Wednesday, November 18, 2009
HỒI KÝ CỦA MÔT ĐẢNG VIÊN CỘNG SẢN THOÁI ĐẢNG (34 - 35)
HỒI KÝ CỦA MÔT ĐẢNG VIÊN CỘNG SẢN THOÁI ĐẢNG
(Hồi Ký Vi Đức Hồi)
Ông Vi Đức Hồi nguyên là là trưởng ban tuyên giáo, giám đốc trường đảng, thường vụ huyện ủy huyện Hữu Lũng (tỉnh Lạng Sơn). Hiện nay Ông đã thôi giữ các nhiệm vụ cuả đảng CSVN để tham gia phong trào dân chủ VN quốc nội.
34
Ngày 30 tháng 5 năm 2008, đúng 6h30, hai cán bộ công an huyện cùng phó công an thị trấn gõ cửa nhà tôi và trao cho tôi một giấy triệu tập lên đồn công an huyện làm việc do trưỏng công an huyện ký. Họ túc trực chờ tôi đánh răng rửa mặt và tranh thủ ăn sáng rồi áp giải tôi đi luôn. Tôi tranh thủ vào nhà tắm gọi điện cho anh em hỏi xem Hà Nội có sự kiện gì mà công an triệu tập tôi. Người thì nói không biết, người thì khẳng định không có gì. Vậy là hôm nay chắc chắn có sự kiện lớn đối với tôi, nhưng là vấn đề gì thì tôi vẫn chưa nghĩ ra.
Kểt từ tháng 2 năm 2008 đến nay (tháng7/2009), lúc nào cũng có công an túc trực cạnh nhà tôi canh giữ. Bình thường thì một người, thỉnh thoảng họ tăng cường thêm 2 người, cao điểm có lúc lên đến 5 người; nếu biện pháp tăng cường người mà vẫn chưa yên tâm thì họ tiến hành triệu tập lên làm việc để giữ chân. Đó là những ngày mà đất nước có sự kiện trọng đại như quốc khánh 2/9, ngày 30/4, 1/5 hoặc những ngày mang tính nhạy cảm khác như: quốc khánh Trung Quốc, ngày thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng ký công hàm cống nạp lãnh hải cho Trung Quốc; những ngày khách quốc tế thăm và làm việc với chính quyền Việt Nam tìm hiểu về vấn đề nhân quyền, tôn giáo, những ngày chính quyền cộng sản tổ chức xét xử những nhà đấu tranh dân chủ, nhân quyền và tôn giáo, những ngày đồng bào công giáo tổ chức cầu nguyện... Mới đầu họ canh chừng rất nghiêm túc, nhật ký hàng ngày tôi đi đâu, ai đến nhà, biển số xe những người đến, họ chụp ảnh từ xa, khi về họ đi theo xác định người ở đâu, tên tuổi gì… Mãi sau họ nhàm chán, nhất là thời gian gần đây, các cán bộ, chiến sĩ được giao nhiệm vụ canh giữ tôi tỏ ra chán chường, trừ những ngày mang tính nhạy cảm nêu trên, còn lại họ canh gác tôi theo giờ hành chính, sáng cứ 7h30 họ đến, trưa 11h họ về, chiều 1h30 đến, 16h30 về. Cứ thế diễn ra trong suốt thời gian qua. Có lẽ họ đã nhận ra một sự thật: tôi chẳng có gì nguy hiểm, bởi suốt hơn hai năm qua họ không phát hiện được tôi có những hoạt động gì mang tính gây nguy hiểm cho chế độ. Ngay mới đây thôi, khi phái đoàn nghị viên Châu Âu đến thăm Việt Nam, lập tức lực lượng công an được tăng cường thành một tổ ba người, họ vẫn chểnh mảng việc canh giữ tôi. Thấy vậy, buổi trưa khi tốp công an này đi ăn trưa, tôi đi về quê, chiều hôm sau mới về. Về đến nhà, vợ con tôi nói làng xóm cho biết chiều qua bọn công an đi uống rượu về, buổi chiều cả nhà tôi đi vắng, hết ngó nhìn lại đến gõ cửa, rồi một thằng hung hăng lắm, mặt nó đỏ văng do uống quá nhiều rượu, đến đạp chân ầm ầm, định phá cửa nhà tôi, nghe mà tức nhưng cố nén chịu. Khi thấy tôi về tốp công an ba người xông thẳng vào nhà tôi hạch sách:
- Hôm qua ông đi đâu?
- Tôi đi đâu phải báo cáo các anh à?
- Già rồi, ở nhà mà chăm sóc con cái cho nó thành người, ra đường nhiều sẽ không an toàn đâu đấy!
- Cậu này hôm qua phá cửa nhà tôi phải không? Hôm qua tôi ở nhà thì chắc chắn ít nhất cũng gãy chân trước cửa nhà tôi. Các cậu thử nghĩ xem, nhiệm vụ của các cậu là canh giữ tôi, mỗi việc ấy mà không hoàn thành. Độ này tôi thấy các cậu chểnh mảng với nhiệm vụ được giao, thế là thế nào? Trong khi làm nhiệm vụ thì đi uống rượu bát ngát, say xỉn, khi về không thấy tôi ở nhà lại tức tối, đập phá cửa nhà tôi thế là sao? Làm cán bộ bỏ luôn thái độ côn đồ đi, chuyên tâm công việc vào. Canh giữ tôi, tôi đi đâu, làm gì phải biết chứ!
Cả tốp đứng dậy lập tức ra khỏi nhà tôi.
- Được rồi. Rồi ông sẽ biết! Cậu đạp cửa nhà tôi lầu bầu.
Từ đó không ai dám gõ cửa, đạp cửa nhà tôi nữa. Tuy nhiên công việc canh giữ tôi lại càng lỏng lẻo. Hằng ngày gọi là có mặt để đối phó với trên rồi hàng tháng lĩnh lương vậy thôi. Chắc chắn hơn ai hết, họ hiểu hiểu những việc làm của tôi chẳng có gì khác ngoài những khát khao cháy bỏng mong mỏi đất nước có tự do, dân chủ, nhân quyền đích thực. Những cuộc gặp gỡ với mọi người ở mọi tầng lớp khác nhau đối với tôi chỉ là có những chia sẻ về những tâm tư, nguyện vọng của cá nhân, thông tin cho nhau để hiểu biết thêm về những quyền cơ bản của con người, những vi phạm quyền tự do, dân chủ, nhân quyền của bộ máy độc tài Đảng trị…
Một mạng lưới công an từ tổng cục an ninh cho tới công an viên ở thôn, khu phố ra sức dò la tin tức về tất cả các mối quan hệ của tôi, đến giờ này họ chẳng tìm kiếm được gì ở tôi về những hành động được gọi là “chống phá nhà nước”. Một già làng trong quê tôi hỏi mấy cậu công an thường xuyên lẽo đẽo theo tôi mỗi khi tôi về quê:
- Chúng mày cứ bám theo nó đến bao giờ mới thôi?
- Đến khi nào nó chết thì mới thôi ông ạ.
- Không khéo chúng mày còn chết trước nó! Già làng cười.
- Lại có người khác ông ạ.
Hôm gặp tôi, ông kể tôi nghe, rồi hỏi:
- Cả nước này có bao nhiêu thằng như mày?
- Nhiều lắm chú ạ. Nhưng chú thấy cháu có hành vi nào phản dân, hại nước?
- Ai bảo mày là thằng phản động? Dân người ta biết cả đấy, đừng coi thường dân! Nó cứ làm như người ta sắp đi khủng bố, sắp đi lật đổ chính quyền không bằng! Nhưng mà không thế lấy việc gì mà làm! Không thế làm sao tiêu được tiền của nhân dân.
- Vâng, Họ tìm cách khai khống sự việc lên để báo cáo Đảng, Chính Phủ nhằm quan trọng hoá của ngành mình lên, mặt khác và quan trọng hơn cả là xin chính phủ cấp tiền tiêu xài. Đây là hành vi tham nhũng trắng trợn chú ạ.
- Chả thế còn gì nữa! Thằng nào cũng ranh ma tìm cách đục khoét. Xã hội hết chỗ nói! Thôi không nói nữa, không khéo mắc tội bây giờ!
Trở lại cuộc làm việc với công an sáng ngày 30/5/2008. Mở đầu, trưởng phòng PA38 quán triệt:
- Hôm nay chúng tôi mời anh lên làm tiếp một số việc mà hôm trước làm chưa xong. Một là tiếp tục làm rõ một số nôi dung của các bài viết, bài trả lời phỏng vấn của anh với đài nước ngoài gần đây; hai là chúng tôi sẽ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với anh về những hành vi phát tán trên mạng những thông tin trái với quy định của pháp luật; ba là trao trả lại anh một số tài sản mà chúng tôi đã tạm giữ. Đề nghị anh có thái độ hợp tác với chúng tôi. Anh có ý kiến gì không?
- Tôi không có ý kiến gì! Anh cứ thực thi nhiệm vụ của mình.
Tiếp tục nhai lại cái bài cũ rích, đưa mấy bài viết, mấy bài trả lời phỏng vấn của tôi ra đọc, rồi lại chất vấn.
- Tôi không có gì để nói thêm. Tôi trả lời.
- Tôi mệt với anh lắm rồi. Anh ký nhận vào đây khẳng định tài liệu này do anh làm ra để kết thúc luôn phần này.
Tôi ký theo yêu cầu của viên sĩ quan trưởng phòng. Hết việc, quay sang nói chuyện tào lao.
- Bây giờ chúng tôi làm thủ tục trao trả lại anh chiếc đồng hồ đeo tay; chiếc điện thoại di động mà công an Hà Nội tạm giữ hôm trước. Đội trưởng Lê Duy Thực nói.
- Vâng.
- Bộ giàn vi tính của anh, tôi sẽ trả lại anh với điều kiện anh viết cam đoan sẽ không dùng nó để soạn thảo, lên mạng phát tán tài liệu chống đối chế độ. Anh thấy thế nào?
- Tôi chỉ nhận lại tài sản của tôi không kèm theo bất cứ điều kiện gì!
- Anh vẫn giữ thái độ bất hợp tác với chúng tôi!
- Nó là tài sản của tôi, các ông thu của tôi, bây giờ các ông trả lại tôi, lại bắt tôi phải cam kết thực hiện các điều kiện của các ông đưa ra, các ông thấy thế nào? Có vô lý không?
- Tôi không làm việc với anh nữa. Tôi mời vợ anh lên nhận.
Nói rồi anh ta đi ra ngoài gọi điện cho vợ tôi. Lát sau viên đội trưởng vào vẻ mặt tức tối. Tôi biết vợ tôi không bao giờ chấp nhận đề nghị vô lý này.
- Anh nói với chị lên nhận máy về để soạn thảo giáo án, cam đoan với chúng tôi là không để anh dùng vào việc khác.
- Anh đi mà nói với vợ tôi!
- Nói rồi, vợ anh nói: “Làm sao đi cấm được ông ấy”. Cả vợ, cả chồng không ai dám nhận, chúng tôi sẽ ra quyết định tịch thu xung công quỹ.
- Quyền của các ông, các ông muốn làm gì thì làm!
Hết buổi làm việc, về nhà, vợ tôi kể lại:
- Chị lên công an làm thủ tục nhận máy về.
- Thủ tục gì?
- Chị lên viết cam đoan khi nhận máy về chỉ để soạn giáo án, không được cho ông Hồi dùng vào việc soạn thảo tài liệu.
- Tôi còn đi làm, làm sao mà đi cam với đoan được! Mà có ở nhà cũng chẳng cấm được ông ấy, các anh thừa biết điều đó.
- Chị cứ lên đây ta bàn!
- Các ông định đưa tôi vào tròng đấy à?Tôi không dễ gì mắc lừa đâu! Các ông lấy ở nhà tôi đi thì các ông phải đem trả tại nhà tôi, bằng không các ông thấy cướp được thì cướp, tôi không bao giờ lên đó nhận. Thế rồi anh ta tắt máy.
- Đây là máy in của vợ anh, chúng tôi trả về cho chị, anh ký vào biên bản bàn giao rồi cầm về.
- Anh lấy ở nhà tôi ra, anh phải cho người mang trả lại tại nhà tôi. Tôi không nhận ở đây!
- Chúng tôi chỉ có trách nhiệm trả lại tại cơ quan điều tra.
- Thế thì anh đập nát nó đi, cả dàn vi tính nữa. Tôi không bao giờ khuân từ đây về nhà tôi, dù nó có giá trị đến mấy!
Đội trưởng, đội an ninh công an huyện đi vào thông báo cho tôi:
- Trưởng công an huyện ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với anh. Anh nghe đây. Anh ta bắt đầu đọc: “Cộng Hoà… quyết định xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực an ninh, trật tự. Căn cứ…Quyết Định. . . phạt tiền với mức phạt là: 1.500. 000 đồng. Lý do phạt: đưa vào mạng, máy tính những thông tin trái với quy định của pháp luật”. Anh Hồi ký vào đây!
Tôi cầm tờ quyết định ghi luôn vào chỗ dành cho người nhận ký: “Tôi không chấp nhận quyết định này”. Ký tên: Vi Đức Hồi, rồi đưa lại cho viên đội trưởng công an huyện. Tôi nhắc lại thành lời:
- Tôi không chấp nhận quyết định này!
Ba viên sĩ quan công an bàng hoàng nhìn tôi ngơ ngác, không ai nói gì. Viên đội trưởng công an huyện cầm lại tờ quyết định đi ra báo cáo sếp. Trưởng phòng và đội trưởng PA38 cũng đứng dậy ra theo. Mãi sau một chiến sĩ công an huyện đến thông báo cho tôi:
- Hết giờ rồi, chú Hồi về đi.
Kết thúc một buổi làm việc đầy thú vị.
Rồi đến sáng ngày 12/6/2008, một tốp công an huyện, thị trấn lại đến xộc vào nhà khi còn tinh mơ trao giấy triệu tập, rồi lại áp giải đi làm việc. Một cán bộ an ninh huyện đến pha nước chè mời tôi, đưa cho tôi hai tờ báo An ninh rồi bỏ ra ngoài cầu thang ngồi canh giữ. Hơn một tiếng sau, trưởng phòng PA38 Hoàng Anh và đội trưởng Lê Duy Thực đến.
- Hôm nay chúng tôi mời anh đến với mục đích chính là ngăn chặn anh đi Hà Nội. Hôm nay ở Hà Nội có khách nước ngoài sẽ gặp một số đối tượng, trong đó có thể có anh. Chúng tôi theo lệnh trên phải áp dụng biện pháp này. Trưởng phòng Hoàng Anh quán triệt.
- Tôi biết các ông sẽ giở trò gì đối với tôi! Hà Nội hôm nay không có sự kiện gì, cũng chẳng có khách nước ngoài nào đến liên quan đến vấn đề dân chủ, nhân quyền.
- Chúng tôi chỉ biết thi hành theo chỉ đạo của trên.
Nói rồi họ bỏ ra ngoài. Một mình ngồi uống nước, đọc báo cho đến hết buổi sáng, họ đưa cho tôi suất cơm hộp. Tôi điện khắp nơi hỏi mọi người, ai cũng khẳng định rằng không có sự kiện gì hôm nay. Thế là đã rõ, mục đích họ giam lỏng tôi hoặc là có nhân vật nào đó gặp tôi, hoặc là họ đưa tôi ra đấu tố vào chiều nay. Buổi chiều 14h30, một cán bộ phòng PA38 vào phòng, anh ta cầm theo một tập tài liệu, đặt trên bàn. Tôi hiểu ngay đó là bản cáo trạng của tôi do công an vừa soạn thảo, in ấn để phân phát phục vụ cho cuộc đấu tố. Tôi bắt đầu chuẩn bị cho mình tinh thần chủ động để bước vào cuộc đối mặt mới.
Đúng 15h, đội trưởng Lê Duy Thực vào thông báo cho tôi:
- Bây giờ anh Hồi xuống làm việc với thị trấn!
- Tôi biết các anh thể nào cũng giở trò này. Tôi cười đáp.
Họ đưa tôi lên xe, hai sĩ quan, một thiếu tá, một đại uý ngồi áp hai bên sườn tôi làm nhiệm vụ canh giữ, phòng tôi “tẩu thoát”.
Một khung cảnh náo nhiệt tại trụ sở khu An Thịnh, thị trấn Hữu Lũng, Lạng Sơn (nơi tôi cư ngụ). Tại nơi đây như đang diễn ra một cuộc mít tinh trọng thể mà có nguyên thủ quốc gia đến dự. Bên ngoài hội trường có đến 100 cán bộ chiến sĩ thuộc đồn công an huyện và phòng PA38 công an tỉnh Lạng Sơn, từ trưởng, phó công an huyện cho đến trưởng, phó phòng an ninh PA38 cùng với đầy đủ các lực lượng: cánh sát hình sự, lực lượng an ninh, cảnh sát giao thông đứng, ngồi, đi lại, choán ngập cả một khu vực trung tâm thị trấn. Hội trường khu có sức chứa gần 300 chỗ ngồi đã chật ních, một số phải kê ghế ra hành lang hai bên để ngồi. Hai chiếc loa được chõ ra ngoài để không những phục vụ người ngồi ngoài hành lang nghe mà còn để phục vụ cho hàng 100 người đang có mặt tại chợ trung tâm huyện lỵ được nghe. Đưa mắt quan sát trong hội trường, thấy một góc sáng hẳn lên bởi những những sắc phục bảnh bao, hào nhoáng, những cặp kính sáng loáng, những khuôn mặt mầu mỡ đang hướng về phía tôi; nhìn kỹ mới sửng sốt nhận ra các gương mặt: Bí thư, phó bí thư huyện uỷ, cùng hầu hết các vị trong ban thường vụ huyện uỷ, các ban Đảng của huyện uỷ, các đoàn thể của huyện có mặt đông đủ. Cấp thị trấn bao gồm sư có mặt của toàn thể ban chấp hành Đảng uỷ, thường trực hội đồng nhân dân, uỷ ban nhân dân, các ban ngành, đoàn thể, cùng toàn thể cán bộ, nhân dân khu phố An Thịnh.
Hai máy camera, một của công an tỉnh, một của đài truyền thanh và truyền hình của huyện trực tiếp chõ vào mặt tôi quay đi, quay lại ở mọi góc khác nhau để ghi hình ảnh tôi. Họ bố trí cho tôi ngồi hàng ghế đầu để tiện cho việc sỉ vả, đấu tố. Tôi vừa ổn định chỗ ngồi thì cuộc đấu tố được bắt đầu. Bác trưởng khu tuyên bố lý do:
- Hôm nay toàn khu phố chúng ta họp để tiến hành kiểm điểm anh Vi Đức Hồi, cư trú tại khu An Thịnh chúng ta. Thời gian qua anh Vi Đức Hồi đã có nhiều hoạt động chống Đảng, Nhà Nước ta, phản bội lợi ích của nhân dân ta…
Bác trưởng khu bắt đầu đọc bản cáo trạng do công an phòng PA38 soạn thảo dài có đến 20 trang. Cáo trạng bới móc toàn bộ quá trình cuộc đời tôi từ khi còn nhỏ cho đến hôm nay, đặc biệt cáo trạng kết tội tôi viết nhiều bài phát tán trên mạng chống Đảng, Nhà Nước, phản bội lợi ích của nhân dân, của dân tộc; kết tội tôi đi gặp cụ Hoàng Minh Chính, một trong những kẻ phản động hàng đầu trong việc chống Đảng, chống nhân dân và các đối tượng phản động khác; trả lời phỏng vấn nhiều đài nước ngoài xuyên tạc đường lối của Đảng, Nhà Nước… Cáo trạng cũng bới móc họ tên, tuổi, nghề nghiệp, thái độ chính trị, quá trình công tác, làm ăn, sinh sống của bố, mẹ, anh chị em ruột, vợ, con tôi. Hơn tiếng đông hồ, bác trưởng khu mới đọc xong bản cáo trạng. Chuyển sang mục đấu tố, Bác trưởng khu đề nghị:
- Bây giờ đến mục các đại biểu phát biểu ý kiến!
Chưa dứt lời, một cựu chiến binh có tên Miến, đeo trên ngực một huy hiệu gì tôi cũng không để ý, ông ta hung hăng xông lên bục vừa nói, vừa khua chân, múa tay vào mặt tôi. Ông ta nói tràng giang đại hải, kể về thành tích của mình tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Người chủ trì phải nhắc ông ta đi vào trọng tâm, lúc này hình như ông ta mới sực nhớ ra những nội dung cần nói mà đã được chuẩn bị kỹ. Ông ta bắt đầu sỉ vả, xông đến trước mặt tôi chỉ tay vào mặt tôi định gây gổ, hành hung. Tôi cười, cứ ngồi yên để xem ông ta làm gì!
- Mày là thằng ngu! Mày ngu lắm Hồi ạ! Không biết mày học hành thế nào! Tao thấy mày ngu lắm!
Mấy người bên dưới nhắc nhở ông ta bình tĩnh, ông ta quay lại bục rồi yêu cầu:
- Tôi đề nghị phải bắt nó lên đây đứng trước mọi người, không thể để nó ngồi như thế được. Thu toàn bộ đồng hồ, điện thoại và các tư trang của nó. Biết đâu bây giờ nó đang truyền thông trực tiếp ra nước ngoài thì chết chúng ta!
Phía dưới hội trường bắt đầu có người phản đối.
- Nói thế mà cũng nói được! Nói thế hoá ra là mình làm sai! Càng nói càng ngu. Mình làm đúng, nó đưa lên đến đâu cũng chẳng sợ, phải không?
- Thiếu gì người mà đi bồi dưỡng cho ông này lên phát biểu, dạy đời. Bản thân ông thì có tốt đẹp gì mà đi dạy người khác! Đầy các ông có tư cách tốt ở đây sao không cho người ta phát biểu!
- Người ta phải dùng những người không bình thường như thế mới đạt được mục đích chứ!
- Làm thế chỉ tội người ta coi thường! Mà ông Hồi ông lạ gì ông này, ai người ta đi nghe ông này, khổ lắm!
- Trật tự! Đề nghị bà con trật tự!
- Nói thế được rồi, để cho người khác phát biểu. Mấy người chủ trì ngồi ở dưới yêu cầu.
- Tôi tạm dừng phát biểu ở đây, có gì tôi sẽ nói thêm. Rồi ông ta đi xuống.
Hôm sau tôi gặp ông ta ở chợ huyện, tôi nhìn ông ta cười vẻ coi thường. Ông ta ngoảnh mặt đi coi như không có chuyện xảy ra. Tối hôm sau có ông anh vợ của ông ta biết chuyện, ông đến nhà tôi chia sẻ và thông tin cho tôi biết về bản chất con người này. Vì ông anh đi làm xa, ở nhà ông em rể có những hành vi gây chuyện “động trời” mà tôi chẳng tiện kể ra đây.
- Em lạ gì ông này, nhưng ông ta được phân công, được giao nhiệm vụ. Người ta tìm những người như ông ta mới được việc! Chỉ có ông ta mới làm được mũi nhọn để sỉ vả em trước đám đông; nhưng đó lại là việc làm của một kẻ ngu, vì họ không biết lường nó lại phản tác dụng đến mức nào!
- Ở thị trấn này ai mà chẳng biết nó người thế nào! Thế mà bọn họ đi mớm cho nó để tiên phong đấu tranh trên nghị trường, nghe thật buồn cười. Ừ thì những người có nhân cách hẳn hoi thì không nói, đằng này một cái thằng như thế đòi lên mặt, đúng là trò hề!
Trở lại cuộc đấu tố, những người khác lần lượt phát biểu. Tôi đếm có thêm 6 ý kiến, toàn là những cựu chiến binh, các cán bộ nghỉ hưu. Các ý kiến chủ yếu nêu quá trình công tác của bản thân rồi khẳng định tôi là thế hệ sau ngày thống nhất đất nước mới tham gia công tác nên chẳng có công cán gì đóng góp cho đất nước. Được Đảng, Nhà Nước ưu ái đào tạo, bồi dưỡng hẳn hoi thế mà lại quay lưng phản bội Đảng, phản bội nhân dân. Mọi ý kiến đều yêu cầu tôi từ bỏ hành động chống Đảng, chống Nhà Nước, quay trở lại sống lương thiện, chấp hành tốt chính sách của Đảng. Cuối cùng đến lượt họ bố trí cho tôi phát biểu. Đột ngột điện mất. Tôi không hiểu do ngẫu nhiên hay có sự sắp đặt. Mấy hôm sau có người cho tôi biết:
- Họ có sự sắp đặt đấy anh ạ. Hôm ấy anh mà ăn năn hối cải, xin lỗi trước bà con khối phố, xin hứa với bàn dân thiên hạ sẽ chấm dứt mọi hành vi chống đối thì lập tức họ bật điện lên ngay để đông đúc mọi người nghe và chứng kiến. Họ nhận định anh sẽ phát biểu chống lại nên họ có phương án phong toả tiếng nói của anh để khỏi lan rộng và lập tức họ cắt ngang anh ngay, đúng không?
- Đúng vậy.
Bác trưởng khu, người được giao nhiệm vụ đứng ra chủ trì quán triệt:
- Đề nghị anh Hồi phát biểu xin hứa trước bà con khối phố thế nào! Nói ngắn gọn, đi vào trọng tâm!
Tôi biết họ sẽ chỉ cho tôi nói cùng lắm đến 5 phút nếu tôi không chịu xin lỗi trước mọi người. Tôi đứng lên.
- Tôi yêu cầu công an đến đây để đối mặt với tôi! Công an đâu hết rồi?
Mọi người ngơ ngác theo dõi tôi. Tôi quay lại quan sát trong hội trường, ngoài hiên không có một bóng dáng công an nào. Vừa nẫy mọi người phát biểu, một số gương mặt công an có chức sắc đứng, ngồi từ trong hội trường ra ngoài hành lang để xem diễn biến cuộc đấu tố, vậy mà tự dưng họ biến mất. Quan sát ra ngoài sân thì ra họ đã lảng ra ngoài đó tụ tập với nhau từ lúc nào!
- Công an biến đâu hết rồi? Không dám ra đây để tranh luận với tôi sao?
Bác trưởng khu, người chủ trì đứng sát tôi với tư thế sẵn sàng bắt tôi ngừng nói.
- Tôi xin được tuyên bố với mọi người rằng: Tôi: Vi Đức Hồi, từ trước đến nay và mãi mãi về sau chưa bao giờ và sẽ không bao giờ phản bội Tổ Quốc, không bao giờ phản bội Nhân Dân, không bao giờ phản bội lợi ích của Dân Tộc.
- Thôi anh Hồi không nói nữa! Bác trưởng khu ngắt lời tôi.
Tôi cũng nhận thấy nói thế là đủ, có nói nữa thì họ cũng không cho. Tôi ngồi xuống ghế. Người cựu chiến binh có tên Miến lao sang tôi chỉ tay vào mặt tôi, định hành hung. Tôi ngồi yên để xem ông ta có dám đánh tôi không!
Phía dưới có tiếng quát:
- Miến! Mày thôi ngay đi không?
Tôi ngoảnh lại xem ai thì ra ông là bí thư chi bộ khu phố, một sĩ quan quân đội nghỉ hưu. Tôi hiểu Ông mới là ngươì có trách nhiệm cao nhất chỉ đạo cuộc đấu tố này, nhưng ông có nhiệm vụ đứng đằng sau chỉ đạo. Suốt cuộc đấu tố, ông không có ý kiến gì, nhưng ông là người bảo đảm cho cuộc đấu tố không chệch hướng, càng không để xảy ra chuyện gì đáng tiếc.
Người cựu chiến binh này đang lồng lộn như con gà cắt tiết, đột ngột hạ nhiệt quay về chỗ ngồi. Tiếng ồn ào trong hội trường như một chợ phiên cao điểm.
- Trật tự! Đề nghị bà con chúng ta trật tự để chuyển sang mục khác. Bác trưởng khu quán triệt. Bây giờ tôi thông qua nghị quyết của cuộc họp hôm nay: (xin được nói đại ý)
…Một là đề nghị Đảng, Nhà Nước phải xử lý nghiêm khắc, đưa đi cải tạo, giáo dục đối với ông Vi Đức Hồi. Hai là yêu cầu ông Vi Đức Hồi phải chấm dứt ngay những hành vi chống Đảng, chống Nhà Nước, chống nhân dân. Nếu không chúng tôi sẽ trục xuất ra khỏi địa phương nơi cư trú. Ba là đề nghị Nhà Nước cắt ngay chế độ hưu trí đối với ông Vi Đức Hồi. Toàn thể bà con chúng ta ai có ý kiến gì không? Nếu không có ý kiến thì cho biểu quyết. Một trăm phần trăm đã biểu quyết, hội nghị chúng ta kết thúc tại đây, xin mời bà con nghỉ.
Trời đổ mưa sầm sập, lực lượng công an chạy tán loạn tìm nơi trú ẩn, bà con người giăng ô, người trùm ni lông đội mưa ra về, số đông vẫn ở lại vì không đem theo đồ che mưa. Xe ô tô công an lùi vào sân, hai sĩ quan công an áp giải tôi lên xe về đồn. Họ lại đưa tôi vào phòng làm việc mà tôi đã quen thuộc.
Ngồi trong phòng, tôi đã chuẩn bị ý kiến để “trao đổi” thẳng thắn với họ, nếu còn được làm việc tiếp. Tôi sẽ thông báo với họ rằng: đối với tôi, việc tổ chức đấu tố như hôm nay, tôi chẳng có gì đáng sợ, trái lại tôi còn mừng là đằng khác. Tôi mong cứ mỗi tháng các ông tổ chức một lần để quần chúng nhân dân có cơ hội hiểu thêm về tôi. Tôi cam đoan lần sau chỉ cần các ông thông báo cho tôi là tôi tự đi, không việc gì phải lừa lọc, giam hãm tôi cả ngày như hôm nay. Chỉ cần sau một tuần hay sau một tháng các ông đến địa phương này điều tra xem người dân họ nói gì, tác dụng của cuộc đấu tố này đến đâu! Cái sai lầm lớn nhất của các ông là các ông quá coi thường người dân, các ông nghĩ người dân ai cũng ủng hộ các ông, các ông đã nhầm. Chắc hẳn sẽ có nhiều người ủng hộ các ông do họ thiếu thông tin; do chính sách mị dân của chế độ; do họ có con em đang nằm trong bộ máy Đảng, chính quyền, họ đang được hưởng lợi từ chế độ này. Cũng sẽ có nhiều người họ chẳng quan tâm đến vấn đề này. Cũng có nhiều người họ nhận thức được đâu là đúng, đâu là sai. Tôi chỉ cần 1/3 hoặc1/10 họ hiểu tôi, chia sẻ với tôi là tôi đã quá thành công. Vì trước đây các ông bưng bít, các ông vu khống, bịa đặt về tôi, người dân họ chưa hiểu rõ vấn đề, có thể người ta tin ở các ông, cho tôi là tên phản động. Qua cuộc đấu tố này, trắng đen phần nào đã sáng tỏ, tội của tôi đến đâu họ biết. Tôi chỉ lấy một ví dụ: tôi viết bài phát tán trên mạng chống Đảng, Nhà Nước, chống nhân dân, tại sao các ông không đem ra đọc cho mọi người nghe để mọi người phán xét, các ông lại cho đây là điều tối mật, không cho dân biết. Trong khi đó các ông bắt dân phải thừa nhận tôi là tên phản động, vậy các ông coi người dân là gì? Tôi cho các ông nói cả ngày, cả buổi, nhưng tôi chỉ cần nói năm, mười phút như hôm nay, đối với tôi là cũng đã thành công. Tôi thành thật mong muốn các ông tổ chức nhiều cuộc đấu tố như thế này.
Việc các ông chỉ đạo cho dân thông qua nghị quyết vừa rồi đúng là một trò hề, không hơn, không kém. Các ông tưởng làm thế rồi tôi sợ các ông? Xin lỗi! các ông quá nhầm. Tôi không những không sợ mà tôi còn được phấn chấn lên. Bất cứ một công dân nào phạm tội đều bị bộ luật hình sự điều chỉnh, tôi phạm tội đến đâu, đã có chế tài của luật xử lý. Tôi nghỉ hưu, do luật bảo hiểm xã hội điều chỉnh. Là một công dân, tôi có quyền được cư trú ở mọi miền đất nước theo đúng quy định của luật cư trú. Bắt người dân ở cấp khu phố yêu cầu nhà nước bắt tôi đi tù; doạ trục xuất ra khỏi dịa phương; yêu cầu cắt chế độ hưu trí của tôi là việc làm không thể. Việc làm đó thể hiện sự thiếu hiểu biết về pháp luật, mặt khác đó là hành vi coi thường pháp luật, chà đạp lên pháp luật, là thể hiện coi thường người dân.
Đang miên man suy nghĩ thì một cán bộ công an huyện vào thông báo:
- Anh Hồi về đi.
- Công an tỉnh đâu rồi?
- Các ông ấy về rồi.
- Họ không dám gặp tôi!
- Em không biết.
- Thôi bác về đi cho sớm!
Thế là mọi sự chuẩn bị của tôi đã không còn cơ hội để phát ra. Tôi mong mãi có cuộc làm việc tiếp, nhưng chẳng thấy diễn ra nữa, bởi từ ngày đó đến nay, công an không có buổi nào làm việc thẩm vấn tôi. Thay vào đó, họ áp dụng chế độ cho lính canh gác, theo dõi tôi một cách nghiêm ngặt.
Trở về nhà, dân làng kháo nhau:
- Tối nay truyền hình huyện sẽ phát đi toàn bộ diễn biến cuộc đấu tố của dân khu phố An Thịnh đối với ông Vi Đức Hồi. Mọi người ngóng chờ đến giờ phát để xem, vì nhiều người không được tham gia trực tiếp cuộc đấu tố lịch sử này. Cả nhà tôi vừa ăn cơm vừa chờ đón xem chương trình đặc biệt này.
- Họ đưa lên ti vi thì chả nhục lắm à? Vợ tôi hỏi.
- Làm sao mà nhục! Anh còn mong chúng nó cho chiếu càng rộng càng tốt, vì mình có tội tình gì mà phải sợ, phải xấu hổ! Nó làm thế tự chúng nó vạch mặt nó, chúng nó mới là kẻ xấu hổ. Thời đại văn minh, tiến bộ mà chúng đi tổ chức đấu tố một người chỉ là bất đồng quan điểm thì tự nó làm nhục nó, mình không việc gì phải nhục!
Đến giờ truyền hình của huyện, không thấy gì! Lại chờ đón xem chường trình truyền hình của trung ương, rồi của tỉnh cũng không thấy gì! Dân làng khu phố tôi mất hứng!
Sáng sớm hôm sau, tôi ra chợ ăn sáng, mục đích chính là để cho mọi người trong khu phố tôi vẫn thấy tôi bình thường. Tôi trở thành tâm điểm của sự chú ý mọi người.
- Tưởng hôm qua công an đưa đi rồi cơ mà? Một anh bạn làm trong ban quản lý chợ hỏi.
- Tôi có tội gì mà bắt!
- Dân kháo nhau là sau khi đấu tố xong, xe công an đưa đi Hà Nội ngay. Đúng là mồm thiên hạ!
Ngồi vào quán phở, mọi người tỏ vẻ ngạc nhiên.
- Ơ, anh Hồi! Anh vẫn bình an vô sự! Cô chủ quán hỏi.
- Em nghĩ anh gặp nạn lớn chắc!
- Vâng. Các cụ kháo nhau từ sau cải cách ruộng đất đến nay mới có cuộc đấu tố thế này đấy. Tất nhiên là chưa bằng đấu địa chủ ngày xưa!
- Em hỏi thật anh, anh viết những gì đấy? Một cô làm nghề gội đầu cùng ăn sáng với tôi hỏi.
- Anh viết tố cáo độc đoán chuyên quyền, tố cáo tham những, đòi dân chủ và công bằng cho dân. Em thích đọc, hôm nào đến anh cho đọc.
- Hôm nào em phải đến xem mới được.
- Một mình anh chẳng làm gì được họ đâu! Một người đàn ông cùng ăn sáng với tôi khẳng định.
Ăn sáng xong, tôi vòng quanh thị trấn rồi vào một số nhà người thân quen nghe ngóng tình hình. Vào một gia đình, cả hai vợ chồng đon đả tiếp tôi kể cho tôi nghe.
- Ban đầu, mọi người tưởng tội của anh khủng khiếp lắm nên họ mới tổ chức hội nghị lớn như vậy để đấu anh. Nhưng khi nghe đọc bản luận tội thì chẳng thấy có gì ghê gớm, chỉ là viết bài đăng trên báo mạng, có nội dung chống Đảng, Nhà Nước, chống nhân dân, chỉ nói thế thôi chứ họ có đọc cho dân nghe đâu! Thế mà làm rầm rộ cứ như người ta đi khủng bố không bằng! Rỗi việc, tốn tiền, tốn thời gian. Các cụ hưu trí quan tâm lắm, ngồi đâu cũng bàn tán xôn xao, có mấy cụ nói là: cán bộ cấp trên truyền đạt xuống: hiện nay các thế lực thù địch đang chống phá cách mạng nước ta, mọi người phải nêu cao cảnh giác, đập tan mọi âm mưu của chúng, mọi người phải bảo vệ chế độ, phải ra sức bảo vệ Đảng, nếu cái Đảng này mất quyền lãnh đạo thì những người có công lao với đất nước sẽ là nạn nhân, tất cả phải ra đứng đường, rồi chẳng có nơi mà ẩn náu… nên các cụ bức xúc lắm.
- Em thấy họ tuyên truyền có đúng không?
- Bọn em làm sao biết được!
- Liên Xô và các nước Đông Âu khi chế độ cộng sản sụp đổ, em có thấy những người cộng sản bị truy lùng không? Ở Nga, Ba Lan, chủ tịch Đảng cộng sản đương thời là đương kim chủ tịch Quốc Hội đấy. Hàng triệu người làm việc với chế độ cộng sản hiện nay họ vẫn hưởng chế đô hưu trí như mọi người khác. Đó là thực tế. Chỉ có chế độ cộng sản lên cầm quyền thì mới truy lùng, bắt bớ, đem cải tạo, rồi phân biệt đối xử với những người theo chế độ cũ. Chế độ dân chủ không bao giờ có thái độ hận thù và phân biệt đối xử như cộng sản đâu. Họ chỉ “suy bụng ta, ra bụng người”!
Câu chuyện tôi bị đấu tố được loan truyền khắp mọi nơi, một thời là tâm điểm, là đề tài bàn luận, tranh cãi của nhiều người, ít nhất là ở địa phương tôi. Người thì cho rằng phải vạch mặt tôi giữa đám đông quần chúng nhân dân như thế là đúng; người thì cho rằng làm thế là vi phạm nhân quyền; người thì cho rằng tội đấy đáng gì mà đem đấu tố, đầy tội tày trời sao không đếm xỉa đến! Các ông cứ cường điệu lên là nguy hiểm cho chế độ, nhưng đọc bản luận tội lên thì không chứng minh được sự nguy hiểm ở chỗ nào! Nó viết thế nào thì các ông không dám đọc lên cho dân nghe. Theo tôi ông Hồi nó nói gì, viết gì, làm gì phải cho dân biết hết để dân chúng tôi còn nhận xét chứ, đằng này các ông lại đi nói với dân là “bí mật quốc gia”! Các ông làm thế chứng tỏ các ông coi thường dân chúng tôi quá!
Tại một cuộc họp chi bộ của một khu phố được tổ chức họp ngay sau khi cuộc đấu tố tôi, trong đó có nội dung thông báo về trường hợp của tôi, một đảng viên tham dự bức xúc:
- Tôi đề nghị các ông bỏ ngay cái nội dung này đi ra ngoài cho chúng tôi nhờ, nói quá nhiều rồi, mất thì giờ, tốn giấy bút ghi biên bản. Nó có tội thì xử lý theo pháp luật, pháp luật không xử lý được thì thôi, lúc nào cũng nói đến nó, nghĩ đến nó, bàn về nó, cuối cùng thì giải quyết được vấn đề gì? Từ nay chấm dứt nội dung này đi. Một đảng viên sau khi họp về kể cho tôi nghe.
Thời gian sau, cục an ninh bộ công an cho người đến địa phương nghiên cứu, thăm dò dư luận của cán bộ, đảng viên, nhân dân về trường hợp của tôi sau khi diễn ra cuộc đấu tố lịch sử này. Chẳng biết họ thu thập được những gì thì tôi không biết vì là “bí mật quốc gia”. Họ đến phỏng vấn cậu em ruột tôi xem phản ứng của gia đình, dòng họ tôi ra sao! cậu em tôi nói:
- Tôi lại càng không biết gì về ông anh tôi, vì tôi cũng chẳng bao giờ dám hỏi, chẳng bao giờ dám khuyên nhủ. Người ngoài nghĩ tôi là em ruột nên họ cũng ít tâm sự với tôi.
- Nguyện vọng của gia đình thế nào? Chúng tôi muốn phối hợp với gia đình để khuyên ngăn anh ấy.
- Tôi chẳng có nguyện vọng gì, cả họ hàng không ai khuyên nổi ông ấy.
- Sắp tới, chúng tôi sẽ có biện pháp cứng rắn đối với anh ấy, gia đình có ý kiến gì?
- Tôi chẳng biết có ý kiến gì, các anh cứ chiểu theo pháp luật mà làm!
- Chiểu theo pháp luật thì nói làm gì! Chúng tôi muốn gia đình cũng phải lên tiếng cùng với chúng tôi khuyên ngăn để anh dừng lại trong lúc còn có thể.
- Tôi chịu, các ông đi mà làm!
Ngày 01 tháng 8 năm 2008, lúc 7h30, một cán bộ công an huyện cùng phó công an thị trấn lại đến nhà, giao cho tôi giấy triệu tập vẫn do trưởng công an huyện ký. Nội dung giấy triệu tập yêu cầu đúng 8h cùng ngày có mặt tại cơ quan công an huỵên làm việc. Nhận được giấy triệu tập, tôi rất mừng vì lại có cơ hội để làm việc với công an, có dịp để bày tỏ nỗi bức xúc qua cuộc đấu tố vừa qua. Tôi chuẩn bị cho mình khá kỹ để gửi lại cho họ những thông điệp cần thiết. Nhưng lại một lần nữa thất vọng vì họ không làm việc với tôi như mọi lần. Viên đội trưởng Lê Duy Thực “tiếp” tôi và thông báo gọn lỏn:
- Hôm nay chúng tôi mời anh lên để giao: “quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính”, (dàn vi tính của anh) và “quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính”, (vì anh không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trước, buộc chúng tôi phải ra quyết định cưỡng chế thi hành bằng biện pháp khấu trừ lương hưu của anh). Nói rồi phó đội trưởng đội an ninh công an huyện giao cho tôi hai quyết định trên.
Tôi xem qua hai quyết định rồi nói với họ:
- Quyết định tịch thu tang vật, tôi không có ý kiến gì, vì các ông có nhiều quyền lực trong tay, muốn làm thế nào mà chả được. Còn quyết định cưỡng chế, các ông về đọc lại các quy định của pháp luật đi! Các ông đã vi phạm pháp luật rồi đấy!
- Chúng tôi chỉ có làm đúng quy định của pháp luật!
- Vậy hả? Tôi nói cho các ông biết về những vi phạm của các ông: theo quy định của pháp luật, việc khấu trừ vào thu nhập của người phải thi hành quyết định, phải đảm bảo cho họ duy trì được mức sống tối thiểu, đó là nguyên tắc thứ nhất. Nguyên tắc thứ hai, nếu mức thu nhập của người phải thi hành quyết định chỉ đảm bảo mức sống quân bình tại địa phương đó thì mức khấu trừ không được quá 30% mức thu nhập của người phải thi hành quyết định. Lương hưu non của tôi chỉ vẻn vẹn có 1 triệu 8 trăm ngàn đồng/tháng, vậy mà các ông khấu trừ tôi một lần, 1 triệu 5 trăm ngàn đồng, còn 3 trăm ngàn đồng tôi sống bằng cái gì cả một tháng trời? Các ông về đọc lại đi. Tiện đây tôi cũng nói cho các ông biết: quyết định số 01 ngày 30/4/2008 về việc “quyết định khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính” do trưởng công an huyện ký, bản mà các ông giao cho tôi không có chữ ký phê chuẩn của chủ tịch uỷ ban nhân dân cùng cấp, đó là việc làm vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Quyết định đó hiện tôi vẫn giữ, nếu không tin, đến tôi cho xem.
- Chúng tôi dám khẳng định: chúng tôi làm đúng các quy định của pháp luật hiện hành.
Sáng hôm sau, cậu công an vẫn làm nhiệm vụ canh gác tôi có tên là Cát vào nhà đưa cho tôi một “quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính” khác, nội dung quyết định y hệt quyết định hôm qua họ vừa trao cho tôi, chỉ khác là hình thức khấu trừ vào lương hàng tháng là 500 ngàn đồng, thay vì khấu trừ một lần vào lương tháng là 1 triệu 5 trăm ngàn đồng. Giao quyết định xong, cậu ta đề nghị:
- Chú cho cháu xin lại quyết định hôm qua!
- Chú để đâu không nhớ nữa. Mà lấy lại làm gì? Hôm qua các bố khẳng định làm đúng pháp luật cơ mà!
- Việc này cháu không biết!việc này không liên quan gì đến cháu!chú đừng đưa cháu vào cuộc này!
Bây giờ tôi vẫn giữ hai quyết định, cùng ngày, cùng số, cùng tiêu đề, nhưng khác về hình thức khấu trừ vào lương tháng. Hôm về quê lĩnh lương (tôi đã chuyển khẩu và sổ hưu trí về quê), cậu chủ tịch uỷ ban nhân dân xã mời tôi vào phòng tâm sự:
- Trên họ gửi giấy xuống xã yêu cầu khấu trừ lương anh về việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính, em khó nghĩ quá!
- Sao mà khó nghĩ? Cậu sợ tớ không chấp hành sao? Tớ chống gì các cậu!
- Vâng, được thế bọn em mừng quá!anh sang bên này lĩnh tiền đi!
- Trừ cho chú một lần cho xong, tháng này nhịn vậy!
- Vâng, thế thì tốt quá, cháu khỏi phải lên kho bạc huyện nộp nhiều lần, cám ơn chú nhiều. Cô thủ quỹ mừng rỡ.
Tôi vào nhà cậu em họ gần trụ sở uỷ ban xã quê tôi, thấy tôi vào cậu ta mừng đon đả.
- Anh ăn cơm đây, lâu ngày không ngồi với nhau rồi!
- Bắt con gà về thịt đi! Tớ mời mấy anh bạn đến uống rượu, mới lính lương xong, được truy lĩnh nhiều nhiều đấy.
Mấy anh em ngồi với nhau, trong đó có cả một vài anh là cán bộ chủ chốt xã, biết chuyện một anh phàn nàn:
- Công an ra quyết định xử phạt hành chính mà lại phải đi nhờ địa phương khấu trừ lương thì quá dở! Đây là biện pháp cực chẳng đã, phải làm thôi!
- Đây là biện pháp thể hiện sức mạnh của “chuyên chính vô sản” và là sự “sáng tạo” của Đảng, Nhà Nước ta! Tôi trả lời.
- Dân dã người ta gọi đây là biện pháp “cùn”, nhân danh Đảng, Nhà Nước, ai lại đi làm thế!
Từ đó đến nay (tháng 8/2008-tháng 7/2009) tôi chưa có cơ hội nào để được đối mặt với công an vì chẳng thấy họ triệu tập tôi nữa.
Ngày xưa CácMác có câu nói nổi tiếng: “hạnh phúc là đấu tranh”, tôi không dám đặt mình vào vị trí như vậy; nhưng quả thật tôi cảm thấy hẫng hụt, buồn tẻ từ khi họ loại tôi ra khỏi vòng chơi này.
35
THAY LỜI KẾT
Ai đó đã có câu:” Ở Việt Nam, 20 tuổi không vào Đảng, người không có trái tim; 40 tuổi vẫn theo Đảng, người không có lương tâm”.
Lớp người như tôi, sinh ra và lớn lên trong lòng chế độ cộng sản, ai cũng “một thời trẻ trai”, cũng muốn đem sức lực của mình cống hiến cho đất nước, và Đảng cộng sản là “hiện thân”cho sự hy sinh, cống hiến đó. Được đứng trong hàng ngũ của Đảng, được thực hiện những nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả như những thông điệp của Đảng gửi tới toàn dân, đó là niềm tự hào, niềm kiêu hãnh của mỗi người.
Là người khá sớm được đứng trong hàng ngũ của Đảng, để rồi có điều kiện học tập, tìm hiểu về bản chất của Đảng nên vào cái tuổi 40, tự mình nhận thấy:
“Chót vì tay đã nhúng chàm
dại rồi nhưng biết khôn làm sao đây!”
Rồi đã phải đi tìm lối thoát cho mình, cầu mong đoạn đường còn lại của cuộc đời được vợi đi những nỗi ân hận. Đây là một quyết định khó khăn, khó khăn nhất trong đời.
Một danh nhân nào đó đã nói:”tạo hoá con người khi sinh ra là bằng nhau, ít nhất cũng gần bằng nhau”.vì vậy sẽ không có ai sinh ra mang phận hèn, chỉ có những người cam chịu phận hèn. Cũng như “không có người phụ nữ xấu, chỉ có người phụ nữ không biết làm đẹp”. Thời trẻ tôi hay đọc thơ Các Mác, lúc đó Các Mác luôn là thần tượng đối với tôi. Các Mác chỉ ra rằng:
“Thế giới cứ đảo điên,
Vì ta không biết dựng,
thế giới trôi bất động,
vì ta hằng lãng quên.”
Cái mất mát lớn nhất của con người chính là mất đi quyền làm người; Kẻ có tôi lớn nhất là kẻ đi tước đoạt quyền con người; kẻ đáng thương nhất, là kẻ chưa hiểu biết về quyền con người; kẻ đáng trách nhất là kẻ quên đi quyền con người; kẻ hèn hạ nhất là kẻ cam chịu mất quyền con người. Tôi là kẻ đáng trách và cũng có lúc trở thành kẻ hèn hạ.
Thế giới hoà nhập, thông tin bùng nổ, đã làm cho tôi thức tỉnh sau đêm dài “dòng đời trôi quằn quại hắt hiu”. Và lúc này khi đã thức tỉnh, nhìn lại những người xung quanh mình, than ôi! tuyệt đại đa số họ là những”kẻ” đáng thương. Đáng thương bởi họ không biết họ có những quyền cơ bản gì! Đáng thương vì họ không biết được ai đã tước đoạt những quyền cơ bản về con người của họ! Đáng thương vì suốt cuộc đời của họ từ khi sinh ra cho đến khi nhắm mắt xuôi tay, con người họ không được tiếp nhận một thông tin nào khác ngoài thông tin chính thống của Đảng.
Ai cũng vậy, khi mà mình nhận ra, nhìn thấy những hành vi tội lỗi của người khác, mà không lên tiếng cảnh báo cho người đó dừng lại, hoặc cũng không báo cho mọi người biết để tránh; để đề phòng; để lên tiếng; để nhăn chặn…thì đó cũng là tội lỗi. Từ lối suy nghĩ mộc mạc như vậy, nên việc tôi đến với phong trào dân chủ như một lẽ tự nhiên. Và cũng từ suy nghĩ chất phác như trên, tôi mạnh dạn ghi chép và gửi bạn đọc vài suy nghĩ về quá trình chuyển hoá mà theo cách gọi của Đảng cộng sản là “thoái hoá”của tôi; về một số cuộc làm việc, đấu tranh với bộ máy công an cộng sản. Với mong muốn gửi đến những ai quan tâm đến vận mệnh của đất nước, nhất là các bạn trẻ một số thông điệp nho nhỏ để các bạn hiểu thêm những âm mưu, thủ đoạn, lối hành xử và bản chất của chế độ hiện hành; về vài kinh nghiêm ít ỏi trong quá trình đối mặt với bộ máy công an.
Lúc đầu dự định chỉ viết vài bài, ghi chép một số cuộc làm việc với bộ máy của Đảng (tỉnh uỷ). Nhưng được sự cổ vũ, động viên của một số bạn bè thân hữu gần xa, đặc biệt là tổng biên tập báo Thông Luận, anh Đoàn Xuân Kiên; tổng biên tập báo Đối Thoại, anh Võ Văn Minh đã nhiệt tình chỉnh sửa, bổ sung các bài viết của tôi trước khi đăng tải. Mỗi lần tôi đọc lại, tự rút được nhiều kinh nghiệm và nhận thấy mình trưởng thành lên. Nhân dịp này tôi xin được bày tỏ biết ơn các bạn đọc và cá nhân anh Đoàn Xuân Kiên, anh Võ Văn Minh đã dành cho tôi sự ưu ái hiếm có này.
Các bài viết mang tựa đề: “Đối Mặt”của tôi xin được tạm dừng tại đây, có thể tôi sẽ còn viết tiếp vì các cuộc đối mặt với bộ máy chính quyền cộng sản chưa thể chấm dứt ở đây.
Rất mong bạn đọc trên mạng lượng thứ cho tôi về những gì sơ xuất, những gì khiếm khuyết./.
Lạng Sơn,ngày 20 tháng 7 năm 2009
Trân Trọng
Vi Dức Hồi
No comments:
Post a Comment