Thursday, November 5, 2009

DIỄN VĂN của TỔNG THỐNG ĐỨC về SỰ CAN ĐẢM của NGƯỜI DÂN LEIPZIG NGÀY 9-10-1989

Cách Đây 20 năm, Sự Can Đảm Của Người Dân Leipzig Đã Mở Màn Cho Một Cuộc Cách Mạng Không Đổ Máu Để Tiến Tới Thống Nhất Nước Đức Trong Tự Do, Dân Chủ Và Phú Cường!
Horst Köhler
Âu Dương Thệ lược dịch
[13/10/2009 - Tác giả:
admin1 - Vietnam Review]
http://www.vietnamreview.com/modules.php?name=News&file=article&sid=8733

Âu Dương Thệ lược dịch
Hiệp Hội Dân Chủ & Phát Triển
Dortmund, Đức Quốc
13-10-2009


LTS (DCPT):
Ngày 9.10 vừa qua Tổng thống Cộng hòa Liên bang Đức Horst Köhler đã tham dự lể kỉ niệm „20 năm Cách mạng hòa bình“ tại nhà thờ Nikolai ở thành phố Leipzig. Trước đây 20 năm (9.10.1989) 70.000 người ở Leipzig sau khi làm lễ trong nhà thờ đã thắp nến xuống đường biểu tình phi bạo lực cầu nguyện cho dân chủ tự do, mặc dầu bị bao vây bởi xe tăng thiết giáp và công an mật vụ của chế độ Cộng sản Đông Đức khi ấy.
Vài ngày trước, vào đầu tháng 10.1989 CS Đông Đức đã tổ chức lễ rất lớn kỉ niệm 40 năm ra đời của chế độ. Chủ tịch Đảng CS và Chủ tịch nước E. Honecker khi đó đã từng tuyên bố, bức tường Berlin sẽ còn tồn tại cả hàng trăm năm. Nhưng chỉ vài tuần sau các cuộc biều tình của nhân dân Leipzig và nhiều thành phố khác thì bức tường ô nhục Berlin đã bị nhân dân Đức phá sập.
Một sự kiện đáng lưu ý là, Nguyễn Văn Linh, Tổng bí thư CSVN khi ấy, đã sang Đông Berlin dự lễ kỉ niệm 40 năm này và định ở lại chữa bệnh. Nhưng tình hình chính trị ở Đông Đức diễn ra rất nhanh và nguy hiểm, cho nên cuối tháng 10.1989 Nguyễn Văn Linh đã phải vội vàng rời khỏi Đông Berlin.
Dưới đây là diễn văn quan trọng của Tổng thống H. Köhler nói về sự can đảm của người dân Leipzig và chính nó đã mở màn cho một cuộc cách mạng không đổ máu để tiến tới thống nhất nước Đức trong tự do, dân chủ và phú cường!


----------------------------------------------------

Khi Mục sư Christian Führer sau cuộc lễ cầu nguyện vào thứ hai hàng tuần ngày 9.10 1989 mở cánh cửa nhà thờ Nikolai thì phía ngoài sân đen đầy những người. Lo ngại và can đảm, lưỡng lự và quyết liệt, vì hiện diện ở đó là các cán bộ đảng Xã hội Thống nhất Đức [tức Đảng Cộng sản Đông Đức trước đây – ghi chú của người dịch] và những đối thủ của đảng này. 70.000 người đang tụ tập. Họ phải tính đến trường hợp xấu nhất, vì đã có những lời đe dọa rõ ràng. Nhân chứng và tài liệu cho biết: Trong các xí nghiệp công nhân đã nhận được chỉ thị tránh đi vào trung tâm thành phố, vì sẽ diễn ra đổ máu tại đó. Trong các trường học sinh đã được thông báo: Hôm nay đừng đi vào thành phố, vì có thể diễn ra „rất nguy hiểm“. Đã có tin đồn về một „giải pháp Trung quốc“ – về thảm sát ở Thiên An Môn. Trước thành phố xe tăng đã trực sẵn, cảnh sát được lệnh bắn thẳng tay. Trung tâm mổ tim của Đại học Karl-Marx đã được lệnh chữa trị những người bị bắn trọng thương và trong nhà hát thành phố Leipzig đã chuẩn bị các bình máu và túi bọc xác!

Trong những ngày của tháng 10 khi ấy mọi chuyện có thể diễn ra. Nhưng cuộc cách mạng đã diễn ra hòa bình. Những người biểu tình ở Plauen, Dresden và Leipzig [tên các địa phương ở Đức] tự giữ kỉ luật nghiêm theo đúng yêu cầu của chính họ: “không bạo lực“. Tại thành phố này „Nhóm 6 người ở Leipzig“ qui tụ chung quanh ông Kurt Masur [một nhạc trưởng nổi tiếng và rất có uy tín] đã kêu gọi hai phía phải thận trọng – cả người dân lẫn nhà cầm quyền. Cuối cùng những người có trách nhiệm của đảng tại địa phương và các cơ quan an ninh đã nhận thấy: Kế hoạch đàn áp của họ là chống lại nhân dân, là không thể thực hiện được, vô dụng. Những người chỉ huy đã không chờ đợi lệnh từ Đông Berlin [thủ đô của Cộng sản Đông Đức khi ấy – ý nói nhóm cầm đầu CS Đông Đức], nhưng họ đã tự quyết định không dùng bạo lực chống lại nhân dân!

Nhờ đó ngày 9.10.1989 đã sinh ra cuộc „Cách mạng hòa bình“. 70.000 người làm chủ 70.000 trái tim. Hàng triệu người khác ở Đông và Tây còn đang bận rộn với những việc khác. Nhưng 70.000 người ở Leipzig đã thức tỉnh và thất vọng, vui mừng và sợ sệt, bướng bỉnh và buồn bã, tràn đầy hi vọng và chọn đúng địa điểm. Đó là một ngày lớn và ngày hạnh phúc của lịch sử Đức. Đồng bào thân mến, nhiều vị đang có mặt trong buổi lễ hôm nay đã tham dự hôm đó – cám ơn. Quí vị có thể hãnh diện mãi mãi về hành động này.

Thật là hợp lí, trong tương lai một tượng đài thống nhất để tưởng nhớ tới thành quả của 1989 và 1990 sẽ được xây ở Leipzig. Tôi rất vui mừng về quyết định này của Quốc hội Đức và hi vọng rằng, việc tiến hành không kéo dài – đất nước ta có nợ với nhân dân Leipzig!

Liệu rằng 70.000 người ở Leipzig và hàng trăm ngàn người ở Plauen, Dresden, Berlin và nhiều thành phố khác ở Đông Đức sẽ xuống đường, nếu chế độ Đông Đức có nhiều mặt tốt hơn là mặt xấu? Liệu nhiều triệu người từ 1949 đã từ bỏ Đông Đức, nếu họ có được các cơ hội bầu cử tự do, quyền tự quyết, cơ hội du lịch, tự do chọn nghề, có cơ hội được cho con cái học ở các trường cao hơn và đại học, nếu họ không thuộc thành phần giai cấp lao động và nông dân, có cơ hội được tự hội họp, lập hội, quyền được xét xử công bằng?

Không, không, cuộc cách mạng hòa bình không phải là sự nhầm lẫn. Công dân nam nữ ở Đông Đức đã biết và muốn rằng, mất tự do, ngột ngạt và buồn thảm quá không thể kéo dài thêm được nữa. Vì vậy thật rất quan trọng là, chúng ta cần giữ mãi những hình ảnh chế độ độc tài của đảng Xã hội Thống nhất Đức và những cuộc chống lại chế độ này. Phải biết cảnh báo trước những giải thích sai lầm, cho nên sự hiểu biết về chế độ CS Đông Đức không chỉ trên giấy tờ mà phải được truyền tải tới các học sinh trên toàn nước Đức.

Trong sự hiểu biết này đã cho thấy, ngày 9.10.1989 là một phần của phong trào vận động tự do rộng lớn của Âu châu. Năm 1989 người dân ở Trung- và Đông-Âu đã đứng dậy chống chế độ độc tài Cộng sản. Khi chế độ của đảng Xã hội Thống nhất Đức còn bắn vào những người tị nạn thì ở Ba lan nghiệp đoàn Solidarnosc đã được bầu tự do và chính phủ Hung đang chuẩn bị mở cửa bức màn sắt. Người Đức chúng ta phải biết cám ơn nhân dân những nước này. Không có những thay đổi ở Ba lan, Hung, không có Hiến chương 77 ở Tiệp, không có trong sáng (Glasnost) và và cải tổ (Perestroika) ở Liên xô thì có lẽ không thể có sự thống nhất Đức. Chúng ta không bao giờ quên những ơn này.

Một tháng sau ngày 9.10.1989 thì bức tường [Berlin] sụp đổ, gần nửa năm sau trong cuộc bầu cử tự do đầu tiên nhân dân Đông Đức đã đồng ý thống nhất và ưng thuận Hiến pháp. Từ 3.10.1990 người Đức chúng ta đã cùng đi con đường chung với nhau. Và cùng nhau chúng ta đã đạt được rất nhiều. Với sự giúp đỡ nhiệt tình của người dân Tây Đức, nhân dân ở Sachsen, Brandenburg, Mecklenburg-Vorpommern, Thüringen và Sachsen-Anhalt [tên 5 tiểu bang ở phía Đông Đức] đã đạt được nhiều thành quả. Leipzig là một thí dụ tốt cho việc này…

Chúng ta đã làm quen rất nhanh với nhiều lợi ích của sự thống nhất mang lại – bảo vệ môi trường và không khí trong lành, du lịch không phải xin phép và đổi tiền cưỡng bách, hàng hóa tràn đầy, tin tức, âm nhạc và phim ảnh từ khắp nơi trên thế giới, một huyền thoại của cuộc tranh giải bóng đá thế giới trên toàn quốc và một Quốc hội liên bang đã bầu một nữ Thủ tướng xuất thân từ Uckermark [tức Thủ tướng bà Angela Merkel. Bà từng sống và lớn lên ở Uckermark, một thành phố nhỏ ở Đông Đức]. Nhưng có phải là chúng ta hãy im lặng hay là nói nhỏ những gì cần phải làm, những ước vọng chưa thành, những gì cần phải cải thiện cho căn nhà chung của chúng ta ?

Tôi nghĩ là không nên. Chúng ta có lỗi với cuộc cách mạng hòa bình, nếu không dám nói tới những gì chưa đạt được và những gì chưa hài lòng vẫn còn tồn tại, đó là các lí do tạo ra bất bình. Thật đúng vậy, trong lãnh vực giáo dục ở Đức đã có thời chúng ta đạt tốt hơn. Thật đúng vậy, chúng ta –cả Đông lẫn Tây Đức- đã quá vội vàng xóa bỏ một số tư tưởng của thời Đông Đức cũ. Nay những cái này chúng ta đã dùng lại nhưng với vài cải tiến và tên gọi mới, thí dụ như trong các vườn trẻ và trong y tế. Cũng đúng nữa là, chúng ta phải cố gắng hơn trong việc bảo vệ an ninh trật tự các nơi công cộng, gia tăng lịch sự, tương trợ và tôn trọng lẫn nhau trong cuộc sống hàng ngày.

Đây cũng còn là sứ mệnh của cuộc cách mạng hòa bình 1989, dấn thân vì muốn có những cải thiện này, thay vì chỉ trích vụn vặt. Khi ấy hàng triệu người đã xuống đường, vì một ước vọng đã làm lay động tất cả: Chúng ta muốn sống trong một xã hội tốt hơn. Ước vọng này chưa hoàn thành: Nó phải được tiếp tục thức tỉnh khắp nơi ở Đức và tạo ra những tác dụng tốt. Có hàng ngàn cơ hội để làm những việc này, như trong các đoàn thể của công dân, trong các hội thể thao, trong các nhà thờ, trong hội phụ huynh và trong các chính đảng.

Còn rất nhiều việc phải làm. Một việc làm bận tâm chúng ta nhất là nạn thất nghiệp. Mức độ thất nghiệp ở Đông Đức gấp đôi bên Tây Đức. Nhiều người không có việc làm tự cảm thấy bị bỏ rơi, thất vọng. Điều này phá hoại tâm hồn và nhân phẩm. Vì thế chúng ta không được từ bỏ mục tiêu „tạo công ăn việc làm cho mọi người“.

Hiến pháp không ghi nhận công dân ở cấp thứ hai. Những người cách mạng hàng đầu như ở Leipzig này cũng không nên để một ấn tượng như thế. Ngược lại, người dân Đông Đức rất xứng đáng được kính trọng, không chỉ trong mùa Thu thần kì 1989. Bởi vì trong khi những người Tây Đức vẫn có cuộc sống hầu như không thay đổi thì đã thay đổi toàn diện ở các nước phía Đông. Nay phần lớn những người Đông Đức đã vượt qua những thay đổi cuộc sống toàn diện này. Đây là thành công nhưng vẫn chưa được khích lệ thích đáng …

Hiện nay trong nhiều lãnh vực không thể nói là những tiểu bang phía Đông Đức phải tiến kịp [phía Tây]. Vì có những lãnh vực họ đã dẫn đầu cả liên bang rất ấn tượng. Chẳng hạn tôi đã tới thăm các viện nghiên cứu ở Sachsen, nó rất quốc tế, xuất sắc và có không khí gia đình. Vì thế tôi có thể nói rằng: Tất cả phần còn lại của liên bang hãy lại coi và học cách làm theo!

Tôi cũng không bao giờ quên việc một doanh nhân trung lưu ở Đông Đức đã nói với tôi trong một cuộc họp của các chuyên viên kinh tế: „Thưa Tổng thống, tôi rất hãnh diện đóng thuế ở Đức“.

Ở nhiều tiểu bang phía Đông cũng có những điển hình tiên tiến trong việc thích ứng với sự thay đổi dân cư. Qua những cuộc thăm viếng tôi đã chứng kiến tận mắt: Trong sự hợp tác giữa phía chủ và công nhân, trong thái độ thân dân của các cơ quan công quyền chọn các giải pháp không hành dân, trong thái độ sẵn sàng của người dân chấp nhận những cái mới – Trong tất cả những lãnh vực này có thể học từ phía Đông Đức.

Đúng ra tất cả chúng ta đều biết: Nước chúng ta trong các thập niên tới sẽ trải qua thay đổi sâu sắc. Dân số sẽ giảm xuống, già hơn và đa chủng hơn. Những gì đang dự đoán sẽ diễn ra ở nhiều khu vực phía Tây thì đã trở thành sự thật ở nhiều nơi thuộc phía Đông. Rất tốt là ở Sachsen, Brandenburg, Mecklenburg-Vorpommern, Thüringen và Sachsen-Anhalt đang rút kinh nghiệm từ các thí điểm. Chẳng hạn từ những kinh nghiệm giữ vững sự cung cấp cần thiết một khi số người thuê nhà, khách hàng, học sinh và khách đi xe giảm xuống. Ở vùng núi phía Tây, ở Hoyerswerda và Görlizt tôi đã thấy mọi người đã bắt đầu chuẩn bị một tình hình như vậy. Tôi tin rằng: Những thí điểm của những khu vực dân cư biến đổi này không chỉ được Sachsen theo dõi kĩ và học hỏi, nhưng cũng sẽ cả toàn nước Đức nữa. Chính việc này sẽ đưa chúng ta lại gần nhau.

Mặc dầu vẫn còn một số không hài lòng giữa người Đức với nhau và sự trách móc nhưng tôi vẫn tin tưởng là: Sự thống nhất của Đức đã vững vàng nhiều hơn so với những cuộc thăm dò và tranh luận đã nói tới. Việc này có thể thấy rất rõ trong giới trẻ. Đối với họ việc thống nhất là chuyện bình thường và họ đang nhìn xa hơn nữa là làm công dân Âu châu và thế giới.

Một thí dụ: Ở Berlin vừa có một cuộc triển lãm của sinh viên Đại học mĩ nghệ thành phố Halle, Burg Giebichenstein và đại học nghệ thuật thực hành và khoa học của Hildesheim. Mục tiêu là qua nghệ thuật đối thoại về gianh giới cũ giữa Đức với nhau và với chủ đề „Biết, nhớ, quên“. Từ Halle một nữ sinh viên ở Cottbus thích một dự án, những người tham dự khác đến từ Tây ban nha, Guatemala, Bồ đào nha và Bamberg. Ở Hildesheim 6 nghệ nhân trẻ tham gia -2 từ Halle và Dresden. Nó cho thấy: Con cháu chúng ta đã hài lòng với sự thống nhất Đức và sự đoàn kết thế giới. Và chúng ta thế hệ đi trước nên yên tâm xây dựng tiếp những gì đã đạt được. Vì thế tôi cho là: Chúng ta người Đức ở Đông và Tây, Bắc và Nam hãy nên chấm dứt những cuộc cãi cọ với nhau qua các cuộc thăm dò qua điện thoại. Thay vào đó hãy tới với nhau và nói chuyện với nhau. Trong đó nên biết nghe. Ai biết nghe sẽ học được sự kính trọng trước cuộc sống và thành tích của những người khác, đồng thời khám phá thấy cơ hội thông cảm và một tương lai chung. Do đó chúng ta hãy cùng nhau tìm những cuộc đối thoại!

Những gì trước đây 20 năm đã diễn ra ở Leipzig và nhiều thành phố khác ở Đông Đức chính là dân chủ, nó do con người làm ra, những con người đã tự nắm vận mệnh mình trong tay. Công dân nam nữ ở Đông Đức đã tranh đấu cho con đường tiến lên một xã hội, trong đó không chỉ là dân chủ hình thức, nhưng là dân chủ thực sự. Đó là xã hội của chúng ta, trong đó chúng ta có thể quyết định một cách tự do và sòng phẳng về tương lai của chúng ta.

Trong một xã hội như thế, dân chủ không chỉ là những gì đã gặt hái được rồi không làm gì tiếp để gìn giữ nó. Dân chủ rất đáng quí và rất dễ tổn thương. Dân chủ có thể bị nguy khốn, nên phải được canh tân và thực tập thường xuyên. Dân chủ sống nhờ các nam nữ công dân tham gia vào các phương pháp dân chủ và sinh hoạt dân chủ. Các công dân là những tác nhân của dân chủ. Chuyện gì sẽ xẩy ra, nếu một khi tác nhân không tích cực? Hậu quả gì sẽ đưa lại, nếu trong các cuộc bầu cử gần một nửa tổng số cử tri không đi bỏ phiếu, hoặc là những cử tri trẻ tuổi dồn phiếu cho những kẻ thù của dân chủ? „Cứ mặc kệ, bầu ai cũng được – vì những kẻ ngồi trên đang làm những gì họ muốn“, những câu tương tự thường được nói tới. Quan điểm khá phổ biến này không chỉ là sai lầm mà còn nguy hiểm.

Nó sai lầm, vì „những kẻ ngồi trên“ không từ trên trời hiện xuống, nhưng từ giữa chúng ta. Các chính khách gánh trách nhiệm trên đất nước chúng ta, những chức vụ của họ không do gia truyền hoặc do trời ban. Chúng ta đã bầu họ, như thế chỉ có thể là nhiều người đã không quan tâm để người ta bầu những người khác. Dân chủ giao quyền chỉ có thời hạn, nó kết hợp quyền với kiểm soát và nó đòi người cầm quyền phải báo cáo.

Việc đổ lỗi cho các chính khách thì thật dễ, vì có thể chửi „những kẻ ngồi ở trên“ một cách dễ dàng hơn là tự mình tích cực. Không có ai bị ngăn cấm đưa ra những ý kiến về một chính sách tốt hơn nên được thi hành. Các chính đảng ở Đức đang bức thiết tìm đảng viên. Hiện đang xẩy ra ở nhiều nơi, trong các cuộc bầu cử địa phương không thể bầu được hội đồng địa phương chỉ vì thiếu ứng cử viên. Cho nên đã suy nghĩ chín chắn chưa, khi cứ trách móc về chính khách tồi?

Thái độ „không có tôi“ cũng nguy hiểm. Vì ai không hành động thì sẽ bị sai khiến. Trên một biểu ngữ mùa thu 1989 đã ghi:“Ai có bầu cử thì có sự dày vò. Ai không bầu sẽ bị dày vò“. Đúng vậy. Ai để người khác quyết định thay mình thì họ sẽ để cho người khác quyết định tương lai cho họ. Chúng ta cần khắp mọi nơi, trong trường học, trong xí nghiệp, học tập trong cuộc sống và chung sống giữa các thế hệ. Ở những nơi ấy chúng ta cần có những tương quan nhằm khuyến khích con người tìm kiếm cái mới, lòng hăng hái và cho người ta sự an tâm: Tôi có thể làm được một cái gì đó. Tôi trở nên cần thiết. Tôi tham gia ở đấy và tôi gánh trách nhiệm. Tiếng nói của tôi có giá. Hiến pháp mà chúng ta kỉ niệm 60 năm trong năm nay cho chúng ta tất cả cơ hội. Nó sống được cũng là nhờ chúng ta tận dụng các cơ hội với tinh thần trách nhiệm. Vì thế mỗi người hãy tự hỏi: Tôi làm cái đó? Tôi có trách nhiệm xứng đáng không?

Ngày 9.10.1989 dạy chúng ta: Xã hội đạt được bao nhiêu tự do, bình đẳng và dân chủ, việc này tùy thuộc nó hằng tranh đấu từng ngày ra sao. Năm 1989 người dân Leipzig đã tranh đấu chống lại nhà cầm quyền Cộng sản Đông Đức. Họ đã được đề cao là „những anh hùng của Leipzig“. Đúng vậy, vì họ đã phải tính đến trường hợp là sự dấn thân của họ cho tự do và dân chủ có thể phải trả bằng sức khỏe và mạng sống của chính mình. Chúng ta cần lưu ý rằng, nước ta không cần các anh hùng nữa. Đúng lẽ ra không cần thiết, khi đi xe điện ngầm phải quyết định là ta có nên làm người hùng hay không. Chúng ta phải gìn giữ các nơi công cộng chống lại những kẻ thù của dân chủ, chống lại bạo hành, hẹp hòi, bài ngoại và và kì thị. Việc này cần có tinh thần cảnh giác, tôn trọng lẫn nhau, thẳng thắn và can đảm. Trong chiều hướng này chúng ta cũng có thể học từ Leipzig. Thí dụ như ít năm trước đây nhân dân Leipzig nhờ có sáng kiến và cương quyết đã ngăn cản những cuộc biểu tình của những nhóm hữu cực đoan. Việc này đã được kính trọng và nhiều nơi bắt chước.

Ngày 9.10.1989 và 20 năm về sau nhân dân Leipzig đã chứng tỏ là, các công dân nam nữ ở đây có thể vận động thành công, nếu họ biết tự tin vào sức mạnh của mình, nếu họ biết kết hợp với nhau và xây dựng tiền đồ chung. Chúng ta hãy gìn giữ tinh thần này và để nó sống mãi trong chúng ta - ở Leipzig đây và ở tất cả mọi nơi trong tổ quốc tươi đẹp của chúng ta!




No comments:

Post a Comment