Wednesday, November 25, 2009

TẠ ƠN

Tạ ơn
Caubay
http://baotoquoc.com/2009/11/25/t%e1%ba%a1-%c6%a1n/#more-4972
Chỉ còn vài hôm nữa là ngày lễ Thanksgiving, lễ Tạ ơn bên Mỹ, lại về. Nơi tôi ở trời chỉ bắt đầu chớm lạnh, gió bay nhè nhẹ trong cái nắng hanh vàng của mùa Thu và đó đây vài hàng cây lẻ loi đang thay màu lá. Dù trong giai đoạn khó khăn về kinh tế, không khí ngày lễ cũng đã xuất hiện khắp nơi, từ nơi làm việc cho đến các khu thương mại, trường học. Trong các giao tiếp hằng ngày, ngoài các câu xã giao thông thường, đôi khi có thêm lời chúc “Happy Thanksgiving.” Người ta vẫn thường nói những lời chúc, lời cám ơn chân thành là những liều thuốc bổ về tinh thần. Nó không chỉ đem lại niềm vui nho nhỏ, chút hạnh phúc cho người nhận mà còn cả cho người nói ra những lời ấy. (Tất nhiên lời cám ơn nếu không xuất phát tự đáy lòng, kiểu “ơn Bác – ơn Đảng”, thì không có ai vui hay hạnh phúc gì cả, ngoài Bác với Đảng.)
Hòa chung trong niềm vui mong chờ ngày lễ mà ý nghĩa của nó gắn liền với sự biết ơn, tôi dành bài viết này để nói lên lòng biết ơn của tôi và cũng mong chia xẻ tâm tư của mình cùng bạn đọc, không riêng gì ở Mỹ.
Là một con người, không thể không nhắc đến công ơn của các bậc tiền nhân, các anh hùng chiến sĩ đã hy sinh bảo vệ tổ quốc, biết ơn cha mẹ, thầy cô, anh em, bạn bè, đồng nghiệp và xứ sở đã cưu mang mình. Nói lên sự biết ơn nêu trên là một điều tự nhiên, bình thường đến độ gần như sáo ngữ, nhưng là một điều rất cần thiết. Tuy vậy đó không phải là chủ đề tôi nhấn mạnh hôm nay.
Hôm nay tôi nói về sự biết ơn với những con người và những hy sinh của họ trong bao nhiêu năm nay có liên quan đến vận mệnh của đất nước và dân tộc chúng ta.

Thứ nhất, xin nói về người đang sống trong nước, đang ở tù nhỏ và tù lớn. Tôi xin chân thành cám ơn những người đang hy sinh tranh đấu cho tự do dân chủ tại quê nhà. Đó là những vị trong các tôn giáo như hòa thượng Thích Quảng Độ, thượng tọa Thích Không Tánh, linh mục Nguyễn Văn Lý, linh mục Phan Văn Lợi, mục sư Nguyễn Công Chính, mục sư Danh Đạt, quí vị chức sắc đạo Cao Đài, Hòa Hảo…. Đó là các bạn trẻ như các cô Lê Thị Công Nhân, Phạm Thanh Nghiên, Trần Khải Thanh Thủy, các anh Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Khắc Toàn, Đỗ Nam Hải, Nguyễn Tấn Hoành, Phạm Văn Trội, Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Nguyễn Ngọc Quang, Lê Trần Luật…Và nhiều bạn trẻ khác như các blogger Điếu Cày, Người Buôn Gió, Mẹ Nấm, ký giả Đoan Trang…
Nhiều lắm! Nhiều người đáng kính lắm, nhiều không kể hết.
Vì sao tôi cám ơn họ khi tôi đang sống ở nước ngoài và những việc làm của họ dù kết quả thế nào thì cũng không có ảnh hưởng gì đến “nồi cơm” của tôi? Câu trả lời cũng đơn giản; đó là vì họ đang hy sinh cuộc đời mình để tranh đấu cho tự do, dân chủ, công bằng và cả độc lập cho quê hương dân tộc. Họ tranh đấu không chỉ riêng cho bản thân mà cho tất cả những người dân cùng khổ đang bị đọa đày dưới một chế độ độc tài, thối nát. Độc lập, tự do, dân chủ, công bằng là những thứ mà ai cũng yêu; người dân bị áp bức, cùng khổ là những người ai cũng thương xót.
Nhưng còn có một điều mà những người hy sinh dấn thân mang đến một cách thiết thực cho tôi mà tôi thấy cần phải tỏ lòng biết ơn. Đó là họ đã đem lại cho tôi niềm kiêu hãnh – hay đúng hơn là nhờ họ tôi bớt đi mặc cảm là một người Việt Nam. Thực vậy, sống trên xứ người, tiếp xúc với đủ các sắc dân, nhiều khi tôi hổ thẹn lắm vì những gì đang xảy ra trong nước. Dẫu lúc nào cũng lắc đầu phủ nhận sự cai trị của bọn cộng sản, tôi không khỏi xấu hổ lây vì những việc nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đang làm.
Gặp một người Nhựt, người Đại Hàn, người Tàu, người Úc, người Âu châu, người Trung Đông, Phi châu, Nam Mỹ tôi thảy đều cảm thấy xấu hổ. Sỡ dĩ như vậy vì khi gặp người Nhựt tôi nghĩ đến vụ PCI; gặp người Hàn tôi nghĩ đến các cô dâu khốn khổ; gặp người Tàu tôi nghĩ đến Hoàng Sa, biên giới, Tây nguyên, ngư dân; gặp người Miên, người Thái tôi nghĩ tới các bé gái bị ép làm điếm; gặp người Úc tôi nghĩ đến buôn ma túy, vụ in tiền polymer; gặp người Âu châu tôi nghĩ đến người rơm, trồng thuốc phiện; gặp người Trung Đông tôi nhớ đến các lao công, ở đợ; gặp người Phi châu tôi nghĩ đến sừng tê giác; gặp người Nam Mỹ, Cu Ba tôi nghĩ đến những lời nói điên nói sảng của ông Nguyễn Minh Triết…
Ngoài ra, trong nước tình trạng sa đọa, suy đồi đạo đức đã xảy ra liên tục, mọi nơi, mọi giới. Trong giới trí thức thì mua bằng giả, bác sĩ đánh nhau trên bàn mổ, hiệu trưởng hiếp dâm học trò vị thành niên…Trong giới thanh niên thì say sưa, đĩ điếm, hút xách, bạo lực, cậy ỷ quyền thế sống bê tha, mất nhân tính đến độ tặng nhau quà sinh nhật bằng người!
Nhiều lắm! Nhiều điều đáng xấu hổ, đáng nhục nhã lắm!
Nói chung, gặp các người xứ khác tôi thường mặc cảm vì sợ rằng họ chỉ biết về người Việt qua những điều như vậy! Nhưng cũng may, tôi còn có niềm hãnh diện khi khoe với thiên hạ là đất nước tôi dù đang trong chế độ độc tài bạo ngược, vẫn đang có những người sống có lương tri. Tự thâm tâm, dù không ai hỏi, tôi nhủ thầm khi đối diện người ngoại quốc rằng xin hãy nhìn phụ nữ nước tôi qua Lê Thị Công Nhân, Phạm Thanh Nghiên, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh…mà đừng nhìn vào những khuôn mặt dối trá, dơ dáy khác như Nguyễn Thanh Phượng, Nguyễn Phương Nga, Tôn nữ Thị Ninh hay Nguyễn Thị Bình. Xin hãy nhìn thanh niên Việt qua Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Tiến Trung, Lê Công Định, Ngô Quỳnh… mà đừng nhìn vào đám con cháu bọn cộng sản sa đọa. Xin hãy nhìn nhà văn nhà thơ Việt như Hữu Loan, Nguyễn Xuân Nghĩa mà đừng nhìn vào Tố Hữu và bọn văn nô khác. Xin hãy nhìn nhà báo Việt Nam như Điếu Cày, Đoan Trang, mà đừng nhìn vào bọn bồi bút. Xin hãy nhìn nhà giáo nước tôi như thầy Vũ Hùng, cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Hạnh mà đừng nhìn vào bọn mua bằng bán cấp. Xin hãy nhìn những sinh viên du học như Nguyễn Thị Hoàng Lan mà đừng nhìn vào đám con ông cháu cha cộng sản ra ngoài ăn chơi, quen thói hống hách, dị hợm. Bên ngoài này xin hãy nhìn những người già, những bạn trẻ ngày đêm tranh đấu cứu giúp cho đồng bào trong nước mà đừng nhìn bọn trở cờ chui lòn xu phụ bọn cộng sản để ké phần ăn chơi hưởng thụ.
Xin chân thành cám ơn những người đã đem lại cho tôi niềm hãnh diện và hy vọng về tương lai nước Việt. Điều đó cực kỳ quan trọng với tôi ngày nào tôi còn thiết tha nhận mình là người Việt Nam.

Thứ hai, tôi xin cám ơn những đồng bào đang sống gần gũi tôi hơn, những người Việt tỵ nạn cộng sản tại hải ngoại. Người Việt hải ngoại, tuy đã yên bề, vẫn hy sinh về tiền của và công sức rất nhiều để “phụ” với đồng bào trong nước qua các cơn khó khăn cũng như tranh đấu chống lại thù trong giặc ngoài. Thế mà đôi khi họ vẫn bị trách! Nhìn một cách toàn cục, tôi thấy “Người Việt Hải Ngoại” là một tập thể rất đáng kính phục và cần được tri ân.
Khi bỏ nước ra đi với hai bàn tay trắng, đồng bào tôi nơi hải ngoại đã vượt qua biết bao nhiêu khó khăn và đau khổ để gầy dựng lên nhiều cộng đồng vững mạnh và thành công như ngày hôm nay. (Tôi nhấn mạnh đến chữ “cộng đồng vững mạnh” vì tôi tin như thế. Không vững mạnh thì bọn cộng sản, vốn với bản chất vô tình và phản phúc, đã không thèm ngậm bồ hòn mà ve vãn bấy nay!) Từ những cộng đồng đó trên khắp thế giới đã sản sinh ra rất nhiều nhân tài trong nhiều lãnh vực và tất nhiên họ đem lại rất nhiều vinh dự cho người Việt Nam, trong đó có tôi. Tôi xin tỏ lòng biết ơn và trân trọng tất cả nhưng thành đạt của nhiều thế hệ người Việt nơi xứ người. Tôi xin miễn kể tên ra từng người, từng việc, từng nơi, bởi có muốn cũng không kể hết!
Không thể kể hết mọi chuyện, nhưng có một chuyện tôi không thể không nói ra lòng biết ơn của mình. Chuyện đó là gì, tôi xin trở lại sau. Bây giờ để thay đổi không khí, xin cho tôi trở về thời niên thiếu và thơ thẩn chút đỉnh.
“Tôi bước đi không thấy phố không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ”
Tôi biết hai câu thơ trên trong bài thơ “Nhất định thắng” của thi sĩ Trần Dần khoảng những năm đầu trung học khi đọc tập san Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc. Lúc đó tôi không hiểu hết cả bài thơ, chỉ thấy âm điệu nó hay hay cùng lời thơ đượm màu bi tráng và rồi hình dung ra không khí ngột ngạt của xã hội miền Bắc những năm sau 1954. “Chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ,” câu thơ tả cảnh này (mà về sau tôi mới nhận ra là quá tuyệt vời) lúc đó chỉ mang đến cho tôi chút buồn buồn, rờn rợn. Tôi đâu có biết gì, kinh nghiệm gì về cộng sản ngoài những lời kể lại của cha mẹ tôi về thời kỳ Việt Minh. Lớn lên ở miền Trung, mưa sa tôi thấy hà rầm nhưng cờ đỏ thì chưa từng diện kiến “bằng xương bằng thịt.” Lá cờ đó đã …tập kết trước khi tôi trình diện thế nhân!
Thế rồi hai câu thơ trên đã tự động quay về trong đầu tôi những ngày đầu tháng 5 năm 1975. Lúc đó mọi nhà đều bị buộc phải treo cờ và hình “bác.” Trong cái không khí đe dọa lúc đó, cờ đỏ sao vàng và hình lãnh tụ đối với nhiều người là một thứ bùa canh cửa. Hình như kẻ nào nhiều “tội ác” thì sắm cờ to hơn, hình “bác” lớn hơn. Điều này đến nay hình như vẫn còn đúng! Lúc đó tôi có nhiều bạn học ở trọ tại chung cư Nguyễn Thiện Thuật, Quận 3, Sài Gòn, một chung cư với nhiều dãy ngang dọc. Một ngày tôi đến thấy rừng cờ đỏ rực phủ cả bốn tầng lầu, tất cả các building. Tôi thật sự không thấy phố, không thấy nhà, không thấy mưa sa nhưng thấy toàn màu cờ đỏ. Màu đỏ, sao sắt máu quá, phủ cả một khoảnh trời. Phụ họa theo đó là dáng vẻ lấm lét của nhiều người dân, bước chân đi lại xăng xái của những thanh niên mang băng đỏ, hình ảnh mới lạ của bộ đội, công an cộng với tiếng loa phóng thanh ồn ào khi kêu gọi, khi đọc thông cáo, khi phát ra những bài ca chói tai…Tất cả đã tạo nên một không khí khủng bố đầy đe dọa, bất an.
Ngay lúc đó tôi bất chợt nhớ lại bài thơ của Trần Dần. Tôi hoàn toàn hiểu và thán phục ông đã mô tả khung trời Hà Nội năm 1954 một cách vô cùng chính xác, sống động. Tôi nói ông tả Hà Nội vô cùng chính xác là vì tôi hình dung ra Hà Nội 1954 của ông cũng như Sài Gòn 1975 của tôi. Tôi đã thực sự sống trong bối cảnh, không khí mà Trần Dần đã sống năm xưa khi viết bài thơ. “Tôi bước đi không thấy phố không thấy nhà, chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ.” Tôi hiểu vì sao Trần Dần lặp lại điệp khúc trên đến 3, 4 lần trong bài thơ của ông. Trong nhiều năm tháng tiếp theo, tôi đã lẩm nhẩm hai câu thơ đó như một phản xạ mỗi khi thấy rừng cờ đỏ sao vàng trong các dịp lễ.
Và cái rờn rợn vẫn còn đó, sống mãi, không phai đi!

Tôi thấy, tôi hiểu và tôi sợ lá cờ đỏ sao vàng từ đó. Tâm trạng đó được hằn sâu thêm qua những năm tháng sống trong không khí khủng bố dưới chế độ cộng sản. Nó là một sự đe dọa, ám ảnh, khi đậm khi nhạt, nhưng dai dẳng mãi trong hồn tôi cho đến hôm nay. Có thể với nhiều người, do hoàn cảnh hay ngộ nhận mà đã một thời hy sinh chuỗi ngày tươi đẹp của đời mình vì nó hay với các người trẻ sinh ra và lớn lên với lá cờ ấy, không thông cảm được nỗi lòng của tôi. Nhưng nỗi lòng đó của tôi là sự thực. Và tôi nghĩ chỉ những ai đã sống dưới bầu trời tự do, không bị kềm kẹp, không bị đe dọa bởi lá cờ ấy mới cảm nhận đựợc nỗi bất an khi phải đứng gần nó.
Vì thế khi thoát ra khỏi lá cờ ấy tôi như người được thực sự giải phóng. Những ai tỵ nạn ở hải ngoại hãy tưởng tượng có một sáng thức dậy thấy mình trở thành công dân Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (only) với lá cờ đỏ treo đầu hè thì sẽ hiểu được nỗi kinh hoàng đó.

Tôi ở San Diego, thỉnh thoảng hay lên khu Little Sài Gòn để uống cà phê nhằm tìm lại không khí Việt Nam.
Thử tưởng tượng một ngày kía tôi bỗng ngậm ngùi:
“Tôi bước đi không thấy phố không thấy nhà
Chỉ thấy phố Bolsa treo đầy cờ đỏ”
Thì dẫu có nổi tiếng như Trần Dần tôi cũng không ham! Lại “Nhất định…chạy” lần nữa!
Dông dài như vậy tôi chỉ muốn nói lên một điều là tỏ lòng tri ân sự tranh đấu của đồng bào, các cụ già, các bạn trẻ, hội đoàn, quí vị nhân sĩ trên khắp cả thế giới đã tranh đấu không mệt mỏi để ngăn chận “lá cờ máu” đó xâm nhập nơi người tỵ nạn chúng ta sinh sống.
Tất cả những ai, đặc biệt là đồng bào Việt Nam, đang tranh đấu chống lại chủ nghĩa cộng sản, không chấp nhận chủ nghĩa cộng sản, xin nhận nơi tôi lòng biết ơn chân thành.

San Diego, mùa Lễ Tạ Ơn năm 2009.




No comments:

Post a Comment