Monday, November 2, 2009
BỒI BÚT và TƯ DUY BỆNH HOẠN
Tà khí từ một bài viết kiểu bồi bút và một lối tư duy bệnh hoạn!
Nguyễn Chính
Bài này được đăng lúc 06:40 ngày Thứ Hai, 02/11/2009
http://bauxitevn.net/c/16052.html
Thứ bảy. Tôi buộc phải vục dậy, khi nghe tiếng chuông điện thoại đổ liên hồi. Mới bảnh mắt mà không biết “bố” nào đã réo rồi. Vừa áp máy vào tai, đã nghe oang oang: “Chú hả ! Tìm đọc ngay bài của Lã Thanh Tùng, rồi tra từ điển xem “bồi bút” nghĩa là gì. Làm báo, viết văn như thế thì đúng là…. thì khác gì…. (ông văng tục một hồi). À này! Nhớ lên mạng xem luôn cả bài “Hoàng Sa – Trường Sa là bãi hoang chim ỉa ư ?” [*] nữa. Đúng là bệnh hoạn, bệnh hoạn”. Rồi ông giận dữ dập máy cái rụp, như thể tôi cũng là cái thứ “báo mít” “văn xoài”, hay đồng chí “củ đậu” mà ông không tiếc lời phỉ nhổ vậy. Vâng! Với tôi, ông là người bạn vong niên rất đáng kính, tuổi lớn hơn tôi đến cả một con Giáp.
Thưa bạn đọc! Chẳng phải tra từ điển làm gì. Cái gọi là “bồi bút” thì ông bạn vong niên của tôi biết. Tôi biết. Bàn dân thiên hạ ai mà chả biết. Khác chăng chỉ là ở cách gọi, được người đời phân định rất rạch ròi: anh “bồi bàn”; chị “bồi bếp” và thằng “bồi bút”, thứ “bồi bút”, lũ “bồi bút” v.v… Vào năm 1964, vì lý tưởng cao đẹp về một chế độ dân chủ, văn minh, một Tổ quốc Việt Nam muôn năm Độc lập, quyết không hèn nhát quỳ gối bợ đỡ ngoại bang, anh Nguyễn Văn Trỗi đã phải chấp nhận ra pháp trường. Khi ấy, trong bài thơ “Hãy nhớ lấy lời tôi” (TH) có câu “ bầy giết thuê và lũ viết thuê”.
Nhớ lời cổ nhân “biết thì thưa thốt…”, nên khi dư luận cả nước xôn xao về đại dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên, tôi đã vừa thận trọng, vừa cần mẫn “dựa cột” lắng nghe, bắt đầu từ ý kiến của Cụ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tiếp đến là những bài viết, những ý kiến phản biện đầy tâm huyết của các nhà khoa học chuyên nghành, của giới trí thức trong và ngoài nước, v.v. Nhờ vậy mà cái đầu ngu lâu, u tối của tôi mới được sáng ra rằng, nếu không kịp thời ngăn chặn, thì đất nước hiện tại và muôn đời con cháu mai sau sẽ nguy khốn về mọi mặt, bởi cái đại dự án khai thác bauxite này. Cho nên, để khỏi bị coi là kẻ “ăn cháo, đá bát”, uổng phí đồng tiền thuế mà người dân đang phải oằn lưng đóng góp nuôi mình, đến đâu, gặp ai, tôi cũng cố gắng lan tỏa những gì mình đã được các nhà khoa học khai sáng, về tác hại khôn lường của cái dự án đó. Biết đến đâu nói đến đấy. Chứ nào có dám như một ông Tiến sỹ chăn nuôi nọ, mới hiểu biết lởm khởm mà đã vội phát ngôn lăng nhăng về dự án nhà máy điện hạt nhân. Còn với bài viết “Bauxite … và những điều khác” của ông nhà văn Lã Thanh Tùng, thì… thôi rồi (xin lỗi), đọc xong tôi đã phải mấy lần chạy vội vào nhà vệ sinh, để xả cho kỳ hết, cho thật sạch những tà khí bốc ra từ hơi văn của nhà văn họ Lã này. Thảo nào mà mới bảnh mắt, ông bạn vong niên của tôi đã nổi giận đùng đùng, phỉ báng không tiếc lời như vậy. Tôi gọi cho một người bạn cũng trong giới nhà văn ở Sài Gòn, anh ta bảo “mình đọc rồi, chấp gì cái thứ đã ếch ngồi đáy giếng mà còn làm bồi ấy. Có bài của anh Vũ Ngọc Tiến đập lại rồi, cậu vào các trang blog sẽ thấy các comment người ta chửi còn hơn chửi chó, nhục đến nước có lẽ phải độn thổ”.
Đúng là, bài “Bauxite… đôi điều thưa lại …” của Nhà văn Vũ Ngọc Tiến tuy ngắn gọn, nhưng đã phân tích khá đầy đủ rồi, tôi chẳng cần phải viết gì thêm nữa. Chỉ dám băn khoăn cùng nhà văn Vũ Ngọc Tiến rằng, trong cái đại dự án khai thác bauxite ấy, ngoài tay nhà văn họ Lã kia, còn bao nhiêu là đám “bồi” các loại, các kiểu từ “thượng tầng kiến trúc, đến hạ tầng cơ sở” đã bao giờ chịu mở mắt ra đâu. Cứ như là nước đổ lá khoai, nước đổ đầu vịt. Khi lá khoai chưa bị bứng đi cái gốc thối, đầu vịt chưa bị nhúng vào nước sôi, thì vẫn hũ nút lắm, đen tối lắm.
Sang đến chuyện “bãi chim ỉa…”. Tôi đã phải đọc đi, đọc lại nhiều lần bài viết “Hòang Sa – Trường Sa là bãi chim ỉa ư?” của nhà thơ Thanh Thảo. Đọc, để cố hình dung ra phản ứng của những người có mặt ở cái cuộc họp chi bộ ấy thế nào, khi “Náo đồng chí, Chi ủy viên” dám phát ngôn vừa vô văn hóa, vừa vô chính trị, vừa phản động, vừa sặc mùi nô dịch, cam chịu như vậy? Có chấp nhận được chăng, khi mà nhiều thế hệ cha, ông chúng ta đã đổ biết bao máu xương để quyết giữ bằng được chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa – phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc? Có chấp nhận được chăng, khi mọi con dân nước Việt bất kỳ ở đâu, đều luôn luôn và mãi mãi tâm niệm, khắc cốt ghi tâm, rằng Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam? Khi mà từ người dân thường đảo Lý Sơn đến tập thể các nhà khoa học lịch sử, đang bằng tất cả tâm huyết và trí tuệ, cùng những chứng cứ đanh thép của mình, để quyết chứng minh với thế giới về chủ quyền bất khả tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo này? Lời phát ngôn vô liêm sỉ và nhục nhã như thế của “Náo đồng chí Chi ủy viên” ngay tại một cuộc họp chi bộ cơ sở của ĐCS VN, mà những đồng chí khác chẳng lẽ lại im lặng?
Không! Dứt khoát không thể im lặng. Cái lối tư duy bệnh hoạn đó, dù có ở bất cứ ai, bất cứ tổ chức, đảng phái chính trị, tôn giáo, đoàn, hội nào, đều phải bị đập tan và triệt hạ ngay. Vâng! Hãy nhớ lời Nguyễn Văn Trỗi “Việt Nam muôn năm”. Và, hãy nhớ lời của Trung tướng Nguyễn Văn Hiến, Phó Đô đốc, Tư lệnh Quân chủng HQVN dặn các thế hệ con cháu phải luôn nhớ nằm lòng “Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam” .
Vâng ! “Đừng đùa với Nhân Dân!”, thưa nhà thơ Thanh Thảo. Để góp phần với đồng bào cả nước và kiều bào ta ở khắp thế giới cùng nhau đoàn kết, lập tức chôn sống ngay cái tư duy “chim ỉa” này, xin được dẫn lời ông bạn vong niên của tôi, khi ông phẫn nộ quát lên: “Đất của tổ tiên bị ngoại bang nó ăn cướp mà lại là bãi chim ỉa à? Chim ỉa ngay vào cái mỏ thối của thằng cha láo khoét, bệnh hoạn đó…”.
Còn với nhà văn họ Lã, khi đã “tháo” ra được hết những tà khí trong bài viết “Bauxite… và những điều khác ” của ông ta, tôi chợt nghĩ rằng, quỹ thời gian của một đời người thật ngắn ngủi. Ai cũng phải có một nghề để sống, để tồn tại. Nếu đã chọn nghề viết văn, thì cây bút chính là sự nghiệp cả đời, nặng lắm, vác cho trọn vẹn suốt hành trình đâu có dễ. Và đây, lời của một lão nông vùng Tiền Hải – Thái Bình, nơi mà đến tận bây giờ vẫn như còn nghe rùng rùng từng hồi trống giục thủa tối đen. Đại ý, lão khuyên những người cầm bút, rằng: Hãy hành nghề một cách trung thực, tử tế, bản lĩnh, có chính kiến, tránh xa sự giả dối và mọi thứ tiền bạc cùng những thứ vật chất bất minh, để trọn đời cầm bút, không bao giờ biến thành bồi bút.
NC
HC Mạng Bauxite Việt Nam biên tập
[*] Theo yêu cầu của ông Tống Văn Công, bài này đang tạm rút xuống. Xin xem ở đây (Bauxite Việt Nam)
-----------------------------------------
Tiếng nói phê bình nóng bỏng: Bauxit Tây Nguyên đôi lời thưa lại…
Hoàng Sa, Trường Sa là bãi hoang chim ỉa ư?
No comments:
Post a Comment