Friday, December 4, 2009

Nhà Đấu Tranh Dân Chủ PHẠM THANH NGHIÊN Săp Ra Toà

Nhà đấu tranh dân chủ Phạm Thanh Nghiên sắp ra tòa
http://thongluan.org/vn/modules.php?name=Content&pa=showpage&pid=1378

HẢI PHÒNG (NV) - Cô Phạm Thanh Nghiên, người toạ kháng ở Hải Phòng với biểu ngữ “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam” sẽ bị đưa ra xử ở tòa án thành phố Hải Phòng vào ngày 17 Tháng Mười Hai, 2009 tới đây.
Cô là người cuối cùng trong nhóm những người đấu tranh dân chủ bị bắt giữ trong khoảng Tháng Tám và Tháng Chín năm ngoái ở Hà Nội và Hải Phòng liên quan đến các biểu ngữ bày tỏ lòng yêu nước nhưng lại không vừa lòng nhà cầm quyền Việt Nam.

“Tôi nghĩ con tôi không có tội. Con tôi chỉ nói thật, có sao nói vậy”. Bà Nguyễn Thị Lợi, mẹ cô Phạm Thanh Nghiên nói với báo Người Việt sáng ngày Thứ Năm mùng 3 Tháng Mười Hai, 2009 giờ Việt Nam về chuyện con bà sắp ra tòa.
“Tôi ở gần con tôi suốt bao nhiêu năm. Tôi biết tính con là không nói sai cái gì. Nó chỉ biết nói thật, nói đúng”. Bà Lợi nói về sự gán ghép cho con bà tội “tuyên truyền chống nhà nước” như thế. Bà cho hay LS Vũ Anh từ Hà Nội đã xuống nhà tù ở Hải Phòng và đã gặp cô Nghiên để thảo luận vấn đề biện hộ.
“Tôi mừng là mình từ nay không phải trông ngóng cái ngày con mình ra tòa nữa. Mừng là mẹ con có dịp thấy mặt nhau. Còn lo là bản án thế nào, còn tuỳ người ta”. Bà nói.

Phạm Thanh Nghiên, 32 tuổi, chị em kết nghĩa của Lê Thị Công Nhân, bị bắt giam ngày 17 Tháng Chín, năm 2008 và từ đó đến nay, gia đình cô không được gặp mặt, không biết tin tức gì về sự an nguy, sức khoẻ của cô suốt hơn một năm trời. Luật tố tụng hình sự của những nước tôn trọng nhân quyền không cho phép cư xử như vậy với tù nhân và gia đình của họ.

Các bản án chính trị luôn luôn bị gọi là “án bỏ túi” vì đều do Ðảng CSVN ra quyết định tuỳ theo nhu cầu từng lúc. Thẩm phán chỉ làm nhiệm vụ chiếu lệ nên các phiên tòa diễn ra nhanh chóng. Luật sư dù có biện luận minh chứng hùng hồn đến đâu, đúng lý lẽ đến đâu cũng không có tác dụng. Không những vậy, luật sư còn bị cáo buộc là lợi dụng phiên tòa để nói xấu hay chống chế độ.

Phạm Thanh Nghiên đã từng bị bắt giam, hành hung trên đường phố và khủng bố, đe doạ rất nhiều lần nhưng không hề làm cô gái nhỏ bé sợ hãi và chùn bước trên đường đấu tranh đòi hỏi nhân quyền, tự do dân chủ cho mình và đồng bào mình. Cô và một số người nữa đã bị bắt vào ngày 30 Tháng Tư, năm 2008 trong khi biểu tình ôn hòa chống lại cuộc rước đuốc Bắc Kinh.

Cô bị giam giữ ít ngày mà không bị truy tố. Ngày 17 Tháng Sáu, năm 2008, cô làm đơn xin biểu tình nhưng bị nhà cầm quyền từ chối. Nhằm trị cái tội dám làm đơn xin biểu tình cho mục đích mà nhà nước không muốn, Công an đã khủng bố không những cá nhân cô mà cả gia đình của cô. Họ đe doạ và ra lệnh quản chế cô cho đến ngày 16 Tháng Bảy, năm 2008, tức ngày cô xin biểu tình ở Hà Nội.

Ngày 11 Tháng Chín, năm 2008, cô bị bắt giữ và được thả ra vào ngày sau nhưng vẫn bị công an canh chừng quanh nhà cho đến khi bị bắt lại vào ngày 17 Tháng Chín, năm 2008 khi đang toạ kháng tại nhà, trước hai khẩu hiệu: “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam” và “Phản đối công hàm bán nước của Phạm Văn Ðồng”.

Ðể bắt một cô gái gầy yếu cao không quá mét rưỡi và không hề có chủ ý bạo động, chế độ Hà Nội đã huy động tới gần 30 công an các cấp đến nhà đọc lệnh bắt tại nơi cư trú ở phường Ðông Hải, quận Hải An, thành phố Hải Phòng.

Ngày 14 Tháng Chín, 2008 trước khi ngồi toạ kháng, Phạm Thanh Nghiên đã phổ biến trên Internet
bức tâm thư nêu lý do. Cô viết:

“Trong trách nhiệm của một con dân Việt Nam, trong sự biết ơn và trân quý những hy sinh xương máu của tổ tiên, tôi tự cho mình có bổn phận phải tiếp nối truyền thống bảo vệ và gìn giữ đất nước. Sự gìn giữ và bảo vệ không chỉ đơn thuần ở từng mét vuông lãnh thổ mà còn là danh dự và niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Sự gìn giữ và bảo vệ này nằm trong tinh thần tổ quốc trên hết, đứng trên mọi bất đồng về ý thức hệ, chính kiến, tổ chức và đảng phái. Cách đây đúng 50 năm, vào ngày 14 Tháng Chín năm 1958, ông Phạm Văn Ðồng đã đại diện đảng Cộng Sản Việt Nam ký bản công hàm chấp nhận và tán thành bản tuyên bố của đảng Cộng Sản Trung Quốc về bề rộng lãnh hải của Trung Quốc trong đó bao gồm các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, vốn tự nghìn đời thuộc vào lãnh thổ Việt Nam. Ðây là một hành động cúi đầu bán nước của đảng cầm quyền CSVN đối với ngoại bang, chưa kể là ông cựu Thủ Tướng Phạm Văn Ðồng vào thời điểm đó không có thẩm quyền ấy, vì 2 đảo Trường Sa và Hoàng Sa lúc ấy thuộc về quyền trách nhiệm sở hữu của miền Nam Việt Nam Cộng Hòa. Nhân dân Việt Nam chưa bao giờ và sẽ không bao giờ chấp nhận sự dâng hiến này của đảng CSVN. Hoàng Sa và Trường Sa muôn đời vẫn là lãnh thổ của Việt Nam”.

Làm đơn xin biểu tình bị từ chối dù làm đúng theo qui định của luật lệ, cô viết rằng:

“Tôi không còn lựa chọn nào khác trừ phương thức đấu tranh toạ kháng ngay tại nhà tôi để thể hiện quyền bày tỏ thái độ của tôi, một quyền mà chính Hiến Pháp nhà nước trong điều khoản 69 cũng đã ghi rõ. Và lần này, nếu nhà nước đàn áp, sách nhiễu hay sử dụng bạo lực với tôi, hay thậm chí án tù với tôi, thì ít ra tôi cũng đã thể hiện qua chính sự an nguy của tôi cho cả thế giới được biết sự thật của đất nước này là không hề có tự do ngôn luận, cho dù là ngay tại chính nhà mình sở hữu.
Tôi cũng toạ kháng để phản đối mọi hành động khiếp nhược của nhà nước này trước ngoại bang phương bắc nhưng lại hung hãn đàn áp mọi tiếng nói, mọi thái độ bày tỏ lòng yêu nước của công dân Việt Nam. Ðây chỉ là một việc làm nhỏ bé mà cá nhân tôi có thể làm được trong lúc này”.

Người thiếu nữ can trường tên Phạm Thanh Nghiên đã được Human Rights Watch chọn trong số sáu người Việt Nam được giải thưởng nhân quyền Hellman Hammett năm 2009 hồi giữa Tháng Mười vừa qua. (TN)

Nguồn: báo Người Việt, ngày 03/12/2009



No comments:

Post a Comment