Thursday, December 3, 2009
BÀI HỌC TỪ ĐẬP TAM HIỆP CỦA TRUNG QUỐC
Bài học từ Đập Tam Hiệp của Trung Quốc
Bài này được đăng lúc 00:33 ngày Thứ Năm, 03/12/2009
http://bauxitevietnam.info/c/20019.html
Peter Bosshard
Nguồn: http://japanfocus.org/-Peter-Bosshard/3262
Dự án thủy điện lớn nhất thế giới đã đạt đến những chiều kích cuối cùng của nó. Peter Bossard sẽ rút ra các kết luận từ kinh nghiệm Tam Hiệp.
Mười lăm năm sau khi khởi công, mực nước hồ chứa Tam Hiệp dự kiến sẽ đạt độ cao cuối cùng là 175 mét vào mùa thu năm nay. Sau khi 27 triệu mét khối xi măng được đổ vào, 39 triệu ki-lô-mét khối nước được lưu, và 1,3 triệu người được tái định cư, đã đến lúc cần đưa ra lời nhận định.
Tôi đã theo dõi Dự án Tam Hiệp kể từ khi Chính phủ Thụy Sĩ chấp thuận cấp tín dụng xuất khẩu cho dự án vào giữa những năm 1990. Tôi đã thảo luận dự án với các quan chức Chính phủ Trung Quốc, những người dân bị ảnh hưởng và các chuyên gia môi trường, đồng thời có cơ hội đi thăm đập mùa hè năm nay. Tôi muốn đưa ra các kết luận sau, đúc kết từ kinh nghiệm này, nhằm mục đích thảo luận:
● Trung Quốc hoàn thành trước thời hạn dự án xây dựng có độ phức tạp cao và nhiều thách thức, điều này là hiếm trong lĩnh vực thủy năng quốc tế. Về kỹ thuật, Đập Tam Hiệp là một kiệt tác của kỹ nghệ Trung Quốc. Chính phủ khăng khăng cho rằng với chi phí 27,2 tỉ USD, dự án được xây dựng đúng trong phạm vi ngân sách. Những người khác thì lại quả quyết rằng nhiều chi phí đã không xuất hiện trong các tính toán chính thức, và kinh phí dự án có thể lên đến 88 tỉ USD.
● Dự án thủy điện trên sông Dương Tử sẽ thay thế việc đốt ít nhất 30 triệu tấn than mỗi năm, tương đương hơn 1 phần trăm tổng tiêu thụ than của Trung Quốc. Tuy nhiên, Đập Tam Hiệp không phải là phương án duy nhất có thể thay thế than. Trong thời kỳ 2001-05, hiệu suất năng lượng của nền kinh tế Trung Quốc bị sụt giảm. Theo Douglas Ogden thuộc Quỹ tài trợ Năng lượng, sẽ “rẻ hơn, sạch hơn và năng suất cao hơn nếu Trung Quốc đầu tư vào hiệu suất năng lượng” thay vì vào các nhà máy điện mới.
● Đập đã di dời hơn 1,24 triệu người, và nhiều người nữa sẽ phải di dời để tránh thảm họa môi trường bên trong khu vực hồ chứa. Khi tôi đến thăm thung lũng Dương Tử mùa hè năm nay, nhiều người than phiền rằng tiền đền bù đã bị chuyển vào túi quan chức địa phương, đồng thời không đủ trang trải cho nơi ở mới. Người dân chống tham nhũng thường xuyên bị đánh đập. Vì không còn kế hoạch xây dựng những nhà máy mới, Chính phủ không thể giữ được lời hứa ban đầu là sẽ cung cấp việc làm cho người dân thành thị. Kế hoạch phát triển đất trồng mới trên đồi dốc hóa ra không khả thi, vì vậy Chính phủ không thể cấp đất phù hợp cho hầu hết các nông dân tái định cư. Giờ đây dự án hoàn tất, một số khu vực đã thoát khỏi tình trạng bị tổn thương do việc tái định cư, trong khi nhiều vùng khác lại rơi vào vòng đói nghèo và tuyệt vọng. Dù gì đi nữa, chúng ta phải thừa nhận rằng việc di dời một số lượng lớn người dân đã trở nên kém khả thi hơn bao giờ hết trong một quốc gia có dân số đông đúc như Trung Quốc.
● Đập Tam Hiệp là một can thiệp qui mô lớn vào hệ sinh thái Dương Tử. Khi bị biến thành khối nước tù đọng, dòng sông mất khả năng tự làm sạch. Ô nhiễm từ vùng ngập nước và rác thải công nghiệp dọc hai bờ thường xuyên gây ra nạn tảo độc lây lan. Các loài cá quan trọng chẳng hạn cá tầm Trung Quốc đang bị đe dọa tuyệt chủng, và nghề thủy sản thương mại trên Dương Tử và ngoài cửa sông bị giảm sút. Tháng 09/2007, các quan chức Chính phủ cấp cao cảnh báo rằng dự án sẽ trở thành một “thảm họa” môi trường nếu các biện pháp quyết liệt không được thực hiện.
● Mực nước hồ chứa Tam Hiệp dao động từ 145 đến 175 mét hàng năm. Điều này gây mất ổn định cho những triền dốc thuộc Thung lũng Dương Tử, và tạo ra nguy cơ xâm thực và đất chuồi nghiêm trọng. Hơn 150 sự kiện địa chất đã được ghi nhận trong những tháng đầu tiên sau khi hồ nước bị ngăn. Theo tạp chí Tài Kinh, nạn sạt lở ảnh hưởng lên hơn phân nửa khu vực hồ chứa, và 180 ki-lô-mét bờ sông đang có nguy cơ sụp đổ. Các nhà chức trách dự án đã không dự kiến được mối đe dọa như thế cho khu vực. Giải quyết vấn đề này sẽ rất tốn kém, và có thể phải di dời hơn 500.000 ngàn người nữa ra khỏi khu vực.
● Do phần lớn phù sa từ trung và thượng nguồn Dương Tử giờ đây tập kết về hồ chứa, hạ nguồn bị thiếu phù sa. Hậu quả là có đến 4 ki-lô-mét vuông diện tích đầm lầy ven biển đang bị xâm thực hàng năm. Miền Châu thổ Dương Tử đang lún dần, nước biển thâm nhập sông ngòi, tác động đến nông nghiệp và nguồn cung cấp nước uống. Một số nhà khoa học thậm chí còn cho rằng những thay đổi về nguồn phù sa ở Dương Tử là nguyên nhân bùng nổ đột biến các quần thể sứa khổng lồ, gây trở ngại cho nghề cá ngoài khơi bờ biển Nhật Bản. Trong lúc chưa có những nghiên cứu sâu về hiện tượng này, thảo luận cho thấy tác động sinh thái của các đập lớn thường có phạm vi hết sức sâu rộng đồng thời hết sức phức tạp trong dự đoán và kiểm soát.
● Lũ lụt định kỳ đã lấy đi sinh mạng của hàng trăm ngàn người tại Thung lũng Dương Tử. Hồ chứa Tam Hiệp đã tạo ra vùng đệm làm giảm rủi ro lũ lụt. Mặt khác, nước sông không đem theo phù sa giờ đây đang rửa sạch hai bờ hạ nguồn của đập, giảm bớt các lợi ích này. Dự án còn gia tăng sự phơi bày của Thượng Hải trước bão tố do bờ biển đang thu hẹp, đồng thời tạo ra rủi ro địa chấn ở Thung lũng Dương Tử. Đập Dương Tử nằm trên hai đường đứt gãy, và hàng trăm cơn chấn động đã được ghi nhận từ khi hồ chứa bắt đầu trữ nước. Trong khi con đập được xây để có thể chịu đựng những trận động đất mạnh, làng mạc và thị trấn kế cận thì lại không. Rất khó cân bằng các rủi ro này với việc gia tăng bảo vệ lũ lụt mà đập có thể đem lại cho miền hạ du Thung lũng Dương Tử.
● Tháng 11/2009, các nhà chức trách dự án nhận ra rằng họ không thể nâng mực nước hồ lên 175 mét theo kế hoạch. Họ ngạc nhiên vì nạn hạn hán tại miền hạ du Thung lũng Dương Tử, và những nhà quan sát nhận định rằng cần phải bảo vệ bờ hồ khỏi nạn đất chuồi thêm nữa. Thảo luận về mực nước cho thấy có những tương nhượng khó khăn giữa việc ngăn cản lũ lụt, phát điện, dòng chảy môi trường và bảo vệ khu vực dẫn nước. Những lợi ích này sẽ tiếp tục xung đột trong hoạt động tương lai của hồ chứa.
Những năm gần đây, Chính phủ Trung Quốc đã tăng cường luật pháp và qui định liên quan đến việc xây đập, đồng thời mở rộng quyền hạn cho Bộ Bảo vệ Môi trường mới được thành lập. Chính phủ đã đặt ra những mục tiêu rất tham vọng nhằm xúc tiến hiệu suất năng lượng và năng lượng tái tạo. Trung Quốc đang đi đúng đường hầu cải thiện việc tăng cường năng lượng của nền kinh tế lên 20% đến năm 2010, đồng thời phát sinh 15% mọi nguồn năng lượng từ các nguồn tái tạo khả dĩ (gió, sinh khối, mặt trời và thủy điện nhỏ) đến năm 2020. Trong khi Đập Tam Hiệp hóa ra là một mô hình quá khứ nếu xét đến mọi tác động, Trung Quốc giờ đây đang tự đặt mình vào vị thế của nhà lãnh đạo toàn cầu về công nghệ năng lượng tương lai.
Chính phủ Trung Quốc cũng đã quyết định đền bù cho 18 triệu dân bị di dời do những con đập ở Trung Quốc tổng cộng 75 USD mỗi năm trong vòng 20 năm, có hiệu lực từ thời điểm nào đó trong quá khứ. Hành động bồi thường này chưa từng xảy ra trước đây, và nhiều quốc gia khác có thể học hỏi từ đó.
Đồng thời, các lỗ hổng nghiêm trọng vẫn còn tồn tại. Hầu hết người dân tái định cư tại Thung lũng Dương Tử vẫn chưa được đền bù thỏa đáng. Bộ Bảo vệ Môi trường thường nhận được đánh giá tác động môi trường của các dự án xây đập quá trễ trong qui trình, và không đủ tài nguyên để rà soát kỹ lưỡng tất cả. Tiền phạt hành vi vi phạm pháp luật và qui định môi trường vẫn còn quá thấp để có thể đảm bảo việc tuân thủ hiệu quả. Giờ đây Dự án Tam Hiệp đã hoàn tất, Chính phủ cần thuê thực hiện một đánh giá độc lập toàn diện về chi phí và lợi ích dự án. Nếu thừa nhận rằng những đập lớn sẽ hủy hoại xã hội và môi trường không thể đảo ngược, các phương án có tác động nhỏ chẳng hạn hiệu suất năng lượng và công nghệ năng lượng tái tạo đều sẽ trở nên hấp dẫn hơn.
Peter Bosshard là Giám đốc Chính sách của tổ chức Sông ngòi Quốc tế, một tổ chức môi trường có nhân viên làm việc tại bốn châu lục. Ông có bằng Tiến sĩ từ Đại học Zurich, và làm việc trong lĩnh vực tăng cường tiêu chuẩn môi trường quốc tế trên 20 năm. Trước khi gia nhập tổ chức Sông ngòi Quốc tế, Bosshard là nhà điều phối của Tuyên ngôn Bern, một tổ chức phát triển của Thụy Sĩ. Ông thường xuyên đi thăm Trung Quốc và hiện đang học tiếng Hoa.
Bài này là một phiên bản mở rộng của một bài đã được công bố trước đây.
Trích nguồn: Peter Bosshard, “Lessons from China’s Three Gorges Dam,” The Asia-Pacific Journal, 48-2-09, November 30, 2009.
BVN dịch
No comments:
Post a Comment