Wednesday, November 18, 2009

HỒI KÝ CỦA MÔT ĐẢNG VIÊN CỘNG SẢN THOÁI ĐẢNG (27-28)

HỒI KÝ CỦA MÔT ĐẢNG VIÊN CỘNG SẢN THOÁI ĐẢNG
(Hồi Ký Vi Đức Hồi)


Ông Vi Đức Hồi nguyên là là trưởng ban tuyên giáo, giám đốc trường đảng, thường vụ huyện ủy huyện Hữu Lũng (tỉnh Lạng Sơn). Hiện nay Ông đã thôi giữ các nhiệm vụ cuả đảng CSVN để tham gia phong trào dân chủ VN quốc nội.

27
Câu nói: “Đừng nghe những gì Cộng sản nói, mà hãy xem những gì Cộng sản làm” đã “tiêm nhiễm” trong tôi từ lâu. Vậy mà sự tráo trở, lật lọng, đổi trắng thay đen của Đảng thì người như tôi đã cùng “chung chăn” đến trên nửa đời người mà vẫn không thể lường hết được.
Tại hội nghị ban chấp hành Huyện Uỷ tiến hành kiểm điểm, quyết định khai trừ tôi ra khỏi Đảng, trong phần kết luận hội nghị, Bí thư Huyện uỷ quán triệt: đề nghị các đồng chí chúng ta không nên thấy anh Hồi mắc phải những sai lầm nghiêm trọng mà chúng ta lánh xa, trái lại chúng ta càng cần gần gũi để anh Hồi hoà nhập với mọi người, mặt khác thể hiện tính thiện chí, tính nhân đạo của Đảng ta.
Hơn tháng sau, trưởng ban tổ chức Huyện uỷ, người cùng cơ quan, cùng chi bộ, mọi công to, việc lớn của nhà anh hoặc nhà tôi, chúng tôi đều có mặt chia sẻ. Anh tổ chức lấy vợ cho cậu con trai, anh đến tận nhà tôi mời, và tôi có mặt trong cuộc đại sự của gia đình anh. Lâu ngày anh em, bạn bè không gặp nhau, tay bắt, mặt mừng, chén chú, chén anh theo thông lệ đám cưới. Trưởng, phó ban tổ chức Tỉnh uỷ từ xa quan sát dõi theo tôi. Tôi có linh cảm có điều chẳng lành. Mấy hôm sau tôi được tin Tỉnh uỷ trực tiếp chỉnh đốn trưởng ban tổ chức Huyện uỷ, một số bậu sậu cán bộ cấp dưới anh ta cũng được “sờ gáy” vì thiếu nhãn quan chính trị, ai lại dám cả gan bố trí ông Hồi lên ngồi tầng hai của nhà hàng, khu vực dành giêng cho các quan chức!
Quán triệt tinh thần của Tỉnh uỷ, Huyện uỷ cũng bắt đầu ra tay bắt chước và có phần “chơi trội hơn”. Có anh bạn tôi từ Sài Gòn ra thăm người nhà, đến nhà tôi ăn cơm. Chỗ bạn bè thân tình với chúng tôi, tôi gọi điện cho anh bạn, anh ta là phó văn phòng Uỷ ban nhân dân Huyện đến cùng vui. Không ngờ tôi đã gieo rắc tai hoạ cho anh ta. Cấp trên chỉnh đốn, chi bộ đưa ra kiểm điểm vì tội có quan hệ với “kẻ phản bội tổ quốc, phản bội nhân dân”, suýt bị mất chức phó văn phòng uỷ ban Huyện. Có cậu cùng cơ quan với tôi, sau khi tôi bị thôi việc vẫn thường xuyên lui tới thăm tôi, cậu ta cho rằng việc ai làm người nấy chịu, quan hệ tình cảm anh em không liên quan gì đến chính trị. Tin đó đến tai lãnh đạo cơ quan. Lập tức cậu ta “được lãnh đạo sờ gáy”, may mà chi bộ, cơ quan chưa quán triệt. Giả sử đã có văn bản thông báo mà vẫn đến thăm tôi thì cậu ta bị đuổi việc là cái chắc. Tuy vậy đến nay cậu ta vẫn bị tình nghi, nên ảnh hưởng đến con đườg thăng tiến của cậu ta. Tôi đã phải điện cho cậu ta và có lời xin lỗi. Lại có ông nguyên là phó bí thư thường trực Huyện uỷ, đã nghỉ hưu. Ông nguyên là sếp của tôi. Tôi vẫn thường xuyên qua lại nhà ông. Ông coi tôi như người nhà. Hôm ông tổ chức mừng thọ 70 tuổi, ông mời tôi cùng một vài anh em chỗ thân tình. Có cậu làm ở uỷ ban nhân dân Huyện, cậu ta lấy xe ô tô của mình đến đón tôi cùng đi, khi về suýt nữa cậu ta bị đuổi việc. Từ đó cậu ta cũng “cạch mặt” tôi luôn. Rồi đến vài chục trường hơp Cán bộ, Đảng viên người thì công khai, người thì “giữ ý”, người thì chia sẻ, người thì thoả mãn tính tò mò, họ đến với tôi mà Đảng không thể nào kiểm soát nổi. Tình hình trên đã tạo ra mối đe doạ, mối nguy cơ gây tiềm ẩn bất ổn cho chế độ!
Bởi vậy, một thông báo đặc biệt của Huyện uỷ đã ra đời. Thông báo do bí thư Huyện uỷ ký và gửi cho 63 Chi, Đảng bộ trực thuộc Huyện uỷ. Thông báo có nội dung: ông Vi Đức Hồi, nguyên là thường vụ Huyện uỷ, trưởng ban tuyên giáo, giám đốc trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, do thiếu thường xuyên tu dưỡng rèn luyện phẩm chất, đạo đức cách mạng, quan điểm chủ nghĩa Mác-Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cộng với việc thường xuyên tiép cận với những tư tưởng, luận điệu phản cách mạng, như: nghe các loại đài địch, lên mạng đọc những tài liệu độc hại phản khoa học, đi ngược lại xu thế phát triển của đất nước, đi ngược lại với lợi ích của nhân dân, lơi ích dân tộ;móc nối với những phần tử phản cách mạng, lợi dụng cái gọi là: “dân chủ, nhân quyền” để chống phá sự nghiệp cách mạng nước ta. Vi Đức Hồi đã viết nhiều bài phát tán trên mạng internet, cổ vũ cho việc mở rộng dân chủ vô chính phủ, phủ nhận vai trò lãnh đạo của đảng ta, kêu gọi đa nguyên, đa đảng, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tư tưởng, tự do lập hội…Với những hoạt động chống Đảng, chống Nhà nước, chống Nhân dân nêu trên, Vi Đức Hồi đã bị khai trừ ra khỏi Đảng, cách chức mọi chức vụ mà Vi Đức Hồi đảm nhiệm, buộc thôi việc để chờ giải quyết chế độ. Để ngăn chặn, đập tan mọi âm mưu “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch chống phá sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, Huyện uỷ yêu cầu các Chi, Đảng bộ trực thuộc Huyện uỷ phải quán triệt đầy đủ cho toàn thể Cán bộ, Đảng viên và quần chúng Nhân dân trong Chi, Đảng bộ mình, Cơ quan, Đơn vị và Địa phương mình hãy nêu cao cảnh giác cách mạng, kiên quyết không mưu kẻ địch, đồng thời cắt đứt mọi quan hệ, giao tiếp với Vi Đức Hồi, mặt khác theo dõi, giám sát mọi hoạt động của Vi Đức Hồi. Khi phát hiện có vấn đề khả nghi, trình báo cho cơ quan Công an hoặc Chính quyền Địa phương kịp thời để có biện pháp xử lý.
Thông báo ra đời đã có tác dụng trông thấy. Số Cán bộ, Đảng viên có quyền chức đã đoạn tuyệt với tôi. Nhiều người tổ chức cưới vợ, gả chồng cho con cái đã gọi điện cho tôi thông báo và xin được cảm thông vì Đảng đã ra văn bản nghiêm cấm nên không thể mời tôi tham dự được. Tôi chia sẻ cùng họ. Thế là bạn bè của tôi đã “vắng bóng”.
Sự đời thường mất mặt này lại được mặt kia. Trong cái rủi có cái may, trong cái may có chứa đựng cái rủi. Đảng cấm mọi người quan hệ, giao tiếp với tôi, vô hình trung đã tạo ra tính tò mò, hiếu kỳ đối với nhiều người. Có không ít người tỏ ra thích thú, cố ý thách thức khiêu khích với Đảng, Chính quyền. Họ tìm đến với tôi đông hơn, chia sẻ với tôi nhiều hơn. Tuy nhiên họ không phải là những người nắm trong tay quyền lực, họ là những người dân bình thường, họ là những cựu chiến binh, những người cũng có thời gian tham gia công tác xã hội. Nhiều người trong số họ là những Đảng viên và cũng có người có chức sắc nhưng không lớn. Vậy là tưởng có thông báo, có sự chỉ đạo của Đảng xuyên suốt ít nhất là từ Huyện đến đến thôn, xóm, làng bản cho tới người dân lành thì Đảng đã yên tâm, khỏi phải canh cánh bên lòng về những hiểm hoạ khi mà Cán bộ, Đảng viên, Quần chúng Nhân dân tiếp xúc với tôi, lo sợ tôi lôi kéo chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng. Nào ngờ họ lại đến với tôi đông hơn, tình hình càng phức tạp hơn. Cực chẳng đã, lực lượng Công an lại phải ra tay vào cuộc để chỉnh đốn với những người “khó bảo” này.

Có ông anh kết nghĩa với tôi từ nhiều năm nay, thấy tôi thường xuyên đến nhà anh, Công an nhiều lần đến nhắc nhở và chỉnh đốn tư tưởng. Anh là người có học và lại nóng tính, nhiều lần làm Công an bẽ mặt. Một lần anh với tôi đi Hà Nội. Hai hôm sau Công an Tỉnh, Huyện, Thị trấn kéo đến nhà hỏi cung:
- Ông có quan hệ với ông Hồi thế nào, từ bao giờ?
- Tôi với chú Hồi nhận anh em kết nghĩa từ năm 1986, có nghĩa là trên 20 năm nay.
- Dạo này ông Hồi thường xuyên đến nhà ông?
- Không phải dạo này mà từ trước vẫn thế và bây giờ vẫn thế.
- Ông Hồi nói những gì với ông?
- Nói những gì làm sao tôi nhớ được! Mà sao các ông lại hỏi như vậy? Có việc gì cứ nói thẳng. Tôi còn nhiều việc phải làm, không có thời giờ tiếp các ông đâu!
- Hôm vừa rồi ông với ông Hồi đi Hà Nội có việc gì, đến những đâu, làm những gì, bao giờ về?
- Tôi nói cho các ông biết nhé! Việc đi Hà Nội hay đi đâu là việc của tôi. Tôi không có nghĩa vụ phải trả lời các ông. Các ông muốn biết thì đi mà điều tra. Nếu không có việc gì thì mời các ông về cho để tôi còn làm việc của tôi. Mà tôi nói trước, tôi không có ký kết với các ông gì hết.
- Ông cứ bình tĩnh! Đây là nhiệm vụ trên giao, chúng tôi phải làm. Ông biết đấy, ông Hồi hiện nay là đối tượng chính trị, chúng tôi đề nghị ông cảnh giác trong quan hệ với ông ta. Hiện nay nhất cử, nhất động của ông Hồi chúng tôi phải được biết. Chúng tôi đề phòng ông bị ông Hồi lôi kéo!
- Tôi đã 60 tuổi, tôi không là trẻ con. Trên mọi phương diện Hồi nó đều là em tôi, cả về tuổi tác, cả về kinh nghiệm đời, cả về trình độ học vấn…Tôi có chính kiến của tôi, cái gì Hồi nó sai, tôi bảo sai; cái gì đúng, tôi bảo đúng. Thí dụ Hồi nó viết:
“quốc hội Việt Nam dân bầu hay đảng cử?”, đúng quá đi chứ! Tôi hỏi các ông, các ông có được bầu ông Chủ tịch Nước, bầu Thủ tướng, hay Chủ tịch Huyện, Tỉnh không? Hẳn là không! Rõ ràng là Đảng cử chứ dân đâu có được bầu! Thôi nhé, các ông ra khỏi nhà tôi cho tôi nhờ, tôi bận lắm. Từ đó chẳng thấy bóng dáng Công an, Chính quyền nào đả động đến ông anh của tôi nữa.

Lại có anh bạn trước cùng cơ quan với tôi, anh bị giảm biên “về vườn”. Chúng tôi vẫn thường xuyên qua lại với nhau. Cấp uỷ, Chính quyền Địa phương nhiều lần nhắc nhở, anh ta bỏ ngoài tai. Có lần còn thách thức với Đảng: “Tao không làm gì nên tội, đố thằng nào làm gì được tao!”. Mới đây thôi, tôi cùng vài người bạn uống rượu ở nhà anh ta. Công an Tỉnh, Công an Huyện đến xông vào nhà hỏi han lằng nhằng. Có khách, anh ta tỏ ra nhã nhặn. Hôm sau vẫn mấy cậu Công an này lại hùng hổ xông vào nhà hạch sách:
- Ông quan hệ thế nào với ông Hồi?
- Tôi là bạn với ông Hồi, trước đây cùng cơ quan. Có việc gì?
- Chúng tôi là Công an. Ông Hồi có hay lên đây không? Ông ấy lên làm gì? Ông nói những gì?
- Công an hả! Cút ngay! Cút ra khỏi nhà tao ngay! Biến!
Mặt đỏ tía tai, cắp đít chuồn thẳng. Từ đó cũng chẳng thấy bóng dáng Công an đến hăm doạ. Rượu vào anh ta cứ oang oang kể chuyện cho mọi người nghe. Anh ta có vẻ thích thú như vừa lập được chiến tích mới.
Khổ nhất vẫn là ba anh cán bộ cốt cán (cán bộ đầu ngành) của xã trong quê tôi. Cũng mới đây thôi! Nhân tiện tôi gặp các anh ở trong quê, tôi mời các anh đến nhà tôi (nhà trong quê) uống rượu. Thấy tình hình của tôi đã lâu lâu, với lại có vẻ đã dịu xuống, nên các anh nhận lời và kéo đến nhà tôi. Sau bữa cơm thân mật, Bí thư đảng uỷ đã chỉnh đốn gay gắt, yêu cầu viết tường trình và cam đoan đoạn tuyệt giao tiếp với tôi. Chưa hết, ngành dọc cấp trên (cấp huyện) cũng thẳng thắn cảnh báo về lập trường quan điểm, về tinh thần nêu cao cảnh giác cách mạng, chống âm mưu diễn biến hoà bình…
Hôm gặp lại (cũng ở trong quê), mấy anh cười lắc đầu:
- Chịu các bố! Không hiểu nhận thức các bố thế nào nhỉ? Làm thế thì ai người ta phục! Thôi. Chúng tôi ít nhiều còn chút vướng mắc nên phải chịu thôi! Thời gian nữa bọn này nghỉ, bọn mình sẽ tăng cường đến với nhau hơn, xem chúng nó làm được gì!
Ngay cả mấy người bạn của vợ tôi hay lui tới nhà tôi chơi, cũng bị Công an gọi điện “thăm hỏi”. Bức xúc quá, một hôm mấy cậu ta đến nhà tôi phàn nàn:
- Anh Hồi với cả Tươi (tên vợ tôi) này! Mẹ chúng nó chứ, bọn em hay vào nhà anh chơi, mấy lần chúng nó gọi điện hăm doạ em.
- Hăm doạ thế nào? Vợ tôi gặng hỏi.
- Nó bảo là hay vào nhà Hồi, Tươi làm gì? Không biết nhà ấy là thế nào à? Liệu mà sống!
- Em chửi luôn: mả bố chúng mày, chúng mày định hăm doạ tao à! Có luật nào cấm quan hệ anh, em bạn bè? Tao cứ đến đấy! Tới nước này tao còn đến hơn. Có giỏi, làm được gì thì làm!
- Thằng nào hăm doạ vậy?
- Nó có dám xưng danh đâu! Chắc là mấy thằng Công an chứ ai! Em nói thật với anh Hồi, bọn em chẳng có sợ thằng chó nào cả, vì em là thằng vô sừng, vô sẹo, nó chỉ đe nẹt được mấy thằng Cán bộ Công chức, vì nó có miếng cơm, manh áo ở đó; còn bọn em vô tư, khi nào có rượu, có đồ nhắm cứ gọi bọn em đến vui vẻ, xem nó làm được gì?
Tôi có đưa cháu gái con bà chị vợ tôi đang học ở Hà Nội. Một đôi lần tôi gọi điện nhờ nó có việc riêng, ấy thế mà trưởng phòng PA38 Hoàng Anh gọi điện “nhắc nhơ”, rồi nhờ Công an Hà Nội đến gọi ra quán nước quán triệt tinh thần cho cháu, cần “cảnh giác cách mạng”.
- Giá mà hôm nào cũng được các anh mời đến để lên lớp, rồi uống cà phê, nước giải khát thì “dạ sáng lắm đấy!”. Đứa cháu tôi tâm sự.
Vào thời điểm nhạy cảm, họ sợ tôi đi Hà Nội, nên họ tăng cường lực lượng bám sát tôi, hòng ngăn cản tôi đi khỏi địa phương. Ở nhà chán, tôi về quê chơi, Công an rồng rắn đi theo. Có lúc tôi ở trong quê vài ngày họ cũng chăn màn, quần áo, khăn gói, quả mướp theo cùng. Thời kỳ mẹ tôi ốm nặng, tôi về trong quê ở hẳn, họ cũng theo sát. Mấy cậu trong quê xúi tôi: “Anh vào với mấy ông ở trong Lân Lũng vài ngày để cho chúng nó tìm kiếm cho sướng đời nhà nó đi!”. Tôi cười và nói với họ: “Bọn này là lính tráng, chỉ đâu đánh đấy, nó biết gì đâu! Làm thế khổ chúng nó. Vả lại nó lại oán ghét mình, nó vào đây ăn nằm là quá khổ rồi, không nên khiêu khích nó nữa, tội chúng nó lắm!
Hôm tôi đi qua nhà ông cán bộ cốt cán của xã, về quan hệ gia đình, tôi phaỉ gọi bằng cậu, xưng cháu. Thấy tôi đi qua, ông gọi với theo. Tôi lên nhà, chưa kịp ngồi ông đã đưa cho tôi tờ giấy mời ông đi họp, do phó bí thư thường trực Đảng uỷ xã ký. Nội dung cuộc họp ghi rõ: “Nghe phổ biến tình hình về ông Vi Đức Hồi”.
- Nhận được giấy mời, cậu sốt ruột quá. Thế có biết tin tức gì không? Họ có mời anh không?
- Cháu chẳng biết gì cả!
- Chắc là họ không mời anh đâu!
- Chắc thế! Họ mời những thành phần nào lắm hả cậu?
- Cậu không biết.Chắc họ lại tìm cách bao vây cô lập anh đấy mà!
- Vâng. Cháu biết, cậu đi họp xem họ nói gì!
- Tất nhiên rồi.
Chiều về nhà, tôi gọi điện cho một người bạn ở thị trấn.
- Ở thị trấn có hội nghị gì bàn về trường hợp của tôi không?
- Không.Tôi không biết, chiều mai có hội nghị, họ mời tôi, nhưng không biết nội dung gì!
- Vậy à, có lẽ nội dung bàn về tôi đấy! Ông có đi không?
- Có.
- Có gì về tin cho tôi nhé!
- Yên tâm.Tôi sẽ đi và lĩnh hội.
Ngay sau hội nghị tan, anh ta điện cho tôi. Tôi xuống nhà anh ta ngay.
- Buồn cười lắm ông ạ. Thành phần rất đông: gồm Ban chấp hành Đảng uỷ, Thường trực hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, các ban ngành của Thị trấn, trưởng, phó khu phố, bí thư, phó bí thư các chi bộ, toàn thể các sĩ quan quân đội, công an nghỉ hưu đến dự. Đại biểu huyện có Bí thư Huyện uỷ và Trưởng Công an Huyên đến dự và chỉ đạo hội nghị. Bí thư Đảng uỷ tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu rồi giới thiệu Trưởng công an huyện lên đọc một bản cáo trạng về ông. Họ kể về ông từ khi còn nhỏ rồi lớn lên tham gia công tác xã hội, các chức vụ ông đảm nhiệm rồi cho đến mới đây ông hoạt động chống Đảng, chống Nhân dân, rồi đã bị khai trừ Đảng, cách chức, cho thôi việc để chờ giải quyết chế độ…Họ kết tội ông nặng lắm, tội phản bội cơ mà!
- Rồi sao nữa?
- Rồi họ yêu cầu toàn dân phải nêu cao cảnh giác cách mạng, không quan hệ giao tiếp với ông, theo dõi, giám sát những hoạt động của ông, khi phát hiện có vấn đề lập tức báo Công an, Chính quyền xử lý. Sau đó có mấy ông lên phát biểu yêu cầu được nghe các bài viết của ông để xem ông viết những gì, nói xấu chế độ thế nào, rồi thắc mắc: tại sao phạm tội nghiêm trọng thế mà không bắt đi? Tại sao lại đi giải quyết chế độ hưu trí cho ông? Rồi có ông lại quay lại phê bình Huyện uỷ về công tác quản lý Đảng viên yêu kém, một Thường vụ Huyện uỷ làm những việc tày trời như vậy mà không ai biết, đến khi TW phát hiện mới hay! Có người lại quay sang phản đối Huyện bởi một số cán bộ bị kỷ luật đưa đi giấu một thời gian chưa ấm chân đã lại quay về thách thức dư luận…
Sau đó trưởng công an Huyện lên giải đáp rằng: việc của ông nó liên quan đến an ninh Quốc gia nên chỉ được quán triệt tinh thần, nội dung thôi, không thể đọc nguyên văn các bài viết của ông được.Việc chưa bắt ồng và giải quyết chế độ hưu chí cho ông là thể hiện tính nhân đạo, sự khoan hồng của Đảng ta, nếu ông còn tiếp tục thì sẽ có biện pháp xử lý cứng dắn, rồi ông tiếp tục quán triệt nêu cao cảnh giác, không bị mắc mưu kẻ địch…vậy thôi.
Sáng hôm sau tôi điện cho một cán bộ chủ chốt của thị trấn để hỏi tình hình.
- Hôm qua các anh tổ chức đấu tố vắng mặt tôi?
- Không. Chỉ mang tính thông báo về tình hình của anh thôi, cũng như lần trước quán triệt thông báo của Huyện uỷ, lần này thành phần đông hơn và Huyện trực tiếp xuống thông báo, quán triệt. Bọn em chỉ biết triệu tập đủ thành phần theo yêu cầu của trên và đến để nghe thôi, mọi việc là ở trên hết. Nhưng mà không có vấn đề gì đâu anh ạ.
Hôm sau là hội nghị được tổ chức tại xã tân lập (quê tôi), nội dung và thành phần y hệt như ở thị trấn. Ngay sau hội nghị kết thúc có người điện ngay cho tôi và đề nghị tôi về ngay. Tôi có chút việc bận, hẹn trưa hôm sau tôi về. Về đến nhà đã có mấy người chực sẵn ở nhà tôi. Biết tôi về, một số người kéo đến. Nhà tôi như có hội nghị “Diên Hồng” nhỏ. Mọi người thi nhau kể. Họ cho đây như việc động trời. Một người lớn tuổi nhận xét:
- Từ khi cải cách ruộng đất đến nay mới có cuộc họp như thế này. Đây là một cuộc đấu tố, nhưng mà đấu tố vắng mặt. Họ vạch tội anh từng ly, từng tý một, rồi kết luận anh là phản quốc, móc nối với bọn địch chống Đảng, Nhà nước, chống Nhân dân, nghe mà khủng khiếp.
- Rồi họ quán triệt: không ai được tiếp xúc với anh, vì anh là kẻ phản quốc, phải tỉnh táo, cảnh giác không cẩn thận bị lôi kéo theo bọn mỹ. Họ nói ý định của anh là đưa bọn Mỹ về đây chém giết đồng bào ta, trở lại xâm lược nước ta, rồi yêu cầu mọi người phải theo dõi anh để kịp thời phát hiên những hành vi của anh báo cáo với Công an, Chính quyền xử lý. Một người khác xen vào.
- Anh biết không? Tối hôm qua tất cả 11 thôn, xóm trong toàn xã phải họp toàn dân gấp để quán triệt tinh thần cuộc họp của xã. Huyện chỉ thị như vậy. Tình hình rất là nghiêm trọng.
- Những người dự hội nghị ở xã họ phát biểu gì không? Tôi hỏi.
- Họ thắc mắc là tại sao phản động mà các ông không bắt nó đi tù? Huyện trả lời là trước sau cũng sẽ bắt, bây giờ cứ theo dõi, khi nào nó phạm tội nặng hơn, khi đó sẽ bắt vẫn chưa muộn; và đến khi đó nó sẽ không được về nữa. Chỉ có ông T phát biểu là có lý, có tình, mọi người nghe được, đúng là cán bộ cấp cao nghỉ hưu có khác. Ông bảo là việc này không phải là vi phạm đạo đức, phẩm chất gì cả, cũng không phải phạm tội như tham ô, móc ngoặc, ăn hối lộ hoặc là ăn trộm, ăn cướp gì hết, mà là nó chán cái chế độ này lắm rồi, nó muốn có một chế độ mới, một cái chế độ như ở Mỹ, ở Nhật Bản, ở Nga chẳng hạn. Chúng ta là người dân, chúng ta chỉ biết thế thôi, mọi việc do trên giải quyết và chúng ta tin tưởng ở trên sẽ giải quyết được việc này. Việc này là việc của quốc gia, có những cái ta chỉ được biết đến thế thôi, cũng chẳng cần phát biểu gì nữa. Nó có tội đến đâu thì đã có pháp luật xử. Tối nay họp dân ta cũng chỉ cần thông báo cho dân biết để đề phòng cảnh giác, thế là được.
- Tối qua họp ở xóm mình, có cấp trên xuống dự không? Họ quán triệt những gì? Tôi hỏi tiếp.
- Có ai đâu! Trưởng thôn thông báo là tinh thần ở trên quán triệt mọi người không được giao tiếp với ông Hồi, vì ông là phản động. Mọi người nhao nhao lên hỏi: ông Hồi phản động ai? Bây giờ ông là làng xóm láng giềng của mình, ông làm gì nên tội với làng xóm mình mà bắt chúng tôi phải từ ông ấy, là sao? Yêu cầu phải giải thích rõ. Trưởng thôn giải thích rằng: đây là lệnh cấp trên, tôi chỉ biết thông báo thế thôi, ai muốn biết thì lên huyện, lên xã mà hỏi. Thế là cuộc họp kết thúc.
Đúng lúc trưởng thôn phóng xe máy đi qua trước nhà tôi. Mấy cậu gọi lại. Trưởng thôn quay xe lên nhà vừa cười vừa thanh minh với tôi:
- Em có biết gì đâu! Cấp trên yêu cầu họp dân quán triệt, em thực hiện, thế thôi. Đúng là các ông dở hơi, làng xóm, láng giềng người ta ăn đời, ở kiếp với nhau, tự nhiên bắt người ta phải từ nhau, ai người ta nghe các ông! Anh yên tâm, anh em mình sống chết có nhau ở cái làng này, sao mà bỏ nhau được! Việc trên nói thì cứ nói, việc của ta là của ta, không ai can thiệp được. Mà can thiệp cũng không nổi.
- Thôi. Ở đây uống rượu với anh! Chú có sợ không?
- Em sợ gì! Cùng lắm nó cách cái chức trưởng thôn là cùng chứ gì! Mấy lần em phá bĩnh để nghỉ nhưng còn không được đây này.
Ngang là vậy, nhưng mấy cậu là cán bộ, đảng viên ở cái làng tôi chẳng có ai bị sách nhiễu hay chỉnh đốn! Có thể cái chức ở thôn, xóm nó chẳng có ý nghĩa gì nên chẳng hơi đâu các cấp lãnh đạo sờ đến, hay là biết mấy cậu ở làng tôi nó ngang ngạnh vậy nên tốt nhất là lờ đi cho qua chuyện, động đến cho “rách việc”?
Không chỉ riêng tôi, vợ tôi, mà ngay cả nhiều bạn bè, đồng nghiệp của vợ tôi cũng phải thấy sửng sốt về sự tráo trở của tổ chức bộ máy chế độ Cộng sản. Số là sau khi tôi bị khai trừ Đảng, buộc thôi việc, đích thân trưởng phòng PA38, Hoàng Anh cùng với trưởng phòng giáo dục và đào tạo Huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn đến trường tiểu xã Cai Kinh (nơi vợ tôi dạy học) để quán triệt “sâu sắc” cho toàn thể nhà trường. Trong cuộc họp này có sự tham dự của Ban Chi uỷ Chi bộ nhà trường, ban Giám hiệu, ban chấp hành Công đoàn nhà trường. Trưởng phòng PA38 Hoàng Anh quán triệt: “…Việc của anh Hồi làm, anh Hồi chịu, không liên quan đến chị Tươi (tên vợ tôi). Yêu cầu nhà trường tạo mọi điều kiện tốt nhất cho chị Tươi làm việc và để chị Tươi yên tâm công tác. Tránh mọi mặc cảm, dị nghị…
Khoảng hai tháng sau, trưởng ban tổ chức Huyện uỷ được sự uỷ quyền của Thường trực Huyện uỷ, lên trường tiểu học xã Cai Kinh làm việc với ban Chi uỷ chi bộ nhà trường và gặp trực tiếp vợ tôi yêu cầu vợ tôi viết đơn xin ra khỏi Đảng Cộng sản Việt nam vì lý do khônhg thuyết phục được chồng từ bỏ chống Đảng, chống Nhà nước. Nếu không tự nguyện viết đơn, Đảng sẽ xử lý kỷ luật. Sáng sớm hôm sau, vợ tôi nộp đơn cho bí thư Chi bộ nhà trường.
Năm học 2008-2009, vợ tôi “được ưu tiên” điều động xuống dạy mẫu giáo, mặc dù vợ tôi có chuyên môn cao đẳng tiểu hoc, là giáo viên dạy giỏi nhiều năm cấp huyên, cấp tỉnh.
Chuyện thì còn nhiều, không sao kể xiết. Có những chuyện không thể kể ra đây được vì nó quá vô liêm sỉ. Thôi thì “người dại để trôn, người khôn xấu hổ”. Đúng vậy.

28
Quê tôi, một trong những xã nghèo nhất nước ta, là một trong 9 xã cuả tỉnh Lạng Sơn và là một trong hai xã duy nhất của huyện Hữu Lũng chưa có bóng dáng điện lưới quốc gia; là xã vùng sâu, vùng xa, xã đặc biệt khó khăn theo tiêu chí phân loại của chương trình 135 của chính phủ.
Tuy vậy, người dân quê tôi sống trọn nghĩa, trọn tình. Ở đâu đó tình người có những lúc đầy vơi, nhưng người dân quê tôi thì cho dù thời cuộc có những biến đổi đến đâu, nhưng lòng người thì vẫn một mực thuỷ chung, son sắt. Trải qua những xáo trộn, biến đổi từ trong quan hệ lao động -sản xuất, mà nổi trội là thời kỳ cải cách ruộng đất; thời kỳ tiến hành hợp tác hoá nông nghiệp; thời kỳ khoán sản phẩm cuối cùng đến người lao động; rồi đến thời kỳ ruộng đất được chia đều cho người dân, cho đến các phong tục, tập quán “được” bài trừ, để thay vào đó là những tiêu chí văn hoá mới, các thiết chế văn hoá bị đảo lộn, các đình chùa, miếu mạo phần bị đập phá, phần bị bỏ rơi tan hoang, mọi hoạt động của người dân phụ thuộc vào cái gậy chỉ huy của Đảng. Xã hội biến đổi sâu sắc là vậy, nhưng lòng người thì vẫn giữ lại cho mình những cái riêng có của mình, cái mà hàng ngàn đời cha ông chuyền kiếp mãi mãi sẽ không bao giờ mất đi. Một trong những cái riêng có, đó là con người với con người luôn gắn chặt nhau, sẵn sàng bênh vực lẽ phải, đoàn kết cộng đồng, không phân biệt thành phần, giai cấp, dân tộc, không bị thoái hoá, cuốn theo lối sống phân biệt, hận thù, triệt tiêu nhau như khẩu hiệu một thời của Đảng: “Trí phú địa hào, đào tận gốc, trốc tận rễ”. Bởi vậy trong cải cách ruộng đất, rất tự hào rằng quê tôi chưa hề có cuộc đấu tố nào diễn ra một cách vô nhân đạo, phi đạo đức, chưa gây tổn thương đến quan hệ gia đình, nội tộc, làng xóm láng giềng… Nó như bản năng sinh tồn của cộng đồng người dân tộc-miền núi, là yếu tố đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển trong điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt.
Sinh ra và lớn lên trong điều kiện của một gia đình nghèo, nằm trong một quê hương nghèo như vậy, tôi rất thấu hiểu nỗi khổ của những người dân quê tôi, biết vậy mà không giúp gì được cho quê mình. Kẻ như tôi “ốc chẳng mang nổi mình ốc” nên “lực bất tòng tâm”!
Từ ngày ly khai Đảng, tôi “được” Đảng tung ra một loạt chiến dịch nhằm bao vây, cô lập, tách tôi ra khỏi cộng đồng, để rồi sẽ chẳng có ai gần tôi, nghe tôi nói, chẳng biết lấy ai để chia sẻ, để tâm sự. Đảng cho rằng tôi đã xúc phạm Đảng! Làm sao mà không xúc phạm, vì ở cái thế giới này, chỉ có Đảng cộng sản Viêt Nam được toàn dân “trìu mến” gọi “Đảng ta”, Đảng tự hào lắm! (Đảng biết đâu được dân gọi Đảng ta để cho khỏi lẫn với Đảng tây). Tôi là “thằng” cả gan vạch ra đủ thứ tội của Đảng, nhiều người dân ngớ ra: té ra Đảng cũng nhiều tội! Biết chắc tôi chẳng làm được gì ngoài tiếng nói cảnh tỉnh cho người dân tôi biết đích thực về “Đảng ta”, nhưng dù sao đây cũng là việc làm “tày trời”, bởi làm mất “cái uy” của Đảng, nếu không ra tay trừng trị thì quả là một hiểm hoạ khôn lường. Hôm nay có một “thằng”, mai có vài “thằng”, rồi đến toàn Dân vạch tội Đảng thì không những “Đảng ta” chẳng ra thể thống gì, mà quan trọng hơn là còn đâu uy tín để muôn thủa làm” người đại biểu của Dân!”, còn bới đâu ra cái “danh hiệu”: anh minh, sáng suốt, tài tình, đúng đắn… là lực lượng duy nhất xứng đáng để lãnh đạo Nhà nước và Xã hội! Với các chiêu bài của Đảng đưa ra, tôi thật sự đã bị cô lập. Những bạn bè, chiến hữu của tôi trước đây là “đồng chí” với nhau, cùng công tác với nhau, nay họ xa lánh tôi, họ quay lưng lại với tôi, không phải vì tư cách đạo đức của tôi, mà là vì miếng cơm, manh áo của họ gắn chặt với “Đảng”, vì thế họ phải chịu sự dạy bảo, răn đe của Đảng.
Thế nhưng những người dân quê tôi thì hoàn toàn ngược lại, họ không những không lánh xa tôi mà có phần còn gần gũi hơn, cùng chia sẻ với những khó khăn của tôi. Bất chấp những mối đe doạ của Đảng, họ luôn bênh vực tôi vì họ biết rõ về tôi, tôi không bao giờ phản bội tổ quốc tôi, không bao giờ đi ngược lại lợi ích của đồng bào tôi, họ đón nhận tôi như những người thân yêu nhất của họ. Tôi thầm cảm ơn họ và tự thấy mình hổ thẹn vì chưa đáp lại được gì cho họ dù chỉ là chút xíu. Thế nên tôi cố tìm cách để tỏ lòng biết ơn, thể hiện tấm lòng của mình đối với những người láng giềng xung quanh tôi, tạo thêm sự gắn bó, sự mật thiết tình làng, nghĩa xóm. Tôi mạnh dạn trao đổi với mấy người bạn của tôi, đề nghị họ giúp. Thế là tôi có được ít tiền của bạn bè cho vay, cộng với chút ít của tôi dành dụm. Tôi mua được một chục cặp lợn con, giúp cho 10 hộ nghèo nhất ở làng tôi để họ chăn nuôi, khi nào lợn xuất chuồng bán thì hoàn trả gốc cho tôi, để tôi chuyển cho hộ khác. Nhiều người phấn khởi, nhận lợn và cảm ơn.
Tin này xã báo cáo huyện, huyện báo cáo tỉnh. Mấy ngày sau tôi nhận được giấy triệu tập do Trưởng Công an Huyện ký. Tôi có mặt đúng thời gian, địa điểm theo giấy triệu tập. Vẫn trưởng phòng PA 38 Công an tỉnh Lạng Sơn Hoàng Anh, cùng đội trưởng Lê Duy Thực trực tiếp hỏi cung tôi.
- Anh cho biết động cơ nào anh mua lợn giống cho các hộ trong quê anh? Trưởng phòng Hoàng Anh hỏi.
- Tôi có duyên nợ với bà con trong quê tôi lắm. Mấy chục năm đi công tác chẳng giúp họ được gì, bây giờ tôi về nghỉ, lại chuyển khẩu về quê, tôi muốn có chút ít gọi là giúp những người nghèo khó trong quê tôi, hy vọng giảm bớt được chút khó khăn cho họ.
- Anh giúp được bao nhiêu hộ, là những hộ nào, bao nhiêu tiền?
- Được 10 hộ, tất cả có gần 15 triệu thôi, là những hộ…
- Anh lấy tiền đâu ra để giúp họ?
- Tiền bạn bè tôi cho vay, tiền tôi tiết kiệm được.
-Ai là bạn bè của anh cho anh vay tiền, địa chỉ ở đâu?
- Anh hỏi gì mà lạ vậy! Tôi nghĩ rằng tôi không có trách nhiệm trả lời câu hỏi này!
- Chúng tôi có quyền được biết.
- Anh có quyền biết hoặc muốn biết thì tự đi điều tra để biết, đó là việc của anh. Còn tôi, tôi không phải là người có nghĩa vụ cung cấp thông tin cho anh.
- Anh định không hợp tác với chúng tôi?
- Tôi không có nghĩa vụ phải hợp tác với anh để cung cấp thông tin này cho anh.
- Ý đồ của anh là gì?
- Vừa nãy tôi đã trả lời anh. Tôi chẳng có ý đồ gì hết.
- Sao không cho hẳn đi mà là cho vay?
- Tôi không giàu có nên không thể cho được, chỉ cho vay không tính lãi.
- Anh không khai báo đầy đủ với chúng tôi, tôi có thể phong toả, tịch thu toàn bộ số tiền của anh, vì số tiền đó không rõ nguồn gốc, là tiền phi pháp!
- Vâng, nếu anh cảm thấy làm được và đúng pháp luật thì anh cứ làm. Anh làm được thì tôi cũng chấp nhận mất được.
- Tôi không tranh cãi với anh nữa, tôi sẽ có phương sách đối với anh, rồi anh sẽ thấy ân hận về thái độ của anh. Bây giờ anh viết tường trình cho chúng tôi.
Rồi anh ta quán triệt yêu cầu tôi viết tường trình. Tôi viết độ vài phút rồi đưa cho anh ta. Xem xong thấy chưa đạt yêu cầu nhưng anh ta không nói gì nữa. Nhìn đồng hồ vẫn chưa hết giờ, anh ta chuyển sang hỏi tôi mấy bài viết đăng tải trên mạng và bài trả lời phỏng vấn đài RFA mới đây của tôi. Tôi hiểu chỉ là để cho hết thời gian buổi sáng nay, cũng là để cho hết nội dung chương trình làm việc.
Hai ngày sau, Thường trực huyện uỷ triệu tập cuộc họp cán bộ chủ chốt ở xã Tân Lập (quê tôi) để nghe cơ sở báo cáo tình hình. Huyện uỷ quán triệt: đây là một trong những âm mưu rất nguy hiểm của các thế lực thù địch chống phá cách mạng nước ta. Hơn lúc nào hết, chúng ta phải nêu cao cảnh giác cách mạng, chặn đứng mọi hành động nhằm lôi kéo quần chúng nhân dân, gây mất ổn định an ninh chính trị. Ngay lập tức phải họp toàn dân quán triệt về những thủ đoạn, “âm mưu diễn biến hoà bình” của bọn chúng, kiên quyết từ chối mọi sự giúp đỡ của Vi Đức Hồi. Vận động những người đã nhận lợn của Vi Đức Hồi đem trả lại ngay cho hắn…Tối hôm sau, các xóm trong toàn xã tôi đồng loạt tổ chức họp để quán triệt toàn bộ nội dung cuộc họp ở xã do Thường trực huyện uỷ chủ trì. Xã phân công một số đoàn thể đến tận nhà những người nhận lợn, yêu cầu đem trả tôi. Người thì lo sợ, người thì phản ứng.
- Từ trước đến giờ, các ông đã giúp được gì cho dân, cán bộ mà ai cũng giúp được dân như thế thì dân đã đỡ khổ. Anh ấy là làng xóm, anh giúp chúng tôi chút ít, các ông lại kèn cựa, vu cho người ta là thân Mỹ, lấy tiền của Mỹ để giúp dân…Tôi thì tôi chẳng quan tâm tiền của ai. Ai giúp tôi, tôi nhận. Bây giờ các ông giúp tôi đi, tôi nhận ngay và cảm ơn nhiều. Các ông bắt tôi trả, tôi lấy tiền đâu mà trả, chả nhẽ khiêng lợn đi trả? Các ông, bà có khiêng được thì khiêng đi mà trả, còn tôi thì tôi chịu.
Khoảng tuần sau, tôi về quê, mấy người thấy tôi về liền tìm đến tôi, khẩn khoản thông báo:
- Phụ nữ xã mời bọn em lên nói là Nhà nước cho vay không lấy lãi, họ bắt bọn em lấy tiền để trả anh, bây giờ làm thế nào?
- Tốt quá chứ sao! Em cứ nhận đi rồi đem trả anh, để anh lại cho người khác vay. Nếu họ lại cho vay thì lại trả anh để chuyển cho người khác. Hay! Quá hay!
- Vốn ưu đãi rót xuống toàn đi đâu hết, bọn em có được vay đồng nào đâu! Thấy anh làm thế này mới động đến bọn nó, tự nhiên lại mời lên cho vay không lấy lãi, bọn em thấy lạ quá, mà nó biết nếu tính lãi thì bọn em cũng không nhận, nên buộc nó phải làm vậy.
Hai hôm sau, Chủ tịch Phụ nữ xã dẫn chị, em các gia đình được tôi giúp đỡ đến nhà tôi.
- Chị đưa mấy chị em đến để trả tiền chú. Chú thông cảm, Ngân hàng chính sách nó cho vay để trả lại chú.
- Tốt quá rồi, tự nhiên Nhà nước mình lại tốt thế!
- Cũng nhờ chú cả đấy! Từ trước tới giờ có ai được vay ưu ái như thế này đâu! Họ không tính lãi chú ạ.
- Họ cho vay bao nhiêu, vay mấy năm?
- Nhà nhiều người thì 5 triệu, ít người thì 3 triệu, thời hạn 5 năm chú ạ.
- Hay quá nhỉ! Được rồi, trả lại đây rồi em lại cho người khác vay. Nhà nước lại cho vay, cứ thế dân mình chắc sẽ nhanh chóng hết khó khăn thôi.
- Thật đấy nhỉ! Mọi người đồng thanh nói.
Hôm sau tôi gặp cậu làm ở Ngân hàng chính sách xã hội huyện, là chỗ thân quen, hay thường xuyên đánh cầu lông với nhau. Vừa gặp tôi, cậu ta phàn nàn:
- Chú làm bọn cháu khổ lây!
- Sao vậy?
- Lãnh đạo huyện uỷ chỉ thị cho bọn cháu phải cho mấy hộ dân ở quê chú vay không lãi để trả tiền cho chú.
- Có chế độ vay không lãi?
- Tỉnh phân cho ít để dành cho những hộ đặc biệt khó khăn, đợt này đổ vào quê chú sắp hết rồi còn đâu!
- Mấy hôm nữa tớ lại cho mấy hộ vay, liệu còn có cơ chế này cho dân vay để trả tớ không?
- Lấy đâu ra? Chú cứ xoay vòng kiểu này, Nhà nước lấy đâu ra cho dân vay mãi thế! Mà ai lại đi chạy theo cái kiểu ấy!
- Họ nghĩ thế nào mà làm như vậy nhỉ?
- Nghĩ đơn giản là giải quyết tình thế! Nhưng lại không nghĩ được xa hơn, làm lãnh đạo mà ngu đến thế thì làm sao đất nước khá lên được!
Từ đó đến nay, người dân quê tôi đi đâu cũng kháo nhau, vẻ “tự hào” bởi được trên tỉnh, huyện gắn cho cái mác “điểm nóng”, bởi vậy nhiều đoàn cán bộ tỉnh, huyện thường xuyên đến”thăm và làm việc”. Quê tôi được lọt vào tầm mắt xanh của các vị lãnh đạo cấp trên và thực tế đã có được những quan tâm hơn trước, dân quê tôi phấn khởi cực!
Tôi lại dùng số tiền đó đặt mua được bảy con lợn nái giống, cho bảy hộ nuôi, theo cách lợn nái là của tôi, người nuôi được hưởng toàn bộ số lợn con đẻ ra, cứ đẻ được hai lứa, tôi lại chuyển cho hộ khác. Điểm nóng lại nổi lên, Huyện uỷ lại tiếp tục ra tay, lần này gay gắt hơn lần trước. Một cuộc họp các ban ngành của xã lại được tổ chức gấp, địa phương như sắp có chiến sự xảy ra. Các xóm lại họp dân quán triệt chặn đứng ngay mọi hành vi tiếp tay cho địch, ai đã nhận phải trả ngay, nếu ông Hồi không nhận thì thả ra đường, tổ chức mọi người đuổi lợn ra khỏi địa phương mình. Nhà nước sẽ có chính sách cho dân vay ưu đãi để làm ăn, kiên quyết không tiếp nhận sự viện trợ bất hợp pháp này. Cùng với việc quán triệt trong dân, khác với lần trước, lần này huyện thành lập một đoàn công tác do Chủ tịch Hội cựu chiến binh huyện làm trưởng đoàn, tham gia đoàn có một số đoàn thể của huyện như: Hội nông dân, Mặt trận, Phụ nữ cùng với các tổ chức đoàn thể Nhân dân ở xã trực tiếp đến từng gia đình nhận nuôi lợn tôi giúp để vận động, hăm doạ bắt đem trả.
- Đây là việc làm tiếp tay cho kẻ địch, hòng lôi kéo quần chúng nhân dân đi theo địch, gây mất ổn định chính trị cho đất nước, yêu cầu phải đem trả ngay. Một người trong đoàn quán triệt cho một hộ gia đình.
- Bây giờ đã bắt về rồi thì trả thế nào?
- Thông báo cho ông Hồi đến lấy đi đâu thì lấy. Nếu ông không lấy thì thả ra đường, đuổi ra khỏi xóm mình rồi nó đi đâu thì đi, mất không chịu trách nhiệm.
- Làm thế sao được, có phải ông ấy tự đem đến thả vào chuồng mình đâu? Mình xin ông ấy chứ!
- Tôi hẹn trong vòng ba ngày anh phải đưa con lợn này ra khỏi cái làng này. Nếu không chúng tôi sẽ có biện pháp cứng.
- Vâng. Gia đình em sẽ gặp ông Hồi để bàn và hứa sẽ thực hiện.
- Các anh không nghe Đảng, Chính quyền thì đến lúc các anh cần đến chính quyền, các anh sẽ thấy! Ai xác nhận cho con các anh đi học, đi thoát ly, đi làm; ai chứng nhận lý lịch cho các anh; ai cắt khẩu cho các anh; ai chứng nhận vùng sâu, vùng xa, là dân tộc thiểu số để có được ưu tiên? Ngay cả khi ốm đau nếu không có chính quyền can thiệp cho các anh thì việc vào bệnh viện chữa trị còn khó nữa là các việc khác. Các anh hiểu chưa? Mình sống dưới chế độ nào, mình phải yêu chế độ đó, “ăn cây nào, rào cây ấy”. Tự nhiên lại đi nghe mấy thằng bất mãn, phản động, làm tay sai cho địch để chống lại Đảng, nhân dân là sao? Các anh đã đi lạc đường rồi đó, tỉnh lại ngay đi, từ nay đoạn tuyệt không quan hệ với ông Hồi nữa. Tôi với anh Hồi trước đây chắc chắn còn thân hơn các anh nhiều, lúc nào cũng chén chú, chén anh với nhau, nhưng bây giờ thì khác rồi, mỗi người ở trận tuyến đối lập nhau. Từ khi ông Hồi phản chống Đảng, tôi cắt đứt quan hệ luôn.
- Vâng. Bọn em sẽ trả lại ngay.
Thế rồi mọi người tìm gặp tôi thông báo tình hình với tâm trạng lo âu, khắc khoải.
- Bọn em có con đang tuổi đi học, em định hết năm học này cho cháu đi học trường dân tộc nội trú. Tình hình này xã nó không cho đi thì chết, em lo lắm.
Mấy cậu khác chia sẻ: bọn em thì không sợ, nhưng cánh đàn bà nó hoảng anh ạ. Suốt ngày cán bộ phụ nữ xã, thôn hết họp hành nhắc nhở, lại đến tận nhà vận động, răn đe, bây giờ không biết nên làm thế nào!
- Thôi được. Nếu các chú sợ thì đưa về nhà tôi (nhà trong quê) để tôi xử lý. Có điều anh nói với các chú rằng: họ đe doạ các chú đấy thôi, không đời nào người ta không cho con em các chú đi học, cũng không đời nào chính quyền từ chối thực hiện nhiệm vụ của mình đối với công dân. Có cho kẹo họ cúng không dám, vì đó là nhiệm vụ của họ. Nhưng thôi, việc đó rồi các chú sẽ hiểu.
- Vâng. Có gì bác thông cảm cho bọn em.
Có người thì tìm gặp riêng tôi nói nhỏ:
-Em đem lợn đi gửi khoảng một, hai tuần để che mắt bọn chúng, em nói là bán rồi, bọn nó không biết đâu. Em làm thế có được không?
- Tuỳ chú. Tôi thế nào cũng được.
- Vâng. Thế nhé, anh đừng tiết lộ cho ai biết đấy!
Biết mọi người trả lợn giống cho tôi, nhiều người khác lại tìm đến tôi đặt vấn đề.
- Mấy tay kia nó dính dáng đến gia đình cán bộ, đảng viên, nó sợ, bọn em là dân đen, em chẳng sợ thằng nào! Anh chuyển cho bọn em nuôi, xem chúng nó làm gì! Bọn em vẫn có lợn nuôi nhưng thấy nó quấy anh khiếp quá. Thực sự bọn em muốn giúp anh, bênh vực anh.
Thế là mấy con lợn tội nghiệp kia lại được chuyển cho mấy gia đình khác. Xóm, xã, đều biết nhưng chẳng thấy đến sách nhiễu, mà chỉ bắn tin: nếu không đem trả lợn, Công an sẽ đến bắt. Có người thẳng thừng trả lời:
- Giỏi xuống mà bắt! Đang muốn đi tù cho đỡ khổ đây!
Có anh bạn thân của tôi, thấy tôi bị phong toả, bao vây cô lập, định làm bẽ mặt tôi, họ tức tốc tìm tôi và đặt vấn đề:
- Nếu không có ai nhận nuôi, tôi nhận hết để xem chúng nó làm được gi! Tôi nghe nói mà tức thay ông. Lúc này cũng là lúc bạn bè phải có nhau, giúp nhau ông ạ.
- Có mấy người đến nhận rồi, để xem đã, nếu còn thì ông nhận.
- Ông yên tâm đi, chỉ cần tôi hô một câu mấy thằng bạn của mình nó đến nhận hết số lợn của ông ngay.
Ngay chiều tối hôm đó anh ta lại xuống nhà tôi. Thấy còn một con chưa ai bắt, anh ta đưa về luôn. Tin này đến tai lãnh đạo xã, xã chạnh lòng, cho rằng nói như vậy là thách thức Chính quyền. Ngay sau đó, Phó bí thư Thường trực huyện uỷ đến dự hội nghị của xã, nghe báo cáo tình hình, Phó bí thư “nổi đình đám”, chỉnh đốn xã vì không thực thi đầy đủ ý kiến chỉ đạo của huyện uỷ. Là người có họ hàng với nhau, cơm trưa xong, Phó bí thư huyện uỷ trực tiếp đánh xe đến nhà anh bạn tôi.
- Người ta đang tránh không được, anh lại còn rây vào là thế nào? Anh khó khăn quá sao? Em còn đang công tác, lúc nào, ở đâu em cũng phải nói về anh Hồi! Không biết sắp tới đây anh còn làm những gì nữa! Anh làm thế ảnh hưởng đến em, anh biết không? Anh bán ngay con lợn đó đi, thiếu bao nhiêu tiền em bù cho anh.
- Thôi. Tôi nể chú xuống tận nhà, chú nói thế thì tôi sẽ làm theo ý chú.
Thế rồi anh ta đổi lấy con khác về nuôi và thông báo rằng đã bán con lợn của tôi. Dân làng đều biết, xóm, xã biết nhưng cũng lờ đi vì thấy mệt mỏi vào những chuyện chẳng đâu vào đâu, trong khi những việc lớn thì làm không xuể.
Sau khi đã trả lợn cho tôi, những hộ này bắt đầu chất vấn cán bộ các cấp ở các cuộc họp xóm, hội cựu chiến binh, hội phụ nữ, và nhất là khi gặp cán bộ có chức sắc ở bất cứ đâu.
- Tại sao các hộ trước lấy lợn ông Hồi được nhà nước cho vay tiền (không tính lãi) để trả, đến bọn tôi thì không?
- Việc này phải đi hỏi huyện chứ bọn xã, thôn như chúng tôi không biết, chúng tôi không moi đâu ra tiền cho các anh vay.
- Các ông phải có trách nhiệm hỏi huyện và yêu cầu huyện phải trả lời chúng tôi.
Và một Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện đã xuống xã để trấn an dân.
-Nhà nước ta còn nghèo, việc cho các hộ vay không lãi vừa rồi là việc giải quyết mang tính tình thế, không thể chạy theo mãi được. Bà con yên tâm, tới này Nhà nước sẽ cho dân vay thoải mái với lãi suất ưu ái. Mỗi hộ vay tối đa được 3 chục triệu, hộ nào có dự án kinh doanh, sản xuất sẽ được vay đến trăm triệu. Bà con phải đoàn kết, giúp đỡ nhau làm ăn, đừng nghe bọn xấu xui bẩy, lôi kéo. Cảnh giác với mọi âm mưu kẻ địch chống phá đồng bào ta. Từ nay không nhận sự giúp đỡ của ông Hồi hay của bất cứ ai có ý định giúp đỡ bà con. Nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân và vì dân nên lúc nào cũng chăm lo cho nhân dân…
Dân mủi lòng và hy vọng nhiều ở Đảng, Nhà nước. Nhưng thời gian mới là minh chứng cho việc chăm lo cho dân của Đảng, Nhà nước ta. Từ ngày đó đến giờ đã hơn một năm trôi qua, lời hứa của ông Phó chủ tịch huyện vẫn là trong hy vọng. Mấy tay bạo mồm, bạo phổi chửi đổng:
- Trò lừa dân, mị dân, tôi nghe mãi rồi. “mồm quan-trôn trẻ”, các cụ nói quả không sai!
Trong đợt phát động chiến dịch này, tôi đi đến đâu cũng có người hỏi:
- Ông làm gì nữa mà huyện uỷ lại quán triệt nêu cao cảnh giác về ông? Nghe nói ông dùng tiền tài trợ nước ngoài giúp dân để lôi kéo dân chúng theo ông chống Đảng, Nhà nước?
- Huyện uỷ lại có văn bản quán triệt về nội dung này?
- Tôi chỉ nghe Bí thư xã quán triệt bằng miệng thôi. Họ nói là ông bắt đầu chuyển hướng để chống phá Đảng, Nhà nước. Tiếp tục nâng cao cảnh giác với ông, thực hiện không giao tiếp, không tiết lộ về mọi chủ trương của Đảng, Nhà nước, nhất là những vấn đề tiêu cực trong nội bộ, tuyên truyền, vận động mọi người dân không tiếp xúc với ông, cô lập ông…Làm gì mà nhiều tiếng tăm thế, nổi tiếng thế!
Mặc dù vậy nhưng nhiều người, thậm chí có thể nói rất nhiều người ở các xã lân cận quê tôi vẫn tìm đến tôi để đặt vấn đề được giúp đỡ. Tôi rất đồng cảm, chia sẻ với họ, nhưng tiếc thay, “chiếc chổi ngắn, không quét được xa”. Tôi không có nhiều vốn để giúp đỡ bà con quê tôi nhiều, chỉ chút ít gọi là tấm lòng đối với láng giềng thân thiện.
Mấy con lợn giống của tôi nay đã đẻ được lứa thứ hai, những người được tôi giúp rất cảm ơn tôi vì tuy nó chưa thể giảm được nghèo, nhưng cũng có thể làm bớt, vợi đi những khó khăn của họ. Tới này, tôi sẽ chuyển cho những hộ khác nuôi tiếp, nhiều người đã đến đăng ký với tôi. Tôi mừng lắm vì thấy mình đã làm được việc tốt, dù là rất bé nhỏ. Nhưng cái mà tôi mừng hơn cả là việc này đã cho tôi nhiều bài học, mở ra cho tôi có những tư duy mới, những định hường mới trên con đường đấu tranh dân chủ và nhân quyền tiếp theo.



No comments:

Post a Comment