Thursday, November 5, 2009

Từ IDS TỰ ĐÓNG CỬA đến TIA SÁNG BỊ ĐÓNG CỬA

Từ IDS tự đóng cửa đến báo Tia Sáng bị đóng cửa
Nguyễn Văn Lục

05-11-2009
http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=6873

Từ Viện Nghiên cứu phát triển IDS tự đóng cửa đến việc báo Tia Sáng bị đóng cửa

“Tôi rất e sợ tình trạng mà Lê Quý Đôn xưa đã từng cảnh báo: ‘Sĩ phu quay mặt’”,
Nguyên Ngọc

Nguyên do việc đóng cửa báo Tia Sáng và việc viện IDS tự đóng cửa, phải chăng hai cơ quan ấy nằm trong cái gọi là “diễn biến Hòa Bình” nhằm tiến tới một xã hội chính trị dân sự trong tương lai? Phải chăng đó là lý do chính mà chính quyền cộng sản phải dập tắt?
Và việc IDS tự đóng cửa cũng như việc dập tắt tiếng nói của Tia Sáng là biện pháp mạnh mà chính quyền cộng sản không thể không làm?

Bài viết này nhằm trả lời cho câu hỏi đó.

Có thể khẳng định rằng ở Việt Nam hiện nay có hai thể chế. Thể chế chính thức là nhà cầm quyền cộng sản với tổ chức đảng, chính quyền và quốc hội. Cơ chế ấy dựa trên bạo lực chuyên chính bằng màng lưới công an để tồn tại và “nguyên tắc đạo đức” của cơ chế ấy là: phải giữ lề bên phải. Lề bên phải là biết theo đường lối nhà nước, cúi đầu và im lặng.
Nhưng hiện nay có nhiều dấu hiệu cho thấy lãnh đạo nhà nước không kềm hãm được xu hướng rẽ sang lề trái.
Một kiểu mẫu xã hội thứ hai dần dần hình thành từ khi có sự sụp đổ dây chuyền các nước cộng sản Đông Âu. Bài học Đông Âu dù đã không thực sự xảy ra ở Việt Nam như nhiều người mong đợi. Không xảy ra vì những ý niệm dân chủ, tự do, nhân quyền chưa chín mùi, còn xa lạ đối với đa số dân chúng Việt Nam lúc bấy giờ. Nay thì có thể có khác vì mức độ ý thức dân chủ có cao hơn trước.
Dầu vậy, sự phá sản có dây chuyền của chủ nghĩa cộng sản là điều khó tránh đươc vì tính chất “không thích hợp” với bản tính con người. Bằng chứng là số người gia nhập đảng cộng sản Việt Nam giảm đáng kể. Tỉ dụ, tỉnh Hòn Gay, từ 1979-1988 có khoảng 2000 người gia nhập đảng, giảm xuống còn 500 vào năm 1991. Có nơi báo cáo có 200 người bỏ đảng trong đó có những người vào đảng từ 40 năm rồi.
Ấy là chúng ta chưa nói đến những thành phần trong đảng hiện nay cũng đã biến chất, mất phẩm chất, thoái hóa và thiếu đạo đức.
Và câu hỏi quan trọng nhất là liệu Việt Nam có thể theo lộ trình kinh tế thị trường đồng thời vẫn bám chặt vào định hướng XHCN trong bao lâu nữa?
Nhưng càng ngày càng có dấu hiệu cho thấy dân chúng nói chung có một ý thức cao về dân chủ và tự do.
Người dân không còn sợ như trước nữa.
Đã có rất nhiều cuộc biểu tình của công nhân, của các nông dân với một danh từ rất mới, rất lạ tai: Người dân khiếu kiện để đòi đất, để đòi bồi thường. Nay tiếng nói dân chủ đã xuất hiện trên nhiều tầng lớp xã hội ở Việt Nam, nhất là giới thanh niên trí thức trẻ thành thị. Có nhiều người trong bọn họ đã phải ngồi tù. Họ là những người vốn sinh ra và lớn lên trong lòng chế độ cộng sản.
Vậy mà nay họ lên tiếng phản kháng chính những người đã tạo dựng ra họ. Sự phản kháng phát sinh từ nội bộ, từ trong chính hệ thống XHCN.
Đó là sự khởi đầu hình thành một xã hội dân sự “civil society”. Xã hội dân sự nay lôi kéo được ngay cả những thành phần vốn đứng ở lề phải như cựu cán bộ, đảng viên, sĩ quan, trí thức, sinh viên, v.v...
Từ những thay đổi tiệm tiến trên, thiết nghĩ người Việt Hải ngoại chống Cộng cũng cần điều chỉnh lại thái độ của mình. Hãy chấm dứt “thái độ ngồi chờ sung rụng” như thời kỳ sụp đổ Đông Âu. Và quan trọng hơn cả là nên chấm dứt việc ngồi chống nhau vì một quan điểm đối nghịch, một chỗ ngồi, một chức vụ, việc vinh danh nền đệ nhất hay đệ nhị cộng hòa như hiện nay trong các cộng đồng và trong tập thể quân đội.
Cần phân biệt đâu là việc lớn, đâu là việc nhỏ, đặt chính nghĩa lên hàng đầu.
Chống cộng cũng không còn chỉ là bêu xấu, đả kích tiêu cực chính quyền cộng sản nữa mà chính là biết hỗ trợ những ai trong nước đang đứng ở lề trái.
Đã đến lúc phải để chữ hỗ trợ lên trên chữ chống: Hỗ trợ các phong trào đòi dân chủ, hỗ trợ các người đi tù vì bất đồng chính kiến bằng những tổ chức và việc làm cụ thể.
Phần chính quyền cộng sản Việt Nam càng tìm cách kiểm soát thông tin, siết chặt guồng máy công an. Điều đó sẽ tạo ra sức nén rồi sức bật trong số những người đã chọn đứng sang lề trái.
Sẽ có thêm nhiều tiếng nói, thêm phản biện, thêm bất đồng.
Vì thế, kiểu mẫu xã hội dân sự là nơi tập hợp lý tưởng cho tất cả những phong trào, các tổ chức chính trị trong nước cũng như hải ngoại, các phong trào đấu tranh bất bạo động, các công đoàn, các tổ chúc tôn giáo, các giới trí thức trẻ: Tất cả đều nhằm đòi hỏi các nguyên tắc dân chủ, tự do và nhân quyền. Thêm những tờ báo bị đóng cửa, thêm những người bị bắt ra tòa, thêm những cuộc biểu tình ngồi bất bạo động đòi nhà đất, đòi tự do tôn giáo thì xã hội dân sự càng trở nên một đòi hỏi không có không được.

Vấn đề đến một lúc nào đó sẽ có một tập hợp chính trị để phát ra một tiếng nói, một phong trào?
Nhiều chuyên gia như Cartyle A. Thayer đã cho thấy chính quyền cộng sản hiện nay đang phải đương đầu với các nhóm hành động mà nay trở thành một thách đố quyền lực đối với chính đảng cộng sản đương quyền và những hội đoàn trong Mặt Trận tổ quốc. (gồm 29 hội đoàn). (Xin đọc thêm bài: Việt Nam và sự thử thách của xã hội chính trị dân sự, Carlyle A. Thayer, KD lược dịch, Đàn Chim viet 11/06/2009)
Trước những thách đố và đòi hỏi của một Xã Hội Dân Sự, nhà nước cầm quyềm xem ra đã có những nhượng bộ vào năm 1998, khi ra chỉ thị thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, ở địa phương nhằm đạt được sự trong sáng trong guồng máy chính quyền địa phương.
Nhưng xem, ra các chỉ thị này chỉ có trên giấy tờ mà không cải tiến được gì về mặt trong sáng, mặt luật pháp, mặt dân chủ. Cán bộ địa phương phần đông ít học nên bất chấp luật lệ, lạm dụng quyền thế, hiếp đáp dân chúng như trong các chính sách xử dụng đất đai. Dân chúng kêu oan thấu trời kéo về Hà Nội và rồi Trung ương cũng tìm cách trấn áp và dập tắt những tiếng kêu oan đó.
Trước một tình thế có nguy cơ trỗi dậy của các thành phần dân chúng trong Xã Hội Dân Sự, nhà nước theo thói quen cũ đưa ra đề cương tuyên truyền vào ngày 25 tháng 6, năm 2009, ChỈ thị số 34-CT/TW của Ban Bí thư về: Tăng cường đấu tranh chống âm mưu, hoạt động “Diễn Biến Hòa Bình” trên lĩnh vực văn hóa.
Đề cương này nhằm ngăn chặn cái mà Đảng gọi là “Tự diễn biến”, “Tự chuyển hóa”, hay nói trắng ra là đi chệch hướng XHCN và thực tế là không giữ lề bên phải nữa. Trong đó, đề cương chỉ đích danh các thế lực tôn giáo như công giáo, các tổ chức nhằm phá bỏ huyền thoại về Hồ Chí Minh, các tổ chức NGO nước ngoài trong đó có 550 tổ chức hoạt động thường xuyên.
Theo đề cương,
“hiện tượng tán phát tài liệu xấu, tuyên truyền các quan điểm sai trái, xuyên tạc bôi nhọ chế độ là vấn đề bức xúc trong năm.”
Riêng về mặt văn hóa, văn nghệ, đề cương cảnh cáo những khuynh hướng tiêu cực, bôi đen, phỉ báng lịch sử, hạ bệ thần tượng, phủ định sạch đồng thời một khuynh hướng khác, nguy hiểm hơn, đòi “lật án", đòi “phong thánh” cho một số nhà văn, nhà hoạt động chính trị từng có sai lầm trong quá khứ, đòi “khơi thông một dòng văn học đang âm thầm chảy “
(dòng văn học của những cây bút chống Cộng trước năm 1975).
Trong đề cương có dòng trích đoạn nhắm thẳng vào các thành phần trí thức, trong đó có nhóm IDS. Trích dẫn:
“Thông qua “hợp tác, giúp đỡ” về đào tạo và tiếp cận những nhà báo trẻ có tư tưởng tự do, phóng khoáng, dễ giao lưu, từ đó lôi kéo họ làm báo theo kiểu “tự do” của phương Tây. Thời gian qua, có một số lãnh đạo và báo chí, phóng viên đã bộc lộ tư tưởng báo chí đối lập với Đảng, quá nhấn mạnh vai trò “phản biện” và lạm dụng “quyền lực xã hội” để đưa các bài viết công kích sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.”
Và để trả lời Đảng, trong cuộc phỏng vấn của mạng Bauxite Việt Nam, nhà văn Nguyên Ngọc lại thẳng thừng cho biết, “Một trong những chức năng của trí thức là phản biện xã hội, cốt tìm ra một tiếng nói đúng trước những vấn đề của đất nước .. Hơn nữa, ông còn đặt ra một câu hỏi rất quan trọng là,
Xã Hội dân sự liệu có thể phát triển ở Việt Nam hay không? Hỏi như thế là cách gián tiếp phủ nhận một chính quyền cộng sản để thay vào đấy là một chính quyền dân sự dựa trên tự do, dân chủ và nhân quyền.
Cho nên, việc viện IDS tự giải thể để phản đối quyết định số 97/2009/QĐ-TTg, ngày 14/10 của thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng là một cú tát trái quay lưng lại của"giới trí thức Hà Nội” đối với chính phủ. Quyết định 97 của Nguyễn Tấn Dũng cũng làm thất vọng “giới trí thức Hải ngoại” vốn có cảm tình sâu đậm với Hà Nội.
Điều này được gọi là sĩ phu quay mặt cả trong lẫn ngoài nước.
Quyết định 97 như thêm một viên ngói lở tróc trong quyền lực của Đảng Cộng Sản và tăng cường sức mạnh như một luồng gió mới cho thể chế Xã Hội Dân Sự?
Với quyết định thiển cận, phản dân chủ 97, đi ngược xu hướng phát triển xã hội có thể đặt một tên mới cho thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chăng? Ông là một thứ Đỗ Mười, là ông Vũ Như Cẩn, nói lái lại là Vẫn Như Cũ?
Trong tương lai, người dân sẽ chứng kiến một khủng hoảng quyền lực có nguy cơ làm sụp đổ toàn bộ cơ chế XHCN diễn biến bằng một xã hôi dân sự dựa trên tự do và dân chủ làm đầu.

Những nguyên nhân xa gần đưa đến việc tự giải thể IDS

Nguyên nhân xa
Có thể nói rằng tất cả 16 thành viên trong nhóm IDS đều là những cán bộ, trí thức của chính quyền. Nghĩa là họ đều là người của đảng cộng sản. Nhiều người trong số họ gián tiếp hay trực tiếp đã góp mặt trong công cuộc Đổi Mới về mặt văn học, giáo dục. chính trị và nhất là kinh tế. Chẳng hạn nhà văn Nguyên Ngọc là người đã che chở, cổ súy cho Phùng Gia Lộc, tác giả cuốn tiểu thuyết nổi tiếng: Những đêm hôm ấy đêm gì. Nhà văn Nguyên Ngọc đã tìm cách đưa Phùng Gia Lộc về ở tạm ngay trong tòa soạn báo mà ông lúc đó còn là chủ nhiệm vì sợ lãnh đạo địa phương sát hại Phùng Gia Lộc. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, tốt nghiệp ở Đức và Nga về giữ vai trò cố vấn kinh tế cho nhiều đời Thủ tướng kể từ Phạm Văn Đồng.
Họ là những người ít hay nhiều đã chia sẻ quan diểm Đổi Mới của Nguyễn Văn Linh và nhất là Võ Văn Kiệt ở thời điểm cuối 80-90.
Bài này không có chủ ý viết về cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt, nhưng trong thời gian ông còn tại chức trong thời kỳ đổi mới, xém một chút, ông có thể trở thành một Đăng Tiểu Bình của Việt Nam. Và những trí thức, chuyên viên trong Viện IDS bây giờ chính là những người đi mở đường cho thời kỳ Đổi Mới.
Chính quyền dập tắt tiếng nói của họ, chính là gián tiếp dập tắt tiến trình đổi mới và cải tiến xã hội.
Nhắc lại sau 10 năm thống nhất, lạm phát tăng đến 400% rồi 600%. Một kí lô gạo ngon từ 30 đồng, hai năm sau lên 600 đồng. Vào năm 1988, các xí nghiệp nhà nước vẫn chiếm 70% tổng số sản ngạch kỹ nghệ, chiếm 50% vốn đầu tư và 70% tín dụng, nhưng lại chỉ tạo ra từ 8% đến 10% công việc làm. Mỗi năm lại có hơn một triệu thanh niên gia nhập thị trường lao động ..Áp lực lạm phát gia tăng, ngân sách bị khiếm ngạch nặng nề, sản xuất trì trệ. (Trích tóm lược trong Viet Nam at the crossroads, Michael C. William, Nguyễn Duy Chính dịch, trừ trang 38 của chương 4)
Vậy phải đổi mới hay là chết.
Ông Võ Văn Kiệt là nhà lãnh đạo sáng suốt, bởi vì ông dám dùng người, biết dùng người và quan trọng nữa là biết nghe người, biết “phá rào”, phá cơ chế.
Ở trong Nam sau 1975, ngoài việc mời những chuyên viên đã có tiếng tăm như Nguyễn Xuân Oánh, tốt nghiệp đại học Harvard năm 1954, làm việc cho ngân hàng thế giới 1963 mà người ta thường so sánh với Jack Owen, ông Võ Văn Kiệt cũng như Nguyễn Văn Linh đã “dùng lại” những chuyên viên trong chế độ cũ, đưa họ ra khỏi trại Cải tạo để bổ xung vào các lãnh vực chuyên môn như ngân hàng, tài chánh, thuế má, đầu tư, ngoại tệ, thị trường hối đoái, v.v...
Tiêu biểu trong số những người ấy là Lâm Võ Hoàng còn được gọi là nhóm “Chiều thứ sáu”, vì họ họp nhau lại mỗi chiều thứ sáu để bàn bạc “đủ thứ chuyện”. Theo anh em trí thức còn kẹt lại sau 75 cho tôi biết thì Lâm Võ Hoàng, trực tính, dám nói thảng. Vì thế anh em đã đẩy ra làm với Võ Văn Kiệt. Tính nói thẳng ấy đã xác định rõ ràng ngay buổi sơ giao khi Lâm Võ Hoàng nói tôi chỉ là “ngụy quân” mà tình thế đưa đẩy tôi ra làm việc. Ông Võ Văn Kiệt đã chấp nhận điều ấy và đôi khi cũng tham dự các buổi bàn bạc đó.(Xem thêm về Lâm Võ Hoàng trong dung lac.org, Đỗ Tấn Hưng)
Đã có lãnh đạo cộng sản nào làm được như Võ Văn Kiệt ?
Họ là những người xây những viên gạch đầu tiên cho Đổi Mới ở miền Nam như Phan Chánh Dưỡng, Phan Tường Vân, Huỳnh Bửu Sơn, Trần Trọng Thức, Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Văn Sơn, Lê Trọng Nhi, v.v... Và có thể nói rằng họ là đầu tầu hay “điển hình tiên tiến” trong việc đổi mới bắt đầu từ miền Nam.
Trong số đó kể thêm Phan Tường Vân, người hiền lành, nhưng sâu sắc và tầm nhìn rộng. Rất tiếc anh đã mất cách đây hai năm. Tưởng nhớ Phan Tường Vân.
Gọi họ như thế không có gì là ngoa ngôn hoặc khó hiểu, vì một lẽ miền Nam đã có sẵn một cơ cấu tổ chức xã hội tư bản từ các hệ thống ngân hàng, thị trường cung cầu, hệ thống giá cả, liên lạc thương mại quốc tế, hệ thống hối đoái và tiền tệ.
Chính ông Trần Dương, thống đốc ngân hàng nhà nước, Ủy viên bộ chính trị nói với ông Nguyễn Hữu Hanh, cựu thống đốc ngân hàng VN trước 1975 như sau: “Trong hệ thống tư bản ở miền Nam thì quy hoạch trung ương chả ra gì, nhưng việc quản lý kinh doanh thì tốt, trong khi ở hệ thống xã hội chủ nghĩa của miền Bắc, thì quy hoạch trung ương tốt hơn, nhưng việc kinh doanh không giỏi.” (Trích Hồi ký Nguyễn Hữu Hanh trang 151).
Vì thế, không phải 3 cái Nghị Quyết 12-1976 hoặc 9-1979 và 12-1986 đã cứu dân miền Nam khỏi đói nghèo. Nhất là kế hoạch ngũ niên 1976-1980 chỉ nhằm tác dụng chính trị (Cải tạo tư sản miền Nam) hơn là tái thiết và phát triển miền Nam. Đó là một sai lầm lãnh đạo nghiêm trọng vì lệ thuộc vào tình trạng bao cấp (subsidy) bất chấp các nguyên tắc về giá cả, phân phối thị trường. Do đó, áp lực lạm phát gia tăng khiến ngân sách bị khiếm ngạch nặng nề.

Các chuyên viên cũ của miền Nam đã giúp lãnh đạo thành phố giải quyết tức thời với các biện pháp như,
- bãi bỏ các trạm kiểm soát giao thong
- đưa ra bài toán chống lạm phát-
- chủ động đưa ra các biện pháp về tiền tệ
- phá rào tăng giá thu mua gạo thay vì giá chính thức của nhà nước
- gỡ rối, giải quyết đột phá những vấn đề cơ chế rào cản
- thành lập các Imex như một trung gian thương mại với bên ngoài, trong đó Cholimex mở đường cho Kiều hối, đặc biệt phát triển ở Montréal, Canada. Kiều hối mới đầu chỉ đạt vài chục triệu đô la/năm. Có ai ngờ bây giờ Kiều hối trở thành mùa kiều hối. Và theo thống kê Liên Hiệp Quốc, Việt Nam nằm tronmg 10 nước nhận lãnh kiều hối nhiều nhất thế giới trong năm 2006 (Trích tóm tắt VnExpress, Nguyễn Hưng, Kiều hối 2008)

Ngoài Bắc thì năm 1979 đã nhờ Liên Xô cử chuyên viên sang mở một lớp học về “kinh tế mới” NEP. Kết quả không biết đi đến đâu? và các chuyên viên Liên Xô đã giúp được gì trong việc Đổi Mới ? Hiện không thấy ai nhắc nhở gì đến vai trò của Liên Xô trong việc Đổi mới cả.
Nhưng từ năm 1982, ngoài Bắc cũng đã tập họp được một số chuyên viên được coi là hàng đầu như Võ Đại Lược, Trần Đức Nguyên, Lê Văn Viện, Nguyễn Thiệu, Đào Xuân Sâm, Lê Xuân Tùng, Dương Phú Hiệp, Hà Nghiệp, Trần Nhâm và nhất là Lê Đăng Doanh.
BIện pháp của nhóm đề xướng ra là gì hiện nay cũng không mấy biết rõ. Chỉ biết chắc chắn là có.
Nhưng tiêu biểu nhất có lẽ là Võ Đại Lược được nhiều người biết đến vì có liên lạc với đám trí thức và chuyên viên nước ngoài. Riêng ông Lê Đăng Doanh là một cây viết kinh tế sâu sắc tiêu biểu nhất về kinh tế vĩ mô của trí thức miền Bắc. Lê Đăng Doanh với bài: Kinh tế thị trường, vai trò nhà nước và sáng tạo. (Vẫn lấn cấn nhà nước trong vai trò lãnh đạo)
Chỉ có một giới hạn đối với giới trí thức chuyên môn ở miền Bắc là họ có thể bị lấn cấn với mô hình XHCN. Làm thế nào các ông ấy có thể phải “vận dụng sáng tạo những nguyên lý khoa học của chủ nghĩa Mác-Lê vào những hoàn cảnh cụ thể.” Nhất là làm thế nào “bắt chủ nghĩa tư bản phải phục vụ chủ nghĩa cộng sản, bắt nhà tư bản phải cày trên mảnh đất tư sản”?
Vì thế, họ chậm hơn các trí thức, chuyên viên miền Nam cũ một bước.

Bên cạnh các chuyên viên trí thức cũ của miền Nam và một số chuyên viên được đào tạo từ các nước sộng sản, sau này Hà Nội còn có sự hà hơi tiếp xúc của một số trí thức hải ngoại như Nguyễn Ngọc Giao, Trần Hữu Dũng, Trần Quốc Hùng, Thái Thị Kim Lan, Ngô Thanh Nhàn, Trịnh Văn Thảo Nguyễn Minh Thọ, Trần Văn Thọ, Cao Huy Thuần, Vũ Quang Việt, Lê Văn Cường, Ngô Vĩnh Long,
Nhóm này chủ yếu đóng góp bằng những cuộc hội thảo mùa hè về các chuyên đề kinh tế, giáo dục. Họ góp ý với Đảng. Nhưng không biết có được bao nhiêu đề tài góp ý được đảng xem xét và thực hiện? Thực khó mà biết lắm. Dầu vậy, họ cũng đã tổ chức được nhiều cuộc hội thảo mà mỗi năm chọn một địa điểm như Pháp, Mỹ, Việt Nam, v.v...
Bên cạnh đó có thể có hàng vài trăm người đã sẵn sàng về nước đóng góp tài năng và trí tuệ cho Việt Nam. Như các đoàn giải phẫu y tế với đầy đủ trang bị. Các trang bị ấy sẽ để lại sau khi công tác y tế thiện nguyện hoàn thành. Tuy nhiên, thực tế nhiều khi phũ phàng. Dụng cụ y tế được chở đến cho họ đã bị biến mất từ bến Cảng và các bác sĩ đến nơi đành bó tay bỏ cuộc.
Họ thất vọng và nỗi thất vọng ấy ảnh hưởng tới tương lai những công cuộc trợ giúp sắp tới.
Và để vinh danh một số người ấy nhằm mục đích tuyên truyền nhiều khi đến khôi hài, Hà Nôi thưởng họ bằng những chiếc bánh vẽ là Vinh danh Việt kiều.
Cụ thể một số nhỏ trong các chuyên viên ấy đã được vinh danh về những công trình đóng góp đó như vào các năm 2004, 2005, 2006.

Những người Việt định cư ở nước ngoài có vinh dự được nêu danh đầu tiên gồm có 19 người,

Năm 2004
Gs. Ts.. Nguyễn Đăng Hưng, VK Bỉ
Gs. Ts.. Lương Văn Hy, VK Canada
Ts. Nguyễn Chánh Khê, hiện ở Việt Nam
Gs. Ts.. Trần Văn Khê, VK Pháp, cũng về VN ở
Gs. Ts. Đặng Lương Mô, hiện ở Việt Nam
Doanh Nhân Nguyễn Ngọc Mỹ, Úc, hiện ở Việt Nam
Gs. Ts. Ngô Thanh Nhàn, VK Mỹ
Nhạc Trưởng Lê Phi Phi, Macedonia
Gs. Ts. âm nhạc Nguyễn Thuyết Phong, VK Mỹ
Ts. Nguyễn Công Phú, VK Pháp
Ts. vật lý Nguyễn Quang Riệu, VK Pháp
Nghệ sĩ dương cầm Đăng Thái Sơn, không ghi chỗ ở
Chuyên gia tài chánh Bùi Kiến Thành, VK Mỹ
Ts. kinh tế Trần Văn Thọ, VK Nhật
Ts. Trịnh Xuân Thuận, VK Mỹ
Gs. Ts. kỹ thuật y sinh Võ Văn Tới, VK Mỹ
Gs. Ts. vật lý Trần Thanh Vân, VK Pháp
Chuyên gia ngân hàng và đầu tư Vũ Giản, VK Thụy Sỹ
Kts. Hồ Thiêu Trị, VK Pháp

Năm 2005 có các chuyên gia, trí thức sau đây được vinh danh như,
Ts. Nguyễn Quốc Bình, VK Canada.
Ts. Nguyễn Trọng Bình, VK Mỹ
Pgs. Ts. Nguyễn Lương Dũng, VK Đức
Ts. Nguyễn Trí Dũng, VK Nhật
Họa sĩ Lê Bá Đẳng, VK Pháp
Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo, VK Pháp
Bác sĩ Bùi Minh Đức, VK Mỹ
Ts. Lê Phước Hùng, VK Mỹ
Ths Phạm Đức Trung Kiên, VK Mỹ
Gs. Ts.. Đoàn Kim Sơn , VK Pháp
Gs. toán học Lê Tự Quốc Thắng, VK Mỹ
Ông Phạm Thành, chủ tịch Hiệp Hội Doanh Nghiệp Việt Kiều, VK Canada
Gs. Ts. Nguyễn Văn Tuấn, VK Úc
Ts. nhạc sĩ Nguyễn Lân Tuất, VK Nga

Năm 2006 có 17 Việt Kiều được bình chọn “Vinh danh nước Việt” sau đây,
PGs tiến sĩ Trần Nam Bình, VK Úc
Ts. Lê Quang Bình, VK Mỹ
Gs. Ts.. Nguyễn Văn Chuyên, VK Nhật
Ts. Đỗ Đức Cường, VK Mỹ
Ông Trung Dung, VK Mỹ
BS Hoàng Anh Dũng, VK Bỉ
BS Quỳnh Kiều, VK Mỹ
Gs. Ts. Thái Thị Kim Lan, VK Đức
Gs. Ts. Trần Minh Tâm, VK Thụy Sĩ
Họa sĩ Văn Dương Thành, VK Thụy Điển
Linh mục Nguyễn Đình Thi VK Pháp
Gs. Ts. Phạm Gia Thụ, VK Canada
Kỹ sư Đỗ Anh Thư, VK Mỹ
Ts. Trương Nguyễn Trân, VK Pháp
Gs. Ts. Lê Dũng Tráng, VK Pháp
Gs. Ts. Huỳnh Hữu Tuệ, VK Canada
Gs. Vũ Đức Vượng, VK Mỹ

Nay thì cuộc vinh danh dù chỉ là bánh vẽ cũng chấm dứt. Trong số những người trên, tôi biết có một số vị đã “chán ngán” Việt Nam lắm rồi. Chỉ không tiện nói ra thôi.

Về sự đóng góp trí tuệ của những trí thức miền Nam cũ chỉ là chuyện chẳng đặng đừng. Vì họ vốn biết thân biết phận mình. Họ chỉ đóng góp chuyên môn theo khả năng mà không có uy thế tiếng tăm hay tiếng nói chính trị nào như trí thức miền Bắc. Tôi có liên lạc với ông Lâm Võ Hoàng để biết thêm chi tiết về ông. Ông đã im lặng không trả lời. Tôi hiểu. Được biết đời sống của ông rất thanh đạm trong khi giá thì như thỏ, lương thì như rùa. Lương chuyên viên biên chế Khoa học Kỹ thuật không đủ sống. Ông phải đi dạy thêm, viết một bài báo được trả 45.000 gần bằng mức lương. Cuối tuần đi làm thiện nguyện như kẻ tu hành.
Trí thức miền Nam còn sót lại những người như thế. Liêm chính, thẳng thắn và có nhân phẩm. Có lòng nừa như câu truyện tôi sắp viết đưới đây của Lâm Võ Hoàng.
Phần các trí thức, chuyên viên miền Bắc sự đóng góp của họ trở thành công trạng, có uy tín trên cả nước. Và ở mỗi lãnh vực họ đều có những người đại diện, có tiếng nói trọng lượng. Đó là những tên tuổi như như nhà văn Nguyên Ngọc, Dương Trung Quốc, giáo sư Tương Lai, Vương Trí Nhàn, giáo sư Hoàng Tụy, Phạm Duy Hiển, Văn Như Cương, Phan Đình Diệu, v.v...
Nay cách này cách khác, họ ra khỏi guồng máy chính quyền. Vốn có năng lực, cũng có lý tưởng, có nhân cách, họ muốn đóng góp vào công việc chung. Nhưng nhà nước sợ tìm cách ngăn chặn họ qua vụ IDS và báo Tia Sáng.

Nguyên nhân trực tiếp

Giải thể các cố vấn ngày 28/07/2006
Khi lên chức thủ tướng, ông Nguyễn Tấn Dũng đã có quyết định giải thể các cố vấn ngày 28 tháng 7 năm 2006. Kể từ đó, các ông Võ Đại Lược, Lê Đăng Doanh và một số chuyên viên kể trên bị cho nghỉ việc.
Theo ông Ngô Vĩnh Long, một Việt kiều yêu nước, cho rằng những vị bị giải thế trước đây là con cưng của chế độ, đã bỏ ra bao nhiêu năm để làm việc với bao nhiêu thủ tướng, với Đảng mà còn đàn áp đến vậy thì còn nói sao về tự do, dân chủ ... ( trả lời phỏng vấn 1998-2009 đài Radio Free Asia)
Tiếp theo đó, vào tháng 12 năm 2007, một Trung tâm nghiên cứu có tên là Sài Gòn Times ra đời. Trung tâm đã quy tụ được 44 chuyên viên và trí thức trong nước cũng như ở Hải Ngoại. Trong số đó có ông Võ Tòng Xuân, giáo sư nông học của miền Nam trước đây. Trung tâm lại được cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt nhận làm chủ tịch danh dự. Trong thư gửi trung tâm, nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt viết, “Việc tập hợp các chuyên gia trong và ngoài nước có tâm huyết, có trình độ chuyên môn cao, am hiểu thực tiễn đất nước và bối cảnh quốc tế hiện nay ... là một việc làm có ý nghĩa thiết thực”.
Vậy mà chỉ vài tháng sau, trung tâm bị dẹp bỏ. Lý do gì, tại sao? Không ai biết.

Họ không chịu dừng bước trước chuyện bị dập tắt tiếng nói.
Nay đến lượt nhóm ông Nguyễn Quang A, Lê Đăng Doanh mở ra trung tâm IDS. Trung tâm là một Tổ chức nghiên cứu Phát triển Độc lập: IDS cùng với 16 vị khác.
Sự ra đời của IDS cách đây 2 năm, vào tháng 9, 2007 phải chăng chỉ là hậu quả của quyết định giải thể của Nguyễn Tấn Dũng? Nhóm IDS tập hợp một số những chuyên viên, trí thức, nhà văn, nhà giáo dục như Hoàng Tụy, Tương Lai, Lê Đăng Doanh, Nguyễn Quang A, Phạm Duy Hiển, Phạm Chi Lan, nhà văn Nguyên Ngọc. Mục đích của nhóm là “Nghiên cứu về tương quan giữa chính sách và phát triển để đưa ra khuyến nghị”.
Lý do bị đóng cửa nằm trong nội dung Nghị Quyết 97 tóm gọn trong hai chữ công khai, “Nếu có ý kiến phản biện về đường lối chủ trương, chính sách thì phải gửi ý kiến đó cho cơ quan Đảng và nhà nước có thẩm quyền. Cấm công bố công khai với danh nghĩa hoặc gắn với danh nghĩa của tổ chức.”
Nhóm đưa ra những nhận xét công khai bi quan về tình hình kinh tế dựa trên những con số hẳn hoi. Nhà nước nóng mặt.
Và theo nhà báo Huy Đức Cho dù hậu quả không được thảo luận công khai thì người dân cũng biết nền kinh tế Việt Nam “xuống tận đáy”, năm 2008 chẳng phải vì những “nguyên nhân quốc tế”. Mãi đến tháng 9 năm 2008, khủng hoảng kinh tế thế giới mới bộc lộ ... Đến lúc ấy thì nền kinh tế Việt Nam đã kiệt quệ do phản ứng phụ của “thuốc chống lạm phát”.
Thật ra ở các nước kỹ nghệ phát triển thì những hình thức Think-tank là hằng hà sa số nào chỉ có một cái Thinhk-Tank như Việt Nam có đáng là bao?
Nhà nước đóng cửa IDS trước nhất là bịt miệng những kẻ không đồng chính kiến với nhà nước, tạo ra một sự ổn định giả tạo mà trong đó mọi tiếng kêu than đều không có chỗ của nó.
Nó biểu trưng cho một chính quyền độc tài, kém cỏi, thiển cận.
Nó sẽ kéo dài mãi tình trạng nghèo nàn, không lối ra cho kinh tế Việt Nam.

Phần tôi, việc đóng cửa làm tôi mừng một cách ích kỷ và thiển cận vì nghĩ rằng từ nay tất cả các chuyên viên, trí thức hải ngoại đã từng về Việt Nam đóng góp cách này cách kia sẽ thất vọng không ít, sẽ quay mặt..
Ông Vũ Quang Việt, một Việt kiều yêu nước, cựu chuyên viên Cục Thống Kê Liên Hiệp Quốc gọi việc cấm đoán này là muốn biến trí thức thành công cụ của người cầm quyền (Gia Minh, phóng viên RFA, ngày 16-9-2009)
Và như nhà văn Nguyên Ngọc viết, Sĩ phu quay mặt

Việc đóng cửa tờ Tia Sáng

Tia Sáng đã nói về họ như sau:
“Tập sách là con đường đi tắt để cung cấp cho người đọc những cái nhìn tổng thể và sâu sắc tình hình đất nước trong bối cảnh thế giới đầy biến động. Tính “vấn đề” của các bài viết với các học giả, các nhà khoa học, chuyên gia có bản lĩnh và trí tuệ, mang đến nhiều điều lý thú và bất ngờ cho người đọc ...” ( Trích Một Góc nhìn của trí thức tập 3, trang bìa).
Đã cấm đoán IDS thì tự động chính quyền phải đóng cửa Tia Sáng. Vì cả hai như là một. Những người trong IDS cũng là những người thường xuyên cộng tác viết bài cho Tia Sáng. Vì tất cả trí thức chuyên viên đều tụ về Tia Sáng. Có thể nói tờ Tia Sáng là tiêu biểu cho trí thức Hà Nội và là cầu nối với một số các trí thức hải ngoại. Nếu ở hải ngoại về thì chỗ nên ghé là tòa soạn tờ Tia Sáng. Vì ở chỗ đó, người ta còn có thể nói truyện bình thường giữa người với người được. Chủ nhiệm là ông Văn Thành, một cựu đại tá hồi hưu trông còn phong độ và chịu khó biết nghe, biết học hỏi nhờ đó quy tụ được nhiều cây viết. Xe cộ của chủ nhiệm chỉ là một chiếc xe Honda thường, sáng sớm đã chạy đưa đón bạn bè đi ăn phở, cà phê buổi sáng ở một tiệm phở lạ lùng. Phải trả tiền trước rồi mới được ngồi vào bàn. Ngon đến lạ. Và chung quanh ông thân cận nhất là các nhà văn Nguyên Ngọc, nhà thơ Lê Lựu (đã chết) ngồi bám trụ ở đấy. Có Nguyên Ngọc là sẽ có nhiều người nể vì phong thái, về chững chạc trí thức, về một con người lúc nào cũng có một tấm lòng, một hoài bão nơi ông.
Trong con người ấy, ông có sự trân quý các trí thức miền Nam cũ, các chuyên viên, các nhà văn hóa, có cái nhìn thông thoáng về chính trị như việc đi cải tạo. Ông cũng là người viết bài cổ súy, trân trọng các chuyên viên trong nhóm “chiều thứ sáu” ở Sài Gòn thời Võ Văn Kiệt. Ông cũng là người đứng đằng sau, hỗ trợ Đổi mới.
Cạnh Nguyên Ngọc, còn có những tay viết trụ cột cho tờ báo như Phạm Duy Hiển (cũng là thành viên của IDS) và Chu Hảo. Chu Hảo viết bài: Lãnh đạo thời kinh tế trí thức. Thiếu họ là tờ báo không ổn.
Ngoài tờ báo, Tia Sáng còn cho xuất bản được 4 tuyển tập, chọn lọc những bài đã đăng trong Tia Sáng từ năm 2002 với nhan đề: Một góc nhìn của trí thức. Có rất nhiều bài nên đọc vĩ viết từ hiện thực xã hôi Việt Nam nhìn ra được những góc tối, những điều còn thiếu xót ..
Phải người trong nước mới viết được như thế, bởi vì họ sống cái cảnh ấy. Nhưng đôi khi không tránh được sự châm biếm và tức bực.
Dư luận cho rằng vì một bài báo của ông Hoàng Tụy, Tia Sáng bị dập tắt. Thủ phạm làm Tia Sáng online đình bản là bài giáo dục: Xin cho tôi nói thẳng của giáo sư Hoàng Tụy.
Đúng mà không đúng. Bài của ông Hoàng Tụy chỉ là cái cớ để đóng cửa. Từ gần 10 năm nay, biết bao nhiêu bài báo gây “bức xúc” trong Tia Sáng? Trong đó cũng có bài của Hoàng Tụy?

Tôi chỉ xin trích dẫn một số bài tiêu biểu sẽ thấy rõ bài nào cũng có “vấn đề” cũng là “con đường đi tắt” của tờ báo.
* Bài Về quyền và nghĩa vụ trong việc xử dụng đất, một đề tài rất nổi trong hoàn cảnh Việt Nam, tác giả Trần Ngọc Vương trích dẫn một câu ca dao rất ý nghĩa: Hòn đất mà biết nói năng . Thật là hết ý vì những tình trạng bất công, lạm dụng trong đất đai.
*Bài Thất thoát trong đầu tư và xây dựng: căn bệnh trầm kha, tác giả Thanh Hà cho biết 30% vốn đầu tư xây dựng dùng vào việc đút lót hối lộ. Thế thì doanh nghiệp làm sao bù vốn, phải gian lận thôi.
*Bài Lương không đủ sống, song vẫn sống đàng hoàng, tác giả giáo sư Tương Lai viết người ta phải ăn bớt giờ công sở để làm thêm, chạy đầu này đâu kia đến hiện trạng “giả vờ trả lương” thì đổi lại cũng có hiện tượng “giả vờ làm việc”.
* Bài Dám làm dám nói, dám nghe của giáo sư Trần Quốc Vượng ... Bài này áp dụng vào trường hợp thủ tướng Dũng thì đúng lắm. Ông viết: Vua Lê Chúa Trịnh đào tạo Ngô Thì Nhậm, không biết dùng. Và để vua Quang Trung sáng suốt xử dụng, được bao nhiêu là việc.
*Bài Văn Hóa từ chức của Lê Báu. Tác giả lấy tỉ dụ công trình thi công Hầm chui Văn Thánh đã được xây dựng xong theo đúng “thiết kế”, đã được các đối tác và chức sắc ký nhận, “Công trình được thi công đảm bảo chất lượng, khối lượng vật tư được thực hiện đúng theo đồ án thiết kế.” Nhưng theo báo Công an thành phố Hồ Chí Minh thì ngay khi thông xe, độ cao của hầm đã sụt giảm xuống từ 2m 5 xuống còn 1m5. Lún như thế mà chẳng ai trách nhiệm. Bởi vì thiếu cái văn hóa từ chức.
Bài Khắc phục tình trạng xử kiểu gì cũng được, tác giả Nguyễn Sĩ Dũng và Nguyễn Đức Lam. Tất cả là do thiếu sự độc lập của Thẩm phán và vấn đề chính là: Giải thích pháp luật tùy tiện.Trong bài: Dạy học thêm, nhìn tư góc độ đạo đức, tác giả Lê Quang Dũng gọi các lò luyện thi là “những lò sát sinh sáng tạo”.
Trong bài Nhà cải cách giáo dục lớn đầu thế kỷ, Nguyên Ngọc trích dần Phan Châu Trinh cho rằng: chúng ta thua họ cả một thời đại
Trong bài: Cần nhìn lại việc giáo dục nhân cách cho sinh viên, giáo sư Tương lai trích dẫn Phạm Văn Đồng: “Bây giờ trung thực phải đặt lên trước vì là cái thiếu nhất “
Bài Ông thày kinh tế học của tôi, tác giả Lâm Võ Hoàng, nhóm “chiều thứ sáu” kể một câu truyện có một ông già bán “bánh giò, bánh chưng” rất là ngon. Cái bánh lúc đầu còn lớn, sau có nhỏ đi một chút. Lâm Võ Hoàng hỏi ông già:
“Ông gói ngon, bánh đầy đặn như thế lấy đâu mà lời ? Ông già trả lời buồn, nhà đông con, bắt chúng xúm lại làm với bố mẹ lấy công làm lời. Lâu sau, bánh có phần nhỏ đi. Tôi hỏi ông, ông rầu buồn đáp: “Đáng lý phảo tăng giá 1.500 đồng từ đầu tháng, vì giá cả tăng hết biết. Nhưng nghĩ đến các em bé chỉ được bố mẹ nghèo cho tiền ăn sáng ngần ấy thôi, rồi đây sẽ không mua được bánh, tôi ráng gói vừa bổ, vừa lành, nên đành phải làm bé một tí, mà em bé còn được ăn. Cố tiếp tục được ngày nào hay ngày nấy. Khổ lắm ông ạ”.
Tôi nghe ông mà lặng người. Bấy lâu nay, tôi được làm chuyên viên ngân hàng, chuyên gia kinh tế này nọ, tôi cũng có nghĩ đến yếu tố nhân ái trong vận hành kinh tế và tố chất nhân ái trong động cơ hành động của người “làmkinh tế,” nhưng tôi không bao giờ ngờ, một người bình dân, với một gánh nặng gia đình trên vai, trong tuổi đã quá xế chiều, lại còn có thể lấy mục tiêu nhân ái làm sợi chỉ đỏ xuyên suốt “hành vi kinh doanh” thường nhật, khi chỉ nghĩ đến việc làm sao cho nhừng em bé nghèo có thể được ăn hoài hoài món điểm tâm khá sang là tấm bánh giò ngon miệng, bổ dưỡng, tuyệt đối vệ sinh mà ông đã cố gắng, thậm chí hy sinh một phần lời để phục vụ cho các em là chính”
Bài viết vỏn vẹn mấy trang, người đọc cảm động cho thấy dù ở Việt Nam có túng thiếu thế nào, đâu đâu cũng còn có những tấm lòng nhân ái. Trừ bọn lãnh đạo.
Những bài viết như thế rải rác còn rất nhiều bài, còn rất nhiều tác giả. Viết sao cũng chưa vừa . Đụng chạm thì cũng có đụng chạm. Nhưng đã ăn thua gì?
Vậy mà chính quyền đã sợ. Họ sợ sự thật. Sợ chuyển biến hòa bình về một tương lai của một xã hội dân sự sẽ thay thế chỗ của họ.

Điều họ sợ có thể không còn xa nữa.

© DCVOnline



No comments:

Post a Comment