Wednesday, November 4, 2009

HỒN TỬ SĨ PHIÊU BẠT NƠI ĐÂU ?

Hồn tử sĩ phiêu dạt nơi đâu ?
Trang Kim
http://www.vietnamesesanjose.com/php_files/show_story.php?type=13
Lời giới thiệu: Tác giả lá thư này là một phụ nữ, đã trưởng thành trước 1975, đã trải qua không khí của miền Nam Việt Nam thời chinh chiến và đã từng lên tảo mộ tại Nghĩa Trang Biên Hòa. Ngày nay sống trên đất tự do, đọc tin tức về câu chuyện nghĩa trang xưa, Trang Kim nhớ lại vần thơ thời chiến của Khoa Hữu và Trần Hoài Thư. Tác giả cảm khái viết lá thư gửi người anh vô danh. Người đó có thể chính là quý vị độc giả, vốn là cựu chiến binh Việt Nam Cộng Hòa, bây giờ cũng lưu lạc xứ người. Những buổi chiều buồn anh ngồi nhớ lại cả một thời tuổi trẻ. Xin đọc lá thư của cô em gái để chia xẻ nỗi ngậm ngùi về Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa. Trong số các cô em gái hậu phương của cả một thời “chinh chiến điêu linh” với “chiến trường tồi tệ” chẳng mấy người giao cảm được hơn tác giả với nỗi tử sinh ở một nơi danh tiếng một thời, với 16 ngàn tử sĩ đã nằm trong lòng đất lạnh. Sau 30 năm, anh chiến binh tiền tuyến vẫn còn sống, sau cùng, anh vẫn còn có được một cô em gái hậu phương. Trang Kim là người ký tên dưới lá thư này. Lá thư gửi lên bốn phương trời trên cái thế giới Internet huyền hoặc. Anh cũng chẳng biết em ở đâu? Làm sao biết được hồn tử sĩ giờ này phiêu bạt nơi đâu?
Giới thiệu của Giao Chỉ, San Jose.


-------------------------------------------

Khi thư đến tay anh, thì có thể dư luận về tin tức giải tỏa Nghĩa Trang Quân Đội đã tạm lắng đọng. Mỗi người nhìn sự việc qua nhãn quan khác nhau, kẻ ủng hộ thì khen hay, người cẩn thận hơn đưa ra những phân tích về mưu đồ che giấu đàng sau thông báo của nhà cầm quyền. Hay hoặc dở thì trong tương lai, cái vùng đất di tích lịch sử đó cũng sẽ biến mất trên bản đồ của một thành phố đã bị đổi tên và được vẽ lại.

Viết cho anh chỉ là một cái cớ để lôi ra vài kỷ niệm cất giữ trong mớ ký ức hỗn độn về một khoảng thời gian mà ngàn năm hồ dễ mấy ai quên. Trong ký ức là bức tượng người lính ngồi cúi đầu tiếc thương một đồng đội vừa nằm xuống. Máu vinh quang nước mắt uất hận Khóc thằng về vị quốc vong than. Trong ký ức còn có hình ảnh người lính VNCH đi hành quân miệt mài trong lửa đạn, khát uống nước hố bom, đói ăn cơm gạo sấy, kiên nhẫn ngồi ôm súng canh xác bạn đồng đội, đợi trực thăng tải về hậu cứ.


Ta cầm súng thời làm lính thú
Dọc ngang ta nón sắt đội đầu
Vẹt gót giày bạc phếch áo trận
Viên đạn đồng ngủ đứng trong bao.


Người lính đó hôm trước còn ngồi canh xác bạn, hôm sau được một đồng đội khác ngồi canh xác mình. Họ lần lượt theo nhau lãng đãng bước vào nơi yên nghỉ dành riêng cho những người vong thân vì tổ quốc. Họ nằm ở đó, mười sáu ngàn người hạnh ngộ với nhau trên mảnh đất có tên là Nghĩa Trang Quân Đội.
Có những lần đi ngang qua nghĩa trang vào ban đêm, nhìn thấy bóng dáng cao lớn của người lính ngồi gác trước cổng, sừng sững in hình trên nền trời, em luôn có cảm giác rờn rợn như quanh đó còn có biết bao nhiêu những người lính khác đang cùng bầu bạn với anh.

Đất nghĩa trang chung ngày hạnh ngộ
Mộ mộ bia lớp lớp bảo tàng
Nơi yên ngựa anh hùng mạt lộ
Đá khắc tên lịch sử từng trang


Em thường tự hỏi có thống kê nào cho biết đất nước chúng ta có bao nhiêu những người vợ góa, những đứa con côi trong cuộc chiến giữa hai miền. Năm xưa khi đi giúp đồng bào tỵ nạn cộng sản ở các trại tạm cư, em luôn có mặc cảm khi đứng trước những người vợ lính lạc chồng khi chạy tản cư. Em mặc cảm vì đời sống của em quá yên bình với gia đình và trường học, vì bộ quần áo sạch sẽ mặc trên người. Và khi đứng trước mặt người đàn bà vai oằn quang gánh, một thúng gánh con, một thúng gánh phần gia tài nhỏ nhoi, rách nát tang thương, em không dám thốt ra bất cứ lời an ủi nào. Bởi lời nói nào cũng trở nên vô nghĩa trước ánh mắt thất thần, và tiếng khóc bằn bặt của đứa trẻ nằm cong mình trong thúng.

Người vợ lính kể rằng chị chỉ cảm thấy tạm yên lòng trong thời gian chồng được nghỉ phép về thăm vợ con. Trong những khoảng thời gian còn lại, đêm nghe tiếng súng, hay thấy ánh hỏa châu rọi sáng rực một góc trời, chị chỉ biết cầu nguyện cho chồng được may mắn thoát khỏi súng đạn vô tình. Rồi lặn lội từ quê, tay bế con, tay xách giỏ thức ăn lần tìm đến hậu cứ đóng quân để hỏi thăm tin chồng.

Tôi bỏ em vào tận rừng tràm
Em cũng theo tôi nuôi chồng lận đận
Bà Tú Xương ngày xưa gánh gạo
Em cũng theo bà gánh tiếp lao đao.


Xưa, bà Tú Xương chỉ gánh gạo để nuôi năm con và một chồng. Người vợ lính ở thế kỷ 20 không những nuôi năm con mà còn phải ghé vai gánh phụ chồng một cuộc chiến tàn khốc trên đôi vai mỏng manh yếu đuối. Người chồng chiến đấu ở mặt trận với cái chết cận kề trong khi hòa bình vẫn còn xa tít mù.

Kể từ mùa hè đỏ lửa 1972, chiến sự leo thang và số quân nhân tử trận được đem vào nghĩa trang cũng gia tăng theo. Vào những dịp lễ Thanh Minh, và Tết Nguyên Đán, nghĩa trang tấp nập người và xe vào viếng mộ. Em vào thăm Nghĩa Trang Quân Đội một ngày đầu năm 75, với người bạn sinh viên năm xưa nay đã thành vợ tử sĩ. Chiến tranh đang di chuyển đến gần thành phố, cùng lúc với hai chữ hòa bình được nhắc đến nhiều hơn. Bên cạnh ngôi mộ chồng người bạn, là mộ của một thiếu úy mà ngày sinh và tử ghi vội trên tấm bia gỗ cho thấy anh chỉ có mặt trong cuộc sống đúng 22 năm. Người vợ trẻ, quá trẻ với vành khăn trắng quấn trên tóc ngồi lặng lẽ trước mộ với nét mặt câm nín. Khi thấy có người đến, cô chỉ ngước mắt nhìn lên rồi lại cúi xuống nhìn chăm chăm vào tấm ảnh trên tay. Vành khăn như trắng hơn dưới cái nắng chói chang. Hình ảnh người thiếu phụ trẻ với nét mặt câm nín thất thần ngồi trước phần mộ mới đắp của người sĩ quan tử trận ở tuổi ngoài 20 đã ám ảnh em trong suốt một thời gian dài. Năm 75 là năm bạn em đoạn tang chồng. Đứa con vừa đúng 3 tuổi chưa một lần gặp mặt cha.

Ba năm sau một ngày giải giáp,
Ba năm em cũng đoạn tang chồng,
Đèn hiu hắt bóng về trên vách,
Đứa con đầu biết hỏi ba không?

Ba năm mẹ già hơn vóc vạc
Trở gió trời nghe bước con về
Rừng thay mẹ canh mồ lưu lạc
Chớp bể mưa nguồn lấy lòng che

Người lính trận bỏ tình đi mất
Bỏ trăm năm khói tụ mây thành
Lòng nghĩa trang tiếc thương đã nhạt
Cả vòm trời như áo nửa manh


Bạn em theo gia đình di tản trong những ngày cuối tháng Tư. Thư từ Mỹ gửi về nhờ em thay chị đi thăm mộ người tử sĩ, “mày thay tao, thắp cho anh ấy nén hương cho khỏi tủi vong linh, làm sạch cỏ quanh mộ hộ tao”. Những năm tháng đó em vừa lo chạy gạo toát mồ hôi, vừa chạy tìm chỗ vượt biên. Vào lúc bấy giờ, vào được Nghĩa Trang Quân Đội để thăm mộ không phải dễ vì khu đất đã được giao cho Quân Khu 7 cai quản. Gần đến ngày đi, lại viết thư cho bạn “gửi tiền về gấp, tao phải bốc mộ chồng mày, thiêu cốt rồi đưa vào chùa, sau này mày về được thì tính sau. Tao lo dọn nhà đi xa, không đi nhổ cỏ, thắp hương nến được nữa”.

Những ngôi mộ khác có lẽ cũng cùng lý do nên đã thay phiên nhau rời bỏ nghĩa trang tìm nơi tạm trú khác. Trong tương lai gần, khu nghĩa trang của quân đội VNCH sẽ trở thành một khu đất dân sự. Nghe nói ông Nguyễn Thanh Thu đã trở về VN để tạc lại bức tượng Tiếc Thương. Nhưng rồi tượng sẽ được dựng lên ở đâu, hay là chỉ nói để làm vui lòng một số người. Nếu có thể nhắn được vài lời với ông Nguyễn Thanh Thu, em sẽ khuyên ông đừng mất công tạo lại phó bản bức tượng Tiếc Thương. Ông chỉ có thể khắc tượng chứ không thể đem anh linh những tử sĩ VNCH về lại với tượng.

Bức tượng nổi tiếng không chỉ vì những đường khắc nghệ thuật ghi lại hình ảnh của người mẫu bất đắc dĩ là một người lính Dù. Chính nơi chốn mà người lính được đặt ngồi để canh xác các bạn đồng đội đã khiến cho bức tượng trở thành một tác phẩm nghệ thuật lớn . Bức tượng lính và khu nghĩa trang càng mang ý nghĩa đặc biệt hơn nữa sau khi thành phố bị đổi tên. Cho dù bức tượng có bị giật sập và bị lôi đi dấm dúi ở một chỗ nào đó hay đã bị đập vỡ tan tành thì người lính và khu nghĩa trang vẫn mãi mãi là một dấu ấn lịch sử được ghi khắc trong ký ức của tất cả những người từng mang hệ lụy với mấy chục năm chiến tranh với người Cộng sản. Số phận người lính ngồi canh nghĩa trang không khác gì số phận của những đồng đội đã chết và những chiến hữu còn sống của anh. Họ bị bứng ra khỏi mảnh đất đã chọn làm quê hương.

Người lính sau theo người lính trước
Đất vô danh cây cỏ vô hồn.

Anh hãy hình dung ra một trung tâm du lịch dành cho du khách ngoại quốc, với những khách sạn tân kỳ, những sân golf cỏ xanh mát mắt dựng trên khu đất nghĩa trang cũ. Công trình dân sự này có thể sẽ làm cho một số cán bộ cao cấp đã giàu lại càng giàu thêm nhờ việc khai thác thương mại với tư bản ngoại quốc. Và quan trọng hơn hết, khi ngôi mộ cuối cùng biến mất khỏi khu đất nghĩa trang, thì nhà nước Việt Nam sẽ có thể ghi vào sử sách riêng của người Cộng sản về công trạng xóa bỏ di tích cuối cùng của “ngụy quân” sau khi đã đánh cho Mỹ cút Ngụy nhào.

Khi không còn mộ chí để săn sóc và thăm viếng nữa, anh nghĩ có nên trở về để hòa giải và đánh golf, ăn chơi đú đởn trên dấu tích những mộ huyệt cũ của những anh hùng vị quốc vong thân hay không?

(Những câu thơ được trích dẫn từ thơ Khoa Hữu và Trần Hoài Thư.)




No comments:

Post a Comment