HỒI KÝ CỦA MÔT ĐẢNG VIÊN CỘNG SẢN THOÁI ĐẢNG
(Hồi Ký Vi Đức Hồi)
Ông Vi Đức Hồi nguyên là là trưởng ban tuyên giáo, giám đốc trường đảng, thường vụ huyện ủy huyện Hữu Lũng (tỉnh Lạng Sơn). Hiện nay Ông đã thôi giữ các nhiệm vụ cuả đảng CSVN để tham gia phong trào dân chủ VN quốc nội.
11
Vậy là đến thời điểm này, tôi đã chính thức ly khai đảng cộng sản tròn 2 năm (tháng 12/2006-12/2008). Hai năm trôi qua đầy những biến động và sóng gió trong cuộc đời tôi. Người thì cho tôi là dám vứt bỏ mọi cái mà cả cuộc đời tôi phấn đấu và có chút may mắn mới có được, đó là hành động phi thường; người thì cho rằng tôi là kẻ cả gan rước đuốc đốt trời, mang vạ vào thân; những người “đồng chí, đồng đội”của tôi, nhiều người cho rằng tôi là kẻ phản tặc. Công bằng mà nói thì họ nói cũng đúng bởi vì bất cứ ai trước khi được đứng trong hàng ngũ của đảng cũng phải phấn đấu, cũng phải tìm hiểu về đảng, cũng phải viết đơn tình nguyện và đặc biệt là phải xin thề dưới đảng kỳ là suốt đời trung thành với đảng, suốt đời phấn đấu cho lý tưởng của đảng đến hơi thở cuối cùng...
Tôi là một trong những người được đảng chăm lo, được đảng quan tâm bồi dưỡng, đào tạo khá cơ bản. Tôi cũng là người sống thủy chung với bạn bè, với công việc, với lý tưởng. Vì vậy, có thể nói khó khăn lắm tôi mới vượt qua được những cái mà tưởng chừng tôi không bao giờ bước qua nổi. Đúng là cực chẳng đã tôi mới phải hành động như hôm nay để rồi nhiều người nhìn nhận tôi như một kẻ phản bội. Đến hôm nay tôi vẫn khẳng định rằng tôi không và không bao giờ là kẻ phản bội.
Trong suốt thập niên 90, khi đó tôi đã được trang bị khá đầy đủ về quan điểm đường lối của đảng, và chính bởi thế tôi tôi bắt đầu ngờ vực sự lãnh đạo toàn diện của đảng. Tôi nhận thấy giữa lý luận của đảng so với thực tiễn nó xa vời vợi. Những người đảng viên có quyền chức họ nói một đằng làm một nẻo, nhiều chủ chương chính sách của đảng nó không những xa rời thực tế mà còn làm xâm hại đến lợi ích của các tầng lớp nhân dân lao động, làm cho quần chúng nhân dân mất lòng tin, nhiều cán bộ của đảng đa làm cho quần chúng phẫn nộ.
Nhớ lại khi tôi mới lớn lên và bắt đầu tìm hiểu về đảng, tôi nhận thấy đúng là “đảng là ngôi sao sáng, sáng nhất trong muôn vì sao”. Tôi yêu đảng, tôi mến mộ đảng đến tột độ và chỉ mong ước mình sớm được đứng trong hàng ngũ của đảng để được cống hiến sức mình cho đất nước, cho dân tộc. Đó là nghĩa cử cao đẹp của mỗi công dân yêu nước bình thường. Khi tôi đọc cương lĩnh đầu tiên của đảng năm 1930, tôi thật sung sướng vì đảng chỉ ra rằng: Khi cách mạng giải phóng dân tộc thành công, đảng đưa cả nước ta tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua tư bản chủ nghĩa. Xã hội mà đảng hướng tới là một xã hội đỉnh cao của sự văn minh nhân loại, ở đó sẽ không còn chế độ người bóc lột người, mọi người sống với nhau bình đẳng bác ái; nhà nước là của dân, do dân và vì dân; dưới sự lãnh đạo của đảng tiên phong của giai cấp công nhân, đảng bao gồm những người tiên tiến nhất, tiên phong nhất, là những người công bộc của dân, vì nhân dân mà phục vụ; đảng không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của dân tộc...
Với đường lối “trong sáng” như vậy, đảng đã tập hợp được đông đảo quần chúng nhân dân đi theo đảng để hoàn thành cách mạng dân tộc, giành chính quyền về tay đảng.Trải qua hai cuộc kháng chiến “chống Pháp và chống Mỹ cưu cứu nước”, các tầng lớp nhân dân ta lại nối tiếp nhau lên đường nghe theo tiếng gọi của đảng, xả thân mình giành “độc lập dân tộc”.
Khi cả nước đi lên “chủ nghĩa xã hội”, đảng bắt đầu quay sang tiến hành cải tạo những “thần dân” của mình. Cuộc cách mạng “cải cách ruộng đất”, cách mạng “hợp tác hóa nông nghiệp”, vụ án “Nhân Văn-Giai Phẩm”, cách mạng về “cải tạo công thương”, rồi cho đến ngày nay “cách mạng về công ngiệp hóa” đã làm cho hàng nghìn hộ nông dân mất đất...Và hàng loạt các chủ trương, chính sách của đảng đã làm cho người dân điêu đứng, đất nước tụt hậu.
Tôi thức tỉnh và bắt đầu đi tìm nguyên nhân của nó là gì. Hàng loạt các câu hỏi được đặt ra trong tôi: Tại sao Liên Xô và các nước Đông Âu bị sụp đổ? Tại sao các nước xã hội chủ nghĩa phát triển chậm? Tại sao lại có sự cách biệt một trời một vực giữa Đông Đức và Tây Đức, giữa Nam Hàn và Bắc Hàn, và ngay cả giữa Miền Bắc và Miền Nam nước ta...
Câu trả lời của tôi là: học thuyết về xây dựng một xã hội xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa chỉ là một loại lý tưởng hóa, nó là chiếc bánh vẽ để lừa gạt dân, không hơn không kém; đảng nói một đằng làm một nẻo. Chẳng hạn, đảng nói “xây dựng xã hội không có bóc lột” thì chính những đảng viên của đảng lại là những người trực tiếp bóc lột người. Đảng nói “một xã hội có nền dân chủ gấp triệu lần xã hội tư bản” thì chính xã hội ta đang mất dân chủ trầm trọng. Đảng nói “đảng bao gồm những người tiên phong nhất, tiên tiến nhất”, nhưng thực tế thì đảng đầy rẫy những người xấu xa nhất, đó là những kẻ lười lao động, ăn bám, đục khoét tiền bạc của nhân dân. Đảng nói “học thuyết Mác-Lê Nin và xã hội xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa là đỉnh cao của nhân loại”,vậy tại sao lại sụp đổ? Tại sao nước ta ngày nay lại trở lại thể chế của xã hội tư bản?...
Từ thực tế trên tôi cho rằng chính đảng đang đi ngược dòng chảy của xu thế thời đại, con đường mà đảng đã chọn là sai lầm. Đảng rất biết điều đó nhưng kiên quyết không sửa sai, tiếp tục dấn sâu thêm mặc cho dân tộc Việt Nam chịu nhiều thiệt thòi. Vì sao vậy? Bởi vì thể chế chính trị này tuy nó lỗi thời, đổi lại thì đảng được độc tôn cai trị, không có ai cạnh tranh, yên vị chễm chệ trên ngai vàng khác gì thời phong kiến, dại gì đi thay đổi để rồi nhân dân cho ra đứng đường!
Bởi vậy dù phải chịu tai tiếng là độc tài nhưng bởi được hưởng những đặc quyền, đặc lợi thì cũng chẳng sao, chủ nghĩa thực dụng là trên hết.
Hết chiến tranh, sự viện trợ của các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa bị cắt giảm. Sau 10 năm đảng tự lái con thuyền xây dựng đất nước sau chiến tranh, đã đẩy đất nước xuống vực thẳm. Học tập các đàn anh thực hiện công cuộc “đổi mới”, tức là bỏ kiểu to mồm chửi đổng tư bản chủ nghĩa, tìm cách làm lành với các nước “thù địch”, mở cửa mời gọi tư bản đến để vực nền kinh tế nước nhà với hàng loạt các điều kiện hấp dẫn như giảm miễn thuế, tiền nhân công rẻ, tài nguyên nhiều, cho mướn mặt bằng giá bèo bọt, cởi trói cho các thành phần kinh tế phi quốc doanh cùng chung xây đất nước, chấp nhận cơ chế thị trường điều chỉnh nền kinh tế...
Với những cách làm như vậy nền kinh tế nước nhà đã được phục hồi và phát triển. Đảng vỗ ngực khoác lác với bàn dân thiên hạ rằng: Đảng sáng suốt, đảng có công cứu tinh đất nước... Thực tâm tôi rất coi thường đảng, vì chính đảng là thủ phạm chứ không còn ai vào đây làm cho đất nước tàn lụi (vì “đảng ta” là đảng cầm quyền). Cái mà đảng tự hào là “sáng suốt” thì thế giới người ta đã làm hàng 100 năm nay. Vậy mà đảng lớn tiếng mị dân, coi thường dân đến thế là cùng.
Đúng là dân tộc Việt Nam có đủ nghị lực để làm giàu cho đất nước mình. Bằng chứng là chỉ sau thời gian khi đảng nới lỏng cơ chế tập trung, nới lỏng cho dân được tự chủ làm ăn, đời sống nhân dân đã khá lên trông thấy. Đất nước đã thay da đổi thịt. Đảng nói đảng đã có công rất lớn! Tôi không thừa nhận, tôi thừa nhận đảng đã có công nới lỏng bàn tay sắt đang ghì chặt yết hầu người dân, nếu tiếp tục siết như trước thì dân còn cực nữa.
Đến nay sau 20 năm đổi mới, đất nước ta đã có những bước phát triển vượt bậc, nhờ các nguyên nhân sau:
1. Nhân dân ta thông minh,cần cù,có chí làm giàu và biết làm giàu
2. Sự đầu tư của các nước tư bản ào ạt vào việt nam,tạo bước đột phá cho nền kinh tế nước nhà
3. Cơ chế mở, đi vay dễ
4. Nguồn thu xuất khẩu lao động lớn
5. Kiều bào gửi tiền về nước nhiều
6. Bán nhiều tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là dầu khí...
Thực tế là vậy. Tôi chưa thấy “đảng ta thiên tài, sáng suốt” ở chỗ nào, mà chính hiện nay đảng đang là trở ngại, lực cản cho sự phát triển. Đó là cái “định hướng xã hội chủ nghĩa” và “tăng cường sự lãnh đạo của đảng”... Chỉ mong đảng hãy tha cho dân lành, hãy để yên cho họ làm ăn, đừng lên mặt nữa, dân chịu nhiều khổ đau với đảng lắm rồi.
Từ những thực tế trên, tôi quyết định cần ly khai đảng. Tôi khẳng định: Tôi không phản bội đảng mà chính đảng đã phản bội tôi và nhân dân tôi. Nếu như đảng thực hiện đúng như cương lĩnh của đảng đề ra thì suốt đời tôi nguyện phụng sự đảng đến hơi thở cuối cùng. Tôi là người tự trọng, luôn tôn trọng sự thật, căm ghét giả rối, lừa gạt.
Quyết định của tôi là cả một quá trình nung nấu, cả một quá trình suy nghĩ, cân nhắc. Tôi chẳng có động cơ nào khác ngoài động cơ thấy mình cần phải bênh vực lẽ phải, bênh vực những người dân của tôi. Vì thế tôi quyết định những năm tháng còn lại của cuộc đời tôi, tôi phải làm điều gì đó dù là ít ỏi để rồi khi từ giã cõi đời này sẽ giảm bớt đi những ân hận.
12&13&14
8h ngày 26-3-2007. Tôi đang lên lớp cho lớp học Đảng viên mới kết nạp tại hội trường trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện. Theo quy định, thì trước khi kết nạp Đảng, những quần chúng ưu tú của Đảng phải học qua lớp “Tìm hiểu về đảng”. Đó là điều kiện để trở thành Đảng viên. Đảng viên mới kết nạp phải qua lớp lý luận chính trị phổ thông cũng mới đủ điều kiện để chuyển Đảng chính thức, bất luận người đó có chức vụ gì? Trình độ học vấn dù là cử nhân, thạc sĩ hay tiến sĩ chăng nữa thì vẫn phải theo các lớp học do trung tâm bồi dưỡng chính trị tại trường đảng cấp quận, huyện tổ chức.
Bí thư huyện uỷ điện cho tôi nói là tôi cùng bí thư phải đi gặp thường trực tỉnh uỷ ngay. Mấy phút sau, xe huyện uỷ cùng bí thư đến đón tôi. Bí thư không biết nội dung làm việc gì mà thường trực tỉnh uỷ cho mời gấp mà không báo trước, còn tôi thì tôi biết ngay khi nhận được điện thoại mà nội dung bí thư thông báo, bởi vì từ tháng 12-2006 đến nay (tháng 3-2007) tôi đã viết 6 bài với nội dung cổ vũ cho dân chủ, đa nguyên chính trị, lên án chế độ độc tôn đảng trị. . . lấy bút danh Hữu Hải, đăng tải trên trang báo điện tử: Đối thoại.
Trong thời gian này tôi liên lạc và gặp Nguyễn Văn Đài. Tháng 2-2007 Nguyễn Văn Đài cùng Lê Thị Công Nhân bị bắt. Ngay lúc đó tôi đã chuẩn bị cho mình bước ngoặt lịch sử trong đời tôi. Vì vậy việc hôm nay đi gặp tỉnh uỷ đột xuất tôi không có gì bất ngờ vì ở đời cái gì đến ắt sẽ đến.
Trên đường đi chừng tiếng rưỡi đồng hồ (80 km), một mặt tôi tư duy chuẩn bị cho mình để đối mặt với những gì sắp diễn ra, mặt khác tôi biết đây là dịp cuối cùng để tâm sự cùng bí thư huyện uỷ. Tôi tranh thủ bày tỏ một số quan điểm của tôi trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ địa phương, một số hiện tượng, và dư luận của một số cán bộ lãnh đạo và một số quan điểm, tư duy mới về công tác cán bộ ở địa phương, bí thư huyện uỷ cũng trao đổi với tôi một cách cởi mở, thẳng thắn và tán thành nhiều vấn đề mà tôi nêu ra.
9h30, tôi đến Tỉnh uỷ và vào thẳng phòng làm việc của phó bí thư thường trực Tỉnh uỷ Lạng Sơn, ngồi uống nước, chuyện trò thăm hỏi độ 10 phút, phó bí thư Tỉnh uỷ bảo tôi:
- Em sang gặp anh Lâm Thanh Hiền, trưởng ban tổ chức tỉnh uỷ.
Tôi chào hai người rồi đi bộ sang ban tổ chức Tỉnh uỷ cách đó chừng 500m, vào đến cổng đã có người hướng dẫn tôi lên phòng họp của ban tổ chức. Trong phòng họp có khoảng 20 người ngồi rất nghiêm túc chờ tôi. Những người tôi quen biết gồm có: Trưởng ban tổ chức tỉnh uỷ, phó trưởng ban thường trực kiêm đặc trách công tác nội chính (trước đây Tỉnh uỷ có ban Nội chính riêng, sau đó tinh giản biên chế được nhập vào ban tổ chức Tỉnh uỷ, có một phó ban phụ trách công tác này), trưởng phòng, phó trưởng phòng bảo vệ chính trị nôi bộ thuộc ban tổ chức tỉnh uỷ, cùng tất cả chuyên viên của phòng và một vài cán bộ của công an tỉnh mà tôi biết. Những người khác, có người tôi quen mặt nhưng không biết tên, hoặc quên mất tên, một số người tôi chưa gặp bao giờ, tôi đoán chắc là tổng cục an ninh bộ công an lên. Tôi lần lượt bắt tay mọi người rồi trở về vị trí người ta đã xếp đặt.
Mở đầu cuộc làm việc, trưởng ban tổ chức Tỉnh uỷ trịnh trọng thông báo: sau khi công an Hà Nội tiến hành bắt giam Nguyễn Văn Đài, đội lốt luật sư, núp dưới chiêu bài dân chủ và nhân quyền, tiến hành các họat động chống phá nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, qua khai thác, Nguyễn Văn Đài khai ra đã có liên hệ với anh Vi Đức Hồi, thường vụ huyện uỷ, trưởng ban tuyên giáo, giám đốc trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện (trường đảng huyện) Hữu Lũng, Lạng Sơn. Qua điều tra phát hiện anh Vi Đức Hồi đã viết một số bài có nội dung xấu, phát tán trên mạng internet chống nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, tán dương chủ nghĩa đa nguyên chính trị, đòi xoá bỏ vai trò lãnh đạo của đảng cộng sản.
. . Vì vậy hôm nay Tỉnh uỷ mời anh Hồi lên làm việc với thời gian dài ngày để làm rõ vụ việc trên. Trong thời gian làm việc, anh Hồi không được liên hệ với bất cứ ai. Tỉnh uỷ sẽ cử người giám sát mọi hoạt động của anh Hồi và bố trí chỗ ăn, nghỉ cho anh Hồi. Trước khi vào làm việc, đề nghị anh Hồi giao lại máy điện thoại và toàn bộ tài liệu, tài sản của anh đem theo cho chúng tôi để đảm bảo tính tuyệt đối bí mật. Tôi giao toàn bộ những thứ tôi mang theo cho họ rồi ký vào biên bản giao, nhận tài sản.
Trưởng ban tổ chức tỉnh uỷ cũng thông báo thành phần làm việc với tôi hôm nay gồm có: trưởng, phó ban tổ chức, cùng toàn thể lãnh đạo, các chuyên viên của phòng bảo vệ chính trị nội bộ thuộc ban tổ chức tỉnh uỷ. Vậy là tất tần tật những người có mặt tại đây bỗng chốc trở thành cán bộ của phòng bảo vệ chính trị nội bộ thuộc ban tổ chức tỉnh uỷ. Tôi thừa biết họ là ai vì những người trong ban tổ chức tỉnh uỷ hầu hết tôi quen biết, ngay cả trưởng ban tổ chức Tỉnh uỷ cũng một thời học cùng trường Nguyễn Ái Quốc phân viện Hà Nội với tôi. Hơn thế nữa năm 1986-1988 tôi làm trưởng ban tổ chức Huyện uỷ nên thường xuyên quan hệ công tác, giao lưu với những người thuộc nghành dọc cấp trên nên không những quen biết mà còn thân thiện với một số người.
Mở đầu cuộc thẩm vấn, phó ban tổ chức tỉnh uỷ quán triệt với thái độ trịch thượng (vị phó ban này nguyên là cán bộ công an tỉnh, nhiều năm giữ chức trưởng phòng mà không lên được phó giám đốc, chỗ thân quen với trưởng ban tổ chức trước đây nên được điều động sang làm trưởng phòng bảo vệ chính trị nội bộ, sau đó được đề bạt làm phó trưởng ban). Ông nói:
- Hiện nay cơ quan điều tra đã có trong tay toàn bộ các chứng cứ về hoạt động của anh, lúc này trên tinh thần anh còn là đảng viên, tôi yêu cầu anh trình bày thành khẩn với đảng về những việc làm vi phạm pháp luật của mình trong thời gian qua, tập trung vào một số nội dung như: lý do, nguyên nhân gì mà anh chống Đảng, Nhà nước, chống lại lợi ích của nhân dân, của Dân tộc; móc nối quan hệ với Nguyễn văn Đài; viết bài phát tán trên mạng; nhận tiền của Nguyễn văn Đài bao nhiêu; nhận thức của anh thế nào về những việc làm của mình. . . Tôi nói cho anh biết vì anh là đảng viên, là thường vụ huyện uỷ, do đó chúng tôi (Tỉnh uỷ) làm việc với anh trên tinh thần là tổ chức Đảng làm việc với một đảng viên, với một cấp uỷ địa phương, nếu anh cố tình không hợp tác, chúng tôi chuyển toàn bộ hồ sơ sang cơ quan công an, lúc đó tội của anh khác nhiều so với ở bên này. Bây giờ đi vào cụ thể từng nội dung một.
Anh cho biết lý do gì dẫn đến anh có những hoạt động chống Đảng, Nhà nước, phản bội lợi ích Đất nước, lợi ích Dân tộc?
- Thưa các anh, tôi nói, trước hết tôi khẳng định rằng tôi không vi phạm pháp luật, tôi không chống lại Nhà nước, Nhân dân và Dân tộc. Tôi thừa nhận tôi đã viêt bài, tán phát trên mạng internet có nội dung chống Đảng, cổ vũ cho dân chủ, nhân quyền, lên án sự độc tôn Đảng trị. Vào đầu những năm 90, khi Liên Xô và các nước Đông Âu bị sụp đổ, tôi cố tìm hiểu nguyên nhân của nó là gì. Trước đó tôi cũng đã thường xuyên nghe các đài: Tiếng nói hoa kỳ, RFA, RFI, theo dõi những tin tức thời sự, những sự kiện, bình luận của các đài trên và dần dần trở thành thói quen, tôi nhận thấy các kênh thông tin trên. Nó hoàn toàn khác hẳn so với các phương tiện thông tin đại chúng của Đảng ta vì nó phản ánh khách quan, trung thực, đa chiều. Tôi cũng bắt đầu tiếp cận những thông tin về nền dân chủ ở các nước phát triển và khẳng định đó là xã hội văn minh mà con người ta ở bất cứ quốc gia nào đều phải hướng tới.
Đã từ lâu tôi tìm hiểu về vấn đề dân chủ và nhân quyền trong nước, tôi rất mến mộ và khâm phục các nhà đấu tranh dân chủ và nhân quyền bậc tiền bối như cụ Hoàng Minh Chính, Trần Khuê, Nguyễn Thanh Giang, Hoàng Tiến, Hà Sĩ Phu, Phạm Quế Dương, Trần Độ và nhiều nhà dân chủ trẻ tuổi khác... Và tôi tự xác định cho mình phải có trách nhiệm cùng những anh, em dân chủ tiếp tục sự nghiệp đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền thành công trên đất nước ta. Tôi có ý định vài năm nữa xin nghỉ hưu sớm để công khai hoạt động cho dân chủ như các bậc tiền bối và nhiều nhà dân chủ trẻ tuổi mà tôi rất kính trọng, nhưng do quá bức xúc nên tôi quyết định vứt bỏ những gì tôi có được như ngày hôm nay để dấn thân vào công cuộc đấu tranh dân chủ hoá đất nước sớm hơn dự định.
Tôi thành thật xin lỗi Đảng vì trước đây tôi đã thề với Đảng là tuyệt đối trung thành với sự nghiệp của Đảng nhưng vì tôi thấy Đảng ta đã từ lâu không còn xứng đáng với vai trò lãnh đạo xã hội bởi những việc làm của Đảng trong suốt hơn nửa thế kỷ qua không đúng với mục đích, tôn chỉ của Đảng. Tôi cũng thành thật với Đảng đã từ lâu tôi đã không còn là đảng viên của Đảng vì những đảng viên có chức, có quyền của Đảng đã làm tôi coi thường Đảng. Tôi đã tự quyết định cho mình ly khai Đảng từ những năm đầu của thập niên 90. Một lần nữa tôi thành thật xin lỗi Đảng.
Trưởng ban tổ chức tỉnh uỷ nói với tôi rất nhẹ nhàng:
- Bất cứ một Đảng phái nào, Nhà nước nào cũng có những mặt yếu kém của nó. Đảng, nhà nước ta cũng vậy. Chính vì thế nên mới có cơ quan tiếp dân, có cơ quan giải quyết khiếu nại, tố cáo, có uỷ ban kiểm tra đảng... Nếu mình tâm huyết thì phản ánh đúng nơi, đúng chỗ, Đảng sẽ xem xét và điều chỉnh để tiến bộ hơn, anh đã không làm như vậy, điều đó chứng tỏ anh đã chống Đảng, Nhà nước này.
- Vâng, tôi trả lời, trên lý thuyết là vậy, nhưng thực tế thì không. Nếu Đảng biết tiếp thu chỉnh sửa như vậy thì dân đã đỡ khổ nhiều. Đảng vỗ ngực tự hào là vĩ đại, là sáng suốt, là người lãnh đạo tuyệt đối... Tôi phản đối sự ngạo mạn “dương dương tự đắc” của đảng.
- Anh cho biết anh viết mấy bài đăng tải trên mạng, là những bài nào? -phó ban tổ chức hỏi.
- Tôi viết và đã đăng tải trên mạng đến hôm nay là 6 bài, bao gồm các bài: “Hãy để cho nhân dân tự quyết định lấy người đại biểu của mình”, “Quốc hội Việt Nam Dân bầu hay Đảng cử”, “Sự ngạo mạn của Đảng cộng sản Việt Nam”, “Thần tượng Hồ Chí Minh có thể cứu cánh cho Đảng cộng sản Việt nam?”, “Các nhà đấu tranh dân chủ không vi phạm pháp luật Việt Nam”, “Đấu tranh dân chủ trong tình hình mới”.
- Anh nói chi tiết về việc móc nối với Nguyễn văn Đài? phó ban hỏi tiếp. Tôi không hề móc nối với Nguyễn Văn Đài mà tôi có gặp Nguyễn Văn Đài tại Hà Nội.
- Tại sao anh biết Nguyễn Văn Đài? Phó ban ngắt lời.
- Tôi biết Nguyễn Văn Đài trên mạng internet. Đài có văn phòng luật sư mang tên Thiên Ân, có số điện thoại. Tôi biết Đài vì thông qua những hoạt động dân chủ, nhân quyền của anh khá nổi tiếng. Tôi chủ động gọi điện thoại về văn phòng luật sư Thiên Ân làm quen và hẹn gặp nhau. Tôi chủ động bố trí thời gian gặp Đài tại Hà Nội, thời gian gặp tháng 12-2006. Trong cuộc gặp có trao đổi nhiều chuyện trong đó có nội dung bàn về vấn đề nhân quyền và dân chủ. Sau cuộc gặp đó Đài bị bắt.
- Nguyễn Văn Đài khai đã đưa cho anh một số tiền, anh nói với chúng tôi thế nào đây? Phó ban tổ chức hỏi tiếp.
- Tôi cho đó là anh tự nói, nếu như tôi không muốn nói là anh vu khống -tôi trả lời.
- Đó là kết quả điều tra của công an Hà Nội. Phó ban nói tiếp.
- Tôi không có gì nói thêm vấn đề này -tôi trả lời.
Tiếp tục cuộc thẩm vấn, phó ban tổ chức tiếp tục đặt câu hỏi:
- Ngoài Nguyễn Văn Đài ra anh còn quan hệ với những ai?
Trong phòng thẩm vấn lặng im “như tờ”. Mọi người đang ở tư thế rất nghiêm túc để ghi chép theo ý kiến phát biểu của tôi. Cậu thư ký từ nãy tôi quan sát thấy chưa thạo với cái máy vi tính xách tay cho lắm nên cứ thỉnh thoảng lại phải ngó sang xem quyển sổ của người bên cạnh để ghi cho đầy đủ.
- Xin lỗi, từ nãy đến giờ tôi phát biểu theo cách tư duy như vậy các anh thấy thế nào? -tôi hỏi.
- Anh cứ nói thoải mái, chúng tôi đang muốn nghe anh nói ra hết những suy nghĩ của anh-trưởng ban tổ chức nói.
- Vâng, tôi quan hệ rất nhiều người, tôi không thể kể hết được -tôi đáp.
Mọi người ngạc nhiên, có người thể hiện sửng sốt ra mặt. Phó ban (người đặt câu hỏi) không kìm chế được sự cáu giận, nhưng vẫn cố nén lại và nhận thấy bị “hớ”, liền chỉnh sửa câu hỏi vừa nẫy cho rõ ràng.
- Tôi hỏi anh là ngoài Đài ra anh còn có quan hệ với ai mà các anh gọi là những nhà đấu tranh dân chủ không?
- Không -tôi đáp.
- Theo thông tin chúng tôi nhận được thì ngoài Nguyễn Văn Đài ra anh còn liên lạc và quan hệ với rất nhiều người đang có những họat động chống Đảng, Nhà nước. Anh nghĩ sao vấn đề này?
- Vâng đó là nguyện vọng của tôi. Tôi đang cố gắng, nhưng đáng tiếc là cho đến giờ tôi chưa gặp được ai ngoài Nguyễn Văn Đài, bởi vì tôi mới tham gia hoạt động dân chủ, hình thức hoạt động của tôi đang là bí mật.
- Tại sao anh chọn hình thức bí mật? Nếu Đài chưa bị bắt và chúng tôi chưa phát hiện ra thì đến bao giờ anh mới công khai?
- Tôi đã tự vạch ra cho mình lộ trình đến hết năm 2007, sau khi tôi học xong lớp luật sư, tôi sẽ đệ đơn xin nghỉ chế độ và công khai hoạt động cho dân chủ và nhân quyền.
- Nếu tổ chức không cho nghỉ, anh tính sao?
- Tôi vẫn nghỉ và ra công khai hoạt động cho dân chủ.
- Tôi ghi nhận anh là người thành khẩn, hợp tác với chúng tôi, tuy nhiên còn một số vấn đề chúng tôi thấy anh còn quanh co, giấu giếm chúng tôi.
- Vâng. Tôi dám làm, dám chịu trách nhiệm.
- Tôi đã đọc các bài viết của anh, chẳng có gì là mới cả, chủ yếu là sao chép, trích lục để công kích Đảng, Nhà nước. Anh viết “hãy để cho nhân dân tự quyết định lấy người đại biểu của mình”. Đảng cộng sản Việt Nam, một chính đảng đã được Hiến pháp thừa nhận là người lãnh đạo Nhà nước và xã hội, theo anh nếu không là Đảng cộng sản thì là ai? Những kẻ lưu manh chính trị như bọn các anh chắc?
- Vâng. Tôi không phải là người có nghề viết lách, trình độ khả năng của tôi có hạn. Những điều tôi viết nói lên những suy nghĩ, những ước vọng của tôi. Nó chỉ phản ánh được riêng cá nhân tôi, không hơn, không kém. Đảng cộng sản Việt Nam được hiến pháp thừa nhận là người lãnh đạo tuyệt đối trong đời sống xã hội Việt Nam, tôi quá biết điều đó. Tôi phản đối việc Đảng lấy Hiến pháp làm công cụ che chở cho mình để duy trì sự thống trị, lấy Hiến pháp làm nơi ẩn náu để tung hoành thao túng đất nước, dựa vào Hiến pháp để đảm bảo cho sự tồn tại của mình. Điều đó chứng tỏ Đảng đã không thể tự mình đứng vững được trong lòng xã hội Việt Nam. Còn anh hỏi: ai đại diện cho nhân dân, tôi chỉ có một câu trả lời duy nhất: đó là chỉ có Nhân dân mới trả lời được câu hỏi này. Nhân dân có quyền và chỉ có nhân dân mới có quyền quyết định người đại biểu của mình. Tất cả những kẻ tự vỗ ngực, tự xưng danh là người đại biểu, đại diện cho nhân dân đều là bất hợp pháp.
- Anh cho rằng những kẻ như Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Văn Lý, Trần Độ, Trần Xuân Bách... là những kẻ có quyền đại diện cho dân? Ai cho những kẻ phản bội đó có quyền đó? Phó ban ngắt lời tôi.
- Anh nhầm! Chưa bao giờ có ai dám tự xưng là người đại biểu của Nhân dân, ngoại trừ “Đảng ta”! Những người đó chỉ lên tiếng đòi dân chủ và nhân quyền, đòi xóa bỏ thể chế độc tôn Đảng trị.
- Anh là người xuất thân từ nông thôn, thành phần nghèo, là người dân tộc, miền núi, chính nhờ chế độ này, nhờ có Đảng này anh mới được như ngày hôm nay. Ai nuôi anh? Ai sử dụng anh? Ai đào tạo anh? Vậy mà đến hôm nay anh trở thành tên phản trắc, vô ơn.
- Vâng. Tôi xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo. Chính vì tôi xuất thân từ thành phần đó nên tôi thấu hiểu sự thiệt thòi, sự đau khổ của người dân. Tôi không chấp nhận được sự bất công đang diễn ra xung quanh tôi, buộc tôi phải lên tiếng bênh vực dân nghèo. Ngày xưa những bậc tiền bối cách mạng cũng chỉ vì nhìn thấy đất nước bị ngoại xâm, người dân bị bóc lột nên đã đi làm cách mạng để giải phóng dân lành. Cách mạng thành công mà dân vẫn bị bóc lột, xã hội hình thành tầng lớp cường hào địa chủ mới, với hình thức bóc lột tinh vi và xảo quyệt hơn, tôi buộc phải lên tiếng bênh vực họ. Đúng là tôi đã dành hơn nửa cuộc đời đi theo Đảng vì Đảng có mục đích tôn chỉ tuyệt vời. Song thực tế tôi thấy Đảng không làm theo tôn chỉ đó, vì vậy từ lâu tôi đã phai nhạt lý tưởng của Đảng, tôi cho rằng Đảng đã lừa dân, phản bội lại dân và những người đã một lòng tận tâm, tận lực với Đảng.
Bất cứ người lao động nào làm công cho cá nhân hay tổ chức nào, người sử dụng lao động phải trả công và thực hiện nghĩa vụ do luật định. Tôi làm việc cho Đảng, Nhà nước thì tôi phải được trả công, tiền công tôi hưởng mấy chục năm nay. Đó là tiền của dân, hiển nhiên là vậy. Đảng nói là cơm, áo của đảng là việc tranh công trắng trợn. Đảng lấy đâu ra tiền, mấy đồng đảng phí của Đảng thì làm gì cho đời? Chính Đảng đang là gánh nặng cho dân, ai cũng biết điều đó. Đảng đào tạo bồi dưỡng tôi, đó là việc Đảng muốn tôi phục vụ cho Đảng nhiều hơn, hiệu quả hơn cũng như ông chủ tư bản muốn có lợi nhuận cao. Một trong những biện pháp là đào tạo nâng cao tay nghề của công nhân. Tôi cũng phải nói thêm rằng Nhà nước chỉ phải trả tiền cho tôi trong thời gian tôi học trường Đảng Nguyễn Ái Quốc. Còn lại về sau tôi theo hai lương lớp đại học tại chức, nhà nước, tập thể chưa hề cho tôi một đồng nào. Tất cả tôi bỏ tiền túi ra và được nhiều bạn bè giúp tôi. Nếu có ơn huệ thì tôi phải biết ơn những người bạn tôi, chứ tôi không đội ơn Đảng. Anh gọi tôi là tên phản trắc, đó là việc của anh. Còn tôi, tôi cho rằng những người đang cầm quyền của Đảng mới là những kẻ phản trắc, vì họ đã và đang làm những việc hoàn toàn trái với cương lĩnh của Đảng.
- Thôi được rồi, tôi không có nhiều thời gian để tranh luận với anh nữa-phó ban cắt ngang. Anh có một bài viết đả kích Bác Hồ, anh nghĩ sao về bài viết đó?
- Tôi có thể khẳng định rằng hoặc là anh chưa đọc bài viết của tôi hoặc là anh cố tình chụp mũ cho tôi, tôi chưa bao giờ đả kích Bác Hồ.
- Tôi biết anh đả kích Lê Duẩn, nhưng anh đả kích việc Đảng mở đợt sinh hoạt chính trị “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
- Vâng. Trước hết tôi xin bày tỏ quan điểm của minh về Hồ Chí Minh, tôi luôn cho rằng Hồ Chí Minh cũng là con người như bao con người Việt Nam, Hồ Chí Minh không phải là ông thánh giáng trần, công lao của người thì ai cũng biết, tuy nhiên không phải không có mặt này, mặt khác. Tầm như tôi, tôi chưa bao giờ dám có nhận xét, bình luận về Hồ Chí Minh, tôi nghĩ rằng rồi đây lịch sử sẽ có đánh giá khách quan, đúng đắn. Tôi phản đối các học trò của Hồ Chí Minh đã không làm đúng với di huấn người thầy của mình và thấy rằng việc lấy thần tượng Hồ Chí Minh để hậu thuẫn cho việc tồn tại của Đảng là việc làm không thể chấp nhận được, bởi vì thế giới chẳng có Đảng nào làm như “Đảng ta”, hết lấy Hiến pháp làm chỗ nương thân lại đến việc dựng thần tượng Hồ Chí Minh đã mất cách đây gần bốn mươi năm để ngụy trang, che chở cho mình, coi đó là bảo bối để cứu vãn tình thế cho Đảng, đó là việc làm đáng hổ thẹn. Tôi dám chắc rằng nếu Hồ Chí Minh sống lại các học trò của ông sẽ bị xử trảm là chắc, bởi vì đã không tuân theo di huấn của người, tham nhũng, lũng đoạn xã hội làm cho dân chúng than phiền, bức xúc, đất nước tụt hậu so với bạn bè mà còn dám cả gan động đến giấc ngủ ngàn thu của người, đem thần tượng người ra để răn đe, ru ngủ người dân, làm tình, làm tội mọi người. Tôi đảm bảo rằng cuộc vận động “làm theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh”sẽ chẳng đi đến đâu hết, chỉ tốn thời gian, tốn tiền bạc của Nhân dân.
- Anh viết: “sự ngạo mạn của Đảng cộng sản Việt Nam”, anh diễn giải thế nào về vấn đề này?
- Đúng. Tôi khẳng định như vậy, bởi tôi thấy lúc nào Đảng cũng tự hào về mình, tự ca ngợi về mình đến mức tôi cảm thấy ngượng, nào là sáng suốt;nào là thiên tài; nào là vận dụng sáng tạo;nào là có nghệ thuật lãnh đạo... Trong khi đó từ khi Đảng giành được chính quyền cho đến nay Đảng đã có những sai lầm nghiêm trọng. Đó là: cuộc cách mạng về “cải cách ruộng đất”; cuộc cách mạng “Nhân Văn-Giai Phẩm”; cách mạng “cải tạo công thương miền nam”; cách mạng “hợp tác hóa nông nghiệp”; cho đến chính sách khép kín, tập trung liêu bao cấp thời kỳ 1976-1986 đã làm cho nền kinh tế nước ta suy sụp, đất nước tụt hậu... Vậy Đảng ta thiên tài ở chỗ nào? Sáng suốt ở đâu? Đến lúc phải mở cửa đón nhận tư bản nhảy vào, nhờ tư bản, học tư bản, nhờ đó kinh tế phất lên. Được đà, Đảng tự cho mình là sáng suốt, nhạy bén, có công khởi xướng. Thật xấu hổ cái mà Đảng gọi là “sáng suốt” các nước tư bản người ta đã có nó hàng trăm năm nay, đó chẳng phải là ngạo mạn sao?
- Anh cho rằng quốc hội Việt Nam hoàn toàn do Đảng cử, anh giải thích vấn đề này ra sao?
- Vâng. Tôi thấy Quốc hội Việt Nam là do Đảng cử, bởi vì tôi chưa thấy ứng cử viên nào do người dân đề cử mà lọt vào vòng trong tranh cử, hãn hữu có đến một, hai người tự ứng cử lọt được vào vòng trong, nhưng rồi bị loại. Dân thì kêu ca, phàn nàn rằng những người được gọi là đại biểu của mình lạ hoắc, cứ như là trên trời rơi xuống. Các cuộc mạn đàm được tổ chức theo cụm dân cư do Đảng chủ chì hướng theo gợi ý cơ cấu của trên, hội nghị hiệp thương do Đảng tổ chức và lãnh đạo. Hội đồng bầu cử, ban bầu cử, cho đến tổ bầu cử đều do người của Đảng phụ trách. Đó là chưa kể đến hàng loạt cán bộ của Đảng được tăng cường cho các cơ sở để làm công tác chỉ đạo, hướng dẫn bầu cử theo định hướng của Đảng. Bởi vậy, chưa bầu, dân đã biết ai thắng cử, ai thất cử. Quốc hội là cơ quan quyền lực của Nhân dân, bao gồm những người đại diện cho các tầng lớp Nhân dân, vậy mà gần như tuyệt đối đại biểu Quốc hội là Đảng viên, điều đó cho thấy Đảng luôn ý thức Quốc hội là công cụ quan trọng nhất của Đảng, là cơ quan biến chủ chương của Đảng thành những quy phạm pháp luật để thống trị đất nước. Để đảm bảo tính phục tùng của cơ quan quyền lực đối với Đảng một cách tuyệt đối, hơn bao giờ hết Đảng phải thủ đoạn đưa người của đảng vào chiếm tuyệt đối để thao túng toàn bộ mọi hoạt động của Quốc hội. vì vậy xét trên mọi phương diện thì Quốc hội Việt Nam đều do Đảng cử.
Cuộc thẩm vấn đã diễn hơn tiếng đồng hồ, thời gian làm việc buổi sáng đã sắp hết. Chủ trì cuộc thẩm vấn-phó ban tổ chức tỉnh ủy nhìn đồng hồ rồi đặt câu hỏi tiếp với tôi: còn một nội dung nữa chúng tôi muốn nghe anh trình bày nốt.
- Anh viết: Các nhà đấu tranh dân chủ không vi phạm pháp luật Việt Nam, đề nghị anh giải thích.
- Vâng! Tại điều 69 hiến pháp Niệt Nam hiện hành có ghi: “công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí: có quyền được thông tin: có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”. Những người như linh mục Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, họ hoạt động trong khôn khổ hiến pháp quy định, tôi cho rằng họ không vi phạm pháp luật. Đảng, nhà nước Việt Nam khép cho họ vào tội chống phá nhà nước Việt Nam theo điều 88 bộ luật hình sự Việt Nam, là sự quy chụp. Luật hiến pháp là tối thượng, các đạo luật khác trái với hiến pháp là vi hiến và không có giá trị.
- Thôi được rồi, vấn đề này chúng tôi sẽ làm rõ với anh trong quá trình làm việc -phó ban ngắt lời tôi và ông bắt đầu phát biểu: vậy là hơn tiếng đồng hồ làm việc với anh mà chủ yếu là chúng tôi để anh nói lên hết những tâm tư, suy nghĩ, nhận thức của anh, bước đầu tôi ghi nhận anh có tinh thần hợp tác, thẳng thắn và mong rằng trong những ngày tới anh tiếp tục phát huy để sớm kết thúc vụ việc.
Về phía cá nhân tôi, tôi nhận thấy anh Vi Đức Hồi là một cán bộ đảng viên đã được Đảng đào tạo, bồi dưỡng khá cơ bản, được giao những nhiệm vụ quan trọng ở một địa phương cấp huyện. Song do thiếu tu dưỡng, rèn luyện thường xuyên, cộng với việc tiếp cận những thông tin phản động như nghe đài các nước có thù địch với Việt Nam, đặc biệt là đài Á Châu Tự Do, được chính phủ Mỹ dựng lên và tài trợ chuyên chống phá cách mạng Việt Nam và tiếp cận với bọn phản động, bọn lưu manh chính trị ở trong nước nên đã sa ngã về chính trị và đi đến có những hoạt động chống Đảng, chống Nhà nước, cụ thể là đã có những bài viết phát tán trên mạng, tán dương đa nguyên chính trị, bôi nhọ thanh danh của Đảng, Nhà nước, đòi xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản, đi ngược nguyện vọng chính đáng của Nhân dân ta, xâm hại lợi ích của Dân tộc Việt Nam, việc làm đó là vi phạm pháp luật nghiêm trọng, thậm chí là rất nghiêm trọng. Chiều nay anh viết tường trình nhất thiết phải thể hiện được quan điểm này, phải nhận thức được như vậy và kể từ giờ phút này trở đi, anh phải chấm dứt ngay mọi quan hệ, mọi liên lạc với đồng bọn Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Văn Đài.
Chúng tôi không chấp nhận được những quan điểm từ nẫy đến giờ anh trình bày, toàn bộ mọi quyền lợi chính trị, kinh tế, kể cả con người của anh hiện đang trong tay chúng tôi, nó hoàn toàn phụ thuộc vào thái độ của anh có thành khẩn sửa chữa hay không? Có từ bỏ con đường đầy tội lỗi và sai lầm của mình hay không? Mọi việc làm của anh tôi đã biết và anh đã thừa nhận đã đủ điều kiện để đưa sang cơ quan điều tra để khởi tố vụ án, nhưng xét thấy anh là người dù sao cũng có công ít nhiều đóng góp với Đảng nhất định nên chúng tôi mới tìm hình thức xử lý nội bộ, nếu anh còn tỏ thái độ như vừa rồi thì hậu quả sẽ xảy ra đối với anh khôn lường.
Quan điểm của tỉnh ủy là rất độ lượng với anh, anh phải thấy điều đó. Không phải chúng tôi sợ anh và đồng bọn của anh mà cái chính là muốn để cho anh con đường trở về với chính nghĩa, ăn năn hối cải để chỉnh sửa mình thành người lương thiện. Anh thấy đấy hành động tên Nguyễn Văn Lý trước phiên tòa như một thằng điên, như một tên côn đồ đấy mà gọi dân chủ sao? Tên Nguyễn Văn Đài ăn chặn tiền của đạo Tin Lành hơn 80 nghìn đô la, bị hội thánh Tin Lành tống khứ ra khỏi hội, anh đọc báo An Ninh Thế Giới chưa? Còn Lê Thị Công Nhân thì sao? Một gia đình bố mẹ ly gián, ngay cả cha con còn không nhận nhau thì nói gì đến lên nước dạy đời…
Mấy lần tôi chen ngang cắt lời nhưng họ không cho nói, tôi hiểu đến lượt họ buộc tôi phải nghe. Vẫn giọng trịch thượng, chụp mũ, phó ban tiếp tục nói rất nhiều vấn đề, ông chửi nhiều người trong đó có tướng Trần Độ, cụ Hoàng Minh Chính, nguyên ủy viên bộ chính trị đảng cộng sản Việt Nam Trần Xuân Bách. . . tất cả đều được ông kết tội quen thuộc do chính ông đặt ra là bọn “lưu manh chính trị”. Ông nói tiếp:
- Còn anh, tôi biết là anh lấn bấn về vị trí của anh, anh nghĩ rằng lẽ ra anh phải ngồi vào vị trí cao, cao vút mới phải, anh hãy nghĩ lại xem, tại anh đấy chứ. Vào cái tuổi 30 anh đã được Đảng giao nhiệm vụ thường vụ huyện ủy, trưởng ban tổ chức, có thời kỳ anh đã làm thường trực huyện ủy, Đảng có hẹp hòi gì với anh đâu? Cái thăng trầm cuộc đời anh là do anh gây nên chứ không phải Đảng làm tình làm tội anh và chính anh cũng tự nguyện rút lui khỏi cấp ủy chứ có ai cách chức anh đâu? Tuy nhiên trong từng thời điểm lịch sử, vào thời ấy là người lãnh đạo Đảng mà vợ chồng ly hôn là to chuyện, nếu như ngày nay thì cách nhìn nhận nó sẽ khác đi, anh cũng thấy điều đó. Đảng cho anh xin rút khỏi cấp ủy, thôi giữ chức trưởng ban tổ chức, đó cũng đã là thông thoáng rồi. Tuy nhiên tổ chức của Đảng không phải là cái chợ ai muốn vào thì vào, ai muốn ra thì ra vì vậy Đảng có án kỷ luật cảnh cáo đối với anh tôi nghĩ là rất thỏa đáng, ngay sau đó tổ chức đảng cũng rất tin tưởng anh, giao cho anh rất nhiều trọng trách như chánh văn phòng ủy ban nhân dân huyện, trưởng phòng tư pháp, ủy viên thường trực hội đồng nhân dân huyện rồi cho đến hôm nay Đảng đưa anh trở lại vị chí quan trọng là thường vụ, trưởng ban tuyên giáo, giám đốc trường đảng huyện, điều đó chứng tỏ đảng chưa bao giờ bỏ anh, luôn quan tâm, ưu ái anh. Chúng tôi cũng nhận thấy trong quá trình công tác của anh không biểu hiện tiêu cực nên mới tin tưởng anh như vậy. Vậy mà động cơ nào xui khiến anh đi vào con đường này. Anh có nghĩ đến bố, mẹ, vợ, con, anh em, họ hàng nhà anh không? Rồi vợ, con anh sẽ sống ra sao đây khi mọi người đều biết anh là “tên phản động”. Bây giờ anh có gì cần nói thì nói nốt đi.
- Vâng. Có lẽ những gì cần nói tôi đã nói, một lần nữa tôi khẳng định rằng động cơ của tôi đến với phong trào dân chủ là:
Một là tôi quá hiểu về bản chất của Đảng cộng sản Việt Nam, một chính Đảng nói một đằng, làm một nẻo: nói là người “đầy tớ của nhân dân”suốt đời phụng sự nhân dân, vì nhân dân quên mình, những người đảng viên của đảng là những người tiền phong, gương mẫu. . . nhưng xem những hành động của họ thì hoàn toàn khác: vơ vét cá nhân là nhân cách phổ biến của những đảng viên có chức quyền, hãy nhìn nhận một cách khách quan trong xã hội hiện thời có ai giàu có hơn được những đảng viên cộng sản? Có con em nào của những đảng viên có quyền chức mà không có công ăn việc làm, bị thất nghiệp? (trừ những đứa bị thần kinh hoặc nghiện hút, tiền án đầy mình): những kẻ tham nhũng, đục khoét tiền bạc của dân là ai? Chính là những đảng viên cộng sản. Đảng hô hào mở rộng dân chủ, nhưng chính đảng là hiện thân của sự độc tài. Đảng nói lấy giai cấp công nhân và giai cấp nông dân làm nền tảng cho cách mạng Việt Nam, ngày nay hai giai cấp này đang là nạn nhân của những chủ chương, chính sách của đảng.
Hai là sự phản bội, sự lèo lái tráo trở của Đảng: đó là những Đảng viên nắm trong tay quyền lực đang đi ngược với mục đích, tôn chỉ của Đảng, chính họ đang phá hoại đất nước, đang phá hoại thanh danh của đảng, họ là tác nhân làm cho suy sụp về uy lực của đảng. Thể hiện rõ nét nhất là trong kháng chiến đảng gắn bó với dân, hô hào dân dấn thân hy sinh cho Đảng, kháng chiến thắng lợi , Đảng quay lưng lại với dân, những quan chức của Đảng nhẫn tâm ăn chặn của dân, thu vén cho mình cuộc sống sa hoa truỵ lạc, khác người. Đảng thủ tiêu các Đảng phái mà trước đây đã cùng Đảng cộng sản chung tay dựng nước và giữ nước. Tổ chức lại cái gọi là “hệ thống chính trị”để toàn tâm toàn ý phục tùng Đảng nhằm thiết lập chế độ độc tài Đảng trị.
Ba là Đảng đã duy trì đường lối rất sai lầm, đẩy đất nước tụt hậu so với khu vực và thế giới bởi những áp đặt của thể chế độc quyền do đảng đề ra kìm hãm sự phát triển.
Bốn là tôi nhận thấy tầm vóc của Đảng trên mọi phương diện đã từ lâu không còn xứng đáng với vai trò lãnh đạo nhà nước và xã hội.
Bởi vậy tôi quyết định ly khai Đảng và nhận thấy cần có một giải pháp để bứt phá cho sự phát triển của đất nước, giải pháp duy nhất là xoá bỏ chế độ độc quyền cả về lĩnh vực kinh tế và chính trị. Về kinh tế đã được chứng minh một cách hùng hồn bằng những tốc độ phát triển trong những năm gần đây khi ta chấp nhận sự cạnh tranh. Thể chế chính trị hiện nay đang là vật cản cho sự phát triển xã hội, vì vậy hơn lúc nào hết cần phải xoá bỏ nó đi để thiết lập một thể chế mới, thể chế đa nguyên chính trị, mở đường cho sự phát triển. Một lần nữa tôi khẳng định không có nguyên nhân nào khác ngoài nguyên nhân nêu trên.
- Bây giờ thì tôi có thể khẳng định anh là một kẻ mê muội, ảo tưởng, kẻ điên khùng-phó ban nổi khùng. Đảng đã có những bước điều chỉnh quan trọng cho phù hợp với thực tế từng giai đoạn cách mạng và sẽ tiếp tục điều chỉnh để phát triển. Tôi còn sống thì cái đảng này sẽ không bao giờ mất đi. Những kẻ như anh, loại ếch ngồi đáy giếng mà cao giọng đòi tiêu diệt cái đảng này thì chỉ có loại điên mới ảo tưởng như vậy. Anh nghĩ anh và bọn đồng bọn của anh là ai mà tỏ vẻ ta đây?
- Anh đã cố tình không muốn hiểu ý của tôi. Tôi chưa bao giờ nói là tiêu diệt Đảng cộng sản, tôi chỉ yêu cầu Đảng cộng sản từ bỏ sự độc tôn cai trị của mình, chấp nhận sự cạnh tranh chính trị, tạo ra sân chơi bình đẳng. Đảng cộng sản Việt Nam vẫn là chính đảng cầm quyền nếu như được nhân dân tin yêu giao phó, có sao đâu? Anh hỏi chúng tôi là ai ư? Chúng tôi là công dân của nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ngay cả điều đó mà anh cũng không biết sao? Thái độ coi thường người, sự ngạo mạn của những người như anh một mặt nó phản ánh đúng bản chất của chế độ hiện hành, mặt khác chính những người như anh đang tạo ra tiềm ẩn gây hậu quả khôn lường cho Đảng, tiếc thay cho Đảng đã không nhận ra điều này.
- Bây giờ tôi hỏi anh -phó ban ngắt lời tôi. Anh có nhận thức việc làm của mình là vi phạm pháp luật không?
- Vâng. Tôi vi phạm kỷ luật của Đảng cộng sản Việt Nam, còn pháp luật thì tôi không vi phạm -tôi trả lời.
- Anh tự nhận hình thức kỷ luật thế nào cho thỏa đáng?
- Tôi tự nhận hình thức kỷ luật cao nhất của Đảng là khai trừ ra khỏi Đảng cộng sản Việt Nam.
- Thế còn về mặt chính quyền?
- Tôi tự nhận với hình thức cao nhất là cách chức mọi chức vụ tôi đang đảm nhiệm và xin nghỉ chế độ.
- Vậy hướng sửa chữa?
- Tôi chẳng có gì phải sửa chữa, tôi sẽ làm tròn bổn phận người công dân.
- Ý của anh là tiếp tục viết bài và quan hệ với những kẻ đang chống phá Đảng, Nhà nước Việt nam?
- Với bổn phận là một công dân, tôi sẽ làm những gì mà pháp luật không cấm.
- Thôi bây giờ thì đã sắp hết giờ -phó ban đứng lên phát biểu, sẽ còn nhiều thời gian để chúng tôi làm việc với anh, trước khi nghỉ, tôi quán triệt mấy vấn đề sau đây:
- Trước hết tôi đề nghị anh phải nhận thức được đầy đủ những hành vi của anh là vi phạm pháp luật nghiêm trọng, vì vậy yêu cầu anh phải có thái độ nghiêm túc, thành khẩn nhận ra vấn đề và ăn năn hối cải, mong được khoan hồng, nếu anh còn giữ thái độ như sáng hôm nay buộc chúng tôi phải dùng biện pháp mạnh đối với anh, đấy là tôi nói trước như vậy. Anh là đảng viên, là người có vị trí trong xã hội, là công dân Việt Nam, buộc anh phải tôn trọng pháp luật Việt Nam, chúng tôi buộc anh phải nhận thức được việc đó, một lần nữa tôi nói với anh toàn bộ sinh mạng của anh đang nằm trong tay chúng tôi, anh phải nhớ điều đó.
No comments:
Post a Comment