Quyên góp cho Việt Nam và Luật Hoa Kỳ
Ts. Nguyễn Đình Thắng
Tuesday, November 24 @ 12:52:33 EST
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1745
Người Việt ở Hoa Kỳ, dù ở cộng đồng lớn hay nhỏ, rất chịu khó đóng góp cho những công tác từ thiện ở Việt Nam. Ngay cả trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, người mình vẫn tiếp tục hưởng ứng các chương trình quyên góp cho đồng bào ở trong nước. Điều này nói lên tình của người Việt tị nạn và di dân.
Đã nói đến tình thì cũng phải nói đến lý.
Về lý, trong một bài trước tôi nêu lên sự thiếu quân bình trong vấn đề quyên góp: Hầu hết các đóng góp của người ở hải ngoại đều dồn cho Việt Nam; rất ít ai quan tâm đến nhu cầu của chính cộng đồng Việt ở Hoa Kỳ. Vì sự chểnh mảng này, cộng đồng của chúng ta kém phát triển so với các cộng đồng bạn, kể cả những cộng đồng nhỏ bé hơn nhiều.
Ở đây tôi muốn nêu lên một khía cạnh về lý khác của sự quyên góp cho các chương trình ở Việt Nam: tính cách hợp pháp của những quyên góp ấy.
Theo luật Hoa Kỳ, mọi thu nhập đều phải đóng thuế, ngoại trừ thu nhập của các tổ chức được quy chế miễn thuế của chính phủ liên bang. Vì miễn thuế có thể hiểu là được bao cấp bởi tiền thuế của quần chúng, cho nên các tổ chức được hưởng quy chế này phải tuân thủ các đòi hỏi rất chặt chẽ của luật pháp.
Một đòi hỏi căn bản là sự minh bạch về tài chánh, bao gồm sự minh bạch về thu, về quản lý, và về chi tiêu.
Về chi tiêu, sự minh bạch đòi hỏi mọi khoản chi đều phải truy cứu được, nghĩa là nhất nhất đồng xu nào chi ra cũng phải có biên nhận và được ghi vào sổ sách. Đối vơi tiền quyên góp ở Hoa Kỳ nhưng chi ở Việt Nam thì sự minh bạch không dễ thực hiện. Phần lớn người ở Việt Nam không xem sự truy cứu bằng giấy tờ là quan trọng và dễ bị tự ái khi được yêu cầu minh bạch.
Đó là chưa kể tình trạng tham nhũng tràn lan khắp xã hội. Nhiều khi muốn đưa phẩm vật hay chuyển tiền cho dân, tổ chức từ thiện phải “trà nước” cho cán bộ, công an. Các khoản tiền “trà nước” này chắc chắn không thể nào truy cứu được vì nó bất hợp pháp.
Có tâm lý cho rằng thôi thì đành du di về nguyên tắc minh bạch để được việc, nhất là khi việc đó là việc nhân đạo; và dù biết du di như vậy là vi phạm luật pháp Hoa Kỳ, nhưng khéo che đậy thì đâu ai biết.
Hoa Kỳ, một đất nước non trẻ, đã phát triển nhanh chóng chính nhờ vào ý thức tôn trọng luật pháp nơi người dân. Ý thức ấy vừa thể hiện qua tinh thần tự giác của từng cá nhân vừa được thiết kế ngay vào các điều khoản luật chặt chẽ áp dụng đồng đều trong xã hội. Chính tinh thần thượng tôn luật pháp này đã giúp phát triển niềm tin và phát huy những quy ước hành sử chung trong xã hội, hai yếu tố căn bản của xã hội dân sự. Nhờ có một xã hội dân sự vững mạnh, Hoa Kỳ đã phát triển rất nhanh trong một thời gian tương đối ngắn kể từ khi lập quốc.
Còn Việt Nam có gần năm ngàn năm văn hiến nhưng lại rất chậm phát triển và đang có chiều hướng đi lùi vì luật pháp lỏng lẻo; từ trên xuống dưới, từ lớn đến nhỏ đều sinh hoạt mờ ảo, tuỳ tiện và có ít nhiều gian dối. Trong xã hội như vậy, người ta chẳng ai muốn góp vào mà chỉ chực lấy ra, chỉ chực bòn rút của xã hội. Xã hội ngày càng hỗn độn và xơ xác.
Do đó những ai đứng ra quyên góp cho các chưong trình từ thiện ở Việt Nam cần cảnh giác để không nhượng bộ về nguyên tắc minh bạch và không vi phạm luật pháp Hoa Kỳ. Chính những người đóng góp phải đòi hỏi sự minh bạch tuyệt đối trong mọi khoản chi tiêu và tuyệt nhiên không thoả hiệp với nạn tham nhũng ở Việt Nam. Có vậy, việc làm từ thiện của chúng ta mới không di hại lâu dài cho đất nước Việt Nam. Có vậy, chúng ta mới tránh không để những con sâu ở xã hội Việt Nam đục khoét nền móng pháp trị của Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment