Sunday, November 29, 2009

TỪ BIỆT DU LỊCH VIỆT NAM !

TỪ BIỆT DU LỊCH VIỆT NAM !
Nguyễn Văn Tuấn
Tháng Mười Một 28, 2009
http://baotoquoc.com/2009/11/28/t%e1%bb%ab-bi%e1%bb%87t-du-l%e1%bb%8bch-vi%e1%bb%87t-nam/
(Viện Nghiên cứu Y khoa Garvan, Sydney, Úc) *.

Theo một thống kê thăm dò ý kiến những du khách đến Việt Nam thì có đến trên 70% những người hỏi trả lời rằng họ sẽ không quay lại Việt Nam một lần nữa. Tôi gọi đó là hiện tượng “một đi không trở lại”. Một câu hỏi vẫn ám ảnh tôi là tại sao có hiện tượng này, trong khi đất nước này có nhiều cảnh đẹp và con người nói chung là hiếu khách và cũng dễ mến. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình đi du lịch ở trong nước, vì đơn giản là mỗi lần về Việt Nam là một chuyến về quê thăm nhà và bà con. Nhưng có cơ hội đi đây đi đó, Tôi cũng quan sát được đôi điều thú vị, ít ra là có thể trả lời cho câu hỏi tại sao có hiện tượng “một đi không trở lại”.
Vấn đề sản phẩm du lịch Việt Nam có nhiều cảnh đẹp, nhưng chúng ta chưa biết tận dụng thế mạnh này. Chúng ta còn nhiều bãi biển có thể nói là đẹp chẳng thua bãi biển nào trên thế giới.
Chẳng hạn như bãi biển Nha Trang, chỉ có thể mô tả là quá đẹp và lại rất dài (khoảng 9 km). Phú Quốc cũng có một số bãi biển đẹp hoang sơ đến mê hồn. Hôm tôi ghé khu Mũi Dương (Phú Quốc), với những hàng dương thẳng tắp và cát trắng đó là một nơi hết sức lý tưởng để nghỉ mát và tắm biển. So với các nơi khác trên thế giới mà tôi đã từng đi qua, những bãi biển của ta có thể nói là đẹp hơn nhiều. Chẳng hạn như bãi biển Gold Coast nổi tiếng của Úc chẳng là cái thá gì của bãi biển Nha Trang! Thế những Gold Coast được quảng cáo rất hay, và được gìn giữ rất cẩn thận nên không có ô nhiễm như các bãi biển ở nước ta. Điều đáng buồn nhất là hầu hết những thắng cảnh nước ta đang bị ô nhiễm trầm trọng, và đây có thể là một “downfall” của Việt Nam.
Ở Nha Trang, đi trên cáp treo nhìn xuống biển mà thấy đau nhói vì rác rưởi mênh mông. Ở Phú Quốc ở những bãi biển đẹp tuyệt vời mà nhìn thì mắt bị đau vì những bãi rác khổng lồ. Có những nơi mang tiếng là khu di tích lịch sử cấp nhà nước mà việc bảo tồn thì chẳng ra gì. Tháp Bánh Ít (xây từ thời cuối thế kỉ 11 ở Qui Nhơn), được công nhận di tích lịch sử quốc gia tháng 12/1982 mà rác vỏ cam quít ngập đầy trong tháp! Nhìn vào cách trùng tu tháp này Tôi chỉ biết lắc đầu dơ tay lên trời cho sự dốt nát của người làm công việc trùng tu. Thuở đời nay, bên cạnh những viên gạch có độ tuổi hàng ngàn năm được hun đúc và xây rất nghệ thuật, người ta trát vào đó những viên gạch dỏm và… xi măng. Trông nó thô kệch làm sao. Tôi thật không hiểu nổi tại sao lại có cách làm vô văn hóa như thế, và tại sao mấy ông quan văn hóa lại để tình trạng này xảy ra.
Còn ở dinh Độc Lập (nay là dinh Thống Nhất) thì bị xuống cấp nghiêm trọng. Phòng ốc loang lổ, dơ bẩn, rồi lại có những cái lô-cốt có lẽ tồn tại từ thời bao cấp của những người Bộ-đội từ Bắc mới vào Nam xây để trồng rau để “cải thiện đời sống” vẫn còn chình ình phía sau dinh, trông rất phản cảm. Còn phía trong, những toilet (ôi thoi ! những toilet) ở đây không được tu sửa nên bước vào phòng là mùi hôi thối nồng nặc. Ấy thế mà người ta tổ chức hội nghị khoa học quốc tế ở đây mới chết người chứ ! Ở những nơi này, người ta đều thu phí vào nhưng chẳng biết số tiền đó được sử dụng cho việc gì, chắc chắn không phải cho việc bảo trì rồi.
Đó là chưa kể đến đội quân chèo kéo du khách lúc nào cũng bu quanh họ làm họ hết hồn hết vía Thật ra, chẳng đâu xa, ngay phía ngoài những khách sạn 5 sao sang trọng, mỗi khi khách bước ra là bị đội quân này vây đến nỗi có khách dơ tay lắc đầu than trời. Những người buôn gánh bán bưng này không còn thi vị như trước nữa, mà họ đã trở thành một lực lượng hung-hãn có thể bóp méo hình ảnh một nước Việt Nam thân-thiện. Thật ra, phần lớn lực lượng chèo kéo này là người từ “miền ngoài”(Thanh Hóa, Nghệ An Hà Tĩnh, v.v…) vào, chứ không hẳn là người miền Nam. Nhìn thấy những cảnh này, Tôi – một người Việt- thấy rất xấu hổ cho cái văn hóa đặc thù đó. Tôi sẽ không trách các du khách đó nếu họ nói “Tôi sẽ không bao giờ quay lại xứ sở này”.

Dịch vụ nghèo nàn và kém
Dịch vụ du lịch ở Việt Nam nếu đem so với Thái Lan thì còn kém quá xa. Ngoại trừ một số công ti du lịch lớn, đại đa số các công ti du-lịch trung và nhỏ thì chưa cónhững hướng dẫn viên chuyên nghiệp,am hiểu lịch sử và tình hình đại phương để thuyết-phục khách du lịch Ở những nơi có nhiều thắng cảnh như Phú Quốc, còn thiếu rất nhiều nhân viên du-lịch có khả năng hướng dẫn du khách.. Nhiều khi tôi hỏi những em làm hướng dẫn ở địa phương,các em ấy chỉ nói “không biết và kèm theo một…Nụ cười!
Hôm ở Qui Nhơn, Tôi ghé thăm khu bảo tàng Quang Trung và nghe một cô hướng dẫn thuyết trình về những trận đánh gắn liền với tên tuổi của vua Quang Trung mà không biết nên cười hay khóc..
Tôi nghĩ Em nhầm lẫn giữa tuyên truyền và hướng dẫn du khách, nên những lời nói và cách nói của em biến em thành một cái loa tuyên truyền rất… khôi hài.

Một vấn đề nổi cộm ở Việt Nam là vệ sinh
Ghé qua bất cứ khu du lịch nào, dù là những khu nổi tiếng “danh lam thắng cảnh”, cái nỗi kinh hoàng nhất với du-khách là nhà vệ sinh. Hình sau đây cho thấy giữa một khu bảo tàng Quang Trung được xây khá hoành tráng mà nhà vệ sinh thì kinh-khủng và Tôi dám chắc rằng chẳng có du khách nào dám vào đó. Thật ra, chẳng cần đi đâu xa, du khách chỉ cần ghé qua cái toilet của nhà ga sân bay Phú Bài (Huế) hay sân bay Cam Ranh (Nha Trang), thậm chí nhà ga sân bay nội địa Tân Sơn Nhất thì sẽ thấy ngay người Việt Nam nói chung không quan tâm đến vệ sinh cá nhân. Ở những nơi (hãy tạm cho) là “văn minh” này, Tôi thấy những cái toilet cũ kĩ, dơ bẩn, nhếch nhúa, và có khi được thiết kế một cách rất… ngu xuẩn. Ngu xuẩn như thế nào? Chẳng hạn như ở nhà ga sân bay Phú Bài, người ta thiết kế cái toilet đi tiểu chắc là cho những người đàn ông cao 2 m trở lên, hay như cái cầu toilet mà nếu đóng cửa thì người ngoài vẫn có thể nhìn vào thấy mồn một ! Hay như ở nhà ga sân bay nội địa Tân Sơn Nhất, nơi tập trung nhiều chuyến bay hàng ngày, mà chỉ có một toilet, đến nỗi khi mỗi chuyến bay là có một hàng người dài chờ đi toilet! Thật khó mà tưởng tượng nổi tại sao một đất nước đang đổi mới lại có những người thiết kế những thứ toilet quái đản như thế hay những cái đầu quản lí với một cái toilet! Nói đến vệ sinh cá nhân làm Tôi nhớ đến chuyện…giấy.
Những ngày lưu lại thành phố Qui Nhơn tôi ở trong khách sạn Hải Âu….Theo quảng cáo và chứng nhận của Tổng cục Du lịch thì khách sạn này có hạng 4 sao tức là thuộc vào hạng khách sạn cao cấp. Khách sạn được xây gần bờ biển, và người thiết kế khách sạn phải nói là giỏi, vì ở bất cứ phòng nào, khách vẫn có thể nhìn ra biển, đều có thể mục kích cảnh núi rừng hùng vĩ, và đều có thể nhìn xuống thấy toàn bộ cảnh quan của thành phố. Phòng ốc cũng sạch sẽ, hiện đại, được trang bị hệ thống internet và wifi tuyệt vời, chắc chắn là hơn những khách sạn 5 sao mà Tôi từng ở Hà Nội và Sài Gòn, hay các thành phố lớn như Montréal, Los Angeles, San Francisco , New York, Florence,
Nhưng nếu có một khách sạn nào mà du khách không muốn quay lại ở thì Hải Âu là một khách sạn như thế. Phòng ốc tuy rất tuyệt vời, nhưng phần lớn đều… hôi thối. Nói chính xác hơn là hôi thối mùi thuốc lá.
Có lẽ vì khách sạn cho phép khách hút thuốc lá trong phòng, nên vào phòng nào cũng hôi mùi thuốc lá không chịu được. Chỉ trong vòng vài phút mà Tôi phải thay đổi đến 4 phòng để có một phòng có thể tạm sống được. Tôi góp ý cho mấy người làm quản lí, nhưng nhìn qua thái độ của họ tôi không hi vọng gì họ sẽ thay đổi.
Điều đáng nói nữa là khách sạn 4 sao nhưng trong phòng không có đến một cái cơ bản nhất của khách: đó là giấy serviette. Tôi hỏi thì người ta trả lời là khách sạn không có chính sách cung cấp hộp giấy trong phòng; muốn thì phải mua. Trời! mới nghe qua, Tôi tưởng mình nghe lầm. Khách sạn 4 sao gì mà không có giấy ??? Họ cho biết nếu cung cấp hộp giấy trong phòng thì khách sẽ ăn cắp hết. À, thì ra họ sợ khách ăn cắp giấy, nên làm khổ du khách.
Đây có lẽ là một lối suy nghĩ nhỏ mọn, chỉ vì tiết kiệm vài ba ngàn đồng mà họ bỏ qua cái lớn hơn : đó là thu hút khách. Thực khách ở những nhà hàng Việt Nam đều quen với tình trạng không có giấy serviette.
Buồn cười nhất và có lẽ tục-tĩu nhất là trong các nhà hàng hạng trung, người ta sử dụng giấy đi cầu để … lau miệng và lau tay. Còn những nhà hàng hạng “bình dân”, người ta cắt những mảnh giấy báo thành những mảnh vuông nhỏ khoảng 3 x 3 cm để làm giấy…Có nơi thì cung cấp những cái khăn lạnh (và dĩ nhiên là tính tiền), nhưng những ai có kinh nghiệm thì không dám sử dụng mấy cái khăn này vì chúng hàm chứa hàng triệu vi khuẩn gây bệnh trong đó.
Theo báo chí phản ảnh thì mấy khăn lạnh này được “tái sinh” bằng một công nghệ kinh khủng: sau khi dùng xong, người ta tẩy và thấm nước qua loa rồi xịt vào đó những loại dầu thơm rẻ tiền của Trung Quốc, và vô bao rồi đem đi giao cho các nhà hàng. Do đó, Tôi không ngạc nhiên chút nào khi mở ra thì thấy khăn vẫn còn những vết dơ bẩn hiển hiện trong khăn! Thật là kinh khủng! Người ta chỉ vì lợi nhuận mà làm bất cứ chuyện gì, kể cả chuyện lây bệnh

Cái gì cũng giả…
Nạn làm giả ở VN đã và đang làm cho hình ảnh nước ta đã méo mó càng xấu xí hơn. Có thể nói ở Việt Nam bây giờ cái gì cũng có đồ giả, đồ dỏm. Quần áo, đồng hồ, máy móc, vật dụng gia đình, rượu bia, thức ăn,v.v…đều có thể giả, và du khách có khi phải trả cái giá đắt cho sự giả tạo này. Chẳng riêng gì du khách, ngay cả người dân trong nước cũng thiếu tin tưởng vào hàng hóa “Made in Vietnam”. Nạn làm đồ giả ở nước ta đang trở thành một Quốc Nạn.
Kinh nghiệm cá nhân của Tôi có lẽ là một bài học ? Trên đường từ Kiên Giang về TPHCM, Tôi và anh bạn ghé vào một quán ăn vừa giải lao vừa nhâm nhi, Tôi kêu hai chai bia “Ken”, thì thằng Em dơ tay ngăn lại ngay. Tôi ngạc nhiên hỏi tại sao thì nó giải thích: coi chừng bia giả. Trời, bia mà giả à ? Nó giải thích rằng trong thời gian gần đây bia Heineken do bán quá chạy nên bị giả nhiều, nhất là bia chai vì chai dễ giả hơn là bia lon. Hễ bất cứ cái gì có vẻ nổi tiếng trên thị trường thì có đồ giả hay đồ nhái ngay.
Hôm ở Qui Nhơn, hai lần đi mua bin để vào máy chụp hình là hai lần bị bin giả. Pin cũng được đóng hộp và bao bì rất “xịn”, nhưng chụp chưa đầy 5 tấm hình thì … hết pin. Tôi đã phải trả 30.000 đồng cho 8 cục pin như thế. Tiền thì tốn chẳng bao nhiêu, nhưng giận nhất là đứng trước một cảnh đẹp, ưng ý mình, mà đành bó tay vì máy nói “Battery Empty” (hết pin) để ghi lại. Có khi Tôi muốn thốt lên lời chửi thề cho hả dạ, nhưng nghĩ lại thì biết chửi ai đây ? Chửi cái văn hóa dỏm, cái văn hóa lường gạt của dân mình ư ? Đành phải ngậm miệng và bấm bụng chịu đau thôi.. Giá cả quá đắt…Tôi đã nói qua những dịch vụ kém cỏi của du lịch Việt Nam, nhưng có cái làm chùng bước du khách nhất là giá cả quá đắt đỏ. Khách sạn ở Việt Nam bây giờ, dù là khách sạn không sao, giá vẫn 40-50 USD/phòng. Khách sạn 3 sao trở lên thì giá tuy còn quá rẻ so với các khách sạn cùng hạng ở Tây phương, nhưng lại khá đắt so với các khách sạn trong vùng Đông Nam Á. Với những dịch vụ nghèo nàn như ở nước ta thì Tôi nghĩ sẽ không khó cho du khách khi họ chọn đi Thái Lan và Mã Lai vì ở những nơi này giá cả còn rẻ (hơn Việt Nam) mà dịch vụ thì lại tốt hơn gấp mấy lần..
Có một hiện tượng ở những tỉnh lẻ là người ta hay “chém” du khách và Việt kiều. Một hôm, Tôi và một người bà con vào quán Bảy Mẫu trên đường Xuân Diệu, Thành-Phố Qui Nhơn…Quán ăn thuộc loại bình dân, chứ chẳng phải sang trọng gì, nhưng vì nằm gần biển nên Tôi muốn ngồi đó mà ngắm biển cho vui mắt. Tôi gọi 1 con cá lớn bằng gang tay, nửa con gà luộc, và 4 lon bia “Ken”. Đến khi gọi tính tiền, Tôi thấy con số tròn trĩnh 300.000 đồng. Nhìn qua thì tôi biết mình bị “chém”, nhưng Tôi làm bộ hỏi: con số 300 ngàn tròn quá hả em ? Người tính tiền là một em bé trai khoảng 19 tuổi gì đó cười mà không nói gì trước câu bình phẩm của Tôi. Nhưng Tôi vẫn vui vẻ trả, cho dù người bà con muốn cãi cọ và “kiếm chuyện” vì anh ấy là dân địa phương và thấy giá bất hợp lí. Tưởng bị chém ở quán là xong, ai dè lên xe taxi lại bị chém tiếp. Từ quán Bảy Mẫu đến Khách sạn Hải Âu chỉ khoảng 2 hay cao lắm là 3 cây số, và vì đêm đó (28/12, khoảng 10 pm) Việt Nam thắng Thái Lan nên để an toàn kêu taxi đi về khách sạn. Chiếc taxi của hãng Mai Linh (rất tiếc là tôi quên số) đi đến đường Nguyễn Tất Thành thì không đi thêm được nữa vì quá đông người và xe gắn máy. Tôi đành bảo anh tài xế cho Tôi xuống xe cuốc bộ khoảng 500 thước gì đó.
Nhìn đồng hồ tôi thấy 30 ngàn đồng! Tôi biết mình bị chém, vì quãng đường đó chỉ tốn 15 ngàn là cùng. Thôi thì đêm nay vui nên mình có thể cho anh ta thêm chục ngàn cũng chẳng sao. Nghĩ thế Tôi vui vẻ trả tiền…Nhưng vì ban đêm và Tôi tin anh ta, nên cầm tiền thối, tôi không để ý là anh ta lấy bao nhiêu ? Đến khi về khách sạn thì thấy anh ta lấy đến 50 ngàn đồng! Thế là bị chém đến 3 lần…Cũng là một chuyến đi đáng nhớ đời.
Có khi họ “chém” trước mặt mình chứ chẳng lén lút gì. Chẳng hạn như hôm đi thăm khu du lịch sinh thái Hàm-Hô (Bình Định). Ông anh Tôi (người địa phương) vào mua vé, mỗi vé giá 12 ngàn đồng. Nhưng đến khi cầm vé thì thấy trên giấy ghi là 10 ngàn đồng, anh Tôi bèn hỏi tại sao thêm 2 ngàn đồng ? Người bán vé thản nhiên nói vì phải thêm phần bảo hiểm ! Hỏi bảo hiểm gì thì anh chàng bán vé không trả lời được và bắt đầu nói ngọng. Tôi nói với ông anh “Thôi, cãi cọ làm gì với 2 ngàn đồng, mình bỏ qua cho chuyến đi được vui”. Ông anh Tôi còn ấm ức nói : Làm ăn kiểu này thì mai mốt ai dám vô đây ? Đúng, Tôi cũng nghĩ như anh, với cách làm tiền trắng trợn như thế thì du-khách có thể mỉm cười cho ăn, nhưng Họ sẽ không quay lại một lần nữa.
Cuối năm 2008 ngành du lịch đang than vản vì du khách đến Việt Nam giảm so với năm ngoái. Thật vậy, nhiều khách sạn Tôi ở qua đều than trời về tình trạng phòng trống, không có người thuê. Cũng may mà có khách Việt kiều về thăm quê, chứ nếu nguồn khách này giảm nữa thì quả là một thất bại. Nói gì thì nói, tình trạng “một đi không trở lại” là một xu hướng hết sức đáng ngại. Các giới chức đang bàn kế hoạch để thu hút du khách trở lại Việt Nam. Theo Tôi có lẽ hơi muộn. Nhưng muộn còn hơn không. Tôi nghĩ du khách có thể quay lại Việt Nam nếu ngành du lịch chấn chỉnh lại dịch vụ, xóa bỏ nạn chèo kéo du-khách, điều chỉnh giá cả cho hợp lí, và một điều không thể thiếu được : Đó là Vệ-Sinh.

Sydney Australia
(tuan's blog)


No comments:

Post a Comment