Wednesday, December 23, 2009

LỜ MỜ ĐẠI HỌC CÔNG TƯ

Lờ mờ đại học công, tư
Thứ tư, 23/12/2009 02:23GMT+7
http://www.nld.com.vn/20091223022350599P0C1017/lo-mo-dai-hoc-cong-tu.htm
GS Phạm Phụ đã nhận định như vậy tại hội thảo “Những vấn đề đặt ra đối với giáo dục ĐH ở Việt Nam” tổ chức ngày 22-12 tại TPHCM. Nhiều đại biểu cũng cho rằng nếu cứ quản lý như hiện nay, giáo dục ĐH Việt Nam sẽ không phát triển nổi
Hội thảo do Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức trong hai ngày 22 và 23-12 với sự tham dự của đại diện Bộ GD-ĐT, các trường ĐH, các nhà nghiên cứu giáo dục...

Trường công mở thêm cơ sở vì lợi nhuận!

Ngay sau khi PGS-TS Trần Thị Hà, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Bộ GD-ĐT, báo cáo về sự phát triển mạng lưới các trường ĐH, GS Phạm Phụ thẳng thắn nêu ý kiến rằng Bộ GD-ĐT nên thống kê tốc độ tăng trưởng sinh viên hằng năm là bao nhiêu thay vì đưa ra con số vừa qua lập bao nhiêu trường ĐH.
GS Phạm Phụ nói: “Tôi so sánh với thế giới thì tốc độ của Việt Nam là không quá cao. Vì vậy việc lập trường là đúng. Tuy nhiên, cái sai nằm ở chỗ, tại sao những trường không đủ điều kiện lại cho tuyển sinh. Học phí sinh viên nộp cao hơn giá thành chi cho sinh viên, không ai bảo vệ sinh viên cả! Tội cho sinh viên lắm!”.
GS Phạm Phụ cho biết ngay từ năm 2005 khi bắt đầu mở ĐH tư thục, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã chỉ thị yêu cầu trong một năm phải làm rõ cơ chế vì lợi nhuận, nhưng cho đến nay vẫn không thực hiện được.

Ngay lúc đó, PGS-TS Lê Văn Học, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, lên tiếng: “Vì quá khó!”. GS Phạm Phụ đáp lại: “Không khó! Người ta đang cố tình lơ việc này”.
GS Phạm Phụ cũng dẫn chứng, tại Mỹ có 77% ĐH công lập, 21% ĐH tư thục không vì lợi nhuận, còn phần lớn các trường ĐH hàng đầu là trường tư thục không vì lợi nhuận. Còn ở Việt Nam hiện nay phân biệt công lập với tư thục mờ hết ranh giới. Nhiều trường công lập mở ra các cơ sở vì lợi nhuận. Do đó công lập với tư thục không có ý nghĩa bằng vì lợi nhuận hay không vì lợi nhuận.
“Chính điều này kìm hãm sự phát triển các trường ngoài công lập và tạo ra dư luận không tốt. Nếu không giải quyết chỗ này ĐH Việt Nam không phát triển được. Nếu quản lý các trường ĐH tư thục như hiện nay thì sẽ nát nền giáo dục ĐH của chúng ta” - GS Phạm Phụ nói.

Giải thích điều này, PGS-TS Trần Thị Hà cho biết sau khi thành lập trường thì bộ kiểm tra việc thực hiện cam kết, nhưng qua kiểm tra vừa rồi bộ nhận thấy vẫn chưa được tốt. Để nâng cao chất lượng các trường mới thành lập, Bộ GD-ĐT đang hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật. Bên cạnh “3 công khai”, các trường phải thực hiện kiểm định chất lượng trường và kiểm định chương trình đào tạo...

Cần luật hóa quyền tự chủ trường ĐH

PGS-TS Lê Quang Minh, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, cho rằng hệ thống giáo dục ĐH Việt Nam ảnh hưởng của nhiều hệ thống giáo dục ĐH trên thế giới. Tuy nhiên, việc “du nhập” nhiều khái niệm mâu thuẫn từ nhiều hệ thống khác nhau, rồi các khái niệm mới chưa được hiểu rõ và chưa được thử nghiệm phù hợp với Việt Nam hay không... đã dẫn đến nhiều bất cập.
Theo đó, trong quá trình học, sinh viên thiếu các kỹ năng “mềm”, mà đây là kỹ năng quan trọng nhất hiện nay. Thêm vào đó, chương trình đào tạo quá “cứng”, khó liên thông, chuyển ngành theo nhu cầu của thị trường... Điều này dẫn đến khi tốt nghiệp ra trường không tìm được việc làm theo mong muốn.
“Các công ty nước ngoài đều đánh giá năng lực qua kỹ năng và kiến thức chứ không đánh giá qua bằng cấp như các công ty Nhà nước của chúng ta. Nếu đào tạo như thời bao cấp, không cải tiến chương trình thì sinh viên sẽ thiệt thòi” - ông Minh nói.
Ông Minh đề xuất có nhiều kinh nghiệm trên thế giới cần được học tập có hệ thống nhưng phải được đặt vào bối cảnh kinh tế - xã hội của Việt Nam, mềm dẻo và liên thông sẽ giúp thúc đẩy nhanh nguồn nhân lực. Thêm vào đó, việc tự chủ, tự chịu trách nhiệm các trường ĐH cần được đẩy mạnh, từ đó có thể tạo nên những đột phá; cần có ít nhất một chương quy định về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường ĐH trong luật!

------------------------------

Bỏ phân ban, làm phân luồng
GS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh - Hà Nội, cho rằng chất lượng ĐH có mối liên hệ rất chặt chẽ với chất lượng giáo dục THPT. Tuy nhiên, chương trình THPT quá nặng, cộng thêm việc không phân luồng bậc THPT một cách hiệu quả để vào ĐH, CĐ hay trung cấp đã dẫn đến đầu vào ĐH không đạt chất lượng như mong muốn.
“Không phải tất cả học sinh tốt nghiệp THPT đều vào ĐH, bởi vậy không nên phân ban như hiện nay mà nên phân luồng theo định hướng nghề nghiệp” - GS Cương nói.
Với cách làm này, Bộ GD-ĐT nên thiết kế hệ thống giáo dục sao cho sau khi tốt nghiệp THCS có khoảng 30% học sinh chuyển sang học nghề, sau khi tốt nghiệp THPT có khoảng 30%-40% học sinh tốt nghiệp vào các trường CĐ và có những quy định một cách hợp lý để những ai đủ điều kiện mới được dự thi vào ĐH.

Kiểm định, xếp hạng trường ĐH
PGS-TS Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Trung tâm Đảm bảo đào tạo và Nghiên cứu phát triển giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng các trường ĐH Việt Nam cần xác định được tương quan so sánh với các trường ĐH khác trong khu vực và thế giới.
Xếp hạng các trường ĐH Việt Nam là cách tiếp cận để thúc đẩy các trường nâng cao chất lượng đào tạo.
TS Cao Đắc Hiển, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, đề nghị nên để cho một tổ chức độc lập kiểm định chất lượng của trường

Bài và ảnh: TRƯƠNG QUỐC DŨNG



No comments:

Post a Comment