Saturday, November 7, 2009

BỨC TƯỜNG BERLIN - CÁI GIÁ CỦA TỰ DO

Kỷ niệm 20 năm Bức Tường Berlin sụp đổ – Cái giá của tự do
Lê Diễn Đức
07/11/2009 7:00 sáng

http://www.talawas.org/?p=12554

Phần I: Ngược dòng Lịch sử
Vào lúc 1 giờ 11 phút, sáng 13 tháng Tám năm 1961, người Nga và chính quyền Đông Đức đã ngăn chia châu Âu, nước Đức và thành phố Berlin bằng một vành đai “Vạn lý Tường thành”, đánh dấu giai đoạn khắc nghiệt mới của nhân loại sau Đệ nhị Thế chiến: thời kỳ chiến tranh lạnh giữa phe cộng sản và thế giới tự do.
Walter Ulbrich, Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Đông Đức (SED) trước đó đã đề nghị Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Nikita Chrushchev “cho thực hiện các biện pháp mạnh” nhằm ngăn chặn làn sóng chuyên gia giỏi chạy sang Tây Đức. Walter Ulbrich cũng giao cho Erich Honecker, ủy viên Trung ương Đảng (giữ chức Chủ tịch Đảng và Chủ tịch Hội đồng Nhà nước từ 1971 đến 1989) chỉ đạo kế hoạch mang tên “Vạn lý Tường thành Trung Hoa”. Ngày 5/08/1961, Moscow chấp thuận đề nghị của Đông Berlin. Chrushchev tuyên bố bãi bỏ hoàn toàn “con đường chạy trốn tiện lợi” qua Tây Berlin.
Trong một đêm, hơn 50 ngàn người Đông Đức làm việc ở phía Tây thành phố bị khoanh giữ lại trên phần đất xã hội chủ nghĩa.
Sau 28 năm, vào ngày 9 tháng 11 năm 1989 bức tường bị sụp đổ, mở đường tái lập nước Đức, thống nhất châu Âu và đào huyệt cáo chung hệ thống cộng sản tồn tại suốt hơn 70 năm siêu thực và đẫm máu.

“Freedom is not free”
“Chúng tôi, dân chúng Berlin, ngày hôm nay là những người hạnh phúc nhất thế giới” – Thị trưởng Berlin Walter Momper đã nói như thế trong ngày 9/11/1989.

Berlin ngày 10/11/1989 - Ảnh: PWN
http://www.talawas.org/wp-content/uploads//2009/11/MurBerlin_1-391x400.jpg

Lúc bấy giờ máy bay của Tây Đức chưa được phép đậu trên đất Berlin, Thủ tướng Đức Helmut Köhn bỏ dở chuyến công du Ba Lan, lập tức bay qua Hamburg, kịp về Berlin vào ngày 10, trước khi kết thúc cuộc vui mừng của dân chúng trước Schöneberg City Hall. Người ta ôm nhau, nhảy múa, ca hát. Rượu sâmpanh Đông Đức “Khăn quàng đỏ” (Rotkäppchen) nổ liên hồi và bắn lên trời thành vòi đan chéo nhau. Xe hơi “Trabant” tràn đầy trên các đại lộ. Những hình ảnh này được truyền đi khắp thế giới. Không ai biết cái gì sẽ tiếp tục, nhưng đều chung cảm tưởng rằng, một điều gì đó vĩ đại của lịch sử đã xảy ra.
Kể cũng nên nhắc lại chiếc xe hơi hiệu “Trabant”, biểu tượng của “chủ nghĩa xã hội hiện thực” trên đất nước Cộng hòa Dân chủ Đức.

Trabant 601 Combi - Ảnh: Wikimedia
http://www.talawas.org/wp-content/uploads//2009/11/Trabant601Combi-400x253.jpg

“Trabant” là loại xe rẻ và nhỏ, đạt tốc độ tối đa 125 km/giờ, tiếp tục cải tiến từ model P-70 cũ, được sản xuất trong những năm 1957-1991 tại nhà máy Automobilwerk VEB Sachsenring, ở Zwickau. Từ năm 1955, lần đầu tiên thân xe “Trabant” được làm bằng hợp chất dẻo với tác dụng chống ăn mòn, chịu lửa tốt, có độ nóng chảy gần với độ nóng chảy của nhôm. Ngược lại, khi bị đụng mạnh, xe có thể dễ dàng vỡ toang như một thứ đồ chơi bằng nhựa. Tên “Trabant” được gọi chính thức vào năm 1957 với model P-50, chào mừng Liên Xô phóng thành công vệ tinh đầu tiên “Sputnik” lên quỹ đạo trái đất.
Cấu trúc của “Trabant” được thay đổi theo thời gian, có lúc bắt chước cả dáng xe “Ford” Mỹ. Các phiên bản “Trabant” cuối cùng được sản xuất vào 1990-1991. Tổng số xe “Trabant” xuất xưởng là 3.051.485 chiếc, trong đó tại thời điểm thống nhất nước Đức có khoảng 2 triệu chiếc. Chính nhờ “Trabant” mà Đông Đức được xem là nước cơ giới hóa nhất trong khối phương Đông (năm 1989 tính ra cứ 4 người có 1 xe).
Ở Ba Lan người ta gắn cho “Tranbant” những nhãn hiệu hài hước khác nhau: “Sputnik bốn bánh”, “Ford Các-tông”, “Đòn thù của Honecker”, “Hộp đựng xà phòng”… Rất nhiều chuyện tiếu lâm về “Tranbant”. Ví dụ, “Cần bao nhiêu người để sản xuất Trabant? – Hai người! Một người giữ, một người dán”; “Ôi, khoa học chính xác của Đức! Trước khi cung cấp xe thực, họ gửi cho tôi cái mẫu bằng nhựa”; “Ông bán cho tôi 60 mét băng keo – Một người nói trong trong hiệu thuốc. – Chỉ cần 40 mét là đủ ông ạ. Tôi cũng có Trabant mà!”; hoặc “Tại sao dưới kính hậu của Trabant được lắp hệ thống sưởi? – Để tay không bị cóng khi đẩy xe”; v.v…
Người ta giữ bí mật thời điểm đóng cửa thành phố Berlin đến giờ chót. Mặc dù các thành viên của Liên minh Quân sự Vác-sa-va được thông báo, nhưng chỉ lãnh đạo Liên Xô và một số ít ủy viên Bộ chính trị đảng Cộng sản Đông Đức nắm được ngày cụ thể.
Đại diện các đảng anh em được mời ăn tiệc vào tối thứ Bảy và lúc đó họ mới thực sự biết rằng, kế hoạch được xúc tiến vào ngày Chủ nhật. Trong ngày này dân chúng không đi làm, sẽ không tạo ra phản kháng tập thể. Chính quyền Đông Đức chỉ chọn những người có vợ con làm công việc lắp đặt bức tường với mục đích đảm bảo họ không chạy trốn.
Bức tường chia Berlin ngăn phía Tây Brandenburg của Đông Đức dài 155 km, trong đó có 107 km tường bê tông, phần còn lại là giây kẽm gai và tường của các ngôi nhà dọc biên giới.
Trong 28 năm tồn tại, bức tường đã trở thành cái nền vĩ đại cho các tác phẩm hội hoạ dân gian, nghiệp dư cũng như chuyên nghiệp và là đề tài của văn hóa, nghệ thuật. Năm 1984, trong một cuộc thi tại Berlin, nữ nghệ sĩ, tiến sĩ mỹ thuật trường phái khái niệm Ba Lan Ewa Partum, trưng bày tác phẩm “Ost-West Schatten” (Bóng Đông-Tây). Đó là tấm hình chụp tác giả đứng khỏa thân phía bên Tây, đi giày cao, dang hai tay với chữ O (trong lòng bàn tay phải) và chữ W (trong lòng bàn tay trái), minh họa sự trâng tráo, lộ liễu và đầy ô trọc của bức tường mà con người tạo nên. Khi bức tường bị phá bỏ, chính quyền sử dụng xà bần để xây dựng đường phố, một số mảnh có các hình vẽ được đưa vào bảo tàng và tặng khách nước ngoài. Những miếng nhỏ được người ta bày bán như món hàng lưu niệm. Hiện 1200 mét tường được giữ lại, gọi là “East Side Gallery”.

Tác phẩm "Ost-West Schatten" của nghệ sĩ Ewa Partum - Ảnh: Ewa Partum
http://www.talawas.org/wp-content/uploads//2009/11/EwaPartum-400x208.jpg

Hàng ngàn binh lính của hai bên canh giữ bức tường, riêng phía Đông được bổ sung thêm cả ngàn con chó, cùng các bãi mìn trên vùng đệm gọi là “vùng đất cháy”, cách chân tường từ 30 đến 100 mét. Bắt được một người chạy trốn, tùy theo cấp bậc, nhà nước Đông Đức thưởng 150 đến 1000 đồng Mác Đông Đức, quà cáp, cho đi nghỉ phép và cả huy chương.
Công việc canh giữ tường khá nguy hiểm, vì thế để không bị điều động làm nhiệm vụ này lính Đông Đức phải chạy chọt hoặc có ưu đãi. Ai từ chối lệnh sẽ bị đưa đi trại tù khắc nghiệt nhất ở Bautzen. Thông tin của Đông Đức cho biết có 25 lính biên phòng bị “bọn đế quốc” bắn chết. Tuy nhiên, theo hồ sơ được bạch hóa sau này, chính những đồng đội của họ đã bắn lúc chạy trốn hoặc để cứu người vượt biên, chỉ một vài trường hợp súng bắn từ phía Tây.
Bức tường và biện pháp cai quản được củng cố liên tục từ năm 1962 đến 1975. Vào năm 1975 bức tường được hiện đại hóa với “thế hệ 3”, có chiều cao 3,6 mét, rộng 1,5 mét, chân tường nằm sâu dưới đất 2 mét, bao gồm 45 ngàn tấm bê tông cốt thép, chi phí mất 16 triệu Mác Đông Đức. Không loại xe hơi nào có thể ủi sập được nó.
Hệ thống trang thiết bị điện cảm tự động bắn vào bất cứ mục tiêu di động nào dọc tường thành được nhà cầm quyền Đông Đức tháo bỏ năm 1984, đổi lại hai khoản tiền lớn vay của Tây Đức.
Hai năm đầu bức tường Berlin được kiểm soát rất nghiêm ngặt. Vào mùa lễ Chúa Giáng sinh năm 1963, Đông Đức cho phép công dân từ phía Tây sang thăm gia đình. Chỉ từ ngày 19 tháng 12 đến ngày 5 tháng 1 đã có khoảng 1,2 triệu người Tây Đức nhận được giấy phép qua cửa khẩu, mỗi người phải đổi bắt buộc 10 Mác Tây Đức (DM) sang Mác Đông Đức và không được mang trở lại. Đến năm 1966 đã có 5 lần như vậy, nhưng sau đó ngưng lại do hai bên không đạt được thỏa thuận. Từ tháng 7 năm 1972 việc thăm viếng được nối lại từ từ. Trong giai đoạn 1972-1989 có từ 2 đến 2,4 triệu người Đức từ Tây sang Đông thăm thân, để lại số tiền khổng lổ cho “thiên đường cộng sản”.
Tại Berlin hiện nay có bức tượng tưởng nhớ cái chết của Peter Fechter. Chàng trai trẻ sau khi tốt nghiệp đại học ở Đông Berlin xong muốn trở về với gia đình ở Tây Berlin. Ngày 17/08/1962, vượt qua được tuyến phòng vệ đầu tiên, anh bị phát hiện. Lính biên phòng nhả đạn vào lưng và bụng anh. Bi kịch xảy ra gần Check-Point-Charlie, cửa ngõ Đông Tây dành cho người nước ngoài và binh lính đồng minh. Biên phòng Đông Đức chờ lệnh cấp trên, bỏ mặc chàng trai bị thương chảy máu cho đến chết trước con mắt của hàng ngàn người Đức và lính Mỹ tập trung phía bên Tây. Ai cũng biết rằng, lính Mỹ phải dằn nỗi đau, giữ dòng máu lạnh trong những trường hợp như vậy để người Nga không tạo cớ rút các cam kết trách nhiệm chung, tức là sự kiểm soát của đồng minh đối với Berlin.
239 người chết vì vượt tường trái phép theo thống kê chính thức, nhưng người ta cũng nói đến con số không chính thức vào khoảng 800. Người Đông Đức đã vận dụng vô số cách khác nhau để ra khỏi “biên giới hòa bình chống phát xít”: theo đường cống ngầm, bằng xe hơi, khí cầu, cho đến đánh đu theo giây cáp nối cửa sổ các ngôi nhà gần nhau. Những dụng cụ này giờ đây được trưng bày tại bảo tàng không xa Check-Point-Charlie.
Nạn nhân đầu tiên của cuộc vượt tường là Rudolf Urban, bị chết do nhảy từ cửa sổ trên đường phố Bernauer Straße trong ngày 19/08/1961. Một ngày sau đó, bà Ida Siekmann, 58 tuổi, chết vì bị chấn thương nặng, cũng do nhảy từ của sổ xuống mái dù của binh lính phía bên kia. Sau các biến cố này, Đông Đức cho bịt hết cửa sổ lầu một của các ngôi nhà dọc biên giới.
Lính biên phòng Đông Đức nổ súng vào người chạy trốn lần đầu vào ngày 24/08/1961, còn người chết vì đạn bắn đầu tiên là Bernd Lünser, trong ngày 4/10, cũng tại đường phố Bernauer Straße. Chris Gueffroy là người bị bắn chết cuối cùng vào ngày 5/02/1989, hai tuần trước khi nhà cầm quyền Đông Đức hủy bỏ lệnh bắn người vượt tường. Nhưng nạn nhân cuối cùng lại là Winfried Freudenberg. Một tháng sau đó, khí cầu bay do anh tự thiết kế đã nổ tung, vĩnh viễn phá tan giấc mơ nhìn thấy tự do của mình, mặc dù xác anh rơi xuống khu Zehlendorf, thuộc đất Tây Berlin.
Nguời ta ước tính trong 28 năm có khoảng 40 nghìn người chạy trốn. Giống như vào những năm 80 có chiến dịch “bán bãi đổi vàng” “vượt biên bán chính thức” ở Việt Nam, dịch vụ chuyển người sang phía Tây trở thành mối lợi lớn của xã hội đen cũng như của nhà nước cộng sản Đông Đức.
Hãng Aramco của Thụy Sĩ lấy 20 – 25 ngàn DM cho một đầu người (được giảm nếu đi cả gia đình). Gần 400 công dân của Đông Đức đã tìm được tự do nhờ Aramco. Chủ nhân Aramco bị bắn chết năm 1979 tại dinh thự riêng. Người ta nghi ngờ có bàn tay dính máu của Stasi. Những công ty dịch vụ như Aramco không ít.
Các nhà ngoại giao, chủ yếu những người có cương vị cao thuộc Thế giới Thứ Ba, tận dụng quyền ưu đãi miễn trừ để chở khách trong cốp hành lý với giá hàng chục ngàn Mác mỗi người. Ước tính có hàng ngàn người đã vượt qua Tây Berlin theo phương pháp này. Nhà cầm quyền Đông Đức có lần tóm quả tang ngài đại sứ nước Cuba anh em. Ông ta định chở hai phụ nữ với giá 50 ngàn DM. Ngài đại sứ bị trục xuất về nước nhưng không ai biết số phận ông ta ra sao.
Dịch vụ buôn bán tự do của Đông Đức phát triển từ năm 1963, khi lần đầu tiên nhà cầm quyền nhận được số tiền đáng kể nhờ phóng thích ba tù nhân chính trị qua phía Tây. Thấy có thể khai thác dịch vụ béo bở này dễ dàng, các nhà lãnh đạo Đông Đức đưa ra tín hiệu rằng, họ có thể trả tự do thêm nhiều tù nhân nếu được nhận khoản tiền thích ứng. Ban đầu giá một tù nhân 40 ngàn DM, sau tăng lên 100 ngàn DM, có thể trả bằng hàng hóa. Người ta nói rằng, Honecker đã đặc biệt quan tâm tới thương vụ này và cho tăng danh sách tù nhân chính trị vô tội vạ nhằm thu được nhiều tiền nhất từ Tây Đức. Trong một số trường hợp Cộng hòa Liên bang (CHLB) Đức đã bị lừa, thay vì tù chính trị thì bị đánh tráo tù hình sự. Trong cuốn sách “Check-Point-Charlie và bức tường Berlin”, Werber Sikorski và Rainer Laabs viết rằng “vì lợi ích của công việc, Chính phủ Liên bang không làm ầm ĩ chuyện này”.
Tổng số tù nhân CHLB Đức mua lại của Đông Đức là 33.755 người. Hai ngàn trẻ em bị giữ lại Đông Đức vì lý do an ninh được trả lại cho bố mẹ và 250 ngàn trường hợp sum họp gia đình. Tây Đức đã bỏ ra cho dịch vụ này 3,5 tỷ DM và ngây thơ tin rằng, dù sao tiền sẽ giúp cho việc cải thiện đời sống của người dân Đông Đức. Khi bức tường sụp đổ, nghiên cứu các tài liệu lưu trữ, người ta mới té ngửa rằng, phần lớn số tiền dùng để nuôi dưỡng tầng lớp đặc biệt của đảng qua việc cung cấp hàng hóa sang trọng cho đặc khu ở Wandlitz. Một phần khác dành hỗ trợ cho đảng cộng sản ở Tây Đức, cho tình đoàn kết với Nicaragoa, mua 160 xe hơi Citroën loại sang cho các vị lãnh đạo đảng và chi cho lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Cộng hòa Dân chủ Đức. ■

Warsaw, 1/11/ 2009

Phần II: Bão táp của khát vọng tự do – Tất cả bắt đầu từ Ba Lan – 20 năm vết thương chưa lành.

Chú thích: Bài viết cho nhật báo Người Việt – © 2009 Người Việt


No comments:

Post a Comment