Tuesday, November 24, 2009

GIẢI THƯỞNG NHÂN QUYỀN HÀN QUỐC 2009

Giải Thưởng Nhân Quyền Hàn Quốc Sống Lại Năm 2009
Ngô Văn
Cập nhật ngày: 21/11/2009
http://www.viettan.org/spip.php?article9252
Cùng với các giải thưởng đề cao hòa bình và nhân quyền khác trên thế giới, Giải Thưởng Nhân Quyền Hàn Quốc (Nam Hàn) cũng được trao tặng vào tháng 12 hàng năm. Càng ngày nhân loại càng tụ về ngày ra đời của bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (mồng 10 tháng 12) như tâm điểm để tuyên dương những người đã và đang đóng góp cho nền hòa bình thế giới và đề cao giá trị của con người. Cả hai nỗ lực này đã được cụ thể hóa bằng những quyền đương nhiên của con người ghi rõ trong bản Tuyên Ngôn. Có thể nói mỗi năm trôi qua từ sau thế chiến thứ hai đến nay, tháng 12 ngày càng rõ nét là Tháng Nhân Quyền của nhân loại. Và hiển nhiên đây cũng là tháng tạo nhiều bực dọc nhất cho các chế độ độc tài còn hiện diện trên trái đất.

Nhưng dù đang lúc có hàng trăm giải nhân quyền được tuyên bố khắp nơi, Giải Thưởng Nhân Quyền 2009 của chính phủ Hàn quốc vẫn nổi bật và tạo nhiều ngạc nhiên cả bên trong lẫn bên ngoài quốc gia này. Đối tượng được chọn để nhận giải là một tổ chức đấu tranh đòi nhân quyền cho người dân Bắc Hàn có tên là Mạng Lưới Dân Chủ Hóa Bắc Hàn. Có nhiều điều đáng nói và đáng suy ngẫm về tổ chức này.

Trước hết, Mạng Lưới Dân Chủ Hóa Bắc Hàn là tổ chức của những người từng say mê ủng hộ Nhà Nước Cộng Sản Bắc Hàn. Họ bị đại khối dân chúng Nam Hàn ghét cay ghét đắng, bị gọi là đám “phản chiến”, “thân cộng”, v.v… nhưng các thành viên vẫn kiên quyết với lý tưởng họ đã chọn. Một trường hợp tiêu biểu của nhóm là nhà văn rất nổi tiếng Huỳnh Tích Ánh. Vào thập niên 80 của thế kỷ trước, có lúc ông trốn sang Bắc Hàn sống mấy năm. Dĩ nhiên, ông lập tức được Đảng và Nhà Nước Bắc Hàn nồng nhiệt chào đón. Ông được đưa vào sống giữa một môi trường nhỏ mà mọi chi tiết chung quanh đều là cảnh dàn dựng — từ chế độ ăn, ở đến các chiếu cố đặc biệt như gặp gỡ “Lãnh Tụ Vĩ Đại” Kim Nhật Thành, đi tham quan các thành tựu của đất nước Xã Hội Chủ Nghĩa, và dĩ nhiên được nghe giảng thuyết kỹ lưỡng về các kinh điển của Kim Lãnh Tụ. Sau đó ông dũng cảm trở lại miền Nam để lãnh nhận 5 năm tù về tội cố tình vi phạm luật an ninh quốc gia. Nhưng ngay khi còn trong tù và liên tục sau khi mãn hạn tù ông Huỳnh Tích Ánh miệt mài tuyên truyền cho đời sống ấm no và cao đẹp tại Bắc Triều Tiên, cũng như kịch liệt phê bình chính sách phòng thủ của chính quyền Nam Hàn.

Mãi đến khi bức tường Bá Linh xụp đổ và những con người thật tại các quốc gia Đông Âu mô tả cuộc sống đầy sợ hãi dưới cái bóng ngày đêm của công an chế độ, những nhà phản chiến Nam Hàn mới bắt đầu đặt dấu hỏi về những nhận thức của mình. Và liên tục nhiều năm sau đó, hàng ngàn gia đình tại Bắc Hàn chấp nhận những con đường 1 sống 10 chết để đào thoát. Đây là những con người mà ngay cả đời sống bần cùng của nông dân nghèo Trung Quốc đã là thiên đàng đối với họ. Các bằng chứng về sự tàn ác và kiệt quệ của chế độ độc tài Bắc Hàn không chỉ được mô tả qua những câu chuyện hãi hùng họ kể bằng miệng, mà còn thể hiện rành rành ngay trên thân thể, khuôn mặt, và ngay cả màu tóc của họ (nhiều người có tóc “râu ngô” vì thiếu lương thực và khoáng chất lâu ngày). Không ai, kể cả bộ máy tuyên truyền của chính phủ Nam Hàn, có thể ngụy tạo các nhân chứng này. Hàng ngàn câu chuyện thương tâm với những chi tiết đồng bộ về một thực tế kinh hoàng đằng sau bức tranh che đậy trước thế giới, kể cả những nhân chứng về nạn ăn thịt người để khỏi chết đói.

Trước những sự thật đau xót này, ông Huỳnh Tích Ánh và các đồng chí của ông đã làm 2 điều vô cùng can đảm và khó khăn. Trước hết các ông dám công nhận là những hiểu biết của mình về chế độ cộng sản Bắc Hàn quá sai với thực tế. Nói cách khác, các ông dám công nhận mình đã bị lừa bịp trong nhiều năm dài mà không biết. Nhưng hơn thế nữa, những con người đầy lý tưởng này không chọn thái độ “ê chề, bỏ về sống ẩn dật đến hết đời”. Họ chọn con đường tranh đấu cho những nạn nhân Bắc Hàn. Chính sự chọn lựa “quên mình vì người khác” này đã làm chuyển hướng cách đánh giá của dân chúng Nam Hàn đối với họ. Niềm cảm phục từ từ dâng lên.

Thật vậy, Mạng Lưới Dân Chủ Hóa Bắc Hàn lao vào tranh đấu với cùng mức nhiệt huyết của 20 năm trước. Họ bỏ rất nhiều công sức đi thu thập các tin tức, dữ kiện về các vụ vi phạm nhân quyền của hệ thống cai trị Bắc Hàn để tố cáo trước dân tộc và thế giới. Những bằng chứng mà Mạng Lưới đưa ra đều là chuyện sống thực, với đầy đủ nhân chứng và rất khó chối cãi. Chính vì vậy mà các lãnh tụ tại Bình Nhưỡng chỉ còn cách vu cáo tổng quát đây là những thế lực thù địch cố tình bôi bác chế độ xã hội chủ nghĩa miền Bắc.
Cá nhân nhà văn Huỳnh Tích Ánh gởi thư nhiều lần cho “Lãnh Tụ Kính Yêu” Kim Chính Nhật để tha thiết kêu gọi hãy bãi bỏ một số chính sách quá ác nghiệt đối với nhân dân. Nhưng đáp lại, ông Ánh chỉ nhận được câu nhắn hãy cố gắng công tác tốt để chóng giải phóng miền Nam; đến khi đó thì tự do, nhân quyền và tất cả mọi thứ đều có hết.

Điều thứ nhì tạo sự ngạc nhiên về Giải Thưởng Nhân Quyền Hàn Quốc 2009 là trong gần 2 thập niên qua, trong lúc sự cảm mến của dân chúng đối với Mạng Lưới Dân Chủ Hóa Bắc Hàn ngày càng dâng lên, thì các chính phủ Nam Hàn lại duy trì khoảng cách đối với tổ chức này. Cụ thể như việc Giải Thưởng Nhân Quyền Hàn Quốc đã được Tổng thống Kim Đại Trung thiết lập vào năm 2001 để tuyên dương những ai có công đóng góp vào việc bảo vệ nhân quyền cho thế giới, đặc biệt cho người Triều Tiên. Với tiêu chí đó, đáng lý ra tổ chức Mạng Lưới Dân Chủ Hóa Bắc Hàn phải được tặng giải thưởng này từ lâu. Tuy nhiên, Tổng thống Kim Đại Trung và người kế vị ông là Tổng thống Lô Vũ Huyễn đều không dám trao vì sợ làm căng thẳng mối giao hảo với Bình Nhưỡng. Và cũng chính sự tránh né đó đã làm Giải Thưởng Nhân Quyền Hàn Quốc trở nên “vô vị” trong mắt dân chúng. Tuy xã hội Nam Hàn chưa hoàn hảo nhưng mức độ thực thi và bảo vệ nhân quyền tại đây đã rất cao. Việc trao giải thưởng cho các hội đoàn tranh đấu cho nhân quyền tại Nam Hàn bị xem là “vô nghĩa”, trong lúc mấy chục triệu đồng bào của họ đang sống thực sự như những cỗ máy tại Bắc Hàn.

Năm nay, chính phủ của Tổng Thống Lý Minh Bác đã lật ngược khuynh hướng tránh né kể trên. Nhiều nhà quan sát thời sự Triều Tiên công nhận rằng việc chọn Mạng Lưới Dân Chủ Hóa Bắc Hàn không chỉ tạo nhiều ngạc nhiên mà còn thực sự làm sống lại giải thưởng cao quí này trong lòng dân chúng Nam Hàn. Hơn thế nữa, hành động này đánh dấu sự thay đổi tư thế của chính quyền Tổng thống Lý Minh Bác trong việc đối phó với chính quyền Bình Nhưỡng sau mấy thập niên thất bại của kế sách hòa hoãn. Hiển nhiên, toàn bộ hệ thống tuyên truyền của Bắc Hàn lập tức lên tiếng chỉ trích thậm tệ về giải thưởng, về tổ chức phát giải và về đối tượng nhận giải. Đặc biệt những lời lẽ cay cú nhất được dùng để tấn công những người đồng chí cũ nay là các thành viên tích cực của Mạng Lưới Dân Chủ Hóa Bắc Hàn.

Dám sống đúng với lý tưởng của mình đã là điều khó. Và càng khó hơn nữa khi dám nhận một phần đời của mình là sai lầm và ra sức làm ngược lại trong khoảng đời còn lại. Thế giới được nhìn thấy những tấm gương đáng kính này ở nhạc sĩ phản chiến Joan Baez, ở cựu Tổng Bí Thư Mikhail Gorbachev, ở cựu Thủ Tướng Triệu Tử Dương, v.v… Và dân tộc Việt Nam cũng không thiếu những tấm gương can đảm của nhà cách mạng lão thành Nguyễn Hộ, của cựu tướng Trần Độ, của phó tổng biên tập Bùi Tín, và nhiều trái tim khác đang chuyển hướng. Ngày đất nước sống lại gần hay xa tùy thuộc một phần lớn vào những con người can đảm này.



No comments:

Post a Comment