Saturday, December 26, 2009

LUẬN về VỤ ÁN LÊ CÔNG ĐỊNH (Kami)

Vụ án Lê Công Định: Chỉ vì thiếu chữ "làm" mà có thể bị tội tử hình
Kami
Thứ Sáu, 25/12/2009
http://danluan.org/node/3748
Trên mạng internet mấy hôm nay người ta lưu truyền một tài liệu dạng tối mật đó là tài liệu "Toàn văn Bản cáo trạng của VKSND Tối cao đối với Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Thăng Long"(1), số:09 VKSTC-V2 ngày 23/11/2009 do ông Nguyễn Hồng Vinh ký. Bản cáo trạng dài 14 trang liệt kê và luận tội đối với các nhà đấu tranh dân chủ Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Thăng Long với từ tội danh "Tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt nam" theo điều 88 của Bộ luật Hình sự sang tội "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" theo điều 79.
Đọc toàn bộ bản cáo trạng dài 14 trang người đọc dễ nhận thấy các "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" của các bị cáo có liên quan nhiều đến Đảng Dân chủ VN, một tổ chức của ông Hoàng Minh Chính nguyên là Tổng Thư Ký Đảng Dân chủ dưới thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ra tuyên bố phục hồi hoạt động của Đảng Dân chủ Việt Nam, sau khi đảng này tuyên bố tự giải tán năm 1988 theo yêu cầu của Đảng CSVN trước nguy cơ sụp đổ của CNCS ở Đông Âu và Liên xô.

Điều ngạc nhiên là các nhân vật bị truy tố nói trên có các hoạt động liên quan tới việc lập các đảng phái chính trị theo xu hướng cải cách, việc làm này phù hợp với vấn đề lập hội trong Điều 69 Hiến pháp nước CHXHCN Việt nam năm 1992 bản sửa đổi năm 2001 ghi rõ: "Điều 69: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật" (2). Việc theo quy định của pháp luật ở đây chắc chắn là liên quan đến việc hoạt động phải xin phép, vì pháp luật Việt nam không hề có văn bản nào cấm các đảng chính trị đăng ký hoạt động, điều này hoàn toàn phù hợp với Tuyên ngôn Nhân quyền Liên hợp quốc (10-12-1948)mà Việt Nam sau khi gia nhập Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 1977 cũng đã kí Tuyên ngôn Nhân Quyền Liên Hợp Quốc. Điều 20 đã ghi rõ: "Điều 20: Ai cũng có quyền tự do hội họp và lập hội có tính cách hoà bình.Không ai bị bắt buộc phải gia nhập một hội đoàn."(3). Theo cáo trạng cho biết các nhân vật trên đang trong giai đoạn soạn thảo cương lĩnh, điều lệ do đó không thể quy kết tội lập hội trái phép (không xin phép) được.

Không bàn tới tội danh "hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân" như cáo trạng, vì đã có bài viết riêng về tội danh này(4), một điều thực tế là chính quyền của nhà nước Việt nam hiện nay ai cũng biết các cuộc bầu cử đều theo hình thức “Đảng cử dân bầu”, mà quan trọng nhất nhân sự do Đảng chọn sẵn, người dân không có quyền tự do đề cử, ứng cử. Do vậy lá phiếu của người dân chỉ là hợp thức hóa quyền lực cho nhân sự đó, chứ hoàn toàn không xuất phát từ nguyện vọng thực sự của quần chúng. Người ta nói rằng nếu miễn cưỡng chấp nhận thì có thể gọi đó là “chính quyền bán nhân dân” (một nửa), chứ không phải là “chính quyền nhân dân”.

Một chi tiết đáng bàn là sự thay đổi chính quyền nhà nước là một hoạt động mang tính chất chu kỳ của các quốc gia theo thể chế chính trị cộng hòa, dân chủ. Tùy theo đặc thù của mỗi quốc gia họ sẽ ấn định chu kỳ đó là 3-5 năm, Việt nam không là trường hợp ngoại lệ. Do đó không thể gắn bất kỳ tội danh gì cho các hoạt động lập hội có tính cách ôn hòa tuân theo pháp luật quy định để tham gia sự thay đổi chính quyền theo luật định. Hơn nữa tất cả đều bàn thảo, trao đổi rất ôn hòa bằng các bài viết, các trang Blog v.v... Vậy xin hỏi bằng cách đó, làm sao họ có thể phạm tội lật đổ chính quyền? Lật đổ chính quyền là bạo động phải là bắt cóc thủ tiêu hay đặt bom ám sát các nhân vật cao cấp, xây dựng lực lượng khởi nghĩa vũ trang, xóa bỏ chính phủ hợp hiến, quyết tử gây đổ máu… nhằm gây xáo trộn xã hội hướng tới mục tiêu giành quyền lãnh đạo quốc gia.

Sự thay đổi chính quyền cũ bằng chính quyền mới thông qua bầu cử tự do công bằng không có nghĩa là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của đảng cầm quyền và càng không phải là lật đổ, bởi bầu cử tự do công bằng thực chất là sự lựa chọn chính quyền tuân theo ý nguyện của dân chúng thông qua lá phiếu bầu của họ. Theo quan niệm của nhân dân đối với sự cần thiết phải thay đổi chính quyền hay những người lãnh đạo đất nước chỉ đơn giản là "Chính quyền hay lãnh đạo giống như tã lót, cần phải thay đổi thường xuyên vì cùng một lý do", điều này những người có gia đình nuôi con nhỏ chắc hiểu rất rõ.

Thử tưởng tượng một cái "tã lót" như ở Việt nam chúng ta đã dùng hàng chục năm, qua bao thế hệ. Từ đời ông, đến đời cha rồi đến đời con và còn tiếp nữa bao nhiêu thế hệ nữa cũng chưa biết chưa hề có biểu hiện sẽ được thay thế, vì nó đã được khẳng định tại điều 4 của Hiến pháp. Điều này chính là biểu hiện không chịu chấp nhận cho sự thay đổi, vì được họ tự giải thích rằng đó là theo ý nguyện của đa số nhân dân.

Những nhân vật cấp tiến bị truy tố nói trên chắc họ không chấp nhận sự bẩn thỉu đó kéo dài, nên đã có các hoạt động mong muốn có sự thay đổi cho phù hợp với quy luật khách quan của sự phát triển mà thôi. Việc lập đảng và các hoạt động ôn hòa của họ hoàn toàn không có khả năng lật đổ được chính quyền, mà sự thay đổi đó họ đã chỉ rõ trong cương lĩnh là do nhân dân là người quyết định, họ chỉ tham dự với tư cách một đảng chính trị cùng tham gia cạnh tranh lành mạnh với Đảng CSVN, điều này mới chính là nguyện vọng của đa số nhân dân.

Không biết những vị lãnh Đảng CSVN có hiểu nghĩa của từ Dân chủ hay không? nếu như những người cộng sản hiểu và đừng sợ chữ dân chủ, bởi như Hồ Chủ tịch đã nói "Chính quyền từ xã đến chính phủ trung ương do dân cử ra... Dân chủ là người dân làm chủ ... Từ Chủ tịch nước đến giao thông viên cũng vậy, nếu không làm được việc cho dân, thì dân không cần đến nữa... Nếu chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi chính phủ" thì chắc những hoạt động của các nhà đấu tranh cho dân chủ tự do như Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức, Trần Anh Kim, Lê Thăng Long và nhiều người khác nữa cũng chẳng có gì tới mức đe dọa tới quyền lực của họ. Nếu họ có đủ đức, đủ tài đưa đất nước tiến lên được đúng như khẩu hiệu của họ đề ra là "Phấn đấu Dân giàu, Nước mạnh, Xã hội công bằng văn minh" và mọi người bình đẳng trước pháp luật thì ai có khả năng cạnh tranh được với họ.

Thôi cũng là chuyện đã rồi, bản cáo trạng của VKSND Tối cao đối với Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Thăng Long là như vậy. Bản án của họ đã được định sẵn hiện đã được gửi cho Hội đồng xét xử, các cơ quan và các cá nhân có liên quan để bỏ túi sẵn (sợ quên). Nhưng chắc chắn không là hình phạt ở mức cao nhất cho tội danh này là tử hình như dư luận đồn đoán, cao nhất là ở mức như đồng chí "tốt" Trung quốc đã định sẵn và được công bố tại Tòa án Bắc Kinh hôm 25/12/2009 đã kết án nhà bất đồng chính kiến Lưu Hiểu Ba 11 năm tù giam về tội tương tự là "kích động lật đổ chính quyền".

Qua vụ án này chúng ta cũng rút ra được một số bài học, giá như các nhà đấu tranh dân chủ cẩn thận một chút, thay cái tên "Đảng Dân chủ" bằng cái tên "Đảng Dân làm chủ" thôi thì chẳng có Tòa án hay chính quyền nào chiểu theo luật để xử lý được họ. Ai dám ra mặt cấm dân làm chủ? Nếu họ cấm "Đảng Dân làm chủ" thì lòi ra là chính quyền của họ hiện tại không phải là chính quyền của nhân dân. Do vậy không thể truy tố tội danh "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" như bản cáo trạng trên, cùng lắm họ chỉ cáo buộc được tội "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền không phải của nhân dân" thôi. Mà xem lại cái tội danh "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền không phải của nhân dân" chả có điều nào của Bộ luật Hình sự Nước CHXHCN Việt nam quy định tội danh này cả.

Và nếu như thế kịch bản tiếp theo của vụ án trên sẽ là:
Kết thúc phiên tòa, Tòa yêu cầu tất cả mọi người đứng dậy và tuyên bố "Nhân danh Nước CHXHCN Việt nam, tuyên bố trả tự do cho các vị có tên sau đây Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức, Trần Anh Kim, Lê Thăng Long ngay lập tức vì họ vô tội và yêu cầu các cơ quan liên quan bồi thường thiệt hại về danh dự nhân phẩm và các quyền lợi khác cho họ".

Vậy đấy, chỉ thiếu mỗi chữ "làm" trong cái tên Đảng mà thành chuyện lớn, suýt bị tử hình mấy mạng. Đúng là cái xảy nảy cái ung, tai hại thật. Những ai ưa hoạt động chính trị định lập Đảng đừng quên bài học chết người này nhé, pháp luật Việt nam không hề cấm lập Đảng, nhưng chỉ cấm đặt tên Đảng chính trị mang tính nhạy cảm, không rõ ràng như Dân chủ, Nhân quyền hay Tự do v.v..
Những cái đó Đảng CSVN và Chính quyền họ sợ lắm.
26/12/2009
-------------------------
(1)http://www.x-cafevn.org/node/2505
(2)http://vbqppl.moj.gov.vn/law/vi/2001_to_2010/2001/200112/200201070011
(3)http://www.chungta.com/PortletBlank.aspx/E87168AED88D45648F671CE3F2BB4818/View/Hanh-Dong/Tuyen_ngon_nhan_quyen_1948/?print=584154216
(4)http://danluan.org/node/3626
(5)(Toàn tập, ST, 1986, T6, trang 121)



No comments:

Post a Comment