Monday, December 7, 2009

BỘ MẶT MỚI của ĐẠI HỌC VIỆT NAM

Bộ mặt mới của đại học Việt Nam?
GS Phạm Duy Hiển
07/12/2009 16:38:07
http://bee.net.vn/channel/1984/200912/Bo-mat-moi-cua-dai-hoc-Viet-Nam-1731851/
Hệ thống đại học ở một nước như Việt Nam phải phát triển theo một quỹ đạo tối ưu giữa số lượng và chất lượng. Cần mở rộng quy mô để thỏa mãn nhu cầu được học ngày càng cao của người dân (phương nằm ngang), đồng thời phải nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học (NCKH) ở một số trường trọng điểm, được xem như những chiếc máy cái cho nền khoa học và đại học nước nhà (phương thẳng đứng).
Đây là những đại học nghiên cứu theo các tiêu chí và chuẩn mực quốc tế. Tại đây người thầy phải nghiên cứu khoa học ở trình độ quốc tế, qua đó nâng cao chất lượng đào tạo, nhà trường phải xây dựng được các trung tâm đào tạo và NCKH ngang tầm quốc tế - Centers of Excellence - được lãnh đạo bởi những nhà khoa học có vị trí trên mặt tiền khoa học - công nghệ của thế giới.
Theo đà tăng trưởng kinh tế của đất nước, tốc độ phát triển theo phương thẳng đứng (các trường đại học nghiên cứu) phải nhanh hơn tốc độ theo phương nằm ngang (mở rộng quy mô đào tạo).
Nếu không, các trường đại học sẽ thiếu nhân lực, chất lượng ngày càng sa sút, và xu hướng thương mại hóa sẽ lên ngôi, phá nát cả hệ thống. Nguy cơ này đang dần lộ diện ở nước ta. Bởi chúng ta chưa quyết tâm xây dựng một bộ mặt mới cho đại học Việt Nam theo những tiêu chí được thế giới nhìn nhận.

Bức tranh NCKH của các nước Đông Á và Đông Nam Á
Số lượng công bố quốc tế (CBQT) và số trích dẫn (citation) được xem như thước đo năng lực khoa học của quốc gia. Tiêu chí này cũng được dùng để đánh giá và xếp hạng các trường đại học ở nhiều nước và trên thế giới.
Song những tiêu chí này lại chưa được nhìn nhận đúng mức ở nước ta. Chỉ mới gần đây chúng ta mới chấp nhận chúng trong nghiên cứu cơ bản. Các nghiên cứu ứng dụng, công nghệ, xã hội, nhân văn, vốn áp đảo trên các tạp chí khoa học quốc tế và trực tiếp tác động đến đời sống, kinh tế của đất nước vẫn còn bỏ ngỏ về mặt kiểm định chất lượng.

Bức tranh NCKH của 11 nước Đông Á (Hình 1) cho thấy không có bất cứ lý do nào để khước từ CBQT nếu chúng ta muốn đất nước sánh vai với các nước tiên tiến trong khu vực

Hình 1 :
http://bee.net.vn/dataimages/200911/original/images188119_hinh.jpg

Tính trên một triệu dân, Singapore đứng đầu khu vực về CBQT, gấp 170 lần Việt Nam. Theo sát sau Singapore là Đài Loan, Hàn Quốc, HongKong và Nhật Bản, năm nước này tạo thành nhóm tiên tiến nhất trong khu vực. Dưới cùng trở lên là Indonesia, Philippines và Việt Nam. Thái Lan, Trung Quốc và Malaysia thuộc nhóm giữa, nhưng vẫn vượt khá xa ba nước vừa nêu trong nhóm cuối. Năm 2008, 65 triệu dân Thái Lan công bố 3904 công trình, trong khi đó Việt Nam đông dân hơn (87 triệu) nhưng chỉ mới có 806 công trình.
Thành tích CBQT của Việt Nam khá hơn Indonesia và Philippines, mặc dù thu nhập bình quân của hai nước này cao hơn ta gấp hai lần. Hơn nữa, trong nhiều năm liền, Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao về công bố quốc tế, 16%/năm, ngang với tốc độ của Thái Lan và Malaysia.

Vậy điều gì làm chúng ta lo ngại?

Thứ nhất, các trường đại học chỉ chiếm 55% số CBQT của Việt Nam trong khi ở Thái Lan nghiên cứu khoa học tập trung chủ yếu ở các trường đại học (95%). Gắn NCKH với đào tạo đại học là ưu thế của các nước đi sau mà ta không tận dụng. Xem nhẹ sự gắn kết này dẫn đến chất lượng đại học sa sút và những tri thức khoa học mới nhất không được lan tỏa đến cộng đồng để góp phần nâng cao dân trí.

Thứ hai, CBQT của ta còn dựa quá nhiều vào nước ngoài, những công trình do nội lực tạo ra, và đồng thời gắn kết hơn với đời sống của đất nước, chỉ chiếm một phần ba, còn lại chủ yếu làm ở các nước tiên tiến thông qua con đường đào tạo hoặc hợp tác, có nội dung liên quan trực tiếp với đất nước họ.
Trong khi đó, tỷ lệ công trình nội lực ở nhiều nước khác đều cao hơn nhiều, Philippines: 55%, Thái Lan: 65%, Malaysia: 75%, Trung Quốc: 80%, chứng tỏ nhiều nước trong vùng đã xây dựng được tiềm lực khoa học đủ mạnh để giải quyết những đề tài khoa học do kinh tế và đời sống của họ đặt ra.

Thứ ba, những công trình do nội lực được trích dẫn ít hơn hẳn so với những công bố có nước ngoài hợp tác (thậm chí có công trình hầu như không được ai trích dẫn), phản ảnh sự khác biệt quá xa giữa trình độ khoa học trong và ngoài nước.

Thứ tư, dẫn đầu danh sách các công trình do nội lực của Việt Nam là Toán và Vật lý lý thuyết, hai ngành được đầu tư rất ít và hầu như không cần những cơ sở hạ tầng nghiên cứu tốn kém. Ở các nước khác tình hình hoàn toàn ngược lại.

Ở Đại học Chulalongkorn chẳng hạn, CBQT do nội lực tập trung vào các lĩnh vực ứng dụng gắn liền trực tiếp đến đời sống như hóa học, y dược, công nghệ v.v... Trên thực tế chúng ta đầu tư không ít cho khoa học ứng dụng, công nghệ, xã hội nhân văn v.v...., song đầu ra trên các diễn đàn quốc tế chỉ lác đác.
Bốn đặc điểm trên đây là bất bình thường, không giống những gì diễn ra ở các nước khác, chúng khoét sâu thêm những yếu kém bên trong những thành tích CBQT “đúng quy luật” của Việt Nam. Đây là những vấn đề cần được nhìn nhận và giải quyết để đại học và khoa học Việt Nam có tư thế ngày càng vững vàng hơn trong quá trình hội nhập với thế giới.
Hội nhập quốc tế có nghĩa là đại học của nước ta phải bước lên các sân chơi quốc tế với đầy đủ tư thế, đặc biệt là các sân chơi về NCKH.

Bản thân ta phải đủ mạnh mới hội nhập được với thế giới

Có lẽ nên bắt đầu từ câu hỏi tại sao không ít ấn phẩm khoa học nội địa có chất lượng tốt lại không thể xuất hiện trên các tạp chí quốc tế? Mà chỉ nơi đây mới có thước đo tương đối đúng đắn chất lượng NCKH và giảng dạy đại học.
Trước hết, phải nói ngay rằng từ một công bố nội địa đến CBQT trên tạp chí có uy tín là cả một khoảng cách rất xa, không dễ vượt qua đối với nhiều người làm khoa học ở nước ta. Trên đoạn đường này lại có rất nhiều rào cản làm nản lòng họ, dù họ biết rất rõ cái đích “quốc tế” cần vươn tới ấy giá trị đến nhường nào. Kinh nghiệm cho thấy từ khi hoàn thành một đề tài NCKH được nghiệm thu tốt ở Việt Nam cho đến khi nội dung khoa học ấy được xuất hiện trên tạp chí quốc tế là khoảng thời gian rất dài, đầy gian nan thách thức.
Nhưng đây cũng chính là khoảng thời gian thể hiện tính chuyên nghiệp cũng như đẳng cấp của nhà khoa học. Đây là lúc nhà khoa học phải mang những nội dung nghiên cứu của mình đặt lên mặt tiền tri thức nhân loại.
Đối thoại với các phản biện đồng nghiệp quốc tế sừng sỏ nhất còn chính là dịp để khẳng định kỹ năng trình bày, lập luận logic, vươn tới mức chính xác cao nhất v. v..., những kỹ năng thiết yếu nhất của các thầy giáo đại học làm nhiệm vụ truyền đạt kiến thức khoa học cho sinh viên. Lại một lần nữa ta thấy tại sao các trường đại học trên thế giới lại yêu cầu các thầy giáo phải có CBQT.
Những khó khăn trên đây giải thích vì sao chưa có một tạp chí nội địa nào của nước ta, dù xuất bản bằng tiếng Anh đã lâu, được lọt vào danh sách ngót một vạn tạp chí quốc tế hiện nay; vì sao gần hai phần ba công bố quốc tế của Việt Nam được thực hiện tại các nước tiên tiến (qua các chuyến đi công tác, thực tập ở nước ngoài), hoặc được thực hiện tại Việt Nam nhưng lại do nhà khoa học nước ngoài chủ trì.
Tuy nhiên, cũng không ít nhà khoa học Việt Nam có công bố quốc tế đều đặn, một số ngành như Toán và Vật lý công bố nhiều hơn hẳn các ngành khác, đặc biệt là các ngành công nghệ và khoa học xã hội, nhân văn, và cũng nhiều hơn hẳn một số nước Đông Nam Á. Lý giải chuyện này chắc sẽ giúp chúng ta nhận ra những ưu việt của chính mình và tìm lối đi nhanh đến các sân chơi quốc tế về khoa học và đại học.
Từ thực trạng trên dễ thấy ngay rằng cần có tư duy mới về cách tổ chức hoạt động NCKH và giảng dạy đại học ở nước ta. Phải phấn đấu xây dựng những nhóm nghiên cứu mạnh (Center of Excellence) ở các trường đại học, như những đơn vị cấu trúc hoàn toàn mới của nền khoa học và đại học Việt Nam.
Hội nhập khoa học và đại học Việt Nam với thế giới chính là xác lập chỗ đứng của các nhóm nghiên cứu này trong cộng đồng khoa học quốc tế.
Đòi hỏi một nghiên cứu sinh có ít nhất một công bố quốc tế trước khi trình luận án sẽ là bất khả thi nếu người thầy không có công bố quốc tế đều đặn, không có chỗ đứng nào đó trong cộng đồng quốc tế.
Do đó, trong việc xét duyệt và phong hàm giáo sư, công bố quốc tế phải là tiêu chí quan trọng nhất, thậm chí ở nhiều nước còn là tiêu chí độc tôn. Có thể việc này chưa làm được đối với các thế hệ trước, nhưng không có lý do gì minh chứng cho việc tiếp tục duy trì tư duy này cho các thế hệ từ nay về sau. Không thể vì hư danh của một số người trong thế hệ này mà làm hỏng các thế hệ tương lai.
Cho nên chính thức chấp nhận công bố quốc tế như một tiêu chí cho giáo sư và phó giáo sư sẽ là bước đột phá đầu tiên cần làm ngay. Từ đó sẽ còn nhiều bước đột phá tiếp theo để tác động đến toàn bộ cách quản lý và tạo ra môi trường lành mạnh cho NCKH và giảng dạy đại học.
Tuy nhiên, những bước đột phá ấy vẫn chưa đủ. Về phía người NCKH cũng phải cố gắng vượt qua chính mình mới có đủ hành trang bước lên các sân chơi quốc tế.

Vượt qua chính mình

Muốn có CBQT, trước hết phải thường xuyên đọc các tạp chí quốc tế cùng chuyên ngành. Có đọc mới thấy mình nghiên cứu đúng hướng, đi tìm đúng cái mới, và tự lượng định liệu mình đủ sức chen chân vào các sân chơi quốc tế hay chưa, còn phải tiếp tục hoàn thiện mình thêm ở những khâu nào nữa. Thiếu tạp chí quốc tế để các nhà khoa học tra cứu là khó khăn cần phải được giải quyết ngay ở cấp quốc gia hiện nay.
Phải đọc những gì các đồng nghiệp quốc tế đã viết ra trong ít nhất 5 năm gần đây là điều kiện tiên quyết trước khi tiến hành một đề tài nghiên cứu. Gần đây Trung tâm Thông tin khoa học thuộc Bộ KH&CN đã mua được quyền truy cập vào cơ sở dữ liệu của Thomson Reuters, ISI Web of Knowledge http://db.vista.gov.vn/login.aspx, qua đó có đầy đủ thông tin cập nhật cho một vạn đầu tạp chí khoa học được xem là có uy tín nhất hiện nay trên thế giới.
Vào trang web này ta có thể tìm thấy rất nhiều thông tin liên quan đến hoạt động NCKH của từng nước, từng cơ sở nghiên cứu, trường đại học, số lượng và chất lượng (số lần được trích dẫn) và bản tóm tắt từng công trình của từng nhà nghiên cứu. Trang mạng Scholar Google, với khẩu hiệu “hãy đứng trên vai những người khổng lồ” cũng rất phổ dụng và hữu ích.
Chẳng những đọc công trình các đồng nghiệp cùng chuyên ngành mà còn phải tìm cách đối thoại với họ qua email, thông qua các kênh hợp tác quốc tế để mời chuyên gia nước ngoài đến làm việc, và nhất là trực tiếp gặp gỡ họ qua các hội nghị quốc tế. Đây là những diễn đàn quan trọng, dễ tiếp cận, cho nên cần khuyến khích và cấp kinh phí đủ để các nhà nghiên cứu nước ta có điều kiện hội nhập với đồng nghiệp khắp năm châu.
Viết bài đăng trên các tạp chí quốc tế có nghĩa là đối thoại với đồng nghiệp quốc tế. Ta luôn tưởng tượng có người đang nghiêm khắc “vặn vẹo” mình sau từng câu chữ được viết ra.
Hiện nay phần lớn các tạp chí quốc tế đều bằng tiếng Anh. Nên thạo tiếng Anh là điều kiện bắt buộc để tòa soạn nhận đăng công trình. Ở đây không hề có sự nhân nhượng nào về ngôn ngữ, một công trình có giá trị về nội dung học thuật vẫn bị từ chối nếu viết tiếng Anh không ra hồn. Lại không nên nghĩ rằng có thể viết bài báo bằng tiếng Việt rồi nhờ ai đó dịch ra tiếng Anh, bởi ngôn ngữ chuyên môn rất khác ngôn ngữ thông dụng, nhiều khi mỗi tạp chí lại có những yêu cầu và phong cách riêng.
Trên thực tế, người nghiên cứu phải suy nghĩ bằng tiếng Anh, chứ không phải theo tiếng mẹ đẻ, rồi sau đó chuyển thể ra tiếng Anh. Ngoại ngữ là rào cản rất lớn đối với những người nghiên cứu khoa học xã hội, nhân văn.
Vượt qua rào cản ngôn ngữ là cả một quá trình luyện tập. Kinh nghiệm cho thấy cần phải học tiếng Anh từ đầu, bài bản, nếu không rất khó thành công. Đây là khó khăn của rất nhiều nhà khoa học lớn tuổi muốn khẳng định chỗ đứng của mình trong cộng đồng quốc tế. Cho nên cần khuyến khích một số trường đại học chất lượng cao giảng dạy bằng tiếng Anh.
Tin rằng một thế hệ mới các thầy giáo đại học Việt Nam sẽ xuất hiện, họ có thể nói chuyện với đầy đủ tư thế cùng các đồng nghiệp nước ngoài. Họ sẽ là bộ mặt mới của đại học Việt Nam. Còn thế hệ cũ đang đóng vai các lão làng: hãy vượt qua chính mình để thúc đẩy nhanh chóng một thế hệ mới!

GS Phạm Duy Hiển

(Tạp chí Tia Sáng tháng 10/2009)



No comments:

Post a Comment