Friday, November 6, 2009

KKHI ĐẢNG THỞ HẮT RA

Khi đảng thở hắt ra
Phạm Trần

Đăng ngày 06/11/2009 lúc 00:10:00 EST
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4288

Hô hào bảo vệ chủ nghĩa xã hội để hại nước


Khi con đỉa bị bôi vôi thì nó điên lên không chịu nổi sức nóng của chất vôi nên người nông dân Việt Nam khi ra ruộng thường đeo theo vôi để diệt đỉa khi bị nó cắn vào chân. Nếu đem trường hợp con đỉa phải vôi so với sức kháng cự ở thời điểm cuối năm 2009 của đảng Cộng sản Việt Nam trước cơn hồng thủy “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên thì cũng giống nhau.

Hãy đọc Nguyễn Đức Bình, cựu Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, một trong số tác giả nòng cốt của Cương lĩnh “Xây Dựng Đất Nước Trong Thời Kỳ Quá Độ Lên CHủ Nghĩa Xã Hội” năm 1991: “Với nguy cơ tự diễn biến, phải có phòng, có chống nhưng phòng là quan trọng nhất. Phòng tốt, có hiệu quả đã có nghĩa là chống. Phòng thật tốt, hiệu quả thật tốt thì khỏi phải chống. Tích cực phòng chính là chống. “Tự diễn biến’’ có thể xẩy ra trên các mặt tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Quan trọng nhất là phải phòng, chống nguy cơ “tự diễn biến” về tư tưởng chính trị”. (Tạp chí Tuyên Giáo ngày 17-10-2009)
Ông Bình thừa nhận rằng: “Vấn đề tư tưởng quan trọng nhất hiện nay là niềm tin. Phải thẳng thắn thừa nhận trong Đảng ta hiện nay, ở một bộ phận không nhỏ, có sự khủng hoảng niềm tin. Đó là hiện tượng dao động về lý tưởng cách mạng, suy giảm niềm tin ở chủ nghĩa Mác-Lênin, ở chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên CNXH, ở sự lãnh đạo của Đảng và điều hành của nhà nước. Đó là một chỉ báo quan trọng, nếu không được sớm khắc phục, có thể dẫn đến nguy cơ ‘’tự diễn biến...”
“ …Hiện nay tình trạng mất đoàn kết khá phổ biến trong Đảng: Mất đoàn kết trong các cấp uỷ, cấp lãnh đạo, quản lý hệ thống chính trị. Có nơi nghiêm trọng, có nơi âm ỉ, nhưng mất đoàn kết có thể là mảnh đất dẫn đến hoặc có lợi cho nguy cơ “tự diễn biến”. Đặc biệt phải chú ý trong nguyên nhân mất đoàn kết có nhân tố “tự diễn biến” ở số người nào đó. Và cũng cần phân biệt mất đoàn kết với những ý kiến khác nhau thông thường”.

Trước tình trạng bất đồng ý kiến, kèn cựa, trên bảo dưới không nghe trong nội bộ đảng, ông Bình khuyên: “Phải cùng nhau thảo luận, tranh luận nội bộ để đạt tới nhất trí, điều đó không những bình thường mà cần thiết. Không nên ngại tranh luận. Không bình thường là mất đoàn kết đến mức chia rẽ. Chia rẽ trên lĩnh vực không thật quan trọng thì không sao, nhưng nếu chia rẽ trên những vấn đề cơ bản về hệ tư tưởng chính trị và lý luận nền tảng thì nhất định phải cố gắng giải quyết kỳ được. Thiếu nhất trí, mất đoàn kết ở phạm vi cục bộ đã phải kiên quyết khắc phục. Còn thiếu nhất trí đến mức chia rẽ ở tầm vĩ mô thì nhất thiết phải triệt để giải quyết theo Cương lĩnh, đường lối và nguyên tắc Đảng. Đảng ta dứt khoát không để xảy ra tình hình đó nhất là hiện nay khi đang chuẩn bị tiến tới Đại hội XI.”
Ông Bình cũng cảnh giác rằng: “Liên Xô sụp đổ để lại nhiều bài học phản diện trong đó có kinh nghiệm lớn cả về tư tưởng lý luận, cả về công tác tổ chức cán bộ dẫn đến “tự diễn biến” .

Để đối phó với căn bệnh chia rẽ và tình trạng “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” đang lan nhanh trong đảng, ông Bình khuyên trên 3 triệu đảng viên phải triệt để cương quyết với những kẻ “nội thù”.
Ông Bình viết: “Tăng cường kiểm tra, giám sát là không thể thiếu. Không để xẩy ra tình trạng bùng nổ mới đặt vấn đề. Phải phòng cho được nguy cơ khi còn mới là dấu hiệu mầm mống, khả năng. Tất nhiên công tác kiểm tra, giám sát phải hết sức cụ thể, khách quan, thận trọng, đánh giá thật chính xác, không bỏ qua mọi sự việc liên quan nhưng không thổi phồng tình hình và nguyên nhân thành to chuyện. Khi thật sự đúng mất đoàn kết nhất là đến mức chia rẽ bè phái thì nhất định phải xử lý kiên quyết và xử lý từ nhiều phía đối với cá nhân, nhóm, tổ chức.”

Ý tưởng của ông Bình giống hệt như các Chỉ thị đối phó với tình trạng cán bộ muốn “xé rào” đi chệch hướng dưới thời Lê Khả Phiêu giữ chức Tổng Bí thư đảng Khoá VIII. Một trong những ngăn cấm duới thời ông Phiêu (1996-2001) là các đảng viên không được phép nói và làm những điều đảng không cho phép, nhất là không được có lập trường đối lập với quyết định kiên định Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Để kết luận cho bài viết của mình, Nguyễn Đức Bình, người Cộng sản tiêu biểu cho thành phẩn bảo thủ chai đá nhất hiện nay trong đảng CSVN, đã doạ toàn đảng: “Đảng ta có thế mạnh tuyệt đối từ bề dày lịch sử và kinh nghiệm đấu tranh cách mạng. Đảng ta mạnh nhờ có đường lối duy nhất đúng là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Bởi ở nước ta không có và không thể có đất cho một đường lối chính trị nào khác tốt hơn khả dĩ được nhân dân chấp nhận ngoài đường lối độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Khách quan lịch sử mà nói, một đường lối khác, chẳng hạn đường lối xã hội dân chủ ai đó đang mơ tưởng, dù có tô vẽ nguỵ trang thế nào đi nữa thì rốt cuộc vẫn không thể gì khác là một đường lối đưa dân tộc ta đi vào con đường tư bản hoang dã tồi tệ nhất, cuối cùng không tránh khỏi trở lại số phận nô lệ hay phụ thuộc vào các thế lực đế quốc, phản động, thực dân mới kiểu mới”

Sùng bái một cái xác chết

Người thứ nhì ra sức bênh vực cho chủ nghĩa Cộng sản của Việt Nam là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Bá Dương, Học viện chính trị - Bộ Quốc phòng.

Trong bài viết ”Cách mạng Tháng Mười Nga - mốc son khởi đầu thời đại mới của nhân loại và dân tộc Việt Nam” đăng trên Tạp chí Tuyên Giáo ngày 24/10/2009, ông Dương nói: “Độc lập dân tộc và CNXH là sự lựa chọn duy nhất đúng của chúng ta”.
Nhưng ông Dương lại thú nhận và lạc quan tếu: “Thực tiễn cho thấy, phát triển không bao giờ là một đường thẳng tắp mà diễn ra quanh co, phức tạp theo hình xoáy trôn ốc. Sự ra đời, tồn tại, phát triển và sụp đổ của các nước CNXH ở Đông Âu và Liên Xô trong thập kỷ 90 của thế kỷ XX đã nói lên điều đó. Song, không vì thế mà tiến trình lịch sử bị đảo lộn, lịch sử bị “ngưng đọng”, “thụt lùi”. Những tổn thất từ sự sụp đổ của một số nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô chỉ có thể làm chậm bước tiến của nhân loại trên con đường đi tới CNXH, chứ không thể và không bao giờ xoá được lý tưởng cách mạng Tháng Mười cũng như mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH mà chúng ta đã lựa chọn. Điều này, đã được Đảng ta khẳng định: “Lịch sử đang trải qua những bước quanh co, phức tạp, song “loài người cuối cùng nhất định sẽ tiến tới CNXH, vì đó là quy luật tiến hoá của lịch sử” (Chú thích: trích từ Cương lĩnh 1991)
Nói đến trường hợp của Việt Nam và những bất cập triền miên của đảng, ông Dương biện bạch: “Đường lối đổi mới đất nước theo định hướng XHCN do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo là sự sáng tạo trong vận dụng và phát triển lý luận Mác-Lênin, lý tưởng cách mạng Tháng Mười. Thực tiễn xây dựng CNXH ở Liên Xô, Đông Âu và Việt Nam chỉ ra rằng, chủ nghĩa Mác-Lênin không phải là giáo điều, khô cứng; chủ nghĩa xã hội không phải là “cái bánh vẽ” cứ cầu mong là có ngay được. Thắng lợi của cách mạng vô sản mới chỉ là bước đầu, để có xã hội XHCN hiện thực cần phải có quá trình tìm tòi, xây dựng công phu, nghiêm túc”.
Hồ Chí Minh và đảng CSVN đã tìm tòi, ăn no đến bội thực với Chủ nghĩa Cộng sản từ năm 1930 và cũng đã chịu làm kẻ đánh thuê cho quốc tế Cộng sản và Chủ nghĩa bạo tàn này mà đảng của Hồ đã gây ra tai hoạ cho đất nước và làm thiệt mạng cho hàng chục triệu người Việt Nam trong 30 năm chiến tranh.
Vậy mà, cho đến bây giờ, những người CSVN như Nguyễn Bá Dương vẫn coi đó mới là “thắng lợi bước đầu” của “cách mạng vô sản” để tiến đến “Chủ nghĩa xã hội hiện thực” thì phải mất bao nhiêu chục năm nữa, đảng CSVN biết sáng mắt ra là mình đã lầm đường, lạc lối?
Đó cũng chính là lý do tại sao từ sau khi khối Liên Xô và các nước Xã hội Chủ nghĩa ở Đông Âu tan rã từ 1989 đến 1991, nhiều đảng viên CSVN, kể cả một số cấp Lãnh đạo đã mất định hướng để “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa”.
Ông Dương tự an ủi: “Không thể vì sự sụp đổ của CNXH ở Liên Xô và Đông Âu mà đã vội quy kết đó là “sự phá sản”, “sự sụp đổ” của chủ nghĩa Mác-Lênin, của lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học, sự thất bại của lý tưởng cách mạng Tháng Mười. Đối với nhân loại, học thuyết Mác chỉ có một và cách mạng Tháng Mười cũng chỉ có một, song con đường thực hiện lý tưởng XHCN mà học thuyết Mác và lý tưởng cách mạng Tháng Mười đặt ra hoàn toàn không phải chỉ có một. Vì vậy, sự sụp đổ của “mô hình XHCN” ở Liên Xô và Đông Âu chỉ là sự sai lầm của Đảng Cộng sản khi đi ngược lại, làm trái nguyên lý chủ nghĩa Mác-Lênin và lý tưởng của cách mạng Tháng Mười.
Vì vậy, bất luận trong điều kiện, hoàn cảnh nào, người cộng sản đều phải tỉnh táo, sáng suốt, phải hiểu và thực hiện đúng những nguyên tắc mácxít-lêninnít.”
Sau cùng, cũng giống như cái đầu tuy có óc nhưng đã khô cứng của Nguyễn Đức Bình, ông Dương nói như người có bệnh nói sảng: “Giờ đây, con đường đi lên CNXH vẫn là một tất yếu khách quan. Lý tưởng của cách mạng Tháng Mười vẫn là niềm khát khao, mơ ước, sự hấp dẫn “diệu kỳ” đang lôi cuốn các dân tộc yêu chuộng hoà bình đi theo, làm theo. Ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin và lý tưởng Cách mạng Tháng Mười không bao giờ tắt. V.I.Lênin khẳng định “Kinh nghiệm đó sẽ không bị quên đi... cái kinh nghiệm ấy sẽ không thể bị gạt bỏ, dù cho cách mạng Nga và cách mạng XHCN quốc tế sẽ có trải qua những đột biến gian khổ đến mấy nữa”.

Đến lượt Vũ Như Khôi, Phó Giáo sư, Tiến Sĩ cũng theo đóm ăn tàn để mặc áo thụng vái cái xác chết đã rữa nát và sặc mùi hội hám của Chủ nghĩa Cộng sản: “Sự sụp đổ, tan rã của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu là một tổn thất nặng nề của chủ nghĩa xã hội và phong trào cách mạng thế giới. Phải nhận định một cách nghiêm túc rằng cho đến nay chúng ta còn chưa lý giải đầy đủ nguyên nhân và tính chất của sự sụp đổ, tan rã đó. Tuy nhiên, chúng ta có những căn cứ lý luận và thực tiễn để khẳng định lý tưởng của Cách mạng Tháng Mười, lý tưởng xã hội chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa vẫn sống mãi, vẫn đang cổ vũ nhân loại tiến bộ tiếp tục cuộc đấu tranh cho những lý tưởng tốt đẹp đó.
Các nhà lý luận tư sản hiện đại, dù xuyên tạc, bài bác thế nào đi nữa, cũng không thể phủ nhận tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội. Cùng lắm, họ chỉ có thể nói chủ nghĩa xã hội chưa thể thắng thế trong bước phát triển hiện thời của nhân loại hoặc khuyếch đại những khuyết tật của chủ nghĩa xã hội hiện thực…. Sự biến ở Liên Xô và Đông Âu vừa qua là bước thụt lùi lớn của lịch sử. Nhưng lý tưởng xã hội chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa vẫn đang là niềm khao khát của nhân dân tiến bộ khắp các châu lục. Chủ nghĩa xã hội hiện thực dù có bị thu hẹp phạm vi nhưng các nước còn lại vẫn đứng vững và phát triển, mở ra tư duy mới về chủ nghĩa xã hội và cách thức đi lên chủ nghĩa xã hội….”(Báo điện tử của Đảng CSVN ngày 21-10-2009)

Nhưng “các nước còn lại” đang đeo đẳng chủ nghĩa Cộng sản chỉ có Trung Hoa, Việt Nam, Bắc Hàn và Cuba. Nhân dân của 4 nước, về mặt tinh thần, vẫn chưa dược hưởng các quyền tự do căn bản của con người và tiếp tục bị Nhà nước độc tài kiểm soát ngặt nghèo. Về mặt kinh tế thì Việt Nam, Bắc Hàn và Cuba vẫn đứng trong danh sách các nước nghèo và chẫm tiến nhất thê giới. Riêng Trung Hoa, tuy nay là một nước mạnh về kinh tế và đang đổ tiền ra để chi tiêu cho quốc phòng thành cường quốc về quân sự, nhưng mức sống của đại đa số trong hơn 1 tỉ dân vẫn còn kém xa nhân dân Nam Hàn, Đài Loan, Tân Gia Ba và Nhật Bản.
Vậy mà Vũ Như Khôi vẫn có thể viết lạc lõng:“…Kỷ niệm 92 năm Cách mạng Tháng Mười, nhìn lại chặng đường dài dưới ánh sáng chỉ đường của cuộc cách mạng vĩ đại đó, với những chiến công và thắng lợi có ý nghĩa lịch sử và thời đại, chúng ta càng vững tin vào con đường Bác Hồ, Đảng ta, nhân dân ta đã chọn, con đường Cách mạng Tháng Mười”.

Nhưng vào lúc đảng đang vỡ ra từng mảnh vụn mà cả ba “nhà lý luận con vẹt” Nguyễn Đức Bình, Nguyễn Bá Dương và Vũ Như Khôi đã xung phong đưa đầu ra bênh vực cho sự lựa chọn Chủ nghĩa Cộng sản để kêu gọi đảng viên tiếp tục kiện định cái chủ nghĩa phá sản này ở Việt Nam thì có ích lợi gì cho dân, cho nước?

Ai cũng biết trong Cương lĩnh “Xây dựng đất nước trong thời kỳ Quá độ lên Chủ nghĩa Xã hội” năm 1991, đảng CSVN đã không dám đưa ra thời hạn phải “quá độ” bao nhiêu năm thì nhân dân Việt Nam mới đến được cái thiên đàng có dân chủ, tự do, cơm ăn áo mặc và mọi người được học hành như Hồ Chí Minh mơ ước khi còn sống.

Họ nói sự lựa chọn của đảng CSVN để “quá độ” là “chưa có tiền lệ” nên phải kiên nhẫn tìm tòi và định hướng. Nhưng đến cuối năm 2009, sau 20 năm thực hiện Cương lĩnh và 23 năm Đổi mới mà nhân dân Việt Nam vẫn còn phải sắp hàng sau lưng đảng đì đẹt chạy theo các nước láng giềng, trong khi những kẻ có chức, có quyền lại giàu nứt mắt ra, được độc quyền hưởng thụ mọi thứ của tinh thần và vật chất thì đến bao giờ người dân Việt Nam mới thấy được ánh sáng ở cuối đường hầm của cái bánh vẽ “xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” của đảng Cộng sản Việt Nam?

Phạm Trần
© Thông Luận 2009


No comments:

Post a Comment