Hà Nội mất, Bắc Kinh được
Greg Torode
Phan Đằng Giang dịch
01/11/2009 11:00 chiều
http://www.talawas.org/?p=12533
Căng thẳng trên vùng biển Nam Hải gia tăng, Bắc Kinh có vẻ như đã giành thắng lợi ngoại giao khi biết chắc rằng nhóm nước ASEAN có vẻ như sẽ không bị lôi kéo vào cuộc tranh chấp về lãnh thổ trong thời gian gần.
Các nhà ngoại giao của Bắc Kinh, cả công khai lẫn trong chỗ riêng tư, đều nói rằng tranh chấp phải được giải quyết giữa Trung Quốc và từng nước riêng biệt chứ không phải với 10 nước trong hiệp hội ASEAN – một động thái mà các nhà phân tích cho rằng sẽ củng cố một cách hữu hiệu địa vị của Bắc Kinh, nhất là với tiềm lực kinh tế và quân sự đang lên của họ.
Tranh chấp trên biển Nam Hải đã không được đưa vào chương trình nghị sự tại cuộc họp cấp cao hàng năm của các nhà lãnh đạo ASEAN diễn ra ở Thái Lan vào tuần trước, mà chỉ xuất hiện trong một phiên thảo luận không chính thức, một nhà ngoại giao cho biết. “Bắc Kinh không muốn đưa vấn đề ra thảo luận và người ta đã không đưa”, một vị đại diện có tham gia cuộc họp nói. “Cứ như cuộc họp tuần trước thì không ai nghĩ rằng tất cả chúng ta đều lo lắng về khả năng xảy ra xung đột… ASEAN thường chui đầu xuống cát như thế. ASEAN bao giờ cũng làm theo ý Bắc Kinh”.
Tiến sĩ Jusuf Wanandi, một nhà nghiên cứu Indonesia, nói rằng nếu các nước ASEAN không tìm được động cơ trong việc giải quyết vấn đề đó với Trung Quốc thì họ sẽ đánh mất vai trò trong việc làm giảm thiểu căng thẳng trong tương lai.
“Tôi đã nói nhiều lần rằng nếu ASEAN không đoàn kết thì họ sẽ bị bị xử trí từng nước một một cách riêng rẽ. Nam Hải chứng tỏ rằng điều đó bắt đầu xảy ra rồi”, Wanandi, chuyên viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Indonesia, nói. “ASEAN đã đánh mất cơ hội… họ phải chứng tỏ tình đoàn kết hơn nữa trong khi giải quyết các vấn đề với Trung Quốc”.
Năm 2002, ASEAN và Trung Quốc đã kí tuyên bố về biển Nam Hải được dư luận rộng rãi hoan nghênh như là bước khởi đầu quan trọng trong việc làm giảm thiểu căng thăng và tạo cơ sở cho những cuộc đối thoại trong tương lai. Bên cạnh lời kêu gọi kiềm chế và bảo đảm tự do đi lại trên những tuyến hàng hải quan trọng nhất, tuyên bố còn kêu gọi tổ chức những cuộc đối thoại trong tương lai để thiết lập chuẩn mực hành xử mang tính pháp lí.
Càng ngày càng có nhiều người nghi ngờ về khả năng tổ chức những cuộc đối thoại như thế, mặc dù Trung Quốc đã gia tăng những mối liên hệ về kinh tế và chính trị với các nước ASEAN trên những mặt trận khác. Trong khi các quan chức ở Bắc Kinh tỏ ra thận trọng trước những tiếng nói ủng hộ bản tuyên bố và khẳng định rằng họ muốn đối thoại, nhưng họ cũng cho thấy rõ giới hạn của ASEAN. “Thảo luận vấn đề tranh chấp lãnh thổ nhạy cảm trong khuôn khổ hợp tác Trung Quốc và ASEAN sẽ chẳng mang lại lợi ích gì”, bà tiến sĩ Xue Hanqin, đại sứ Trung Quốc tại ASEAN, nói trước khi diễn ra những cuộc gặp mặt hồi tuần trước để giải thích vì sao tranh chấp lãnh hãi bị đưa ra khỏi chương trình nghị sự. “Hội nghị trong ASEAN là để thảo luận khuôn khổ hợp tác chứ không phải cãi nhau”, bà này nói.
Các cuộc tranh cãi về lãnh thổ chỉ bao gồm Trung Quốc và các nước ven biển chứ không phải toàn bộ ASEAN, bà nói thêm.
Các đường hàng hải quốc tế đi ngang qua quần đảo Spratly (Trường Sa). Trung Quốc và Việt Nam coi quần đảo này hoàn toàn thuộc quyền kiểm soát của mình, còn Philippines, Malaysia and Brunei tuyên bố chủ quyền trên một số hòn đảo, Đài Loan tuyên bố có chủ quyền trên vài hòn đảo nhỏ.
Trung Quốc và Việt Nam còn tuyên bố chủ quyền trên quần đảo Paracels (Hoàng Sa) ở phía Bắc, hiện do Trung Quốc chiếm giữ.
Các quan chức quân sự trong khu vực cảnh báo rằng hoạt động quân sự trên biển của Trung Quốc, Việt Nam và Mĩ đang gia tăng, thể hiện ở việc Trung Quốc gia tăng tiềm lực quân sự và Việt Nam muốn duy trì căn cứ trên 20 hòn đảo nhỏ mà họ đang giữ. Hoa Kì đặc biệt quan tâm theo dõi căn cứ tàu ngầm của Trung Quốc trên đảo Hải Nam.
Trong khi khẳng định chủ quyền trên phần lớn vùng biển Nam Hải, Trung Quốc cũng cảnh cáo các công ty ngoại quốc thực hiện các hợp đồng khai thác dầu với Việt Nam và Philippines. Trong khi đó, Washington đã công khai phản đối những lời đe doạ chống lại các công ty của mình trong cái mà họ gọi là những việc làm hợp pháp.
Các nhà nghiên cứu chiến lược, chuyên gia quân sự và blogger Trung Quốc nhấn mạnh vai trò quan trọng của các mỏ dầu và tiềm năng quân sự trên vùng biển này, nói lên những lo lắng trước sự hiện diện của Việt Nam.
Tiến sĩ Ian Storey, chuyên viên tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore, nói rằng rõ ràng là Trung Quốc đã tỏ ra cứng rắn hơn khi Việt Nam nắm giữ chức Chủ tịch Hiệp hội ASEAN vào năm tới.
“Trên lời nói thì ai cũng tỏ ra trung thành với bản tuyên bố, nhưng trên thực tế, tôi sợ rằng triển vọng của các cuộc thảo luận trong tương lai có thể đã chết rồi”, ông này nói như thế. Bao giờ cũng có mâu thuẫn, khi Trung Quốc nói về giải pháp hoà bình phù hợp với luật pháp quốc tế, nhưng sau đó lại hành động nhằm chống lại việc quốc tế hoá hay khu vực hoá vấn đề… Hiện nay chúng ta càng thấy rõ điều này.
“Giải quyết vấn đề với từng nước một đưa [Trung Quốc] vào vị thế thuận lợi hơn nhiều… Mĩ bao giờ cũng thích [làm việc] theo cách đó – đấy là nền ngoại giao siêu cường căn bản của họ và chúng ta thấy Trung Quốc cũng đang làm như thế.”
Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam ở Học viện Quốc phòng Australia, nói rằng Hà Nội mất nhiều khi ASEAN không còn giữ quan điểm cứng rắn về vấn đề này nữa. “Tôi không nghĩ là sẽ có chuẩn mực hành xử… Quan điểm của tôi là Trung Quốc ngày càng tự tin hơn và muốn ra tay trước và muốn chặn đứng mọi nỗ lực nhằm quốc tế hoá tranh chấp trên vùng biển Nam Hải. Tôi nghĩ là căng thẳng sẽ còn tiếp tục một thời gian nữa.”
Tranh chấp trên biển Nam Hải là giữa Trung Quốc và Việt Nam và ở mức độ ít căng thẳng hơn là với Philippines. Phần lớn các nước ASEAN chẳng có lợi lộc gì và vì vậy mà không muốn bị lôi kéo vào. Đa số còn không muốn có tranh chấp nữa kia.
Nguồn: South China Morning 31/10/2009. Tên bài do talawas đặt lại.
Bản tiếng Việt © 2009 Phan Đằng Giang
Bản tiếng Việt © 2009 talawas blog
No comments:
Post a Comment