Wednesday, November 4, 2009

CSVN CHÚI ĐẦU VÀO CÁT ĐỂ KHỎI NHÌN THẤY BẾ TẮC

CHÚI ĐẦU VÀO ĐỐNG CÁT ĐỂ KHỎI NHÌN THẤY BẾ TẮC
Thông Luận
Đăng ngày 04/11/2009 lúc 00:00:00 EST
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4283
Trong tháng 10 vừa qua hai cuộc họp đáng lẽ rất quan trọng đã diễn ra một cách rất nghịch lý mà hầu như không ai để ý: hội nghị trung ương của đảng CSVN và khoá họp thường lệ của quốc hội.

Hội nghị Trung ương 11, khoá 10, của ĐCSVN diễn ra trong một thời điểm nghiêm trọng: chuẩn bị đại hội 11 vào giữa lúc mô thức kinh tế sao chép của Trung Quốc phải xét lại toàn bộ, sinh hoạt kinh tế xã hội bế tắc, nhiều vấn đề nghiêm trọng trì hoãn quá lâu đã đến lúc phải giải quyết. Thêm vào đó đảng hoàn toàn thiếu vắng những khuôn mặt lãnh đạo chấp nhận được cho đa số đảng viên, chưa nói tới lãnh đạo đất nước. Tuy vậy nó đã rất âm thầm, không có gì được thông báo cả ngoại trừ hai bài diễn văn khai mạc và bế mạc của tổng bí thư Nông Đức Mạnh và một bản thông báo hết thúc hội nghị.

Cả ba văn kiện này đều không nói gì cả, chúng đều là những tài liệu rỗng. Tuy vậy chúng vẫn tố giác sự bế tắc tuyệt vọng. Tổng bí thư Nông Đức Mạnh nói: "phải đánh giá đúng thành tựu, yếu kém, thực chất tình hình tư tưởng trong Đảng" và “ đề nghị các đồng chí phát huy tinh thần dân chủ, suy nghĩ độc lập và sáng tạo". Như thế có nghĩa là tư tưởng chính trị của đảng CS đang ở trong tình trạng rất bi đát đòi hỏi phải được xét lại triệt để. Nhưng ngay sau đó ông lại nhấn mạnh "phải kiên định chủ nghĩa xã hội; kiên định chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định vai trò lãnh đạo của Ðảng". Vậy thì xét lại cái gì? Suy nghĩ độc lập, sáng tạo ở chỗ nào? Những lời tuyên bố ngớ ngẩn một cách khôi hài như vậy của người lãnh đạo cao nhất ngay giữa một hội nghị trung ương đảng là một thú nhận hùng hồn rằng đảng cộng sản biết mình bế tắc nhưng không nhìn thấy giải pháp nào khác ngoài tiếp tục chúi đầu vào đống cát để khỏi nhìn thấy sự thực. Chúng đã không làm ai phì cười, vì không ai, kể cả đại đa số các đảng viên cộng sản, còn để ý đến những gì đến những gì mà lãnh đạo đảng nói và làm.

Kỳ họp quốc hội thứ 6, khoá 12, là một mẫu mực của sự vô duyên nhàm chán. Báo chí đưa tin đại biểu này kiến nghị, đại biểu kia đề nghị v.v. Nhất là "uỷ ban tài chính quốc hội dứt khoát đề nghị" giảm tỉ lệ bội chi ngân sách nhưng buổi họp đã "kết thúc sớm" sau khi ông bộ trưởng tài chính tuyên bố chính phủ vẫn bảo lưu ý kiến. Những sự kiện này chẳng ai để ý dù chúng rất kỳ cục: quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất, có quyền quyết định ngân sách, có cả quyền bổ nhiệm và bãi nhiệm chính phủ mà lại chỉ dám đề nghị và kiến nghị với chính phủ, và thôi họp khi chính phủ cho biết đã quyết định xong.

Người ta không để ý là đúng vì còn có những điều trâng tráo hơn nhiều. Khoá họp quốc hội này mở ra chỉ 11 ngày sau bốn vụ án chính trị thô bỉ trong đó chín công dân vô tội bị xử những án tù nặng một cách dã man chỉ vì treo những biểu ngữ kêu gọi bảo vệ sự vẹn toàn của lãnh thổ, chống tham nhũng và thực hiện dân chủ, những lập trường mà chính nhà nước cộng sản cũng đã nhiều lần phát biểu. Đây là một hành động chà đạp trắng trợn lên chính luật pháp và một sự thoá mạ đối với chính quốc hội, định chế trên danh nghĩa làm ra và bảo vệ luật pháp. Tuy vậy quốc hội đã không hề có phản ứng nào và cũng không hề có bất cứ một "đại biểu quốc hội" nào lên tiếng.

Không còn ai ngạc nhiên, dù để nổi giân hay phì cười, trước những sự kiện vô lý một cách khôi hài như vậy vì một lý do giản dị: sự ly dị giữa dân chúng và chính quyền đã toàn diện và tuyệt đối.

Các chính quyền bạo ngược đều giống nhau ở một điểm là chúng yên tâm khi người dân thờ ơ mà không cần biết rằng sự thờ ơ đó che giấu một căm thù đang sôi sục. Chúng đều đánh giá thấp nhân dân. Chúng cũng giống nhau ở một điểm khác là không hối tiếc sau đó, vì không kịp hối tiếc.

Thông Luận
© Thông Luận 2009



No comments:

Post a Comment