Wednesday, November 18, 2009

TẠI SAO CUỘC ĐÀN ÁP THIÊN AN MÔN KHÔNG XẢY RA Ở ĐÔNG ÂU

Tại sao một cuộc đàn áp đẫm máu như Thiên An Môn không xảy ra ở Đông Âu?
Jonathan Eyal
Nguyên Hân chuyển ngữ
17-11-2009
http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=6907
DCVOnline: Hai mươi năm sau ngày bức tường ngăn cách thành phố Bá Linh sụp đổ, cùng sự cáo chung của chủ nghĩa cộng sản ở Đông Âu, các sử gia vẫn vò đầu gãi tai thắc mắc vì sao sự kiện tàn sát đẫm máu người dân biểu tình đòi cải cách và dân chủ ở quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh năm 1989 đã không xảy ra ở Đông Âu?
Nhà báo Jonathan Eyal cho rằng chính vì sự đàn áp đẫm máu ở Thiên An Môn xảy ra trước mà Đông Âu tránh được tai họa này, bởi những điều kiện khác nhau khách quan giữa hai bên, mặc dù "cùng lò cộng sản""; và bên cạnh đó là ở Đông Âu, ai ai cũng tham gia cuộc cách mạng này. Trong lúc nhà báo Ching Cheong thì cho rằng biến cố Thiên An Môn đã gióng lên hồi chuông báo động thế giới, làm những người có ý tưởng dùng bạo lực trấn áp người biểu tình phải chùn tay, và biến cố này không những không làm người dân ở Đông Âu sợ hãi, mà thay vào đó, họ có thêm can đảm từ tấm hình "tăng nhân", ám chỉ một thanh niên Trung Hoa đứng án ngữ, chận đầu đoàn xe tăng đang tiến vào quảng trường Thiên An Môn; và những điều này đã tác động lên sự sụp đổ tan tành chủ nghĩa cộng sản ở Đông Âu.
Trân trọng mời bạn đọc theo dõi quan điểm của hai nhà báo này. Bài của tác gỉa Ching Cheong sẽ được đi vào ngày mai.

-------------------------------------
Hầu như ai ai cũng tham gia cuộc nổi dậy trong cuộc cách mạng chôn vùi chủ nghĩa cộng sản ở Đông Âu.

Những nhà lãnh đạo châu Âu vừa gặp nhau tuần rồi ở thủ đô nước Đức nhằm đánh dấu lần thứ 20 ngày sụp đổ bức tường Bá Linh có những ý kiến trái ngược nhau, về điều gì đã đưa đến sự chấm dứt cuộc Chiến tranh Lạnh. Cuộc thành công nào cũng có nhiều nguyên do, và nước nào ở châu Âu nào cũng cho mình đóng một vai trò trong đó.
Tuy khác nhau về ý kiến, châu Âu đã đồng nhất với nhau một yếu tố căn bản: Ngoại trừ Lỗ Ma Ní (Romania), nơi đã có một vài cuộc đánh nhau, cuộc cách mạng của lục địa này năm 1989 đã xảy ra một cách ôn hòa.
Sự thành tựu này càng đặc biệt hơn nữa, nếu người ta nhớ rằng, cũng trong cùng năm, nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc đã dùng vũ lực nghiền nát một cuộc nổi dậy quần chúng ở ngay trong đất nước của họ. Một cách kỳ lạ, cái phương cách sắt máu ở Quảng trường Thiên An Môn đó đã không được mang ra thử ở Đông Âu: một cách đơn giản, các chế độ cộng sản ở đó tự tan biến đi.
Sự trái ngược nhau giữa Trung Quốc và châu Âu tiếp tục làm các sử gia vò đầu gãi tai. Phải chăng đó là sự thất bại trong ý muốn của những nhà lãnh đạo cộng sản châu Âu, hay đâu là những lý do sâu xa hơn tại sao quân đội, súng đạn và bạo lực đã bị loại trừ, không được đem ra áp dụng ở châu Âu?
Các chế độ cộng sản Đông Âu chắc chắn không e dè gì chuyện máu đổ thịt rơi. Những cuộc nổi dậy trước đó – Hung Gia Lợi (Hungary) năm 1956, Tiệp Khắc (Czechoslovakia) năm 1967 và Ba Lan (Poland) năm 1981 - tất cả đều bị nghiền nát một cách tàn nhẫn. Châu Âu có Thiên An Môn riêng của mình, khoảng chừng một thập niên kể từ ngày Đệ nhị Thế chiến chấm dứt. Thực tế là, người Trung Hoa cộng sản chỉ thuần tuý bắt chước phương cách của Đông Âu.
Tuy nhiên, năm 1989, Đông Âu ở trong một tình thế hoàn toàn khác hẳn với những gì mà Trung Quốc đối diện.
Sự khác biệt đầu tiên là vai trò của Liên bang Xô-Viết. Đảng Cộng sản Trung Quốc có nguồn gốc quốc gia và tự nắm lấy quyền lực hơn là dựa vào Liên bang Xô-Viết. Các đảng cộng sản Đông Âu; tuy thế, đã không bao giờ thành công trong việc tạo cho mình một bản thể quốc gia; cho đến giờ phút cuối, họ vẫn là những giống cộng sản được cấy mầm từ Sô-Viết.
Giống như người Trung Hoa, người cộng sản Đông Âu có một lực lượng công an và quân đội hùng hậu. Tuy thế, những nhà cầm quyền ở Đông Âu ngay từ đầu đều hiểu rằng không thể tin cậy những lực lượng này có thể quay súng bắn vào chính đồng bào của họ nếu không có sự hậu thuẩn của Xô-Viết. Khi nhà lãnh đạo Liên bang Xô-Viết nói rõ là ông không còn chuẩn bị cung cấp vốn liếng xây dựng cho các thuộc địa của ông nữa, toàn bộ công trình xây dựng này bắt đầu sụp đổ.
Như thế, cùng ngày xe tăng Trung Quốc tiến vào quảng trường Thiên An Môn, thì những nhà lãnh đạo Ba Lan đồng ý chia sẻ quyền hành với những nhà bất đồng chính kiến chống cộng sản ở nước họ. Sử dụng bạo lực đơn giản không còn là một sự chọn lựa.
Nhà cầm quyền cộng sản Đông Đức đã có nghĩ đến chuyện dùng quân đội để trấn áp. Khi những cuộc biểu tình bùng lên hôm tháng Mười 1989, có tới 8.000 nhân viên an ninh Đông Đức được chuẩn bị để ra tay. Bệnh viện địa phương được cảnh báo là chuẩn bị để tiếp nhận thương vong hằng loạt.
Cuối cùng, không có gì xảy ra, phần lớn là do nhà nước Đông Đức nhận thức rằng sự phân hủy của nhà nước họ đã đến hồi hết thuốc chữa, không cách gì ngăn chận được nữa. Người Đông Đức đã đào thoát qua Tây Đức qua ngõ các nước láng giềng.
Cái điều gay go ở Đông Đức nhấn mạnh một sự khác biệt nữa giữa Trung Quốc và Đông Âu. Các nhà lãnh đạo cộng sản Trung Quốc cân nhắc chiến lược trấn áp ở quảng trường Thiên An Môn mà không để ý nhiều về thế giới bên ngoài; đất nước của họ phần lớn bị cách ly không tiếp xúc thường xuyên với thế giới phương Tây.
Nhưng những nhà lãnh đạo Đông Âu thì lại không có được điều này. Trước hết, tuy bị ngăn chận bởi bức tường Bá Linh, người châu Âu cũng đã liên lạc với nhau. Hằng chục đài truyền hình và phát thanh từ phương Tây phát vào vùng này, hằng triệu du khách phương Tây đi vào và ra như đi chợ; biên giới thì bị xoi thủng như tổ ong và Đông Âu về phương diện kinh tế lại đang mắc nợ phương Tây.
Các chính trị gia Trung Cộng hiểu điều đó, bên cạnh tác động thương tổn luân lý, đạo đức; những hành động đàn áp của họ ở Thiên An Môn sẽ không có tác động dài lâu. Các nước Đông Âu cộng sản thì không được sự bảo đảm an toàn đó.
Và rồi, có sự khác biệt trong mức độ giữa những thành phần chống cộng ở Đông Âu và Trung Quốc. Phong trào Thiên An Môn thu hút giới sinh viên và dân thành phố, hơn là công nhân ở các nhà máy hay đại chúng ở nông thôn. Ở Đông Âu thì ngược lại, hầu như ai ai cũng tham gia cuộc nổi dậy.
Dẹp một vụ biểu tình là điều khả thể, như Trung Cộng đã làm. Nhưng không ai có thể dự tính chuyện tấn công tới tấp, dồn dập mỗi một thành phố, mỗi một ngôi làng hay nhà máy, như những nhà lãnh đạo cộng sản Đông Âu phải đối đầu nếu họ chọn phương cách trấn áp thẳng tay.
Điều này không có nghĩa là các lục địa này không học được lẫn nhau. Mặc dầu đã chọn cho mình một phương cách giải quyết khác, đảng Cộng sản Trung Quốc đã học được một bài học cho chính mình từ cuộc cách mạng ở châu Âu. Họ hiểu rằng một nền kinh tế phồn thịnh là phương thuốc duy nhất cho sự tồn vong thể chế chính trị của họ. Sự tan rã của chủ nghĩa cộng sản ở châu Âu, một cách nghịch lý, đã thúc đẩy người Trung Hoa cộng sản cải cách thị trường. Kết qủa là một châu Âu tự do hơn và một Trung Quốc giàu có hơn.
Biến cố Thiên An Môn cũng đã thuyết phục những người chống cộng ở Đông Âu hành động chậm và cẩn thận hơn, để tránh đưa đến chuyện trả thù của những nhà lãnh đạo trên đà bị truất phế. Được xem như là một trong những cú ngoặc lạ đời nhất của lịch sử, sự đổ máu ở Thiên An Môn đã bảo đảm sự an bình ở châu Âu. Như ông Timothy Garton Ash - một trong những sử gia nổi tiếng nhất thời đó nhận xét, một cách đúng đắn: “Sự thật là biến cố Thiên An Môn xảy ra ở Trung Quốc là một lý do làm cho cảnh máu đổ thịt rơi đã không xảy ra ở châu Âu.”

© DCVOnline
Nguồn:
(1)
Nearly everyone rose in revolt. Straits Times, by Jonathan Eyal, Straits Times Europe Bureau, 10 November 2009



Cuộc đàn áp đẫm máu ở Thiên An Môn đã tác động đến Đông Âu như thế nào?
Ching Cheong
Nguyên Hân chuyển ngữ
18-11-2009
http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=6909

Sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ở Đông Âu năm 1989 làm các nhà lãnh đạo bị phân hóa

Sự sụp đổ của Bức tường Bá Linh hai mươi năm trước cũng góp phần đưa đến sự sụp đổ dây chuyền của những chế độ cộng sản ở Đông Âu và sự tan rã của Liên bang Xô-Viết năm 1991.
Một biến động lớn lao làm rúng động hơn 20 nhà nước cộng sản, hết thảy đều đặc biệt ở chỗ những thay đổi thể chế chính trị ở đây phần lớn được diễn ra trong ôn hòa.
Một cách châm biếm, cuộc cách mạnh không đổ một giọt máu này chỉ có thể xảy ra được ở châu Âu vì cuộc trấn áp đẫm máu bằng quân đội dành cho người biểu tình kêu gọi dân chủ ở quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh xảy ra chỉ mấy tháng trước đó. Tuồng như là biến cố Thiên An Môn ngày 4 tháng Sáu năm 1989, như được gọi như thế, là cọng rơm cuối cùng đánh gãy lưng con lạc đà cộng sản ở châu Âu.
Tiến sĩ Ulrich Mahlert, giám đốc Viện Nghiên cứu Thể chế Độc tài Đông Đức nói với báo Straits Times là biến cố Thiên An Môn đã tác động lên những tiến triển xảy ra ở Đông Âu qua nhiều phương diện.

- Trước hết, dùng quân đội để trấn áp tàn bạo người biểu tình đã gióng lên tiếng chuông báo động thế giới, gia tăng “niềm lo âu rằng có một sự nối kết mong manh với những giải pháp bạo động.” Nỗi lo sợ này có lẽ cũng làm cho nhà lãnh đạo Xô-viết có đầu óc canh tân Mikhail Gorbachev gượng lại không dùng vũ lực để giải quyết những vấn đề tranh chấp ở khối cộng sản.
Ông Gorbachev nói với những nhà lãnh đạo trong Hiệp ước Warsaw trong một buổi họp thượng đỉnh ở Bucharest, Lỗ Ma Ní (Romania) hôm ngày 7 tháng Bảy là mỗi một nước điều có quyền phát triển theo phương cách của chính nước đó. Ông kêu gọi sự dung nạp giữa các nhà lãnh đạo cộng sản dành cho “những giải pháp độc lập của mình để giải quyết vấn đề cho từng quốc gia.”
Vài tháng sau đó, ông gởi Bộ trưởng Ngoại giao của mình là ông Edward Shevardnadze đến Liên Hiệp Quốc để bảo đảm lời cam kết của ông rằng Mạc Tư Khoa sẽ không dùng đến vũ lực để dập tắt những phong trào đòi hỏi dân chủ.
Lời tuyên bố của ông Gorbachev phản ảnh sự thay đổi hoàn toàn chính sách của Xô-viết. Trong qúa khứ, Mạc Tư Khoa đã thô bạo trấn áp những cuộc nổi dậy của quần chúng, họ ra lệnh cho xe tăng tiến vào Đông Đức năm 1953, cũng như Ba Lan (Poland) và Hung Gia Lợi (Hungary) năm 1956. Không hài lòng với những cải cách ở Nam Tư (Czechoslovakia) thời đó, Mạc Tư Khoa cũng gởi quân đội và xe tăng xâm chiếm nước này năm 1968.

- Thứ nhì, cuộc trấn áp ở Bắc Kinh không những không làm những người biểu tình ở các nước cộng sản Đông Âu hoảng sợ; nhưng ngược lại, làm họ kiên cường hơn. Xác định trước là không để một “Thiên An Môn châu Âu xảy ra”, họ đã lo liệu trước để chắc chắn không cho nhà cầm quyền cơ hội áp dụng cái “giải pháp Trung Hoa”.

- Điều thứ ba, sự khủng hoảng Thiên An Môn làm cho những nhà lãnh đạo cộng sản hoang mang, không đồng nhất với nhau về chuyện giải quyết chuyện ở nước mình như thế nào.

Theo Tiến sĩ Mahlert, nhà lãnh đạo cứng rắn của cộng sản Đông Đức Erich Honecker đã tráo trở định áp dụng kiểu trấn áp của Trung Hoa ở Leipzig, là căn cứ địa của những cuộc biểu tình mang tính đại chúng. Nhưng sự sụp đổ chính trị của ông xảy đến trước khi ông có thể thực hiện điều này. Ngày 18 tháng Mười năm 1989, ông mất chức và bị thay thế bởi ông phó của mình là ông Egon Krenz.
Cuộc trấn áp mà người ta nghĩ rằng sẽ xảy ra đã tránh được mặc dù có những tin đồn loan tải cả tuần trước đó là sẽ một cuộc tắm máu ở thành phố Leipzig.
Trong cuốn sách mang tựa đề: "Đằng sau bức tường: Con đường đưa đến Thống nhất của Đức”, tác gỉa Elizabeth Pond viết “sự ủng hộ hết lòng của Đông Đức dành cho cuộc trấn áp thành phần phản cách mạng ở Trung Quốc thành công trong tháng Sáu trước đó chắc chắn làm cho những tin đồn này đáng tin.”
Khi ông Krenz viếng thăm Trung Quốc vào cuối tháng Chín năm 1989, ông nhấn mạnh là Đông Đức ủng hộ cuộc trấn áp này.
Ngày 9 tháng Mười cùng năm, phó thủ tướng Trung Quốc ông Yao Yilin viếng thăm Đông Bá Linh để tham dự 40 năm ngày thành lập Đông Đức. Trong buổi nói chuyện với các viên chức Trung Cộng, ông Honecker nói rằng có “một bài học căn bản đã học được từ cuộc nổi dậy chống cách mạng ở Bắc Kinh.
Trong bài nghiên cứu của mình năm 1989: “Quảng trường Thiên An Môn và giải pháp Trung Quốc cho Đông Đức”, nhà báo Úc Lee Richard Duffield, người có mặt ở Đông Bá Linh dạo đó, nhớ lại nhà nước cộng sản Đông Đức đã chuẩn bị cho một cuộc trấn áp bạo động như ở Bắc Kinh. Những người biểu tình không thèm để ý tới. Theo bài “Leipzig 1989: Một biên niên” của Doris Mundus, ngày 23 tháng Mười, hơn 300,000 người biểu tình la lớn “Egon Krenz, đừng tưởng dễ! Chúng tôi sẽ không quên Trung Quốc và sự trấn áp của công an.”
Cái bóng Thiên An Môn bao chùm lên Đông Âu cũng là một chứng cứ trong phim tài liệu chiếu trên truyền hình với tựa đề “Tăng Nhân”. Khi nhà làm phim gạo cội Antony Thomas phỏng vấn những người biểu tình ở Leipzig và Đông Bá Linh, hỏi họ lấy can đảm từ đâu.
Câu trả lời là: “Từ tăng nhân” (Tank man), ám chỉ đến người thanh niên Trung Hoa không võ trang đứng chận đoàn xe tăng ở Bắc Kinh hôm 5 tháng Sáu, là ngày sau khi cuộc trấn áp ở quảng trường Thiên An Môn xảy ra. Hình ảnh cuộc đối mặt lạ thường này đã trở nên một biểu tượng cho cuộc đấu tranh giành tự do trên toàn thế giới.
Ngày 12 tháng Sáu năm 2007, nhân kỹ niệm 20 năm ngày tổng thống Reagan đọc bài diễn văn “Hãy đập đổ bức tường này đi” (2) trước bức tuờng Bá Linh, tổng thống George W. Bush đã khánh thành
Đài tưởng niệm Nạn nhân của chủ nghĩa Cộng sản ở thủ đô Hoa Thạnh Đốn.
Đài tưởng niệm là mô hình bằng đồng tượng Nữ thần Tự do được dựng lên ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989.
Tác động như thế từ biến cố Thiên An Môn đã giúp đưa đến sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ở Đông Âu.

© DCVOnline
Nguồn:

(1)
Fallout of 1989 left leaders split. Straits Times, by Ching Cheong, a senior writer, 10 November 2009
(2)
“Tear down this wall” Trích nguyên văn trong bài diễn văn của cố Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan: “General Secretary Gorbachev, if you seek peace, if you seek prosperity for the Soviet Union and Eastern Europe, if you seek liberalization, come here to this gate. Mr. Gorbachev, open this gate. Mr. Gorbachev, tear down this wall!”




No comments:

Post a Comment