Sunday, December 20, 2009

KHI SLOVAKIA LÊN TIẾNG VỀ NHÂN QUYỀN VỚI VIỆT NAM

Khi Slovakia lên tiếng về nhân quyền
Mạc Việt Hồng
Đăng ngày 20-12-2009
http://danchimviet.com/articles/1820/1/Khi-Slovakia-len-ting-v-nhan-quyn/Page1.html
Chủ tịch Việt Nam, ông Nguyễn Minh Triết vừa có chuyến công du châu Âu. Ông qua ba nước, Italia, Tây Ban Nha và Slovakia. Chuyến đi gây được sự chú ý của dư luận trong và ngoài nước vì đây là lần đầu tiên, người đứng đầu nhà nước Việt Nam tiếp kiến Giáo Hoàng. Việt Nam và Vatican vốn hơn nửa thế kỷ nay không có quan hệ ngoại giao và trong suốt nhiều năm mối quan hệ giữa 2 bên không mấy ấm áp. Trong khi đó, Việt Nam lại là nước thứ hai ở Đông Nam Á (sau Philipines) về số lượng người theo đạo Thiên chúa. Nhiều người hy vọng rằng, chuyến thăm sẽ mở ra một chương mới trong quan hệ giữa đôi bên. Ông Triết, ngay trước chuyến đi cũng không giấu giếm ý định tìm kiếm quan hệ ngoại giao với Vatiacan.

Trong khuôn khổ bài viết, xin chỉ đề cập tới chặng cuối, "chặng ít gây chú ý" trong chuyến thăm của ông, đó là Slovakia. Ông Triết tới Slovakia hôm 17/12/2009.

Theo tường thuật của báo chí, ngay trong cuộc hội đàm diễn ra ở thủ đô Bratislava, tổng thống Slovakia, ông Ivan Gasparovic đã thẳng thắn đặt vấn đề nhân quyền với người đứng đầu nhà nước Việt Nam. Trước chuyến viếng thăm này, nhiều tổ chức xã hội, tổ chức nhân quyền cùng một số nhà hoạt động chính trị ở Slovakia đã vận động chính phủ nước này để nhân quyền được đưa vào chương trình hội đàm chính thức giữa 2 nguyên thủ quốc gia.

Ông Triết, chống chế theo cách muôn thuở của giới lãnh đạo Việt Nam rằng: "Luật của mỗi nước khác nhau. Luật dựa trên điều kiện địa lý và lịch sử khác nhau của mỗi nước nên không thể áp dụng luật của nước này cho nước khác" (1). Đáp lại, tổng thống Slovakia cho rằng, nhân quyền là giá trị chung của nhân loại, mọi nước đều phải đảm bảo nhân quyền, đó là một vấn đề mang tính toàn cầu.

Người ta không lạ gì với việc lãnh đạo Việt Nam đi tới đâu, vấn đề nhân quyền được đưa ra tới đó. Nhưng lần này không phải là mấy nước lớn như Mỹ, Canada, Úc hay mấy "ông lớn" ở EU. Những nước này dường như hay "cậy lớn", "cậy giầu", dựa vào chuyện viện trợ nhiều mà "can thiệp vào công việc nội bộ" của Việt Nam(!)

Slovakia là một nước nhỏ. Rất nhỏ nếu so sánh với Việt Nam. Lãnh thổ Slovakia vỏn vẹn chưa tới 50.000 km2 và dân số hơn 5 triệu người (2). Sau chiến tranh thế giới II, như nhiều nước Đông Âu khác, Slovakia không tránh khỏi "số phận” cộng sản. Slovakia bị sát nhập với Czech thành nước Czechslovakia, một thành viên của khối Hiệp Ước Warsaw. Năm 1989, hệ thống XHCN ở Đông Âu sụp đổ. Vài năm sau đó, năm 1993, Czechoslovakia tách ra làm 2 nước: Cộng hòa Czech (hay còn gọi là Cộng hòa Séc) và Cộng hòa Slovakia.

Slovakia trở thành một quốc gia độc lập từ đó. Là một nước nhỏ, lại mới hình thành nên cho tới nay, một số người vẫn không biết đất nước này nằm ở đâu, hoặc nhầm lẫn nó với một nước khác, cũng nhỏ như thế và giành độc lập năm 1991 sau khi tách ra khỏi Liên Bang Nam Tư: nước Slovenia. Một trong những người này chính là cựu tổng thống George W. Bush, ông đã lẫn lộn giữa 2 nước trong một bài diễn văn hồi mới nhậm chức.

Trong quan hệ song phương với Việt Nam, hai nước cho tới nay chưa có Đại sứ quán. Sau chuyến thăm này, việc thiết lập cơ quan ngoại giao cấp Đại sứ được lãnh đạo đôi bên ấn định vào năm 2010.

Vậy mà quốc gia non trẻ và nhỏ bé ấy đã thẳng thắn đề cập về nhân quyền khi ông Triết tới thăm.

Đây không phải là lần đầu tiên, một nước cựu cộng sản đã đặt vấn đề nhân quyền với lãnh đạo cao cấp Việt Nam.

Năm 2007, trong chuyến thăm chính thức Ba Lan, thủ tướng Việt Nam - ông Nguyễn Tấn Dũng - đã vấp phải vấn đề này ngay trong cuộc hội đàm chính thức với thủ tướng Ba Lan bấy giờ là Jarosław Kaczyński. Trong khi, bên ngoài dinh thủ tướng là cuộc biểu tình của một số tổ chức xã hội Ba Lan và nhóm những người Việt tranh đấu cho dân chủ.

Tiếp đó, tại Thượng Viện Ba Lan, chủ tịch Thượng Viện, ông Bogdan Borusewicz đã nêu vấn đề nhân quyền với thủ tướng Việt Nam một cách khá gay gắt. Ông B. Borusewicz đưa ra một danh sách những người bất đồng chính kiến đang bị giam giữ và yêu cầu Việt Nam trả tự do vô điều kiện cho họ. Đặc biệt, ông cho thủ tướng Dũng biết rằng, chính ông đã từng là một tù nhân chính trị dưới thời cộng sản! Ông Dũng được mô tả là khá lúng túng, đến mức tuyên bố (một cách hớ hênh) rằng, Việt Nam sẽ thả Lê Thị Công Nhân nếu Ba Lan tiếp nhận cô!

Sau 20 năm chuyển đổi chế độ chính trị, từ những nước nghèo, Ba Lan, Slovakia cũng như một số nước Đông Âu khác đã có những bước phát triển kinh tế ngoạn mục (3). Mức sống của nhân dân cũng như cơ sở hạ tầng của đất nước liên tục cải thiện. Năm 2004, một loạt nước cựu CS đã trở thành thành viên của Liên Minh Châu Âu (EU). Bên cạnh những thành tựu về kinh tế, một chế độ dân chủ đa đảng vững mạnh và ổn định đã được xây dựng trên những quốc gia này. Không phải không có những khó khăn trong quá trình chuyển tiếp, nhưng người Ba Lan thường nói rằng, "nếu bạn không nhẩy xuống nước thì bạn sẽ chẳng bao giờ biết bơi". Hai mươi năm qua đã cho thấy rằng, chẳng những người Ba Lan mà nhân dân các nước Đông Âu như Slovakia, Czech, Hungaria, Bungaria.v.v. đã bơi được tới bến bờ hạnh phúc.

Những người vin vào sự "bất ổn chính trị" để từ chối chấp nhận một thể chế đa nguyên hẳn sẽ không thể tìm thấy ở đây một ví dụ để biện minh cho việc tiếp tục độc tôn duy trì quyền lực của mình.

Việc những nước nhỏ, từng là "anh em” trong khối CS như Slovakia hay Ba Lan đặt vấn đề nhân quyền với Việt Nam mang một ý nghĩa lớn và đáng để cho giới lãnh đạo Việt Nam – nếu còn có lương tâm – suy nghĩ.

© Đàn Chim Việt Online 2009

Chú thích:
(1) Nguồn BBC
(2) Việt Nam với diện tích 331.690 km2 và dân số 87 triệu (thông kê 4/2009)
(3) Thu nhập quốc dân tính trên đầu người của Ba Lan và Slovakia hiện khoảng trên dưới 20.000 USD/năm (Wikipedia)



No comments:

Post a Comment