Tuesday, November 24, 2009

CA TRÙ HÀ NỘI

‘Bích Câu đạo quán’ và chiếu nhạc thân mật
Tĩnh Ka
23/11/2009 - 11:37
http://www.bayvut.com.au/nh%E1%BB%8Bp-s%E1%BB%91ng/%E2%80%98b%C3%ADch-c%C3%A2u-%C4%91%E1%BA%A1o-qu%C3%A1n%E2%80%99-v%C3%A0-chi%E1%BA%BFu-nh%E1%BA%A1c-th%C3%A2n-m%E1%BA%ADt
Trong một góc nhỏ của Hà Nội có Câu lạc bộ Ca trù hoạt động bền bỉ gần 20 năm. Ở đấy có nhiều nghệ sĩ trẻ, nghệ nhân già biểu diễn, hoạt động của họ đã âm thầm duy trì mạch chảy thân thuộc của văn hóa thủ đô.

Ca nương Bạch Vân say đắm đến tận cùng những ca từ của lời hát. (Tĩnh Ka)
http://www.bayvut.com.au/sites/default/files/imagecache/story_460/story-images/bichcau-231109.jpg

Táo bạo tại sao đi liền với ca trù?
Ý tưởng thành lập Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội của ca nương Bạch Vân có từ 19 năm về trước. Cô bảo: “Tôi là gái không chồng, trẻ tuổi, không phải là lãnh đạo, không phải là đảng viên, chỉ là công chức quèn của thành phố mà dám đứng ra xin thành lập một câu lạc bộ ca trù ‘tai tiếng’… Nói tai tiếng là bởi người ca nương (hát ca trù) có một thời bị coi là ‘gái’, xã hội đã không công nhận nó, điều đó khiến ca trù chết mấy chục năm ròng. Người ta không đồng ý cho thành lập câu lạc bộ, tôi bị phản đối ầm ầm.”
Thế là bao nhiêu công sức của Bạch Vân - xin giấy phép thành lập, đón nghệ nhân và khơi dậy trong lòng các cụ sự nhiệt tình với văn hóa dân tộc, để các cụ hát cho nghe và dạy cho hát trở lên công cốc. Cô toan nhảy lầu tự tử, có người níu cô lại, họ thấy cái quyết tâm của người đàn bà ‘đa đoan’ này lớn quá nên đành chấp thuận miễn cưỡng để Câu lạc bộ Ca trù ra đời vào năm 1991.
Bạch Vân hát, nhiều nghệ nhân già khác cũng hát, nhiều đoàn nghệ thuật quốc tế, khách trong nước cũng phải trầm trồ với hoạt động đều đặn bài bản của câu lạc bộ… Thế nhưng Bạch Vân “không làm ra tiền bằng ca trù” nên trong suốt 20 năm hoạt động, có lúc gặp khó khăn cô suýt phải bỏ lại đam mê ca trù.
Có nhiều người trẻ đến đây. Anh Quang đến vào một sáng Chủ Nhật đầu đông: “Lạnh thế này nghe ca trù mới thấm, nghe ca trù trong yên lặng khiến người ta chạm vào đáy cảm xúc của mình, khiến mình sâu sắc hơn”. Quang đã vượt ra cái lý do thông thường đến với ca trù của nhiều người trẻ - đến chỉ vì tò mò. Anh đến vì đã hiểu… Quang nói thêm khi thấy tôi nhìn sâu vào đôi mắt chăm chú của anh: “Đừng nhìn tôi lạ lẫm quá, tôi vẫn đi bar, vẫn đến sàn nhảy và vẫn nghe được ca trù.”

“Hát đắm say cho đứt ruột gan người”
Gặp cụ bà Nguyễn Thị Sinh, nghệ nhân 87 tuổi ở Bích Câu đạo quán, sau những câu hát đắm say cụ chia sẻ: “Mấy chục năm ròng người ta không hát ca trù, tôi tưởng mình cũng đã quên. Mãi sau này có Bạch Vân động viên tôi mới hát lại… Người nghe được ca trù cũng ít dần”.
Tôi đã từng đến câu lạc bộ vào những buổi tối thứ Bảy, vào những buổi tối có thêm hát văn, hát nói, chèo. Đôi khi khán giả chỉ có bốn người, trong khi nghệ sĩ, nghệ nhân có đến năm người. Bạch Vân vẫn ân cần hỏi han, cô hỏi các bạn hiểu đến đâu và yêu cầu hát bài gì? Bạch Vân mặc bộ áo màu trầu, nghệ sĩ chèo Minh Nguyệt mặc trang phục mớ ba mớ bảy, cụ nghệ nhân đàn đáy tên Hồng diện áo the, khăn xếp. Họ tươm tất trong bộ đồ biểu diễn, chú ý đến từng nét trên khuôn mặt để truyền cái đắm say đến người xem.
Bao giờ trước bàn thờ của Bích Câu đạo quán cũng có hai chiếc chiếu cói, một ấm trà xanh, khách đến thì chẳng kể sang hèn, già trẻ và đều chia chung không gian ấm áp ấy. Người đến với môn nghệ thuật mới được công nhận là di sản văn hóa thế giới này cũng thuộc nhiều tầng lớp. Trong cuốn sổ thành viên của câu lạc bộ, tôi thấy vô số những địa chỉ của sinh viên các trường Thủy lợi, Bách khoa, Báo chí... và rất nhiều những cái tên của người nước ngoài.
Có những khúc mà nghệ sĩ hát rất say mê, khi nhập tâm rồi ngay cả người nghe cũng thấy nó văng vẳng đâu đây:
“Giai nhân nan tái đắc
Trót yêu huê nên dan díu với tình
Mái Tây hiên nguyệt dãi chênh chênh
Rầu rĩ bấy xuân về oanh nhớ”.

Đúng là ca từ có vẻ rất khó hiểu nhưng khi đến nghe với sự dẫn dắt truyền cảm của người ca nương thì người ta sẽ thấy nó thật gần.

Truyền đi sự đam mê
Trương Thị Như Quỳnh là sinh viên năm cuối của khóa học Đạo diễn trường Sân khấu Điện ảnh. Bộ phim mà cô cùng nhóm bạn dựng trước khi tốt nghiệp liên quan đến ca trù. Một vài cảnh quay của bộ phim được Quỳnh và các bạn thực hiện ở Bích Câu đạo quán (Đống Đa - Hà Nội).
Bộ phim có thời lượng 10 phút xoay quanh câu chuyện về một chàng trai mê hát ca trù nhưng theo luật hát thì người ca nương không thể là nam. Chàng trai mới cải trang làm nữ và đi hát. Hát được một thời gian thì bị phát hiện… Kẻ say mê đến điên khùng ấy bị đánh một trận và thể xác của anh ta bị hằn lên từng vết tím tái, thế nhưng tâm hồn anh ta vẫn bị ca trù đeo đẳng, khi tỉnh dậy sau một trận đòn anh ta lại hát. Tiếng hát trong đau đớn làm nao lòng người xem cũng là hình ảnh khép lại bộ phim và gợi suy nghĩ cho người xem.
Quỳnh cho hay: “Sự thực thì nhiều bạn trẻ biết đến ca trù nhưng họ chưa có cơ hội để đam mê. Qua bộ phim tôi muốn dựng lại một không gian hoài cổ xa xưa, những luật lệ trong việc hát ca trù để có nhiều người biết đến môn nghệ thuật này. Sâu sắc hơn tôi muốn truyền đi sự tò mò đến đam mê đối với môn nghệ thuật này…”.




No comments:

Post a Comment