Monday, November 30, 2009

THỦ TƯỚNG KHÔNG CÁCH CHỨC ĐƯỢC AI

Thủ tướng không cách chức ai, hay là không cách chức được ai?
Người Yêu Nước
30.11.2009
http://www.x-cafevn.org/node/2417
Kỳ họp Quốc hội thứ 6, Quốc hội Khóa 12 đã bế mạc hôm 27 tháng 11 năm 2009. Vẫn còn khá nhiều âm vang sau kỳ họp, nhưng có lẽ âm vang sôi nổi nhất là cuộc trả lời chất vấn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hôm 19 tháng 11, vì ông Dũng nói sau 3 năm làm Thủ tướng, ông chưa cách chức được ai. Ông Dũng còn viện dẫn trường hợp cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, làm Thủ tướng 32 năm, lâu nhất thế giới, và trong suốt 32 năm dài dằng dặc đó, ông Đồng cũng không cách chức được ai.

Dĩ nhiên báo chính thống của Nhà nước thì chẳng ai dám chê Thủ tướng. Nhưng các Bloggers thì nêu nhiều ý kiến phê phán ông Thủ tướng Dũng, rằng ông cũng “mũ ni che tai”, ngại va chạm, giống người tiền nhiệm Phạm Văn Đồng, thậm chí chê ông Dũng “lời nói không đi đôi với việc làm”, đạo đức giả... Thật ra, những người chê ông Thủ tướng Dũng như vậy cho thấy những người chê chưa hiểu rõ về cơ chế hoạt động của Nhà nước ta.

Đâu phải chỉ có ông Dũng than không cách chức được ai. Ông Thủ tướng Phan Văn Khải cũng đã từng than trước Quốc hội là ông không cách chức được ai, và cũng không bổ nhiệm được ai. Các ông Thủ tướng khác như ông Kiệt, ông Mười, ông Phạm Hùng, và nổi tiếng nhất là ông Phạm Văn Đồng cũng đều có cách chức được ai đâu. Thật ra, ông Dũng có ký quyết định kỷ luật một quan chức trong ngành hàng không, và ngành than. Nhưng không phải là ông Dũng tự làm, mà chỉ là thừa hành ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư thôi. Cơ chế tổ chức của Nhà nước ta rất lằng nhằng, không ai có thực quyền.

Ở trên trung ương có Ban Tổ chức trung ương, mà hiện nay ông Hồ Đức Việt đang là Trưởng ban. Đây là Ban to nhất chịu trách nhiệm về nhân sự. Mọi việc bổ nhiệm, hay cách chức, thuyên chuyển cán bộ từ cấp thứ trưởng, phó chủ tịch tỉnh, thành phố trở lên đều phải do Ban này có ý kiến trước. Ban Tổ chức đệ trình Ban Bí thư, Ban Bí thư đệ trình Bộ Chính trị. Bộ Chính trị thảo luận, quyết định, khi đó Thủ tướng, hoặc Chủ tịch nước ra quyết định thi hành. Cũng có khi Ban Bí thư thừa ủy quyền của Bộ Chính trị có ý kiến, sau đó Chủ tịch nước, hoặc Thủ tướng ra quyết định thi hành. Chính vì lẽ đó mà ông Phạm Văn Đồng nói ông chưa hề cách chức được ai trong 32 năm làm Thủ tướng, mặc dù ông vẫn ký quyết định bổ nhiệm, hay cách chức ai đó. Và ông Dũng cũng nói ông không cách chức được ai trong 3 năm làm Thủ tướng, mặc dù ông cũng đã ký quyết định kỷ luật vài người.

Ở các bộ, ngành cũng vậy. Bộ trưởng không có quyền bổ nhiệm, hay cách chức thứ trưởng. Việc đó là do Ban Tổ chức trung ương, và ban Bí thư xắp xếp. Với cấp vụ trưởng, vụ phó, trưởng phòng, phó phòng, thì do Vụ tổ chức cán bộ chịu trách nhiệm, và báo cáo lên Ban Tổ chức Chính phủ, rồi báo cáo Ban cán sự Đảng của Bộ. Bộ trưởng, hoặc Thứ trưởng chỉ là người ký cuối cùng. Ở địa phương, các tỉnh, thành phố, quận, huyện, thì có Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Thành ủy, rồi có Tỉnh ủy, Thành ủy, rồi Thường vụ Thành ủy, Tỉnh ủy. Các cơ quan này thảo luận, quyết định các nhân sự thuộc mình quản lý, rồi thỏa thuận với ngành dọc. Ví dụ muốn cách chức, bổ nhiệm, hay thuyên chuyển Giám đốc Công an tỉnh,thì Tỉnh ủy, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ủy ban tỉnh phải thảo luận, rồi bàn với Bộ Công an, thống nhất ý kiến. Sau đó Bộ trưởng Bộ Công an mới ký các quyết định cách chức, hay bổ nhiệm, hay thuyên chuyển ông Giám đốc này.

Hồi ông Lê Khả Phiêu làm Tổng bí thư, năm 1997-2001, ông muốn thay Tổng biên tập báo Quân đội, thiếu tướng Phan Khắc Hải, nhưng cũng rất vất vả. Cuối cùng, ông Phiêu đành thay ông Tổng biên tập này bằng cách đưa ông này sang làm Thứ trưởng Bộ Văn hóa.

Đó là nói đến sự thuận lợi, không có ai chống đối. Nhưng nếu có người chống đối lại việc kỷ luật cán bộ, thì còn phức tạp nữa. Hồi năm 1999, có vụ làm công viên Thủy cung Thăng long ở Hà Nội, mà ông Phó Thủ tướng Ngô Xuân Lộc có trách nhiệm vì ký duyệt sai trái công trình này, trong khi tất cả các ngành liên quan đều phản đối. Ông Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu muốn giữ nghiêm phép nước, yêu cầu phải cách chức ông Phó Thủ tướng Ngô Xuân Lộc. Nhưng ông Cố vấn Đỗ Mười phản đối, vì ông Lộc là đệ tử của ông Mười. Cuối cùng, sau bao vất vả, ông Phiêu cũng thuyết phục được Quốc hội bỏ phiếu bãi nhiệm ông Lộc. Ông Đỗ Mười bực mình lắm, và đấy là một trong những lý do để ông Mười vào hùa với ông Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt hạ bệ ông Phiêu vào Đại hội Đảng 9 năm 2001.

Khi mới nhậm chức Thủ tướng năm 2006, ông Nguyễn Tấn Dũng cũng muốn vượt ra khỏi vòng cương tỏa của Ban Tổ chức trung ương, ông không muốn cán bộ của ông do Ban Tổ chức trung ương xắp xếp. Nên ông Dũng nằng nặc đòi bổ nhiệm bằng được thêm 2 chức Phó Thủ tướng cho 2 ông Hoàng Trung Hải, và Nguyễn Thiện Nhân, mặc dù khi đó số Bộ từ 28 giảm xuống còn 22. Như vậy số Bộ thì giảm xuống còn 22, nhưng số Phó Thủ tướng thì tăng từ 3 lên 5 vị như hiện nay. Thâm ý của ông Dũng là muốn bẩy ông Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm sang Mặt trận, hoặc Quốc Hội, và bẩy ông Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng cũng sang Quốc hội, để đưa ông Hải vào thay ông Hùng, và ông Nhân vào thay ông Khiêm. Thế nhưng sức của ông Dũng cũng đã hết hơi, ông đưa được hai ông Hải, Nhân vào chức Phó Thủ tướng thì ông Dũng không còn sức nữa, “thở không ra hơi”, nên ông không còn đủ sức để bẩy hai ông Hùng, Khiêm đi. Thế cho nên đến bây giờ, Chính phủ ta vẫn có 5 ông Phó Thủ tướng, rất không phù hợp. Và cũng dễ thấy sự khập khiễng, vì chưa bao giờ nước ta có một Bộ trưởng Bộ giáo dục kiêm Phó Thủ tướng.

Cũng vì cái việc muốn qua mặt Ban Tổ chức trung ương này, mà ông Dũng tất nhiên gây thù, chuốc oán với các ông Hồ Đức Việt, Trưởng Ban Tổ chức trung ương, và ông Sinh Hùng, ông Phạm Gia Khiêm.

Cái cơ chế tập thể lãnh đạo như nước ta hiện nay vừa có cái dở, vừa có cái hay. Cái dở, là rất chậm, và không có người chịu trách nhiệm chính. Cái hay, là tránh được sự phiêu lưu, tùy tiện của một người lãnh đạo. Cái ví dụ về sự tùy tiện trong thưởng, phạt cán bộ rõ nhất là của ông Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu của Chính phủ miền Nam Việt Nam cũ. Trong trận An Lộc, tỉnh Bình Long tháng 5, 6 năm 1972, sư đoàn 5 của quân đội Sài Gòn đã anh dũng chống trả được sự bao vây của 4 sự đoàn bên cộng sản. Đây là một trận thắng vang dội hiếm có của quân đội Sài Gòn cũ, thể hiện sự tài giỏi, dũng cảm của chuẩn tướng Tư lệnh sự đoàn 5 Lê Văn Hưng, và toàn bộ chiến sĩ, sĩ quan của sư đoàn 5. Thế nhưng ngày mổng 7 tháng 7 năm 1972, ông Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đến An Lộc khen thưởng quân đội, ông thăng chức lên 1 cấp cho tất cả các chiến sĩ, sĩ quan sư đoàn 5 đánh trận An Lộc, riêng chuẩn tướng Tư lệnh sư đoàn Lê Văn Hưng không được thăng cấp, chỉ được thưởng Huân chương, và Anh dũng bội tinh. Nếu đây là chiến thắng của quân đội cộng sản, thì không thể có chuyện tất cả chiến sĩ được thăng cấp, còn tư lệnh thì không được thăng cấp. Sự tùy tiện này của ông Thiệu là một trong những nguyên nhân làm chính quyền miền Nam thua trận vào năm 1975.

Nhưng nói chung, sự lãnh đạo tập thể như ở nước ta hiện nay, không cho người lãnh đạo quyền quyết định cấp dưới của mình là một cách làm lạc hậu, chắc chắn sẽ phải được thay đổi sau Đại hội Đảng 11 vào đầu năm 2011.




No comments:

Post a Comment