Wednesday, November 4, 2009

SỨC MẠNH VŨ BÃO của NHÂN DÂN, của CHÂN LÝ (Kỷ niệm Bức Tường BERLIN SỤP ĐÔ)

Lần đầu tiên tôi được chứng kiến sức mạnh lốc bão của nhân dân, của chân lý
Nguyễn Văn Hương
Mạnh Cường Vũ thực hiện
05/11/2009 1:00 sáng
http://www.talawas.org/?p=12711
Lời người phỏng vấn: Tiến sĩ luật Nguyễn Văn Hương sang Cộng hòa Dân chủ (CHDC) Đức học đại học từ năm 1976. Sau khi tốt nghiệp vào giữa năm 1981, ông về nước đi làm. Cuối năm 1986 ông trở lại Đức để viết luận án tiến sĩ. Khi ông vừa nộp xong luận án thì Bức tường Berlin sụp đổ. Ông hiện là phó phòng pháp lý phụ trách các vấn đề người nước ngoài của chính phủ bang Berlin (CHLB Đức). Trong bài phỏng vấn sau đây, ông nhớ lại về quá trình sống và làm việc tại Đức cũng như chia sẻ những suy nghĩ về cộng đồng người Việt ở Berlin.
----------------------

Lần đầu tiên đặt chân lên nước Đức, ấn tượng của ông như thế nào?
Nguyễn Văn Hương: Tôi tới thành phố Leipzig, CHDC Đức, vào một đêm đầu tháng Chín năm 1976. Ngày hôm sau nhà trường đưa tân sinh viên ra cửa hàng bách hoá lớn nhất thành phố mua sắm quần áo giày dép. Tôi thấy đường phố nhà cửa nào cũng đẹp, sạch, nhiều mùi thơm lạ, không có chỗ nào ồn ào như ở Việt Nam. Tôi chăm chú quan sát người Đức ăn mặc ra sao. Người Đức ai cũng đẹp. Quần ai cũng loe. Đàn ông từ trung niên đổ xuống tóc ai cũng dài. Phong cách đầy tự tin, phấn khởi của họ mách bảo tôi rằng họ không là những kẻ thiếu văn hoá. Hồi còn ở Việt Nam tôi không biết phẫn nộ khi các chú công an, các anh chị dân quân tự vệ rạch ống quần loe của ai đó đang đi trên đường, hoặc ghè đầu ai đó để cắt mớ tóc dài đủ trùm tai, chấm mắt. Tôi sợ đại sứ quán và ban quản lý sinh viên nhưng cũng sợ mình lạc lõng trên đời. Thế là mấy chiếc quần đầu tiên do tôi tự tay mua lại là những chiếc quần ống loe, khi đứng mà chụm chân vào nhau trông tôi như mặc váy. Tôi đã bắt đầu sự toàn cầu hoá bản thân như thế đấy!

Theo tôi biết, ông có mặt tại Berlin khi Bức tường Berlin sụp đổ vào ngày 9.11.1989. Cảm nhận của ông về quãng thời gian đó ra sao?
Nguyễn Văn Hương: Khi tôi vừa nộp xong luận án thì Bức tường Berlin bị nhân dân CHDC Đức đạp đổ. Tôi muốn nhấn chữ “đạp” ở đây bởi bức tường không đổ nếu không có hàng triệu bước chân nhân dân từ bỏ mảnh đất CHDC Đức hoặc xuống đường biểu tình đòi bầu cử trung thực, tự do ngôn luận, tự do lập hội đoàn, đòi quyền ra nước ngoài không phải xin phép nhà nước… Thực chất là đòi nhà nước thực hiện hiến pháp.
Cuộc sống tinh thần của tôi giàu lên nhiều do sự kiện Bức tường Berlin tan rã. Nhưng tôi ấn tượng hơn cả với cuộc biểu tình bột phát của hơn 500.000 công dân CHDC Đức trên Quảng trường Alexander Berlin vào ngày 4 tháng 11 năm 1989. Ngày hôm đó chính phủ CHDC Đức không thể phủ nhận được nữa một sự thật, rằng những nhà trí thức hàng đầu, lúc đó bị coi là những kẻ đối lập với chính phủ, mới chính là những người đại diện cho nhân dân, cho dân chủ, cho một chủ nghĩa xã hội nhân bản. Đứng trong biển người đó, lần đầu tiên tôi được chứng kiến bằng tất cả các dây thần kinh của mình sức mạnh lốc bão của nhân dân, của chân lý.
Hôm nay tôi vẫn xúc động mạnh khi nhớ tới ngày đó. Mười năm sau, khi quyết định cưới nhau, hai vợ chồng tôi đã chọn ngày mùng 4 tháng 11 đáng ghi nhớ.
Tôi nhớ đoàn người hân hoan, những dòng nước mắt hạnh phúc khi người dân được giải phóng khỏi sự giam hãm hơn 28 năm sau bức tường ngăn cản chủ nghĩa tư bản. Người Việt Nam ở CHDC Đức lúc đó, chủ yếu là dân lao động, cũng vui mừng vì bỗng nhiên họ được tiếp xúc với một thế giới cấm. Tuy nhiên đại bộ phận người Việt Nam vẫn gắn bó với Đông Đức cho tới ngày sáp nhập với Tây Đức.

Ông là một trong những người cuối cùng trở thành công dân nước CHDC Đức ngay trước khi nước Đức thống nhất. Duyên cớ nào dẫn đến quyết định này?
Nguyễn Văn Hương: Là bạn thân của một số người trong nhóm những nhà phê phán chính phủ CHDC Đức lúc bấy giờ, sau khi sập tường Berlin tôi may mắn được phong trào dân chủ thảo luận, đề xuất cải cách nhà nước, xã hội CHDC Đức cuốn hút. Khắp Đông Đức bấy giờ mỗi trung tâm chính trị đều có Hội nghị Bàn tròn với sự tham gia bình đẳng, hoà bình, nhiệt tình của đại diện mọi thành phần xã hội. Là người nước ngoài tôi trở thành chuyên gia cho mảng chính sách ngoại kiều tại Hội nghị Bàn tròn Đông Berlin, đồng thời là thành viên ban tư vấn cho bà Almuth Berger, Quốc vụ khanh CHDC Đức đặc trách chính sách ngoại kiều, người từng sang đàm phán với chính phủ Việt Nam hồi tháng Năm 1990. Sau đó tôi được chính phủ Đông Berlin tuyển dụng vào vị trí chuyên viên pháp lý trong cơ quan Đặc nhiệm viên đại diện ngoại kiều. Mấy tuần trước khi thống nhất hai nước Đức, bạn bè tôi lúc đó nhiều người đã lên nắm chính quyền vận động tôi xin nhập quốc tịch CHDC Đức. Họ muốn tôi chuyển tải những mong ước của chúng tôi tới nhà nước chung sắp tới, muốn có một sự bảo đảm về công việc cho tôi trong chế độ “bên kia”. Bốn giờ chiều ngày 2 tháng 10 năm 1990, tám giờ đồng hồ trước phút sáp nhập hai nhà nước, tôi nhận quốc tịch CHDC Đức. Ngày hôm sau nghiễm nhiên tôi là công dân CHLB Đức.

Công việc của ông liên quan nhiều đến đồng bào nhập cư sinh sống ở Berlin. Kỷ niệm sâu sắc nhất đối với ông trong quá trình công tác ở vị trí ấy?
Nguyễn Văn Hương: Công việc hàng ngày, xét cho cùng, cho tôi hân hạnh được tiếp xúc với vô vàn số phận không suôn sẻ của người di cư sang nước ngoài. Số lượng kỷ niệm sâu sắc với những số phận riêng biệt khá nhiều, tôi chẳng muốn sắp xếp thứ tự cho chúng. Vì vậy tôi xin kể một kỷ niệm với một nhóm người đồng cảnh.
Cuối năm 1990 không ít người Việt Nam lao động tại CHDC Đức cũ đành lòng phải hồi hương vì nhà máy phá sản, rơi vào tình trạng thất nghiệp. Luật pháp Đức quy định nhà máy phải trợ cấp cho mỗi người hồi hương 3000 Mark Đức cùng với 3 tháng lương. Một buổi sáng tại cơ quan, tôi nhận được thông tin có mấy chục công nhân Việt Nam sẽ phải bay về nước chiều hôm đó, trong khi nhà máy từ chối không trả cho họ số tiền quy định. Cùng một số đồng sự, tôi huy động nhiều nhà báo, phóng viên đài, vô tuyến truyền hình dội xuống nhà máy những câu hỏi chính đáng. Tôi ra sân bay vận động hãng hàng không lùi chuyến bay trong lúc chúng tôi đang đấu tranh với nhà máy. Dưới sức ép dư luận sẽ xảy ra và nguy cơ đền bù thiệt hại do phải huỷ chuyến bay, nửa tiếng đồng hồ trước giờ cất cánh ban giám đốc nhà máy xuất hiện tại phi trường, thanh toán toàn bộ số tiền phải trả cho từng người. Nhiều phụ nữ khóc khi nhận khoản tài sản lớn tưởng như đã mất đứt. Tôi đã vui nhiều ngày vì làm được một việc mà chính mình cũng không tin sẽ thành công.

Cộng đồng người Việt ở Berlin hiện nay ra sao?
Nguyễn Văn Hương: Người Việt ở Đức sống hiền lành, chăm kiếm tiền cho gia đình. Người Đức biết người Việt chủ yếu là những người đặc biệt cần cù trong ngành phục vụ, nhưng hay kêu ca người Việt giấu mình quá kín. Vài năm trở lại đây, người Việt ở Berlin rất chăm xem VTV4 và các chương trình truyền hình thể thao. Berlin có ít nhất hai khu chợ Việt lớn, là nơi nhiều nguời Việt thích đến để giao lưu với nhau. Những người Việt rời quê hương sang Đức hồi thập kỷ 70, 80 thế kỷ trước sắp hết tuổi lao động. Nguy cơ tương lai nhiều người trong số họ sẽ cô đơn, dù ở hay về.
Người Việt thế hệ thứ hai, thứ ba được xã hội cho là nhóm ngoại kiều có năng lực nhất trong trường học. Nhưng nói thực, tôi thấy rất thiếu những người trẻ để tâm học những nghề khoa học phục vụ trực tiếp cộng đồng người Việt, như tâm lý học, y học, chăm sóc người già… Sự cọ xát giữa các thế hệ người Việt trong một gia đình nằm giữa khung văn hoá Âu châu nhiều khi dẫn đến hoàn cảnh trớ trêu. Giữa những thuyền nhân và người đi học, đi làm từ chế độ miền Bắc còn tồn tại một khoảng cách rất rõ. Tiếp xúc với nhau hầu hết là một sự bất đắc dĩ cho cả hai phía.

Berlin hiện nay không những là nơi tập trung đông người Việt nhất trên toàn nước Đức, mà có vẻ như cộng đồng người Việt tại đây ngày càng phát triển nhanh về số lượng. Ông nghĩ sao về hiện tượng này?
Nguyễn Văn Hương: Cộng đồng người Việt ở Berlin sẽ tiếp tục tăng dân số, do đón vợ chồng từ Việt Nam sang, sinh con đẻ cái ở đây. Chuyện này rất bình thường. Không bình thường là hiện tượng quá nhiều thanh thiếu niên Việt Nam vị thành niên sang Berlin đặt đơn xin tị nạn chính trị, trong khi không biết cha mẹ họ thực sự đang ở đâu. Cuộc đời, số phận mà họ kể với các cơ quan, tổ chức Đức nghe đau thương, ly kỳ khủng khiếp.
Năm ngoái, sau Hội thảo Berlin lần thứ nhất về Công ước Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em (UN-Convention on the rights of the child), bốn nhóm chuyên gia Berlin được thành lập để khảo sát bốn lĩnh vực thì ba trong số đó thuộc về lý thuyết chung. Nhóm thứ tư không khảo sát vấn đề nào khác là “Trẻ em Việt Nam đi tị nạn một mình”. Hội thảo Berlin lần thứ hai sắp diễn ra vào thượng tuần tháng Mười Một năm nay lại cũng có riêng một ban chuyên báo cáo và thảo luận đề tài này.

Ông có thấy rằng nước Đức ngày nay là một đất nước thống nhất thực sự về mọi mặt?
Nguyễn Văn Hương: Tôi dám chắc những người Việt trung thực không kết luận rằng Việt Nam ngày nay sau 1975 đã hoàn toàn thống nhất về mọi mặt. Quá trình thống nhất hai nhà nước Đức bắt đầu từ cuối 1990 còn cần nhiều thời gian. Hậu quả nền chính trị và chính sách kinh tế CHDC Đức để lại rất nặng nề, nhiều năm nữa vẫn chưa khắc phục hết được. Ai qua những thành phố nhỏ, thị trấn của Đông Đức ngày nay cũng nhìn thấy cảnh hoang tàn vì công xưởng bỏ trống, ngưòi thất nghiệp đông, nhiều nhà cửa chưa được tu sửa lại theo chuẩn mới.
Một dẫn chứng cụ thể cho sự thiếu thống nhất là sự khác biệt của lương cho cùng một công việc chỉ vì một việc làm ở Đông, một việc làm ở Tây, tính theo địa giới hành chính trước khi nước Đức thống nhất. Berlin bây giờ là một thành phố, phải không ạ? Nếu cơ quan tôi nằm ở Đông Berlin thì tôi sẽ nhận số lương chỉ bằng khoảng 92% số lương tôi nhận khi cơ quan tôi nằm ở Tây Berlin. Năm ngoái cơ quan tôi sửa nhà, tạm rời sang một phố bên Đông Berlin, vậy là lương tôi năm ngoái ít hẳn đi, các chế độ thưởng cũng giảm mạnh. Trong nhiều ngành kinh tế thậm chí lương trả cho cùng một công việc ở phần Đông Đức chỉ bằng 80% lương ở Tây Đức, mà thời gian quy định phải làm việc ở Đông còn nhiều hơn ở Tây.
Ngoài ra, những định kiến về văn hoá, lối sống giữa dân Đông và Tây Đức sau 20 năm sáp nhập giảm không đáng kể. Không mấy ai dễ dàng rũ bỏ lai lịch, xuất xứ của mình trong chốc lát, việc thống nhất nhân dân hai nước Đức kéo dài là tất yếu. Cái may là hiếm có chính trị gia Đức nào phủ nhận điều này. Họ nhận thức được vấn đề và cùng cả xã hội tìm cách giải quyết. Các công đoàn và nhiều đảng chính trị thường xuyên đấu tranh cho sự nâng Đông Đức lên ngang bằng với Tây Đức.

Nếu có một mong ước cho người Việt tại Berlin và nước Đức nói chung, ông sẽ nói gì?
Nguyễn Văn Hương: Tôi mong người Việt Nam thế hệ thứ nhất ít phải lo toan hơn nữa về kinh tế để có ý thức và thời gian dành cho cuộc sống văn hoá, cuộc sống chính trị xung quanh mình nhiều hơn. Tôi cho rằng một cuộc sống văn hoá-xã hội ở Đức mà chỉ trụ trên chương trình truyền hình Việt Nam và sách báo nhập vào từ Việt Nam sẽ dẫn đến tình trạng phiến diện, về lâu về dài khó tha thứ được.
Còn nước Đức đã giàu rồi, không nhất thiết phải mỗi ngày giàu hơn, nhưng nền kinh tế nên vững chắc, xã hội phải ngày càng công bằng hơn. Và tôi mong nước Đức sẽ có nhiều biện pháp mạnh giảm thiểu những yếu tố huỷ hoại môi sinh, môi trường trong công, nông nghiệp. Tôi lo, không biết vài chục năm nữa thôi thế giới có còn không khí sạch, đất sạch, nước sạch mà sống không?

Xin cảm ơn ông và chúc ông có một ngày lễ vui vẻ trong dịp kỷ niệm này.

© 2009 Mạnh Cường Vũ & Nguyễn Văn Hương
© 2009 talawas blog


No comments:

Post a Comment