chỉ thấy nỗi nơm nớp, thấp thỏm, lo âu nay được trả lại cho đảng.
Đảng Cộng sản đang trong tình trạng khủng hoảng tư tưởng và trong nỗi lo sợ mất quyền.

Nguyễn Quang Duy
Melbourne, Úc Đại Lợi
16/12/2009





No comments:

Post a Comment