Tuesday, November 24, 2009

PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ XANH - ĐÒN BẪY KINH TẾ của HÀN QUỐC và TRUNG QUỐC

Phát triển công nghệ xanh, đòn bẩy giúp kinh tế Hàn Quốc và Trung Quốc đi lên
Thanh Hà
Bài đăng ngày 24/11/2009 - Cập nhật lần cuối ngày 24/11/2009 15:18 TU
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/119/article_5805.asp
Một trong những mục tiêu của Hội nghị quốc tế về biến đổi khí hậu Copenhagen vẫn là việc giảm khí thải carbon làm hâm nóng trái đất. Giới hạn tiêu thụ các nguồn năng lượng hóa thạch mở ra nhiều cơ hội để phát triển. Hàn Quốc và Trung Quốc xem đây là phương tiện để thoát khỏi khủng hoảng.

Hội nghị quốc tế về biến đổi khí hậu Liên Hiệp Quốc lần thứ 15 khai mạc tại Copenhagen - Đan Mạch từ ngày 7 đến 18/12. Một trong những mục tiêu hướng tới vẫn là việc giảm khí thải carbon làm hâm nóng trái đất. Giới hạn tiêu thụ các nguồn năng lượng hóa thạch như than đá, dầu hỏa hay khí đốt đang mở ra nhiều cơ hội để phát triển và nâng cao năng suất đối với nhiều tập đoàn, đối với nhiều quốc gia. Tại châu Á, Hàn Quốc và Trung Quốc còn xem đây là một chiếc đòn bẩy để đưa kinh tế thoát khỏi khủng hoảng.

Hàn Quốc

Vào lúc kinh tế Hàn Quốc bị tuột dốc mạnh nhất do khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Seoul đã cấp tốc công bố kế hoạch hỗ trợ kinh tế, trong đó đến 80 % nhắm vào ưu tiên phát triển công nghệ xanh. Seoul dành ra hơn 60 tỷ euro trong 5 năm sắp tới để hướng tới cái được gọi là « green growth » hay tăng trưởng xanh.
Từ nay cho đến năm 2014, mỗi năm, Hàn Quốc chi thêm một khoản tiền tương đương với 2% tổng sản phẩm nội địa (GDP) để giới hạn chi phí về năng lượng.
Gói đầu tư 63 tỷ euro kể trên nhằm tài trợ cho nhiều công trình lớn nhỏ, từ các kế hoạch xậy dựng trên sông, đến chính sách sản xuất xe hơi chạy bằng điện, từ những chương trình mở rộng các phương tiện giao thông công cộng đến việc khuyến khích khu vực sản xuất sử dụng năng lượng tái tạo … Là một quốc gia lệ thuộc đến 97% vào năng lượng nhập từ nước ngoài, tiết kiệm năng lượng đã trở thành một ưu tiên hàng đầu của Hàn Quốc.
Mục tiêu thứ nhì cũng quan trọng không kém của kế hoạch kể trên còn nhằm « chống đỡ » tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu : chính quyền của tổng thống Lee Myung Bak hy vọng tạo thêm một triệu tám trăm ngàn công việc làm trong vòng 5 năm ; kềm hãm đà sụt giảm của kinh tế Hàn Quốc trong năm 2009 ở mức độ trừ 1,5% thay vì trừ 3% như dự phóng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
Cuối cùng theo ước tính của Seoul, khoản đầu tư 63 tỷ euro chi ra, trong tương lai sẽ mang về cho Hàn Quốc từ 102 đến 116 tỷ euro.
Song song với kế hoạch đầu tư nói trên, chính quyền Hàn Quốc còn dự trù nâng tổng đầu tư vào nghiên cứu và phát triển lên mức tương đương với 5% tổng sản phẩm nội địa vào năm 2012.
Với quyết định đẩy mạnh các công trình góp phần làm sạch môi trường kể trên Hàn Quốc đang dẫn đầu khối các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, OCDE để hướng đến một mô hình kinh tế nơi mà mục tiêu phát triển và bảo vệ môi trường không loại trừ lẫn nhau.
Trả lời báo Le Figaro của Pháp vào đầu tháng bảy vừa qua, thủ tướng Hàn Quốc Han Seung Soo nhấn mạnh : từ nay trở đi chính sách phát triển của nước này theo đuổi cùng một lúc nhiều mục đích. Tăng trưởng về mặt khối lượng không còn là ưu tiêu duy nhất.
Seoul giờ đây còn phải quan tâm đến nhiều khía cạnh khác của sựu tăng trưởng kinh tế như là việc nâng cao chất lượng đời sống, giải quyết các vấn đề về môi trường, và hiện tượng biến đổi khí hậu. Từ trước đến nay, các ngành công nghiệp xe hơi, đóng tàu sản xuất hàng điện tử là những điểm mạnh của Hàn Quốc. Nay, Seoul đề ra mục tiêu trở hành một trong những nền kinh tế tiên phong trong ngành « công nghiệp xanh »

Trung Quốc

Vẫn tại Châu Á, Trung Quốc cũng đang tự đặt mình đang hướng đến một mô hình phát triển ít thải khí carbon. Theo một bản báo cáo vừa được China Greentech Initiative công bố vào tháng 9 : Trung Quốc hiện là nguồn cung cấp năng lượng gió lớn thứ tư trên thế giới, nhưng đồng thời cũng là quốc gia thải khí CO2 gây ô nhiễm mô trường vào bậc nhất, hơn cả Hoa Kỳ.
Trong 20 năm tới, nhịp độ phát triển đô thị của Trung Quốc còn tiếp tục tăng nhanh. Trung Quốc cần xây dựng thêm 30 tỷ mét vuông diện tích nhà ở để đáp ứng nhu cầu của 800 triệu dân thành thị.
Do vậy nhu cầu về công nghệ xanh của Trung Quốc ước tính khoảng từ 500 đến 1000 tỷ đô la một năm và đến năm 2013 tức trong một tương lai không xa, thị trường công nghệ xanh tại nước đông dân nhất địa cầu sẽ tương đương với 13% tổng sản phẩm nội địa của Trung Quốc.

Một vài điểm son
Theo một báo cáo gần đây của Liên Hiệp Quốc dân số thành thị tại Trung Quốc đã tăng lên gập ba lần trong 25 năm qua. Đến năm 2030 sẽ có đến 870 triệu dân Trung Quốc sống ở các thành phố lớn. Với nhịp độ này mỗi năm Trung Quốc phải xây dựng thêm từ 2 triệu rưỡi đến 3 triệu bảy căn hộ. Kèm theo đó là vấn đề tiêu thụ năng lượng của các hộ gia đình.
Tại Cáp Nhĩ Tân, thủ phủ Hắc Long Giang, một công trình xây dựng thí điểm cho thấy là ngành xây cất có thể sử dụng những nguyên liệu mới, chỉ tốn thêm có 5,7% nhưng lại cho phép các hộ gia đình ở đây tiết kiệm đến gần 50% hóa đơn tiền điện.
Sau 10 năm hoạt động ở một vài địa điểm như Hắc long Giang, Bắc Kinh, Thượng Hải, Liêu Ninh, Quỹ bao vệ Môi trường của Pháp cùng với đối tác Trung Quốc đã giúp nước này giảm đi 50 ngàn tấn CO2 mỗi năm chỉ riêng qua kênh nâng cấp nhà ở cho cư dân.
Nói cách khác, đành rằng Trung Quốc là nước gây ô nhiễm nhất thế giới, và cũng là một trong những quốc gia không phê chuẩn nghị định thư Kyoto, nhưng đây cũng là nơi mà nền công nghệ xanh được coi là có rất nhiều triển vọng.

Nỗ lực của Trung Quốc

Theo công trình nghiên cứu của ngân hàng HSBC được công bố vào tháng 3 vừa qua, về mặt khối lượng mà nói, với gần 200 tỷ đô la, Trung Quốc đứng đầu trong số các nước đẩy mạnh nỗ lực đầu tư để phát triển các công nghệ sạch.
Trong số các dự án ưu tiên, xử lý nước thải đặc biệt thu hút chú ý của các chính quyền địa phương. Bộ môi trường đang chuẩn bị xây dựng thêm 1000 trung tâm lọc nước từ nay cho đến năm 2011.
Kế hoạch kích thích kinh tế 586 tỷ đô la của Trung Quốc tung ra vào cuối năm 2008 đã dành ra đến 37% của khoản tiền nói trên để khuyến khích các công trình mang tính làm sạch môi trường. Điều đó chứng tỏ phát triển theo một mô hình tôn trọng môi trường, thúc đẩy công nghệ xanh đã trở thành một trong những ưu tư hàng đầu của đảng cộng sản Trung Quốc.
Tuy nhiên theo một số nhà phân tích, đây chỉ là « sự điều chỉnh cần thiết » về phương diện kinh tế và là điều bất khả kháng để duy trì ổn định xã hội

Trung Quốc : công nghiệp xanh, một giải pháp bắt buộc
Phép là kinh tế của Trung Quốc trong hơn ba thập niên qua giúp nước này duy trì tỷ lệ tăng trưởng trung bình là 8% một năm. Cái giá phải trả là từ đầu năm 1980 đến nay, 70% sông ngòi của Trung Quốc bị ô uế. Trong danh sách 20 thành phố bị ô nhiễm nhất thế giới, có 16 thành phố thuộc Trung Quốc.
Kể từ năm 2007 Trung Quốc trở thành nhà "vô địch" thế giới về lượng thải khí carbon. Một trong những nguyên nhân giải thích cho hiện tượng này là tại Bắc Kinh mỗi ngày lại xuất hiện thêm 1000 chiếc xe hơi !
Ý thức được nhược điểm trong chính sách phát triển luôn chạy theo tăng trưởng, giới lãnh đạo Bắc Kinh đã coi việc bảo vệ sinh thái, khái niệm đa dạng sinh học hay phát triển bền vững là những ưu tiên hàng đầu.
Mục tiêu đầu tiên là để bảo đảm sự hài hòa trong xã hội và ổn định chính trị trong nước : năm 2007, trước áp lực mạnh mẽ của dư luận, chính quyền Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến đã phải đình chỉ dự án cho xây dựng một nhà máy hóa học trị giá 1,4 tỷ đô la. Khi đó chính quyền trung ương ý thức được vai trò của xã hội dân sự trên những vấn đề thiết thân với đời sống hàng ngày của hơn 1 tỷ con người.
Thứ nữa, về mặt thuần túy kinh tế, chỉ trong một thời gian ngắn, Trung Quốc từ một nước xuất khẩu than đá đã phải mua lại loại nhiên liệu này của nước ngoài để đáp ứng nhu cầu nội địa khi biết rằng than đá chiếm đến 70% nhu cầu năng lượng của Trung Quốc.
Một thực tế khác đặt ra cho các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh là đến nay, ngành sản xuất của Trung Quốc được coi là khá tốn kém về năng lượng. Chẳng hạn như để làm ra 1000 đô la của cải, Trung Quốc « ngốn » gấp ba lần năng lượng so với tỷ lệ trung bình trên thế giới.
Từ năm 2002 đảng cộng sản Trung Quốc đã đề ra chỉ tiêu là vào năm 2020, GDP của nước đông dân nhất địa cầu phải được nhân lên gấp bốn lần, nhưng khoản năng lượng sử dụng để thực hiện « bước nhảy vọt » đó chỉ được nhân lên gấp đôi mà thôi.
Giới phân tích cũng không quên nhắc đến một bước ngoặt quan trọng trong chính sách phát triển của Trung Quốc khi vào năm 2006 Cơ quan bảo vệ môi trường SEPA lần đầu tiên đã bác bỏ nhiều dự án đầu tư, tổng trị giá lên đến 100 tỷ đô la với lý do, các dự án này gây ô nhiễm môi trường.
Theo nhận định của chuyên gia về châu Á, bà Valerie Niquet giám đốc viện nghiên cứu về quan hệ quốc tế của Pháp IFRI, trên hồ sơ biến đổi khí hậu, Trung Quốc không có sự chọn lựa nào khác.
Khi mà quốc gia này đang nuôi tham vong trở thành một siêu cường của thế giới, muốn đóng một vai trò then chốt trên bàn cờ quan hệ quốc tế thì Bắc Kinh bắt buộc phải có trách nhiệm trước một vấn đề liên quan đến sinh mạng của một phần nhân loại.
Về mặt đối nội, theo chuyên gia Niquet, Trung Quốc cũng không có lối thoát nào khác. Từ trước đến nay các nhà lãnh đọ Trung Quốc như có thỏa thuận ngầm với dư luận. Theo đó Nhà nước bảo đảm cho người dân một tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao để đổi lại thì sự thịnh vượng kinh tế đó là sự ổn định về mặt chính trị.
Giờ đây với khủng hoảng kinh tế và tài chính toàn cầu, một phần thỏa thuận ngầm giữa chính quyền và hơn 1,2 tỷ dân đó không còn được như ý thì bắt buộc Bắc Kinh phải tìm ra một con đường phát triển mới.




No comments:

Post a Comment