Sunday, December 27, 2009

HẢI QUÂN VIỆT NAM + 6 KILOS

Hải quân Việt Nam + 6 Kilos
Feng's blog

Tazadeperla, X-Cafe chuyển ngữ

26-12-2009
http://www.x-cafevn.org/node/2518

Lời người dịch:

Các bạn thân mến,
Trong số những blog về quân sự mà tôi thường theo dõi, có một blog rất lý thú của một người Trung Quốc có nick là Feng. Mặc dù thông tin cá nhân khá ít ỏi, nhưng những bài post của anh ta thể hiện một cách nhìn rất chuyên nghiệp.
Nhân đây, tôi dịch lại nguyên văn một bài post của anh ta về việc Hải quân Việt Nam mua 6 chiếc Kilos từ Nga.


Gần đây, Việt Nam đầu tư một món lớn tới 1.8 tỷ USDvào 6 chiếc tàu ngầm Kilo. Sau sự việc này, tôi đọc được vài bài báo ý nói rằng Việt Nam đang gửi thông điệp cho Trung Quốc bằng món đầu tư này. Vì thế, bài viết này sẽ đánh giá lại cuộc tranh đua trên biển Nam Hải giữa Trung Quốc và Việt Nam.

Tôi sẽ cố gắng đem đến cho các bạn cái nhìn chung về tranh chấp Trung - Việt. Tuy nhiên, cần nói trước là tôi không phải là chuyên gia trong cuộc nên xin thứ lỗi trước nếu tôi sai trong một số vấn đề.

Sau chiến tranh Việt Nam, quan hệ Trung Quốc - Việt Nam xấu đi, và Việt Nam trở thành đồng minh của Liên Xô bao vây Trung Quốc. Để dạy Việt Nam một bài học, Trung Quốc xâm lược Việt Nam vào năm 1979 và dù dạy được bài học ấy nhưng phải chịu đựng tổn thất nặng nề. Năm 1988, cả hai đã có đụng độ nhỏ trên các đảo tranh chấp ở Nam Sa. Cơ bản cho tới nay, cả hai nước vẫn còn tranh cãi về chủ quyền các hòn đảo và lãnh hải ở Nam Hải. Mặc dù quan hệ kinh tế đang tiến triển, nhưng căng thẳng biểu hiện trong chủ nghĩa dân tộc của cả hai quốc gia chưa chịu lắng xuống.

Không may cho Việt Nam, cán cân quân sự đã nghiêng hẳn về phía Trung Quốc kể từ 1988. Hồi đó, PLA chỉ có vài chiếc Ludas và Jianghu làm nhiệm vụ chiến đấu chủ lực ở Nam Hải, còn không quân không đủ sức hỗ trợ cho một hoạt động nào. Sau đó, Không quân đã cải biến loại H-6 để làm máy bay tiếp dầu để có thể hỗ trợ cho các hoạt động quân sự ở vùng này. 20 năm sau, Hạm đội Nam Hải trở thành viên ngọc trên mũ miện của Hải quân Trung Quốc, biểu tượng cho nỗ lực hiện đại hoá của Hải quân, đồng thời đội máy bay tiếp dầu mới có thể nới tầm tay của không quân.

Vậy Việt Nam đã làm gì để cải thiện trong những năm qua?

Suốt thập niên qua, họ chỉ quanh quẩn với vũ khí Nga. Vấn đề nữa là vùng tranh chấp này gần với Trung Quốc, nên nếu tranh chấp, họ sẽ phải đấu với cả Hải quân lẫn Không quân Trung Quốc. Những nước ở xa hơn, như Singapore, Malaysia và Australia thì xa quá, không quân với không tới, đều nguy hiểm hơn với Hải quân.

Với ngân sách 3.6 tỷ USD và nền kinh tế khó khăn, rõ ràng là Việt Nam không thể bì với PLA. Vì thế họ đang dùng đúng chiến lược mà PLA đang dùng để chống lại Hải quân Mỹ. Cơ bản là Việt Nam đang mua nhiều thuyền cao tốc nhỏ mang tên lửa tầm xa (ngoài ra không có món gì khác) và tàu ngầm ít tiếng ồn. Dĩ nhiên là với nguồn lực giới hạn, quy mô chiến lược của Việt Nam nhỏ hơn nhiều so với quy mô chiến lược của PLA. Trong vài năm gần đây, họ mua vài chiếc thuyền tuần duyên Molniya Project 12418 lắp tên lửa chống hạm Uran từ Nga. Những chiếc thuyền cao tốc này có thể phóng nhiều tên lửa cùng lúc, vì thế tôi nghĩ là chúng đóng vai trò y như lớp thuyền 022 trong Hải quân Trung Quốc, mặc dù chúng lớn hơn, chậm hơn, dễ phát hiện hơn và không được nối mạng tập trung. Họ cũng đặt hàng 2 chiếc tàu hộ tống Gepard Project 1166.1 (có thể nhiều hơn trong tương lai), là loại có vài khả năng tự vệ, mang được nhều tên lửa đối hạm hơn. Tôi cho rằng Việt Nam cũng đã mua ít nhiều tên lửa Yakhont từ Nga, nhưng không rõ những tên lửa này được phóng bằng hệ thống nào.

Việt Nam cũng mua của Nga 12 chiếc SU30MK2, mang được nhiều loại tên lửa đối không - đối hải đời mới, mà tôi nghĩ là ngoài số 12 SU27 và 4 chiếc SU30MK2 đã có. Tuy nhiên tôi không tìm được thông tin nào về các loại vũ khí đi kèm những chiếc máy bay này. Và cuối cùng, Việt Nam bỏ ra cả đống tiền cho 6 chiếc Kilo, về lý thuyết có thể tạo nên đe doạ lớn cho các tàu chiến nổi của Hải quân Trung Quốc.

Hai hợp đồng Kilo và SU30 gần nhau nên chúng gợi nên nhiều đồn đoán rằng Việt Nam đang thách thức Trung Quốc trên Nam Hải. Tôi đồng ý rằng Việt Nam đang gắng làm chuyện này một cách nghiêm túc, nhưng chỉ ở mức độ biểu diễn hơn là thật. Tôi cực kỳ nghi ngờ việc mua 6 chiếc Kilo. Với một hải quân chưa hề có kinh nghiệm tàu ngầm, thì việc huấn luyện sẽ tốn nhiều nguồn lực. Ngoài ra, khi một số nhỏ hơn loại tàu như U214, Scorpene hay Amur sẽ là chọn lựa tốt hơn hẳn (tôi không biết EU có cấm vận vũ khí Việt Nam hay không). Trung Quốc đã sử dụng, bảo dưỡng, nâng cấp được loại tàu này, và đã phát triển chiến thuật chống ngầm đối với loại tàu này nhiều năm, nên họ sẽ tìm diệt Kilo dễ hơn nhiều so với những loại tàu khác trong cùng thế hệ. Ngay trong đội tàu ngầm của Trung Quốc, thời gian nằm ụ của Kilo còn nhiều hơn đi tuần so với hạng tàu Song. Loại tên lửa Klub được nói đến nhiều như thế mà cũng chỉ có thể bắn thử được một năm rưỡi sau khi tất cả Kilo được giao hết cho Trung Quốc. Rõ ràng là Hải quân Trung Quốc vận hành lớp tàu Song dễ hơn Kilo, dù tôi không biết chắc đấy chỉ là ý riêng của Hải quân hay là do Kilo hay gặp vấn đề.

Vì thế, tôi cho rằng mua SU30MK2 có nghĩa hơn đối với Việt Nam nhờ tầm bay xa, tầm bắn xa. Tuy nhiên, tôi cho rằng khả năng của SU30MK2 được thổi phồng, chứ thực tế không như người ta nghĩ.

Nhìn chung, chắc chắn là Việt Nam đã cải thiện nhiều với những đồ chơi mới. Các hệ thống được mua hầu hết đều phục vụ chiến lược đối hạm. Chiến lược này giống như Hải quân Trung Quốc đang làm để chống Hải quân Mỹ. Điều không may là những đồ chơi tối tân của họ, Kilo và Su30MK2 đều nằm trong kho vũ khí của PLA và vì thế giảm hiệu quả đối với đối phương dự tính. Cơ bản là PLA đã dùng những thứ này đủ lâu để hiểu rõ cách chống lại.

Nếu có thể, tôi nghĩ Việt Nam phải thay đổi nguồn mua vũ khí, tốt nhất là tránh mua nguồn của Nga.

Nguồn:
Feng's blog



No comments:

Post a Comment