Saturday, November 7, 2009

TRUNG QUỐC LẤY THỊT ĐÈ NGƯỜI

Trung Quốc lấy thịt đè người
China Throws its Weight Around
Asia Sentinel

Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ
06.11.2009
http://www.x-cafevn.org/node/2347
Bắc Kinh tìm cách ép buộc hủy bỏ một cuộc triển lãm nhiếp ảnh tại Dhaka.
Chính quyền Trung Quốc đã gây áp lực tuần trước để ép buộc việc đóng cửa một cuộc triển lãm ở Dhaka, thủ đô Bangladesh, với đề tài về tình cảnh của những người Tây Tạng trong thời kỳ vương quốc cô độc này bị người Trung Quốc xâm chiếm năm 1949.

Cuộc triển lãm ảnh mang tên "Lưu vong - Tây Tạng 1949-2009" do hội Sinh viên Bangladesh Vì Tự do Tây Tạng hợp tác với một nhà triển lãm tên tuổi Drik Gallery ở Dhaka. Nó được dự tính sẽ khai trương vào ngày 1 tháng 11. Nhưng cảnh sát Bangladesh, với trang bị chống nổi loạn, đã xuất hiện một giờ trước khi cuộc triển lãm mở cửa và ngăn cản không cho mọi người vào xem.

Dalai Lama rõ ràng vẫn là kẻ thù số một của Trung Quốc. Bắc Kinh viện biện hộ việc chiếm đóng vương quốc vùng núi này là nó luôn là một phần của Trung Quốc, và số tiền đổ vào để phát triển Tây Tạng đã giúp những người Tây Tạng còn lại thoát khỏi cuộc sống nô lệ và mê tín dị đoan.

Trung Quốc ngày càng có ảnh hưởng tại Bangladesh, một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới với tổng thu nhập sản phẩm nội địa bình quân là $1.500 mỗi đầu người, xếp thứ 196 trên thế giới. Trung Quốc, với tiềm năng xuất khẩu mạnh mẽ, năm 2006 đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Bangladesh, đặc biệt là trong lĩnh vực dệt may, trong đó các xí nghiệp của Bangladesh tái xuất khẩu mặt hàng của Trung Quốc sang các nước phương tây. Ngược lại, Bangladesh chiếm một phần rất nhỏ trong trao đổi thương mại của Trung Quốc, có nghĩa là nếu muốn, Trung Quốc có thể rút khỏi Bangladesh với thiệt hại không đáng kể.

Nền xuất khẩu của Bangladesh đang trở thành lĩnh vực kinh tế chính, đã tăng trưởng 10 phần trăm trong tài liệu ghi nhận gần nhất với việc xuất khẩu mặt hàng đan tăng 16 phần trăm và vải sợi tăng 14,5 phần trăm. Ngành giao dịch vải dệt của Bangladesh có triển vọng đạt được 12 tỉ đô-la trong năm 2009.

Theo Tân Hoa Xã, Trung Quốc đã miễn thuế 84 mặt hàng của Bangladesh chiếu theo Hiệp ước Thương Mại Châu Á - Thái Bình Dương, có hiệu lực từ 1 tháng 1, 2006. Một danh sách gồm 75 mặt hàng khác hiện đang được Bộ Thương mại xem xét.

Giám đốc điều hành của Drik Gallery, Shahidul Alam, nói với phóng viên rằng cảnh sát đặc biệt Bangladesh, được lệnh của chính quyền, đã yêu cầu ông ngưng cuộc triển lãm. Ông nói cảnh sát còn muốn biết tên tuổi của những người tổ chức. Mặc dù các sĩ quan cảnh sát từ chối xuất trình công lệnh, họ đe dọa sẽ dùng vũ lực để đóng cửa phòng triển lãm nếu những người tổ chức không chấp thuận.

Trong một bài blog viết ở Dhaka, Alam nói rằng tham tán văn hóa Qian Kaifu và tùy viên văn hóa Cao Yanhua của Đại sứ quán Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc ở Bangladesh đã đến thăm và tặng ông một chiếc cà vạt lụa, một cuốn lịch năm 2010 và một hộp trà.

Alam viết rằng Qian đã "đi thẳng vào vấn đề, 'Chúng tôi muốn ông nên hủy bỏ cuộc triển lãm Tây Tạng,' ông ta nói. Ông ta nhắc lại cho tôi rằng Tây Tạng là một phần của Trung Quốc, và ông ta giải thích tiếp rằng mối quan hệ Bangladesh - Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nếu cuộc triển lãm tiến hành. Ông ta còn nói về nhiều điều mà chúng tôi có thể cùng hợp tác, cùng tổ chức những cuộc triển lãm."

Alam nói rằng ông đã lưu ý với Qian rằng phòng triển lãm của ông hoạt động độc lập và không liên quan gì đến chính quyền Bangladesh và hỏi Qian rằng "Ông nghĩ gì khi cho rằng mình có quyền để bảo chúng tôi nên triển lãm thứ gì."

Tối ấy, Alam viết, một viên chức cao cấp của Bộ Văn hóa gọi điện cho ông và cảnh báo việc trưng bày những bức ảnh về Dalai Lama. "Trung Quốc là bạn, anh không được trưng bày ảnh của Dalai Lama" vị quan chức cao cấp tiếp tục. "Không, không, chúng tôi không đề cập đến việc kiểm duyệt, nhưng..." Khi Alam từ chối hủy bỏ cuộc trưng bày, lực lượng Cảnh sát Đặc biệt xuất hiện, yêu cầu được biết tên tuổi và chi tiết của những người tổ chức triển lãm.
"Tôi cũng quen thuộc với thứ ngôn ngữ này rồi, nhưng đã quyết định giữ vững lập trường của mình," Alam viết. "Họ gọi điện cho 'cấp trên' của mình, cố tình cho tôi nghe thấy cuộc trò truyện của họ "Ông ấy không chịu hợp tác... Vâng ông ấy đang ở đây... Tôi đã giải thích sự tình... Chúng tôi chưa làm việc gì khác...”

Những cuộc thăm viếng kế tiếp đã không lay chuyển được những người của Drik Gallery từ bỏ việc tổ chức triển lãm, với kết quả cuối cùng là cảnh sát đã xuất hiện và đóng cửa khi cuộc trưng bày đến giờ mở màn. Khi đám đông bắt đầu tụ tập, những người tổ chức nói rằng họ sẽ đưa nó ra ngoài đường phố nếu phòng triển lãm bị đóng.

"Nếu chính phủ Trung Quốc cứ tiếp tục đưa ra luận điểm duy nhất là những quốc gia khác không nên can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc thì rõ ràng đây chính là một điển hình của việc 'nói một đường, làm một nẻo'". theo lời Rob Godden, thuộc trang mạng Rights Exporsure Project, một tổ chức bảo vệ quyền lợi của bloggers trên toàn thế giới.

Godden viết, đây là lần thứ hai trong vòng một năm, chính quyền Trung Quốc đã tìm cách ngăn cản một cuộc triển lãm nghệ thuật. Lần đầu ở Úc, khi những kẻ phá hoại mạng Trung Quốc đã tổ chức một cuộc tấn công đại trà vào trang mạng của Liên hoan Điện ảnh Quốc tế Melbourne, một liên hoan phim lớn nhất của nước Úc, vì ban tổ chức đã quyết định trình chiếu một phim tài liệu về lãnh tụ lưu vong người Uighur là Rebiya Kadeer. Bọn hacker đã thay thế những thông tin về chương trình liên hoan với cờ Trung Quốc và những khẩu hiệu đả phá Kadeer, cũng như đã gửi thư rác nhằm mục đích làm tê liệt trang mạng này, những tường thuật của báo chí Úc cho biết.


No comments:

Post a Comment