Họp tại Việt Nam, giới nghiên cứu phê phán việc Trung Quốc muốn áp đặt chủ quyền trên Biển Đông
Trọng Nghĩa
Bài đăng ngày 26/11/2009 - Cập nhật lần cuối ngày 26/11/2009 16:48 TU
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/119/article_5829.asp
Được tổ chức trong hai ngày tại hà Nội, Hội thảo quốc tế về ''Biển Đông : hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực'' là dịp để cho giới nghiên cứu trao đổi ý kiến với nhau. Đồng thời, các chuyên gia có thể gợi hướng giải quyết cho các nhà hoạch định chính sách ở từng quốc gia
Mở ra trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền trong thời gian một hai năm gần đây đã nổi cộm trở lại giữa các nước trong khu vực, đặc biệt là giữa Trung Quốc và Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, hội nghị do Học Viện Ngoại Giao Việt Nam phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam tổ chức sẽ là dịp để giới nghiên cứu khoa học trao đổi ý kiến với nhau và gợi hướng giải quyết cho các nhà hoạch định chính sách ở từng nước.
Khi xem xét lý do khiến tình hình Biển Đông ''nổi sóng'' trở lại sau nhiều năm tạm thời yên ắng, giới nghiên cứu quốc tế hầu như đều nhất trí cho rằng nguyên nhân gây căng thẳng là các hành động đơn phương của Trung Quốc nhằm áp đặt chủ quyền của họ trên các khu vực đang tranh chấp với các nước khác, từ Việt Nam, Malaysia, cho đến Philippines, Indonesia.
Phát biểu hôm nay khi khai mạc cuộc hội thảo tại Hà Nội, ông Dương Văn Quảng, Giám đốc Học viện Ngoại giao, đã nêu bật tình trạng căng thẳng trở lại tại khu vực Biển Đông trong thời gian gần đây và hàm ý nhắc đến những hành động ''đơn phương'' của Trung Quốc. Theo báo trên mạng Vietnamnet, ông Quảng xác định : ''Điều đáng quan tâm là những tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ giữa nhiều bên liên quan không hề thuyên giảm ở Biển Đông. Ngược lại, những diễn biến gần đây, nhất là các hành động khẳng định chủ quyền về mặt pháp lý, kèm theo đó là những hành vi đơn phương nhằm tăng cường sự kiểm soát thực địa, tranh chấp các nguồn năng lượng và tài nguyên đã làm cho tình hình thêm phức tạp".
Trung Quốc làm tình hình biển Đông căng thẳng trở lại
Nếu đại diện ban tổ chức có lời lẽ ngoại giao, thì nhiều diễn giả đã không ngần ngại chỉ đích danh Trung Quốc là tác nhân làm cho tình hình căng thẳng trở lại. Trong một bài tham luận chung được báo TuanVietnamnet công bố, hai giáo sư Nguyễn Hồng Thao, thuộc trường Đại học Quốc gia Hà Nội và Ramses Amer, trường Đại học Stockholm, Thụy Điển giải thích :
''Sự lên xuống của giá dầu đặc biệt là sự lên giá nhanh chóng vào khoảng giữa năm 2008 là một vấn đề lớn đối với Trung Quốc và các nước khác trong khu vực. Trung Quốc cần năng lượng để giúp nền kinh tế phát triển nhanh chóng... Dường như Trung Quốc muốn thúc đẩy việc mở rộng thăm dò và khai thác dầu khí đặc biệt là ở biển Đông.
Các nghiên cứu về Trung Quốc đánh giá dự trữ tài nguyên dầu tại quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa khoảng từ 105 đến 213 tỷ thùng và mức sản xuất dầu tại Trường Sa có thể đạt 1,4 đến 1,9 triệu thùng mỗi ngày. Việc giành quyền kiểm soát đối với các vùng biển là một phần trong chính sách đảm bảo năng lượng. Trung Quốc đã nhiều lần nhắc lại yêu sách của họ đối với phần lớn biển Đông trong vùng đường đứt khúc 9 đoạn''.
Theo ghi nhận của giới quan sát, đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc bao trùm 80% vùng Biển Đông, một điều mà các nước trong khu vực khó có thể chấp nhận. Hai giáo sư Thao và Amer phân tích : ''Yêu sách của Trung Quốc chồng lấn với yêu sách của Indonesia tại đông bắc đảo Natuna của Indonesia, nơi được coi là giàu tiềm năng dự trữ dầu khí. Yêu sách này cũng một phần chồng lấn với mỏ khí tự nhiên của Philippines ở Malampaya và Camago, với mỏ khí tự nhiên của Malaysia ngoài khơi Sarawak, với mỏ Tư Chính và Đại Hùng của Việt Nam.
Không chỉ khẳng định chủ quyền suông, theo hai tác giả bản báo cáo, Bắc Kinh còn có những hành động thúc ép cụ thể nhằm áp đặt chủ quyền của họ dù vấn đề tranh chấp chưa được giải quyết ổn thỏa theo đúng luật lệ quốc tế : ''Năm 2007 và 2008, Trung Quốc đã gây sức ép với BP, Conoco Phillíp, Exxon Mobil và Oil and Natural Gas Company - một công ty nhà nước của Ấn Độ đang làm việc ngoài khơi bờ biển phía Nam Việt Nam phải ngừng hoạt động hợp tác với Việt Nam theo giấy phép do chính phủ Việt Nam cấp''.
Từ chính sách đơn phương đến hành động quyết đoán
Cùng một nhận xét với hai tác giả nói trên, giáo sư Carlyle Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc, trong một bài viết gởi đến Hội thảo Hà NộI, cũng nêu bật các hành động quyết đoán (assertiveness) của Trung Quốc tại vùng Biển Đông trong năm 2009, đặc biệt là đối với Việt Nam. Trong số các ''hành động quyết đoán'' này, phải kể trước tiên đến việc Bắc Kinh đơn phương ban hành lệnh cấm đánh cá trong vòng ba tháng ở khu vực Biển Đông, rồi cử hạm đội tuần tra xuống khu vực để ép buộc các nước khác phải tuân thủ lệnh này.
Giáo sư Thayer ghi nhận một loạt những hành động quá đáng được báo chí Việt Nam loan tải như bắt giữ tàu đánh cá Việt Nam cùng các ngư phủ, bắt những người này nộp phạt rồi mới thả ra. Thậm chí còn có việc đâm chìm một chiếc tàu của Việt Nam, cũng như bắt giữ ngư dân Việt Nam chạy vào lánh bão ở vùng Hoàng Sa.
Bên cạnh đó, giáo sư Thayer cũng ghi nhận các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc căn cứ trên tấm bản đồ 9 điểm hình lưỡI bò mà Bắc Kinh chính thức trưng ra hồi tháng 5 năm 2009. Theo giáo sư Thayer, một số quan chức ngoại giao Hoa Kỳ đã cực lực bác bỏ yêu sách của Trung Quốc.
Đối với giáo sư Thayer, thái độ cứng rắn trở lại của Trung Quốc đối vớI Việt Nam trên vấn đề Biển Đông có thể bắt nguồn từ ba nguyên nhân. Trước hết là nhằm gây sức ép trên chính quyền Hà NộI, buộc họ phải chấp nhận giải pháp đồng khai thác và sản xuất các mỏ dấu khí ngoài khơi bờ biển Việt Nam. Điểm này, theo giáo sư Thayer, khó có thể được Việt Nam chấp nhận vì khu vực này nằm bên trong hay sát cạnh vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam.
Bên cạnh đó, theo giáo sư Thayer, có thể là Trung Quốc cũng muốn bày tỏ thái độ bất bình của trước khả năng Việt Nam tăng cường quan hệ an ninh với Hoa Kỳ. Nguyên nhân thứ ba bao quát hơn, đì từ vấn đề thèm khát các mỏ dầu khí trong vùng Biển Đông, tầm quan trọng chiến lược ngày càng lớn của các tuyến hàng hải xuyên Biển Đông đối vớI Bắc Kinh, và tham vọng trở thành một đại cường.
Nhận xét của các chuyên gia như Carlyle Thayer, Nguyễn Hồng Thao, hay Ramses Amer không phải là riêng lẻ. Trong một công trình nghiên cứu vừa được Hiệp hộI The Jamestown Foundation ở Hoa Kỳ công bố ngày 20/11, hai giáo sư Ian Storey và Clive Schofield cũng nêu bật chính sách mà Trung Quốc đang thực hiện trên vấn đề biển Đông.
Theo hai tác giả này, sau một thời gian ngắn tạm thời hoà hoãn vào nửa đầu thập niên 2000, để chiêu dụ các nước Đông Nam Á, trong một vài năm qua Trung Quốc đã có thái độ quyết liệt trở lại, vừa củng cố cơ sở pháp lý, vừa mở rộng tầm hoạt động của quân đội, vừa tìm cách lũng đoạn việc đòi hỏi chủ quyền của nước khác bằng một đường lối ngoại giao mang tính chất thúc ép.
No comments:
Post a Comment