Friday, December 4, 2009

NGHỆ THUẬT BỊ CẤM TẠI TRUNG QUỐC

Ở Trung Quốc, Mao không đầu là trò chơi mèo đuổi chuột
Jimmy Wang
Trần Ngọc Cư dịch

04/12/2009 5:13 sáng
2 phản hồi
http://www.talawas.org/?p=14425
Lời người dịch: Sự kiện hai anh em nghệ sĩ điêu khắc Gao Zhen và Gao Qiang đã tổ chức thành công một số triển lãm chui (underground exhibitions) có tính phạm húy nhắm vào cá nhân Mao Trach Đông, mà thành quả của họ được ghi nhận trên New York Times và Youtube Video, trong khi an ninh bản thân của họ vẫn không bị đe doạ, chứng tỏ rằng ở Trung Quốc đã có một mức độ khoan dung đối với văn hóa phản chính thống hoặc có một sự đồng lõa đúng liều lượng từ phía Đảng Cộng sản cầm quyền. Việt Nam đang cố gắng sao chép những bước phát triển xã hội-chính trị theo mô hình Trung Quốc. Liệu một ngày nào đó sẽ có một nỗ lực có ý nghĩa từ phía Đảng Cộng sản Việt Nam và cả giới làm văn học nghệ thuật để đánh giá lại Chủ tịch Hồ Chí Minh, đưa ông trở về kích thước con người, hợp tình hợp lý, phản ánh người thật việc thật đã xảy ra trong dòng lịch sử Việt Nam cận đại, hay không?
--------------------------------------------------

Hình 1 :
http://art30.com/attachments/2009/10/15/2783_200910151335441WSBu.jpg

Bắc Kinh – Đây không phải là tượng điêu khắc Mao Chủ tịch mà bạn thường thấy ở Trung Quốc. Mao quì gối như một kẻ van xin, thú tội; dáng điệu và nét mặt của y bày tỏ một nỗi ăn năn sâu thẳm. Hơn thế nữa, cái đầu của bức tượng đồng đen có kích cỡ người thật này, có tiêu đề là “Tội lỗi của Mao” do hai anh em nghệ sĩ Gao Zhen và Gao Qiang sáng tác, được thiết kế để có thể tách rời khỏi thân.
Những cuộc triển lãm của anh em Gao, mà tác phẩm của họ bị nhà cầm quyền coi như là một thách thức chính trị, từng bị đóng cửa trong quá khứ. Xưởng của họ từng bị bố ráp. Vì vậy họ phải thu giấu chiếc đầu của Mao ở một nơi riêng biệt – chỉ ráp nó vào thân trong những dịp đặc biệt nhằm ra mắt bạn bè hay đồng nghiệp. Bình thường, cái thân hình vẫn không có đầu, người ta chẳng nhận ra là thân hình của ai và nó trông rất vô hại.
“Đây là điều tôi hi vọng mọi người Trung Quốc một ngày nào đó sẽ nhìn nhận,” Gao Zhen, 53 tuổi, đã nói về tác phẩm của mình. “Chúng tôi muốn mô tả ông ta như một con người, một người bình thường biết sám hối những lỗi lầm mà mình đã phạm.”
Vào ngày 3 tháng 9, [2009], chiếc đầu lại lộ diện trong một “bữa tiệc” của anh em Gao – từ “bữa tiệc” là mã hiệu của một trong những cuộc chưng bày kín đáo dành cho khán giả có thư mời riêng, mà họ chỉ tổ chức vài lần trong một năm. Địa điểm của buổi triển lãm chỉ được tiết lộ vài giờ trước khi ra mắt qua lời nhắn bằng miệng và qua bản văn mã hóa gửi qua điện thoại cầm tay. Bên ngoài cửa đóng kín của xưởng chính của riêng họ, một nhân viên đứng canh chừng những khách không có giấy mời. Những cái đầu có thể lắp ráp nhanh và những cuộc triển lãm chui là hai chiến thuật du kích mà anh em Gao từng sử dụng, thường thường với sự trợ lực của Melanie Ouyang, một người bảo trợ, để giúp các fan và bạn bè đến thưởng lãm nghệ thuật của họ. Anh em Gao thuộc thế hệ nghệ sĩ tiên phong Trung Quốc, những người đang nới rộng biên cương diễn đạt qua nghệ thuật. Trong thế giới nghệ thuật Trung Quốc ngày càng mở rộng, khỏa thân (nudity) trở nên bình thường trong các loại hình nghệ thuật mà trước đây nó bị cấm kỵ, và việc dùng nghệ thuật để chế nhạo cuộc Cách mạng Văn hóa đã trở nên phổ biến đều khắp đến độ bị coi là lạc hậu. Tuy vậy, trường hợp anh em nhà họ Gao nhắc nhở rằng những giới hạn về quyền phát biểu vẫn còn đó, nhất là vào thời điểm Trung Quốc kỷ niệm năm thứ 60 của cách mạng cộng sản: mặc dù giới nghệ sĩ ngày càng được tự do đề cập đến các đề tài chính trị và xã hội, nhưng những tác phẩm công khai chỉ trích giới lãnh đạo Trung Quốc hay những biểu tượng của Trung Quốc thì vẫn bị coi là đi ra ngoài khuôn khổ.
“Màu đỏ tía” (Ash Red), một cuộc triển lãm vào năm 2006 mà anh em Gao công khai quảng cáo và tổ chức trong xưởng của họ tại Làng Nghệ thuật 798, đã bị nhà cầm quyền đàn áp. Vài nhân viên đại diện chính phủ đã bước vào gian hàng triển lãm và đưa ra một danh sách gồm những tác phẩm “cần được dẹp bỏ”, Gao Qiang, 47 tuổi đã nói như vậy. Cả bích chương và sách danh mục của cuộc triển lãm đều bị cấm, những cuộc phỏng vấn mà hai anh em đã lên chương trình với các cơ quan truyền thông địa phương đều bị hủy bỏ. Trong nhiều tuần lễ sau khi cuộc triển lãm “Màu đỏ tiá” bị đóng cửa, hai công an liên tục đứng gác bên ngoài xưởng chính của anh em Gao, khiến nhiều người không dám vào bên trong.
Làng Nghệ thuật 798 có một phòng quản lý địa phương, với nhiều chức năng khác nhau, có bổn phận theo dõi các tác phẩm nghệ thuật bị xem là không được chấp nhận và có hại đối với địa phương. “Họ chịu sức ép từ trên”, Gao Yuewen, một nhân viên của xưởng điêu khắc họ Gao, đã nói như vậy và còn nhận xét rằng anh em Gao bị nhà cầm quyền “phân loại khác biệt” với những nghệ sĩ khác. Điều này có nghĩa là họ bị tình nghi.
Tháng Ba, một tác phẩm điêu khắc khác của anh em Gao bị cuỗm mất trong đêm. Đó là tác phẩm mang tên “Để tóm một bà”, phóng tác từ một hình chụp cảnh sát đang xốc ngược để mang đi một cô điếm trong một cuộc bố ráp vào động mãi dâm. Chỉ sau khi anh em Gao đưa đơn khiếu nại với cảnh sát, nhà cầm quyền mới chịu nhìn nhận là đã tịch thu tác phẩm ấy.
Hình tượng không đầu của Mao là tác phẩm có ý nghĩa rộng lớn nhất của anh em Gao, vừa diễn tả bộc bạch vừa có ý phê phán, là một cố gắng mô tả lại con người thật của Chủ tịch Mao như một nhân vật có khuyết tật. Mao là một nhân vật lịch sử của Trung Quốc cùng một lúc có khả năng khơi dậy những tình cảm đau đớn và thất vọng ê chề, cũng như sự ngưỡng mộ, kính yêu, và lòng tự hào sâu đậm. Trong những phim trên truyền hình Trung Quốc, chiến thắng của Mao trong kháng chiến chống quân xâm lược Nhật được liên tục chiếu đi chiếu lại, trong khi Bước Nhảy vọt Vĩ đại, mặt đen tối của cuộc Cách mạng Văn hóa và những chính sách thất bát của Mao lại được làm giảm bớt tính nghiêm trọng của chúng hay ít khi được đưa lên truyền hình.

Hình 2 :
http://art30.com/attachments/2009/10/15/2783_200910151335511ZQRQ.jpg

Đối với người Trung Quốc lớn tuổi, hình ảnh của Mao vẫn còn bất khả xâm phạm. Nhưng đối với các thế hệ trẻ, Mao, một người đã qua đời năm 1976, càng ngày càng trở nên ít quan trọng đối với họ, vì thế họ không mấy bị sốc vì cách mô tả Mao trong tác phẩm của anh em Gao. Tại các thành phố lớn, có nhiều giao lưu quốc tế, những tàn dư của việc sùng bái cá nhân Mao Trạch Đông là ít nổi bật. Việc tụng đọc các câu chữ từ cuốn “Sách Đỏ” của Mao từ lâu đã được thay thế bằng việc mua sắm máy vi tính laptop, xe máy mi-ni-cúp và các “ming pai” khác, tức các loại hàng hiệu nổi tiếng.
Đối với anh em Gao, Mao còn mang một ý nghĩa có tính cách riêng tư cho đời họ. Trong cuộc Cách mạng Văn hóa, cha của hai anh em này bị chụp mũ là kẻ thù giai cấp và bị lôi đến một nơi “không phải là nhà tù, không phải là đồn cảnh sát, nhưng là một cái gì ghê gớm khác,” Gao Zhen cho biết. Hai mươi lăm ngày sau, gia đình được thông báo là người cha đã tự tử. Anh em Gao nghĩ rằng cha mình vô tội: “Vào thời đó, nếu một người nào không thích bạn, hắn chỉ việc chụp mũ bạn là kẻ thù giai cấp, thế thôi”. Ông Gao nói thêm: “Chúng tôi đến tận Bắc Kinh để kêu oan về cái chết của cha chúng tôi”. Cuối cùng gia đình người xấu số được bồi thường một số tiền tương đương với khoảng 290 Mỹ kim. Ông Gao nói tiếp: “Đó là giai đoạn rất đau thương trong đời chúng tôi. Sáu anh em và một bà mẹ góa, không một đồng xu dính túi.”
Biến cố để lại dấu ấn sâu sắc trong thời thơ ấu ấy đã là nền tảng và động lực chủ yếu cho việc sáng tác của hai anh em, một nỗ lực nhằm soi rọi những con người, nơi chốn và vụ việc lâu nay vốn là điều cấm kỵ trong xã hội Trung Quốc. Bức vẽ lớn trên tường, nhan đề “Xây hoài không xong”, mô tả đủ thứ nhân vật điển hình của nhiều thành phần xã hội khác nhau, chạy băng qua một công trình xây dựng. Nổi bật ở trung tâm và phía trước của bức tranh là hình ảnh một người phụ nữ Trung Quốc cương quyết không để cho bọn kinh doanh địa ốc giàu có trục xuất.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều người phê bình cho rằng sáng tác của anh em Gao thiếu tinh tế. “Tôi hiểu họ đang cố gắng nói lên điều gì, nhưng tôi nghĩ rằng tác phẩm của họ nhắm vào thị hiếu quá nhiều– quá trực tiếp và lộ liễu.” Feng Ling, một sinh viên mỹ nghệ 23 tuổi đã nói như vậy sau khi đến xưởng của anh em Gao để xem tác phẩm điêu khắc “Xử tử Giê Su”, trong đó một tiểu đội hành quyết gồm toàn những Chủ tịch Mao đang chỉa mũi súng vào Chúa Giê Su.
Nhiều nghệ sĩ Trung Quốc đã biết cách vận dụng ý nghĩa và phê bình chính trị vào tác phẩm nghệ thuật của mình mà không đến nỗi lộ liễu như anh em họ Gao. Chẳng hạn, trong tác phẩm “Một lối sống” gần đây của ông, Liu Wei đã đặt đủ thứ dụng cụ thể thao Trung Quốc mà ông tìm thấy trong nhiều công viên khắp nước vào trong một chiếc lồng sắt vĩ đại, một chiếc lồng nom như một nhà tù. Tác phẩm này nói lên mức độ các sinh hoạt hàng ngày và các tự do cá nhân đã bị quyền lực nhà nước hạn chế.
“Hầu hết nghệ sĩ hiện nay đã biết đưa ra bình luận chính trị mà không tỏ ra chính trị quá lộ liễu, vì thế các loại triển lãm chui (underground) hiện nay là không nhiều như thập niên 1990”. Đó là phát biểu của Phil Tinari, 30 tuổi, biên tập viên sáng lập của trang mạng Artforum (Diễn đàn nghệ thuật) bằng tiếng Trung Hoa,
http://www.artforum.com.cn/ .
Trong một cuộc triển lãm chui gần đây nhất, anh em Gao tìm cách triệt tiêu các lý cớ của những nhà phê bình và tạm thời từ giã chủ đề Mao; họ nói “Tội lỗi của Mao” sẽ là tác phẩm cuối cùng trên chủ đề liên quan đến nhà lãnh đạo Trung Quốc, chí ít “trong một thời gian”, một phần vì sự tràn ngập hiện nay của loại hình nghệ thuật chế nhạo cuộc Cách mạng Văn hóa, và cũng vì hình ảnh của ông ta đã được luân lưu không ngừng trong nghệ thuật và phim ảnh phổ thông.
“Đối với nhiều người tại Hoa Lục, tác phẩm của anh em Gao là có tính khiêu khích. Nó kích nổ một tiếng vang, thách thức dân chúng Trung Quốc tìm hiểu và chấp nhận một quan điểm mới về lịch sử Trung Quốc hiện đại, một lịch sử biết nhìn nhận sai lầm.” Kai Heinze, 33 tuổi, giám đốc Phòng triển lãm Faurschou tại Làng Nghệ thuật 798 đã nói như vậy.

Mời xem YouTube: Nghệ thuật bị cấm tại Trung Quốc

Nguồn:
Art30.com

Bản tiếng Việt © 2009 Trần Ngọc Cư
Bản tiếng Việt © 2009 talawas blog



No comments:

Post a Comment