Phương Tây ngại Chủ nghĩa Dân tộc ở TQ
Damian Grammaticas
BBC News, Bắc Kinh
Cập nhật: 16:23 GMT - thứ tư, 18 tháng 11, 2009
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2009/11/091118_china_nationalism.shtml
Trong khi Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ngồi xuống với các nhà lãnh đạo của Trung Quốc để tìm kiếm sự hợp tác gần gũi hơn thì một số nhà quan sát có quan ngại rằng Trung Quốc sẽ hành xử ra sao nếu Bắc Kinh hùng mạnh hơn.
Bắc Kinh đang tăng cường cho cỗ máy quân sự trong bối cảnh một số người lo sợ rằng chủ nghĩa dân tộc đã mạnh nay lại càng mạnh hơn và trở thành lực lượng đáng lo ngại.
Trong không gian tối ở một quán chơi nhạc rock ở khu có trường đại học ở Bắc Kinh, Lưu Lợi Tân đang chơi các hòa thanh trên cây đàn guitar điện.
Đó là những âm thanh của thứ âm nhạc không chính thống tại Trung Quốc. Anh Lưu và nhóm Ordinance đang thể hiện thứ âm nhạc cấp tiến tại Trung Quốc. Album gần đây nhất, Rock City, đã bị cấm phát trên đài.
Ca từ có nội dung chỉ trích chính phủ, họ nói về dân chủ, tham nhũng. Ca từ có đoạn: "Đài Loan là của chúng ta, Tây Tạng là của chúng ta. Thỏa hiệp với Hoa Kỳ và Nhật Bản là điều đáng hổ thẹn".
Anh Lưu nói: "Ca từ của chúng tôi là nhằm vào chính phủ Trung Quốc”.
"Chính phủ rất mạnh tay với dân trong nước nhưng đối với bên ngoài lại mềm mỏng. Khi người dân bị nước khác hăm dọa thì chúng ta phải đứng lên bảo vệ họ. Vào lúc này Bắc Kinh rất mềm mỏng.”
Lưu Lợi Tân hiện thân cho một trào lưu dân tộc chủ nghĩa kiểu mới hiện đang thu hút nhiều người và ngày càng có sức mạnh tại Trung Quốc.
Họ luôn luôn có thái độ thù địch với Mỹ và Nhật Bản, và tin rằng các quốc gia khác tìm cách cản phá sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Chính phủ 'sợ'
Những người theo chủ nghĩa dân tộc tại Trung Quốc thường chỉ trích chính phủ nước họ và nói rằng Bắc Kinh yếu thế, làm chưa đủ để bảo vệ lợi ích của Trung Quốc.
Ngay bây giờ chính phủ nhồi sọ dân rằng quốc gia chúng ta mạnh” ông Lưu nói.
"Chính quyền cấm các bài hát của chúng tôi nhưng chúng tôi không ngại gì cả. Tôi nghĩ rằng điều đó cho thấy chính phủ đang sợ. Và đó là lý do tại sao họ cấm chúng tôi."
Có một hiệu sách lớn nhất ở Bắc Kinh nơi có tới hàng ngàn cuốn được bày bán. Nhưng một phần cũng nhờ bởi có một cuốn bán chạy năm nay.
Cuốn này có tựa Unhappy China (Trung Quốc Không vui) và là tập truyện của nhiều tác giả là nhà văn dân tộc chủ nghĩa viết về con đường họ hình dung cho Trung Quốc.
Cuốn này bán được 800.000 bản kể từ khi được xuất bản đầu năm nay.
Hôm chúng tôi đến hiệu sách này thì chỉ còn có một cuốn bày bán.
Một trong những người có tên trong cuốn này là Vương Tiểu Đông, sống tại một căn hộ tại ngoại ô Bắc Kinh.
Ông là một trong những người góp giọng cho làn sóng dân tộc chủ nghĩa tại Trung Quốc lúc này.
Tôi hỏi ông xem ông ý muốn nói gì trong cuốn Trung Quốc Không vui với đoạn: "Nếu quí vị không tôn trọng chúng tôi, chúng tôi sẽ đánh quí vị."
"Nếu có một quốc gia hùng mạnh, và nếu người ta không cố làm vừa lòng quốc gia đó thì người ta sẽ gặp rắc rối", ông Vương Tiểu Đông nói. "Đó chính là cách hành xử của Hoa Kỳ."
Khi tôi hỏi liệu ông tin rằng Trung Quốc cần phải có một quân đội hùng mạnh và được chuẩn bị để tham chiến hay không, ông trả lời: "Chắc chắn rồi. Một quốc gia hùng mạnh như Trung Quốc tất nhiên là cần có quân đội hùng mạnh, một đội quân có thể chế ngự bất cứ nước nào tại bất kỳ đâu trên thế giới."
Trong những năm gần đây Trung Quốc đã hiện đại hóa quân đội và một ngày nào đó có thể có cỗ máy ngang ngửa với Hoa Kỳ trong vị thế chi phối tại châu Á.
Giới lãnh đạo Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh lớn mạnh trong hòa bình. Thế nhưng Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ James Steinberg gần đây đã kêu gọi Trung Quốc trấn an các quốc gia khác về ý định của mình.
"Cũng như việc chúng tôi và các đồng minh của chúng tôi đã làm là nói rõ rằng chúng tôi chủ động hoanh nghênh việc Trung Quốc trở nên thịnh vượng và thành công, Trung Quốc phải trấn an phần còn lại của thế giới rằng sự phát triển của họ và vai trò ngày càng tăng trên toàn cầu sẽ không làm yếu đi an ninh và thịnh vượng của các nước khác.", ông Steinberg nói.
'Kịch bản nguy hiểm'
Một trong những người tiền nhiệm của ông, bà Susan Shirk, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Phụ trách Đông Á dưới thời Tổng thống Bill Clinton, còn nói mạnh hơn.
Bà nói sự kết hợp giữa cỗ máy quân đội ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc cùng với sự gia tăng làn sóng chủ nghĩa dân tộc tạo ra mối nguy.
"Nó tạo ra rủi ro, không phải là một xác suất cao, mà là một nguy cơ, mà một ngày của nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể cảm thấy rằng để công chúng hìn nhận Bắc Kinh hùng mạnh thì họ phải đe dọa Nhật Bản hoặc Đài Loan," bà nói.
Có lẽ nhận thấy được chưa kiểm soát được chủ nghĩa dân tộc, nhà chức trách Trung Quốc đang tìm cách kiểm soát một số ít các thành phần bày tỏ thái quá.
Cách đây ba năm đã xảy ra đối đầu tại một số đảo ở Biển Đông Trung Quốc.
Những người theo chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc đã đưa tàu ra đây để đuổi lính Nhật khỏi các đảo.
Lý Nam là một trong số những người trên thuyền. Ông nói rằng hội đoàn bài Nhật của ông có tới 70.000 ủng hộ viên ghi tên trên trang web của ông. Thế nhưng khi ông định đưa thuyền ra phản đối lần nữa vào năm nay thì nhà chức trách Trung Quốc đã cản ông.
"Tôi không chỉ nhắm tới Nhật Bản mà tất cả những ai đe dọa các lợi ích của nhân dân Trung Quốc", ông Lý Nam nói. "Có thể, ngay cả Hoa Kỳ và một số nước khác, tôi sẽ coi họ đều là kẻ thù cả."
Cơ quan Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ vào năm nay mô tả Trung Quốc tạo thách thức phức tạp qui mô toàn cầu.
Một Trung Quốc với làn sóng mạnh của chủ nghĩa dân tộc kèm theo cỗ máy quân sự hùng mạnh là thực tế khiến Washington không thể không ái ngại.
No comments:
Post a Comment