Chính sách xuất khẩu lao động của Trung Quốc gây bất bình tại Việt Nam và nhiều nước khác
Trọng Nghĩa
Bài đăng ngày 21/12/2009 - Cập nhật lần cuối ngày 21/12/2009 15:07 TU
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/120/article_6162.asp
Vốn nổi tiếng thế giới về các mặt hàng giá rẻ, Trung Quốc đang ngày càng được biết đến qua việc đưa lao động giá hạ qua làm việc tại những nước họ đầu tư, trong đó có Việt Nam. Chủ trương xuất khẩu lao động này càng lúc càng gây bất bình trong cư dân địa phương nơi nhân công Trung Quốc đến làm việc. Nhật báo Mỹ New York Times số đề ngày 21/12/2009 đã lấy thí dụ từ một công trường gần Hải Phòng để nêu bật thí dụ về phản ứng của dư luận Việt Nam trước thực tế này.
Theo ghi nhận của nhật báo Mỹ, cách đây bốn năm, khi hai công ty Nhật Bản và Trung Quốc quyết định đầu tư xây dựng một nhà máy nhiệt điện tại một ngôi làng gần Hải Phòng, cư dân ở đấy đã khấp khởi mừng vui vì hy vọng có thêm cả ngàn công ăn việc làm.
Bốn năm sau, Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng sắp hoàn thành, nhưng số người Việt Nam làm việc cho công trình này chỉ khoảng vài trăm mà thôi, còn đa số công nhân là người Trung Quốc, mà số lượng lên đến 1500 người vào những lúc cao điểm. Một thợ điện Việt Nam ngao ngán cho biết : '' Công nhân Trung Quốc đông hơn người Việt Nam rất nhiều''.
Lao động Trung Quốc hiện diện từ Hải Phòng đến Tây Nguyên
Thực tế ở Hải Phòng cũng diễn ra ở nhiều nơi khác tại Việt Nam, với việc hàng loạt công trình do nhà thầu Trung Quốc chịu trách nhiệm chuyên sử dụng lao động Trung Quốc thay vì công nhân Việt Nam. Vụ việc nổi cộm nhất trong thời gian qua là công trường khai thác mỏ bauxite trên vùng Tây Nguyên, miền Trung Việt Nam, vốn được giao cho một công ty thuộc tập đoàn Chinalco của Trung Quốc.
Tại đấy, nhà thầu Trung Quốc cũng du nhập công nhân của họ đến nơi làm việc. Sự kiện này đã làm dấy lên cả một làn sóng phản đối. Ngoài vấn đề môi trường, an ninh quốc gia, còn có vấn đề công ăn việc làm của người dân tại chỗ, trên nguyên tắc phải được ưu tiên thu dụng.
Trước làn sóng phản đối, chính quyền Việt Nam đã phải tìm cách trấn an, cho biết là đã xiết chặt việc cấp visa hay giấy phép lao động cho công nhân Trung Quốc. Chính quyền đồng thời cho trục xuất 182 người Trung Quốc làm việc tại một nhà máy xi măng vào tháng 6/09 với lý do đó là những công nhân hành nghề trái phép.
Về nguyên tắc, chính quyền Việt Nam không cho phép những người lao động giản đơn ngoại quốc vào làm việc trong nước, và buộc các nhà thầu nước ngoài phải thu dụng người Việt Nam cho những công việc này. Thế nhưng, theo New York Times, một số viên chức điều hành các công ty Trung Quốc cho biết là chỉ cần hối lộ là mọi việc êm xuôi.
Chủ trương của Trung Quốc : đầu tư kèm theo lao động
Đối với chính quyền Hà Nội, sự kiện nhân công Trung Quốc đổ vào làm việc là một vấn đề tế nhị. Về mặt kinh tế, Việt Nam đang bị 10 tỷ đô la thâm thủng mậu dịch với nước láng giềng phương Bắc, và cũng cấn đến đấu tư của Trung Quốc.
Thế nhưng các tập đoàn Trung Quốc ,khi đầu tư vào một nước nào đó, thường hay kèm theo điều kiện là phải sử dụng nhân công của họ. Đối với những nước ít bị tình trạng thất nghiệp thì không sao, nhưng trong trường hợp của Việt Nam, với cả triệu lao động mới hàng năm, thì việc nhập khẩu lao động từ Trung Quốc là một vấn đề không được công luận chấp nhận.
Theo một số nhà quan sát, để giải quyết công ăn việc làm cho người dân trong nước, chính quyền Việt Nam đã phải thúc đẩy chương trình đưa lao động Việt Nam ra ngoại quốc làm việc, từ các nước lân cận như Malaysia, Đài Loan, Hàn Quốc, cho đến những quốc gia xa xôi như các nước dầu hỏa ở vùng Vịnh. Trong tình hình đó, phản ứng bất bình của công luận Việt Nam đối với lao động đến từ Trung Quốc là một điều dễ hiểu.
Về phần mình, Bắc Kinh vẫn tiếp tục chủ trương xuất khẩu lao động kèm theo các hợp đồng đầu tư hay thỏa thuận viện trợ kinh tế. Hiện nay, theo bộ Thương mại Trung Quốc, nước này có 740.000 công nhân đang làm việc ở nước ngoài từ Angola cho tới Uzbekistan, từ Iran đến Indonesia. Báo chí thì thường nhắc đến cả triệu công nhân Trung Quốc tại châu Phi.
Sự hiện diện càng lúc càng đông của lạo động Trung Quốc tại các nước đó đã làm dấy lên những phản ứng chống đối, đôi khi biến thành bạo động, của dân chúng địa phương.
No comments:
Post a Comment