Hai lối nhìn về người Việt ở Ba Lan.
DCVOnline – tổng hợp và giới thiệu.
03-11-2009
http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=6869
DCVOnline: Sau đây là hai cách nhìn về người Việt Nam cư trú và làm việc bất hợp pháp tại Ba Lan, phần lớn là ở thủ đô Warsaw.
Thứ nhất là một bài phóng sự của ký giả Ulricht Adrian đã được phát trên đài Truyền hình Số 1 ở Đức, và được ghi lại trong trang web của đài này.
Phóng sự này ngay lập tức được lan truyền trên cộng đồng internet Việt Nam. Và dưới đây là bản DCVOnline dịch từ tiếng Đức và giới thiệu đến quý bạn đọc.
Kế đến, chúng tôi xin giới thiệu những ý kiến phản biện của tác giả Mạc Việt Hồng về bài phóng sự này. Tác giả Mạc Việt Hồng hiện sinh sống và làm việc tại Warsaw – Ba Lan, từng tham gia vào những hoạt động xã hội và có điều kiện quan sát cộng đồng Việt Nam tại đây.
Bài 1: Chợ Việt ở Warsaw
Ulricht Adrian – DCVOnline dịch
Praga là một khu nghèo, thuộc thủ đô Warsaw. Chúng tôi ngồi đây nhìn lên bầu trời tháng Mười xám xịt. Xa xa lển nghển những cần cẩu cao vòi vọi, chả là người ta đang xây một sân vận động mới toanh cho giải Vô địch Túc cầu Âu Châu vài năm tới. Ngay cạnh đó là khu Tiểu Việt Nam, như cách gọi của người dân ở đây. Đây là một cái chợ bao la, cái gì cũng có. Đúng là không thiếu một cái gì!
Người Việt là nhóm người ngoại quốc lớn duy nhất ở Ba Lan. Họ đến đây từng đàn từng đống. Ba Lan đối với họ là vùng đất hứa. Vì đây là xứ theo Thiên Chúa Giáo, như nhiều người Việt. Và ở đây có Nghiệp đoàn Lao động Solidarność (“Đoàn Kết”) gầy dựng lên cuộc đấu tranh chống chế độ cộng sản. Điều mà người Việt vẫn hằng mơ ước xẩy xa ở xứ của họ, vốn vẫn còn bị những người cộng sản cai trị cho đến ngày hôm nay.
Không ai biết con số chính xác của người Việt cư ngụ ở Ba Lan, nhưng tối thiểu là 30 ngàn, đa số không giấy tờ hợp lệ. Chúng tôi đã tiếp xúc với tổ chức “Tiếng Nói Tự Do” (TNTD) – một tổ chức thiện nguyện hết lòng giúp đỡ người Việt ở Ba Lan – để biết thêm chi tiết.
Ông Robert Krzysztoń, thuộc tổ chức TDNL cho biết:
“Đây là một trò làm tiền của đám mafia Việt Nam. Trước hết, những người tị nạn này được đưa sang Moscow, việc này thì dễ thôi. Ở đó họ bị lấy đi sổ thông hành, lấy cớ là phải đi xin thị thực nhập cảnh vào Ba Lan. Sau đó, họ được cho biết là có “khó khăn” bất ngờ. Mỗi người cần phải trả thêm từ 10 ngàn đến 15 ngàn đô Mỹ mới giải quyết được. Tiền không có, sổ thông hành cũng không, họ đành chấp nhận đi tiếp Ba Lan theo đường “chui”, sau khi ký giấy nợ món tiền trên. Món nợ khổng lồ đó họ sẽ phải làm lụng cả quãng đời còn lại để trả. Họ có thể trúng số độc đắc, nhưng đám chuyên đi đòi tiền vẫn hàng tháng gõ cửa đúng giờ để đòi nợ”.
Quay phim cảnh chợ Tiểu Việt Nam là việc cực kỳ khó khăn. Không ai tin tưởng chúng tôi, máy quay phim đi đến đâu người ta trốn đến đó. Phần lớn họ không nói tiếng Ba Lan dù đã sống nhiều năm ở xứ này.
Chúng tôi làm quen được với Ngan, một phụ nữ 45 tuổi, bán thức ăn trên một xe đẩy. Ngày làm việc của bà Ngan bắt đầu vào lúc 1 giờ sáng. Bà kể chuyện:
“Tôi đã trốn khỏi Việt Nam 9 năm trước, vì sợ trả thù. Tôi không muốn nói thêm về chuyện này. Chồng và các con tôi vẫn còn ở Việt Nam. Tôi nhớ chồng con lắm, nhưng nhờ mỗi ngày làm việc nấu nướng 17 tiếng đồng hồ, tôi chẳng có thời giờ để nghĩ ngợi nhiều. Tiền kiến được rất ít, có dư đồng nào tôi cố gắng gọi điện thoại về cho gia đình mỗi tuần… Nhưng bây giờ tôi phải đi bán hàng đây…”
Chúng tôi xách máy quay phim đi theo bà Ngân, nhưng chỉ vài phút sau đã ngừng quay. Lý do là khi chúng tôi đứng ở đó, bà Ngân không bán được gì cả. Bà tức giận, mắng chửi: “Các người xéo đi, chỉ phá công việc làm ăn của tôi thôi”. Ít lâu sau, chúng tôi hiểu thêm tại sao mọi người ở đâu đều sợ, và Sứ quán Việt Nam đóng một vai trò không mấy tốt đẹp trong nỗi sợ hãi đó.
Một nhân viên công an chìm Warsaw chấp nhận nói chuyện với chúng tôi vào một buổi tối. Điểm hẹn là ngoại ô thành phố. Người công an chìm đó cho biết:
“Người Việt sợ đám mafia. Đó là những kẻ làm ăn lớn từ Việt Nam đến đây, với túi tiền khổng lồ. Tiền phi pháp cần được “rửa”. Chúng đầu tư khắp nơi, mua đứt cả những công ty của người Ba Lan. Chúng liên hệ mật thiết với chính quyền ở Việt Nam và nhân viên Sứ quán ở đây. Đúng là tội phạm có tổ chức, đúng kiểu mafia.”
Với mafia thì không có chuyện đùa bỡn. Những di dân bất hợp pháp đó phải trả tiền cho các “xếp” lớn. Các “boss” có cách để người ta phải trả nợ.
“Người Việt không bao giờ cần đến giấy tờ khi thoả thuận chuyện gì. Lời nói là đủ. Khi một người không trả tiền đúng hạn, các xếp sẽ cho người đến dắt đi một nơi “an toàn”, tra tấn đến khi lòi tiền ra mới thôi”.
Một ký giả Ba Lan, Ton Leszek Szymowski, đã bỏ ra nhiều năm điều tra để vén bức tường im lặng bao trùm cộng đồng người Việt ở đây. Giờ đây, ông công bố kết quả công khai trên báo chí. Ông viết:
“Mỗi người làm ăn buôn bán ở chợ Tiểu Việt Nam đều phải đóng tiền bảo kê. Đó là nguyên tắc! Không cần biết là người đó bán cái gì, kể cả giày dép, quần áo hay chè cháo, đều phải đóng tiền cho “cộ”, từ 100 đến 150 đô một tháng. Nếu không cái chòi hay quầy hàng sẽ tự động bốc lửa. Nhưng ai trả tiền thì cao bồi du đãng sẽ không dám động đến nữa”.
Một người Việt, cư trú bất hợp pháp, làm việc trong nhà bếp của một tiệm ăn tin tưởng chúng tôi, kể câu chuyện tị nạn đầy phiêu lưu của mình. Anh đã mất nhiều tháng để đi từ Việt Nam đến Ba Lan. Anh nói:
“Thực ra từ đầu tôi muốn đi qua ngả Moscow. Nhưng tay mối lái đề nghị đi đường bộ qua ngả biên giới Tàu. Phó thác vào tay người dẫn đường, tôi ngồi liên tu bất tận trong xe lửa vận chuyển hàng hóa, rồi đổi sang ngồi trong một cái thùng giấy trên chiếc xe vận tải. Cuộc hành trình dài đưa tôi đến Kiew, thủ đô của Ukraine. Từ đó, tôi đưọc dẫn đến biên giới Ba Lan. Cuộc vượt biên diễn ra ban đêm, lúc lính biên phòng lơ đãng. Sau đó, tôi được chở thẳng đến chợ Việt Nam ở Warsaw. Đến đây, họ vứt tôi xuống đường rồi chuồn thẳng, mặc kệ tôi bơ vơ.”
Chúng tôi hỏi Nguyen về nơi ăn chốn ở của người Việt ở đây. Câu trả lời thật giản dị: chỉ cần một người đứng ra thuê một chỗ ở nào đó, rồi mười người khác kéo theo vào ở. Mười một người sống trong một căn hộ 12 thước vuông.
“Ở đây tôi không chính thức hiện hữu, hoàn toàn sống bên ngoài hệ thống luật pháp. Nhưng công an chìm của Việt Nam thì theo tôi đến tận Ba Lan. Họ tìm cách khống chế tôi. Cứ vài ngày, người của họ ghé qua “thăm hỏi” và cảnh cáo tôi không được có hành vi chống phá nhà nước. Để lời cảnh cáo này được coi trọng, mỗi tháng họ cho người đánh tôi một trận đến nơi đến chốn”.
Cũng có những người Việt đến Ba Lan bằng những chuyến bay từ Moscow với giấy tờ giả. Hàng ngày có hai chuyến bay của hãng hàng không Nga, Aeroflot, đến Warsaw.
Giấy tờ chứng minh là món hàng vô giá, đến nỗi người Việt tị nạn không được quyền chết. Từ lâu, cảnh sát Ba Lan đã để ý trong các nghĩa địa không có ngôi mộ nào của người Việt cả. Họ không hiểu tại sao có thể như thế được.
Dariusz Loranty, một nhân viên cảnh sát Ba Lan, nói:
“Nghe có vẻ kỳ quái, nhưng người Việt ở đây dường như không bao giờ chết. Ở đây, chưa hề có một đám tang của người Việt. Mấy năm trước, cảnh sát Ba Lan đã thật sự nghi ngờ người Việt ăn thịt lẫn nhau, vì thói thường, cộng đồng nào cũng phải có người chết và có đám tang. Một ngày kia, cảnh sát Ba Lan tìm ra câu trả lời: khi một người Việt qua đời, bọn mafia Việt mang xác chôn ở khu rừng hoang vu nào đó. Nhờ đó, họ có thể lấy giấy tờ chứng minh của người chết dùng cho người khác mới từ Việt Nam sang. Không ai chứng minh được việc người sống mượn tên của người chết. Chúng tôi lại càng không phân biệt được những người Việt với nhau”.
Trong vòng 10 năm vừa qua, chỉ còn có 800 người Việt làm đơn xin tị nạn ở Ba Lan. Không một đơn nào được chấp nhận. Quả thật, người Việt ở đây bị đối xử tàn tệ, nhân phẩm bị chà đạp. Trong những ngày cuối của chuyến điều tra, chúng tôi còn nghe được những tin đồn khó tưởng tượng.
Robert Krzysztoń, thuộc hiệp hội “Tiếng Nói Tự Do” cho biết:
“Chuyện có thật của cộng đồng người Việt ở đây, dù chưa ai chứng minh được. Tôi muốn nói đến việc bán cơ phận người sống. Bọn mafia Việt đưa người từ Việt Nam sang Ba Lan, để dùng họ như cái tủ lạnh chứa bộ phận cơ thể. Những nạn nhân này còn trẻ, khoẻ mạnh. Họ đi một mình, nhưng được canh chừng cẩn mật. Đến khi cần, những người này sẽ bị giết để lấy cơ phận, phần cơ thể không được xử dụng được thủ tiêu cẩn thận, không để lại một dấu vết. Đối với người sống, họ chỉ đột nhiên mất tích. Còn lại chỉ là những tin đồn. Chúng tôi không biết đã có bao nhiêu trường hợp như thế, nhưng chúng tôi tuyệt đối tin vào những thông tin có được về chuyện này”.
Con số người Việt cư trú bất hợp pháp ở Ba Lan tối thiểu là 30 ngàn. Ban đầu người Việt tị nạn nghĩ Ba Lan là vùng đất hứa, nhưng rồi phần đông nhận ra đây chính là địa ngục trần gian. Nơi đây, bọn mafia Việt Nam nắm quyền sinh sát, ngang nhiên làm tất cả những gì họ muốn với người đồng hương của họ, ngay giữa lòng Âu Châu.
© DCVOnline
Nguồn: Wo Warschau vietnamesisch ist – Ulricht Adrian, đài Truyền Hình Số 1 – Đức.
Bài 2: Vài ý kiến về bài báo Wo Warschau vietnamesisch ist của tác giả Ulricht Adrian.
Mạc Việt Hồng
Bài viết “Wo Warschau vietnamesisch ist” trên Daserste có một số thông tin chưa chính xác như sau:
– Người Việt chọn Ba Lan vì nó là nơi dễ kiếm tiền hơn cả so với các nước Đông Âu khác. Số người Việt biết tới Công đoàn Đoàn Kết không nhiều, người chống cộng (công khai) có không quá 10 người.
– Người Việt đi từ Việt Nam qua Ba Lan mất khoảng 6000 – 10000 USD và phần lớn họ không bị ai lừa, họ đều biết, qua bạn bè, người thân, đồng hương đã đến Ba Lan từ trước về cách thức vào Ba Lan và đa số chỉ trả tiền khi đã qua tới Ba Lan an toàn.
– Chẳng ai “làm việc hết đời để trả tiến vé cả”, cùng lắm là đôi ba năm.
– Một anh được trích lời trong bài báo đã nêu nói rằng: “Mật vụ cộng sản Việt Nam theo dõi tôi ngay tại Ba Lan này. Họ đe dọa tôi. Vài ngày một lần họ ghé qua và cảnh cáo không cho tôi được tham gia hoạt động chống chế độ. Mỗi tháng họ cho người đánh tôi một lần để tôi biết là họ không đùa”.
Thực tế, mật vụ Cộng sản không rỗi hơi mà làm cái việc ngu xuẩn như vậy. Anh này chắc được ai đó xui khai như vậy để có thể xin tị nạn chính trị hay tị nạn nhân đạo.
Hoạt động an ninh trong ngành ngoại giao Việt Nam nói chung và ở các sứ quán Việt Nam nói riêng là có thật. Ở Ba Lan cũng vậy. Nhưng những anh em hoạt động báo chí hay cổ vũ cho dân chủ ở đây mặc dù gặp khó khăn trong việc về thăm gia đình tại Việt Nam, cũng chưa ai bị đe dọa hay đánh đập, nên không thể có chuyện người nào đó “mỗi tháng bị nhân viên an ninh đánh một lần”!
– Một câu trích khác trong bài báo: “Những doanh nhân giàu có đem rất nhiều tiền kiếm bất hợp pháp từ Việt Nam sang đây để rửa”.
Nếu câu này được viết là “rất nhiều người Việt giàu có ở Ba Lan hàng năm đã chuyển bất hợp pháp những khoản tiến kếch xù về Việt Nam” thì sẽ chính xác hơn.
– Gần 20 năm sống tại Ba Lan và đã chứng kiến nhiều vụ “bùng nợ” nhưng tôi chưa thấy ai bị bắt, tra tấn vì chưa hay không trả tiền như bài báo đã nêu, cũng như tôi chưa thấy ai phải trả tiền bảo kê khi buôn bán ở Ba Lan. Họ chỉ trả tiền thuê chỗ, thuế má, làm giấy tờ…
– Về vấn đề giấy tờ, quyển hộ chiếu chẳng quý tới mức như bài báo đã viết. Thực tế, trong những năm gần đây, tình trạng giấy tờ của người Việt đã được cải thiện rất nhiều. Một số lượng lớn người Việt bằng nhiều con đường đã hợp thức hóa được sự cư trú của mình. Con số cư trú bất hợp pháp giảm nhiều. Giấy tờ không khó giải quyết tới mức nó có thể trở thành nguyên nhân “không chết” của người Việt.
– Còn câu chuyện “kỳ quái” mà bài báo phát hiện rằng người Việt ở Ba Lan “không bao giờ chết” thật ra được hiểu rất đơn giản như sau: Người Việt ở đây chắc chắn… ít chết hơn người Ba Lan! Đơn giản vì những người Việt sang đây để lao động, họ thường nằm trong độ tuổi lao động, từ 18 – 20 tới 50 – 55 nên chưa đủ già yếu… để chết.
Một số người khi hết tuổi (hết sức) lao động hoặc bị bệnh hiểm nghèo thường về lại Việt Nam nên… chưa kịp chết.
Số khác, chết khi tai nạn giao thông hay đột tử vì tim mạch, huyết áp, v.v... thường được thiêu xác gửi tro về Việt Nam hay gửi quan tài kẽm về lại Việt Nam theo yêu cầu của thân nhân nên người ta ít thấy mồ mả người Việt Nam tại Ba Lan.
Việc ăn xác chết là hết sức vớ vẩn, ai điên mà đi ăn xác chết! Chuyện chôn trong rừng cũng không có trừ khi người đó chết khi đang vượt biên và xác họ bị để lại (chôn lại) trong rừng.
– Trích:
“Bọn mafia đưa người sang đây để sử dụng người ta như những chiếc tủ lạnh biết đi. Tất cả đều là những thanh niên khỏe mạnh. Họ sống tự do ở đây, nhưng bị mafia canh gác kỹ. Rồi họ bị giết để lấy nội tạng đem bán”.
Hết trích.
Mỗi người VN ở đây, nếu không có gia đình thì họ có bạn bè, đồng hương, cộng đồng, người quen. Ai có thể giết họ mà không để lại dấu vết? Không bị tố cáo, không bị điều tra?
Nói chung cuộc sống người Việt ở đây khá yên bình và thuận lợi, rất ít chuyện đâm chém, giết người nhưng một số người vẫn muốn hướng tới Anh, Pháp, v.v... với hy vọng dễ sống hơn và nhiều khi để thuận lợi cho việc nhập cư, họ kể ra những câu chuyện nhiều hư cấu hơn là sự thật.
Bài do DCVOnline nhận được và đăng tải với sự đồng ý của tác giả.
DCVOnline biên tập, đặt tựa và minh họa.
No comments:
Post a Comment